VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh máy ảnh full-frame Sony Cyber-shot DSC-RX1

Chiếc máy ảnh full-frame Cyber-shot DSC-RX1 có phải là một chiếc máy ảnh tuyệt vời không? Có, câu trả lời là "có, chắc chắn là có". Tuy vậy, câu hỏi thực sự đáng quan tâm ở đây là: với mức giá 2800 USD, cao gấp đôi các máy APS-C, DSC-RX1 có thật sự là một khoản đầu tư xứng đáng?

1

Với CNET, câu trả lời vẫn là "có". Trước hết, phải nói rõ rằng RX1 mang một số điểm yếu như: không có ống ngắm tích hợp sẵn, nút chuyển chế độ lấy nét và nút quay phim hơi khó sử dụng khi đeo găng tay, ống kính đòi hỏi phải điều chỉnh liên tục khi lấy nét bằng tay, chế độ lấy nét tự động không được ổn định (và đôi khi gây khó chịu cho người dùng), và thẻ nhớ SD bị để vào cùng một chỗ với khe để pin. Tuy vậy, chất lượng ảnh chụp của RX1 là cực kỳ tuyệt vời, ống kính của máy có chất lượng rất cao, thiết kế chắc chắn nhưng không kém phần tiện dụng và hấp dẫn khiến cho các điểm yếu trở nên mờ nhạt. Do đó, nếu như bạn có đủ tiền, và nếu như chất lượng ảnh chụp là yếu tố cân nhắc đầu tiên của bạn, RX1 hoàn toàn xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra.

Trong khi RX1 không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, có rất nhiều mẫu máy APS-C ở dưới tầm giá của RX1 có thể đe dọa đến dòng sản phẩm này, ví dụ như Fujifilm X100S, Leica X2 và Nikon Coolpix A. Ngoài ra, cũng có thể kể đến những mẫu máy kích cỡ nhỏ nhưng giá "khủng" (cùng với ống kính có thể thay đổi được) như Leica M9 hoặc M9-P, hoặc một sản phẩm khác của Sony: RX100 với giá mềm hơn cùng cảm biến cỡ nhỏ hơn (nhưng vẫn có chất lượng rất tốt). Sony đã nhấn mạnh rằng Leica là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất đối với RX1, nhưng do Leica không hề có một chiếc máy full-frame cỡ nhỏ có ống kính không thay đổi được tiêu cự (fix lens), RX1 có một vị trí khá an toàn trên thị trường.

Một chiếc cảm biến full-frame có kích cỡ tương tự như một bản phim 35mm. Thông thường, các cảm biến lớn hơn sẽ hấp dẫn hơn do 2 lý do chính: chúng có các vùng nhạy sáng (photosite) lớn hơn trên mỗi pixel đối với cùng một độ phân giải và chúng tạo ra khả năng tùy biến vùng ảnh rõ (depth of field – DOF) tốt hơn tại cùng một tiêu cự. Các photosite lớn hơn cho độ nhạy sáng tốt hơn và khả năng lưu trữ lại các chi tiết tốt hơn – tức là chúng sẽ tạo ra các bức ảnh chất lượng cao hơn. Về DOF, tại cùng một khoảng cách tới mẫu vật, ví dụ f/2 tại 35mm sẽ tạo ra một nền mờ hơn trên cảm biến full-frame so với cảm biến APS-C.

2

So sánh kích cỡ cảm biến của RX1 và các sản phẩm khác

Cấu hình

·;        Cảm biến: Exmor CMOS 24,3MP

·         Vi xử lý: BIONZ

·         Ống kính: Carl Zeiss Lens - 35 mm - F/2.0

·         Flash: Pop-up

·         Ống ngắm: không đi kèm máy (FDA-EV1MK, giá 450 USD)

·         Màn hình: LCD 3inch

Chất lượng hình ảnh

Các bức ảnh đến từ RX1 đều rất đẹp, và giữ nguyên chất lượng ngay cả ở ISO 1600. RX1 sử dụng cùng một cảm biến và engine xử lý hình ảnh với SLT-A99 (và máy quay NEX-VG900), các con chip có diode ảnh lớn hơn và kính tích hợp trên chip tốt hơn so với các sản phẩm cũ. Vi xử lý mới của RX1 sử dụng công nghệ giảm nhiễu mới nhất của Sony.

4

7

Sự kết hợp giữa cảm biến full-frame, ống kính tốt và khả năng xử lý JPEG tốt giúp tạo ra các bức ảnh rất trong ở ISO 800, khá tốt ở ISO 1600 và đủ tốt ở ISO 3200. Việc chụp JPEG ở ISO 6400 trở lên đem lại kết quả không tốt cho lắm. Bạn có thể gặp phải hiện tượng nhiễu khi chụp RAW trên ISO 1600, tuy vậy một số bức RAW ở ISO 12800 vẫn là khá tốt.

6

Nhưng bí quyết thực sự của RX1 là chiếc ống kính được bao phủ Zeiss T*. Ống kính này đem lại độ nét rất tốt, ảnh chụp ở f/2 có chất lượng nét tốt như f/8. Ảnh ở f/22 có phần mịn hơn các khẩu độ khác, nhưng không quá rõ rệt. Chiếc ống kính này có 9 lá khẩu tạo ra bokeh rất đẹp, và việc kết hợp giữa xử lý nhiễu tốt cộng với ống kính tạo ra sự chuyển đổi giữa vùng nét và vùng ngoài nét khá dễ chịu, ngay cả với các bức ảnh có ISO vào tầm giữa. Bạn sẽ gặp phải hiện tượng méo góc rộng như các ống kính 35mm thông thường, song hiện tượng nhòe màu (chromatic aberration) chỉ là rất ít ở 4 góc khi chụp ở f/2.

5

Bokeh

Chiếc máy ảnh này có khả năng tự động cân bằng sáng rất tốt ngay cả trong những điều kiện không lý tưởng, nhưng giống như hầu hết các mẫu máy ảnh khác của Sony, RX1 có profile mặc định (Creative Style) tạo ra các màu tối trông rất khó chịu. Bạn nên chuyển sang Neutral Creative Style để khắc phục điểm yếu này.

3

Hiệu năng

Hiệu năng của RX1 nằm vào mức trung bình – cho dù máy hoạt động nhanh hơn nếu bạn lấy nét bằng tay thay vì lấy nét tự động. Thời gian bật máy, lấy nét và chụp là 2,3 giây. Khoảng thời gian chờ khá dài này là do ống kính hoạt động chậm và bạn phải đợi máy khởi động xong mới có thể nhấn cò (với nhiều mẫu khác bạn có thể nhấn cò trong khi máy đang khởi động). Trong cả điều kiện tối và sáng, máy mất 0,7 giây để lấy nét và chụp – khá chậm nếu xét tới mức giá của máy. Có vẻ như vấn đề là hệ thống AF phải hoạt động nhiều trước khi khóa nét, do đó, một bản cập nhập firmware có thể giải quyết được điều này. Tuy vậy, thời gian giữa 2 lần chụp liên tiếp là khá tốt: chỉ 0,3 giây cho cả JPEG và RAW. Khi bật đèn flash, con số tăng lên 1,7 giây. RX1 có thể chụp liên tiếp với tốc độ 2,6 khung hình/giây, sau 17 bức RAW và 22 bức JPEG thì bộ nhớ đệm sẽ bị đầy. Các thông số này là khá tốt, song cũng không phải là tuyệt vời.

8

Từ trên xuống: thời gian từ lúc khởi động tới lần chụp đầu tiên, thời gian giữa 2 bức RAW, thời gian giữa 2 bức JPEG, thời gian từ lúc đóng cửa trập tới lúc lưu ảnh (tối), thời gian từ lúc đóng cửa trập tới lúc lưu ảnh (sáng)

Việc tự động lấy nét trong video hoạt động khá yên tính, song lại khá chậm – một hiện tượng không đáng ngạc nhiên cho lắm. Mặt khác, việc lấy nét bằng tay là khá vất vả: bạn phải quay focus ring 5 lần để có thể đi từ tùy chỉnh thấp nhất tới cao nhất. Đây là một điều bắt buộc cho các ống kính cơ tĩnh như ống kính của RX1, trái ngược với các ống kính cơ động thông thường.

Thời lượng pin của RX1 là khá ngắn, và khi bạn gắn ống ngắm điện tử đi kèm vào thì thời lượng pin còn bị giảm hơn nữa. Màn hình LCD của RX1 (cùng một loại với RX100) không cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa chế độ chất lượng cao và bình thường. RX1 sạc pin qua USB, và không tương thích với tất cả các loại sạc USB có mặt trên thị trường (ví dụ như có tương thích với sạc Samsung song lại không tương thích với sạc LG). Do đó, bạn có thể vẫn phải mang theo thêm một bộ sạc nếu sử dụng RX1 – tùy vào các thiết bị khác của bạn là gì. Ngoài ra do sạc bằng USB và thời lượng pin ngắn bạn khó có thể sử dụng RX1 khi đang sạc pin dự phòng. Dĩ nhiên, bạn có thể mua một chiếc sạc ngoài.

Thiết kế và tính năng

Cho dù có kích cỡ khá nhỏ - nếu so với các camera full-frame khác, RX1 không hề nhẹ. Với cân nặng khoảng 0,5 kg, RX1 nặng gần bằng các máy dSLR phổ thông. Lý do là máy được thiết kế sử dụng hợp kim ma giê. Một điểm Sony lẽ ra có thể làm tốt hơn là trang bị cho RX1 khả năng chống chọi thời tiết tốt hơn. Phần trước và sau máy có một lớp cao su giúp chống trơn trượt, song nếu được trang bị một tay nắm bên ngoài người dùng sẽ có thể cầm RX1 một cách thoải mái hơn. Sony bán ra một tay nắm khá đắt (250 USD) giúp bạn có thể giữ chắc máy với ngón tay cái của mình, song tay nắm này lại che mất nút playback và bánh xe điều khiển.

13

Phía trên của camera là các nút xoay điều chỉnh độ phơi sáng và nút xoay lựa chọn chế độ (bao gồm chế độ tự động, bán tự động và bằng tay, một chế độ quay phim riêng, cùng 3 chỗ trống để người dùng có thể lưu các tùy chỉnh riêng của mình). Ở bên cạnh nút chụp của máy có một nút có thể lập trình được. Hotshoe (phần gắn đèn flash) của RX1 sử dụng kết nối mới của Sony.

10

Ở mặt sau, có một nút xoay điều chỉnh và có một nút xoay có thể tùy chỉnh (tương tự như NEX), bên cạnh nút khóa AE. Nút Fn cho phép mở ra tất cả các tùy chỉnh chụp hình cần thiết nhất. Trong số các tùy chỉnh này, có một số tùy chỉnh thường không có mặt trên các máy ở tầm giá này như Skin Effect (hiệu ứng da), Smile/Face detection (tự động nhận diện khuôn mặt) và tự động đặt khuôn hình chân dung. Dĩ nhiên, người dùng có thể đặt máy vào chế độ hoàn toàn tự động, song nếu muốn làm như vậy thì bạn nên mua RX100 để tiết kiệm tiền. Ở ngoài cùng bên phải là một nút record (quay phim) rất nhỏ - rất khó sử dụng khi đeo găng tay hoặc trong trời lạnh.

11

11

Ống kính của RX1 có 3 vòng xoay điều khiển: một vòng xoay khẩu độ (f2 – f22), một vòng xoay cho phép chọn 2 khoảng lấy nét (0,2m – 0,35m và 0,3m – vô cùng), cùng vòng lấy nét (focus ring). Vòng xoay khẩu độ đem lại cảm giác rất tuyệt vời: vòng xoay này có lực cản vừa phải và tạo ra tiếng click khi bạn xoay.

12

Ở mặt trước của RX1 là một nút xoay cho phép chọn giữa tự động lấy nét, lấy nét bằng tay và chế độ DMF của Sony (lấy nét bằng tay với lấy nét tự động khi nhấn cò không hết cỡ).

14

Mặc dù vòng xoay khẩu độ khá "hoài cổ", phong cách mà Sony sử dụng trên RX1 là phong cách hiện đại. Về mặt chức năng, RX1 có giao diện y hệt như các máy dSLT của Sony.

Ống ngắm điện tử gắn ngoài trị giá 450 USD của RX1 có kích cỡ lớn và hoạt động rất tốt. Ống ngắm này tỏ ra đặc biệt hữu dụng khi quay video. Tính năng quay video của RX1 có điểm trừ là không hỗ trợ peaking khi lấy nét bằng tay.

16

Trong khi có rất nhiều tính năng để điều chỉnh khi sử dụng chế độ chụp hình bằng tay, RX1 không hỗ trợ các tính năng phụ trợ như Wi-Fi hoặc GPS. Cộng với việc RX1 không đi kèm một ống ngắm tích hợp, có thể nói RX1 không có được số lượng tính năng tương ứng với mức giá của mình.

Kết luận

Nếu như bạn đang tìm một chiếc máy ảnh thân liền cho chất lượng hình ảnh tốt nhất, RX1 là sản phẩm dành cho bạn. RX1 tạo ra độ nét tự nhiên tốt hơn cả các cảm biến X-Trans của Fujifilm X100S, và cũng tạo ra màu sắc tốt hơn. Ngoài ra, ống kính Zeiss của RX1 tốt hơn rất nhiều so với các sản phẩm của Fujifilm. Tuy vậy, xét tới mức giá khá cao của sản phẩm và các linh kiện đi kèm, nếu bạn muốn tiết kiệm, bạn nên chọn các model APS-C có giá mềm hơn.

Lê Hoàng

Chủ đề khác