VnReview
Hà Nội

Đánh giá Fujifilm X-T30: khắc phục được điểm yếu cố hữu của Fujifilm

Không có nhiều thay đổi về kiểu dáng so với người tiền nhiệm X-T20 nhưng X-T30 lại được tập trung nâng cấp đáng kể về phần cứng bên trong với các công nghệ vốn chỉ có trên dòng cao cấp X-T3 từ hệ thống lấy nét đến cảm biến ảnh.

Fujifilm X-T30, mẫu máy ảnh mirrorless mới nhất của hãng máy ảnh Nhật Bản vừa chính thức cập bến thị trường Việt Nam. Đây có thể coi là một phiên bản nhỏ gọn và có giá bán thấp hơn của dòng máy cao cấp X-T3.

Mức giá chính thức của Fujifilm X-T30 tại Việt Nam là 21,99 triệu đồng cho riêng thân máy. Nếu mua kèm ống Kit XC 15-45mm, giá sẽ là 24,99 triệu đồng và mua kèm ống Kit XF 18-55mm, giá sẽ là 31,99 triệu đồng.

Với mức giá này, X-T30 sẽ cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Sony A6400 cũng vừa được ra mắt tại Việt Nam. Mức giá của Sony alpha A6400 là 22,99 triệu đồng cho riêng thân máy. Nếu mua kèm ống kit SELP 16-50mm, giá sẽ là 25,99 triệu đồng và mua kèm ống kit SEL 18-135mm, giá là 32,99 triệu đồng.

Thiết kế cổ điển đặc trưng, nhiều vòng xoay nút bấm tiện lợi nhưng báng cầm hơi nhỏ

Từ trước đến nay, các máy ảnh mirrorless của Fujifilm vẫn nổi tiếng bởi thiết kế hoài cổ đặc trưng tựa như các máy ảnh chụp phim và X-T30 vẫn tiếp tục phát huy truyền thống đó. Thừa hưởng gần như toàn bộ kiểu dáng của chiếc X-T20 từ các đường nét vuông vắn, khỏe khoắn, cách phối màu, bọc da hay hàng loạt vòng xoay, nút bấm, tất cả tạo nên cho X-T30 kiểu dáng retro độc đáo trong làng mirrorless.

Ngay khi cầm trên tay, có thể cảm nhận ngay sự chắc chắn, cứng cáp của phần khung làm bằng hợp kim ma-giê. Các vòng xoay, nút bấm đều được chăm chút, kỹ lưỡng với độ nhạy cao, êm mượt. Duy chỉ có phần báng là hơi nông khiến việc cầm máy dễ bị hụt tay. Nếu như hầu hết các hãng máy ảnh khác đều cố gắng tinh giản các vòng xoay trên các mẫu mirrorless của mình và hướng người dùng chuyển sang màn hình cảm ứng thì Fujifilm lại hoàn toàn ngược lại.

Hãng cố gắng nhiều bố trí nhiều vòng xoay nhất có thể dù thân máy nhỏ gọn, và với những người đã thuần thục với máy ảnh, đây quả thực là tính năng đáng giá. Tôi có thể tinh chỉnh rất nhanh các thông số quen thuộc như ISO, tốc độ, khẩu độ, bù sáng, chuyển đổi giữa các chế độ chụp mà không phải mất công mò mẫm trong "ma trận" menu. Các vòng xoay trước sau còn nhấn xuống được để biến thành các nút 2 trong 1, chỉ với một lần nhấn là có thể tinh chỉnh 2 thông số khác nhau, rất tiện lợi. Việc cầm máy trong thời gian dài để thao tác không hề gây mỏi nhờ trọng lượng nhẹ nhàng chỉ khoảng gần 4 lạng.

Tất nhiên, nếu là người mới chuyển từ smartphone sang, bạn có thể thấy hơi rối và Fujifilm cũng rất chu đáo trang bị chế độ Full Auto với chỉ một nút gạt để bạn thảnh thơi ngắm chụp.

Thay đổi lớn nhất trên X-T30 đến từ mặt sau. 4 nút điều hướng dạng vòng tròn truyền thống được thay thế bằng cần joystick. Trang bị mới này giúp việc chuyển điểm nét, di chuyển trong menu nhanh hơn, mặt trông thoáng hơn nhưng cũng phải hy sinh những nút bấm tùy chỉnh nhanh như hai thế hệ trước. Dù vậy, cách bố trí phím Q chuyên để truy cập vào nhanh vào các thông số chụp lại chưa hợp lý khi nằm ngay trên phần gờ phía sau, rất dễ vô ý bấm nhầm.

Một nâng cấp đáng giá khác trên X-T30 là cổng USB-Type C chuẩn 3.1 Gen1, loại kết nối đang rất phổ biến hiện nay nhờ ưu điểm không lo cắm ngược, tích hợp được cả âm thanh, hình ảnh, năng lượng chỉ với 1 sợi cáp. Bản thân Fujifilm cũng sử dụng luôn cổng kết nối này để sạc pin trực tiếp mà không dùng đến bộ sạc pin rời.

Nhờ cổng USB-Type C, bạn có thể dùng chung củ cáp với điện thoại để sạc pin, chép ảnh ra máy tính hoặc dùng với pin dự phòng rất tiện lợi. Tôi đã thử với giắc chuyển Type C sang 3.5mm của chiếc Bphone 3 để cắm tai nghe và X-T30 hoạt động hoàn toàn ổn định. Đây sẽ là tính năng rất cần thiết cho những ai hay quay video. Tuy nhiên, không hiểu sao máy lại dùng cổng mic 2.5mm thay vì cổng 3.5 phổ biến hơn. Bạn sẽ phải mua thêm giắc chuyển để gắn thêm mic rời.

Màn hình trên X-T30 với kích thước 3 inch, độ phân giải 1.04 triệu điểm ảnh cho chất lượng tốt, sáng rõ, sắc nét, màu sắc trung thực, nhìn tốt ngoài nắng. Màn hình này hỗ trợ các thao tác cảm ứng đa điểm để chọn điểm nét, xem ảnh, phóng to thu nhỏ, lựa chọn các thiết lập khá mượt mà. Các thao tác lật lên xuống để chụp ở các góc khó như thấp ngang hông, sát đất hay cao quá đầu đều trơn tru nhưng tiếc là máy không hỗ trợ lật xoay hay lật đứng để tiện hơn cho việc chụp selfie hay quay vlog.;

Ống ngắm điện tử (EVF) kích thước 0.39 inch, 2.36 triệu điểm ảnh sử dụng công nghệ OLED, độ phóng đại 0.62x mang tới chất lượng ấn tượng, màu sắc sống động, tương phản, chi tiết cao, hiển thị mượt mà nhờ tần số quét 100Hz. Kích thước hợp lý mang tới trải nghiệm ngắm chụp dễ chịu. Cảm biến tiệm cận tự động chuyển giữa màn hình và ống ngắm hoạt động thông minh, không bị tự tắt màn hình khi để máy ngang bụng như một số mẫu mirrorless của Canon.

Tốc độ lấy nét nhanh nhẹn, khử nhiễu tốt, chất ảnh giả lập màu phim độc đáo

Về thông số, X-T30 sử dụng cảm biến crop APS-C X-Trans CMOS độ phân giải 26,1 megapixel giống X-T3 và bộ xử lý X-Processor Pro 4 có tốc độ nhanh gấp 3 lần so với model trước đó. Cảm biến BSI cũng giúp máy hoạt động tốt hơn ở điều kiện ánh sáng yếu. ISO mở rộng của máy có thể lên tới 51.200.

Nâng cấp đáng kể nhất của X-T30 là hệ thống lấy nét tự động 2,16 triệu điểm theo pha, độ phủ 100% khung hình. So với X-T3, chiếc X-T30 thậm chí còn có tốc độ lấy nét nhanh hơn nhờ được trang bị firmware mới nhất trong khi X-T3 sẽ phải chờ nâng cấp trong thời gian tới.

Lấy nét tự động trước đây vốn là nhược điểm của các dòng máy Fujifilm, đặc biệt ở cấp thấp. Tuy nhiên, trên X-T30 đã có sự tiến bộ rất rõ về khả năng bắt nét, đặc biệt với các chủ thể với chi tiết nhỏ hoặc khi thiếu sáng. Trong suốt quá trình đánh giá, tôi sử dụng X-T30 với 2 ống kính XF18-55mm f / 2.8-4 R LM OIS và mẫu ống kính mới XF 16mm f/2.8 R WR. Máy đều cho tốc độ lấy nét rất tốt với cả 2 ống kính, đặc biệt là khả năng nhận diện khuôn mặt, nhận diện mắt tốt hơn hẳn so với hai thế hệ trước, bám nét chuẩn xác kể cả khi mẫu đã quay mặt đi hay đang di chuyển với tốc độ cao.

Cảm biến và chip xử lý mới giúp Fujifilm X-T30 có lợi thế lớn về khả năng xử lý nhiễu so với X-T20. Model mới giúp người chụp tự tin đặt ISO Auto tối đa lên tới 3.200 hoặc 6.400 khi muốn ưu tiên chụp nhanh. Nhiễu hạt được xử lý tốt, chi tiết vẫn hiện rõ và màu sắc lên đúng ở hai mức ISO này. Chất ảnh của Fujifilm có ưu điểm thường tôn da người, phù hợp với chụp chân dung. 

Với máy ảnh Fujifilm, không thể không nhắc đến các bộ lọc màu giả phim. Dù có nhiều chế độ nhưng Vivid là bộ lọc được sử dụng nhiều nhất. Ở điều kiện đủ sáng, đặc biệt là ngoài trời, chế độ màu này tăng sắc độ ảnh tự nhiên, giúp các bức hình có thể chia sẻ ngay trên mạng xã hội mà không cần thêm phần mềm chỉnh sửa nào. Ngoài ra, các bộ lọc Classic Chrome và đặc biệt là chế độ giả lập phim điện ảnh Eterna/Cinema mới xuất hiện trên X-T30 cũng rất đáng để bạn dùng thử.

X-T30 vẫn sử dụng viên pin cùng loại với chiếc X-T3 và thực tế cho thấy máy cho thời lượng pin khá tốt. Tôi hoàn có thể chụp từ 500 đến 800 shot mà máy vẫn còn từ 2 đến 3 vạch pin. Máy có chế độ tăng hiệu năng Performance Boost để tăng tốc độ lấy nét và độ mượt của ống ngắm điện tử nhưng lúc này pin sẽ tụt khá nhanh.

Tổng kết

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt đối thủ, nhất là những cái tên sừng sỏ như Canon hay Nikon, Fujifilm vẫn biết tìm cho mình một lối đi riêng, thuyết phục được những người dùng ưa thích nét cổ điển, hoài cổ. Có thể thấy X-T30 đã tận dụng và kế thừa gần như toàn bộ sức mạnh của những "đàn anh" đi trước như X-T20 và X-T3, tạo nên một chiếc mirrorless tầm trung vừa mạnh mẽ, vừa bắt mắt.

Thế mạnh của X-T30 là khả năng lấy nét nhanh nhẹn, khắc phục gần như triệt để nhược điểm cố hữu trên các máy Fujifilm. Hệ thống nút bấm, vòng xoay tiện lợi giúp thao tác thuận tiện, khả năng khử nhiễu tốt. Máy cũng có nhiều trang bị hiện đại như cổng USB Type C có thể sạc luôn bằng pin dự phòng, hỗ trợ xuất âm thanh, cần joystick đa năng.

Điểm cần cải tiến của X-T30 là phần báng cầm khi hiện nay kích thước quá nhỏ, gây khó thao tác nếu cầm bằng một tay. Màn hình lật xoay cũng chưa linh hoạt, bất tiện khi selfie hoặc quay vlog. Cổng mic 2.5mm không phổ biến, cần thêm giắc chuyển đổi.

Thành Đạt

Chủ đề khác