VnReview
Hà Nội

Đánh giá Microsoft Surface Duo: nhân đôi màn hình, gấp đôi rắc rối

Microsoft có ý tưởng tốt, nhưng phần mềm đầy lỗi cùng camera với chất lượng không thể chấp nhận được đã phá hỏng mọi thứ.

* VNReviews xin chuyển ngữ bài đánh giá Surface Duo của The Verge để các bạn theo dõi.

Microsoft Surface Duo là một thiết bị khác biệt so với bất kỳ món đồ công nghệ nào bạn từng sử dụng. Bạn có thể tưởng nhầm nó là một chiếc điện thoại hay một chiếc tablet cỡ nhỏ, nhưng thực ra, nó chưa hẳn là điện thoại, chưa hẳn là tablet, mà là một thứ gì đó vượt ngoài khuôn khổ của cả hai.

Khi đóng máy lại, bạn chẳng thấy màn hình hay camera nào. Nó như một phiên bản điện tử của cuốn sổ tay mà bạn thường nhét vào túi quần sau. Khi mở ra, bạn có hai màn hình đặt cạnh nhau, hoặc một màn hình tựa lưng vào màn hình còn lại. Và như một cuốn sổ, cảm giác cầm máy có phần tự nhiên hơn so với khi cầm một chiếc điện thoại hình chữ nhật thông thường: bạn đặt nó trên tay, hai màn hình hơi gập lại thành hình chữ V hướng về phía bạn, như một cuốn sổ.

Trong sử dụng thực tế, những gì bạn có thể làm được trên Surface Duo, bạn cũng làm được trên chiếc smartphone hay tablet hiện có. Chiếc smartphone của bạn chắc chắn sẽ chụp ảnh đẹp hơn, và chiếc tablet thì chẳng hề có khoảng hở ngay giữa màn hình. Nhưng điều khiến Surface Duo khác biệt chính là cách bạn làm mọi thứ: rất độc đáo. Đôi lúc, Surface Duo cho phép bạn thực hiện những tác vụ mà bạn có lẽ sẽ phát cáu khi thực hiện trên những thiết bị khác.

Và Microsoft ra giá 1.399 USD cho Surface Duo bản thấp nhất. Xét những tính năng của Duo so với các điện thoại khác, đây là một mức giá quá cao. Và thậm chí sau vài tuần sử dụng, bạn sẽ nhận ra rằng thiết bị này không thực sự giúp bạn làm việc với năng suất cao hơn một chiếc điện thoại màn hình đơn thông thường là bao. Thứ nó mang lại cho bạn chỉ đơn giản là "cảm giác" về mặt tinh thần: bạn thường cảm thấy như thể mình làm việc năng suất hơn với khả năng đa nhiệm của Duo. Chấm hết.

Bạn nghĩ "cảm giác" đó đáng giá bao nhiêu?

Phần cứng Surface Duo

Surface Duo là một sản phẩm có thiết kế đẹp. Mỗi millimet của nó đều được chải chuốt tỉ mỉ - dù đôi lúc sự chải chuốt đó hơi quá đà, dẫn đến những thoả hiệp không đáng có.

Điều quan trọng nhất cần biết về phần cứng của Duo là độ dày của nó: 4,8mm khi mở ra, và 9,9mm khi đóng lại - vừa đủ để biến nó thành một thiết bị đậm chất công thái học và có thể nhét vừa túi quần của bạn. Dù có hai màn hình và hai viên pin, Duo cũng tương đối nhẹ, chỉ 250g.

Sự mỏng và nhẹ của Surface Duo là hai yếu tố cơ bản góp phần tạo nên sức lôi cuốn của nó. Chưa kể Microsoft quyết định không trang bị cho Duo màn hình bên ngoài, cũng như không có cụm camera lồi nào, vừa đảm bảo độ mỏng và cảm giác cầm nắm thoải mái, vừa gửi đi một tín hiệu rằng đây là một loại thiết bị không giống bình thường.

Thao tác mở và đóng thiết bị như một cuốn sách mang lại cảm giác khác biệt cơ bản so với thao tác mở khoá một chiếc smartphone. Nó buộc bạn phải thay đổi suy nghĩ khi sử dụng máy. Dụng ý của Microsoft là khuyến khích bạn dùng máy có chủ đích và ngưng dùng cũng có chủ đích.

Bản lề của Surface Duo có thể nói là kinh điển. Nó xoay một vòng 360 độ để bạn gập một trong hai màn hình ra sau và dùng máy như một chiếc điện thoại truyền thống. Hoặc bạn có thể dựng một màn hình lên, và nó sẽ giữ cố định trong khi bạn thực hiện cuộc gọi video. Bản lề này rất chắc chắn nhưng không thô cứng, và sự tỉ mỉ trong thiết kế đã giúp khoảng hở giữa hai màn hình được thu nhỏ đến mức tối thiểu.

Bề mặt trước và sau của Surface Duo đều được phủ kính - cả hai mặt trước và hai mặt sau, nếu nói một cách chính xác. Những mặt kính này kẹp giữa một dải kim loại, cũng là nơi chứa cổng USB-C nhưng không có jack headphone - có lẽ máy quá mỏng nên không đủ không gian cho jack này. Bạn cũng sẽ thấy các nút điều chỉnh âm lượng, nút nguồn, và cảm biến vân tay, thứ lẽ ra nên được tích hợp vào nút nguồn nhưng không phải.

Không có gì là hoàn hảo. Nếu bạn nhìn rất gần, bạn sẽ thấy bản lề hơi bất đối xứng, và nó còn hơi lồi ra dọc phần đỉnh và đáy. Microsoft tặng kèm hai miếng ốp nhựa, giúp tăng cảm giác cầm nắm thiết bị và hạn chế bớt những góc khá sắc ở rìa máy. Màu sắc ở hai màn hình cũng có sự khác biệt rất nhẹ - cân bằng trắng của màn hình bên trái dường như hơi ám đỏ, nhưng bạn sẽ không nhận ra cho đến khi đọc sách Kindle với độ sáng màn hình hạ xuống thấp.

Nhưng đó không phải là điểm trừ lớn về phần cứng. Điểm trừ lớn ở đây là viền trên và dưới của màn hình OLED kép kích thước 5.6-inch. Chúng khá lớn, và có lẽ là một trong những thoả hiệp phải chấp nhận để đảm bảo độ mỏng cho Duo. Đừng lo, bạn sẽ sớm quen với nó thôi.

Ngoài điều đó ra, màn hình Surface Duo có chất lượng tốt. Chúng dễ đọc dưới trời nắng, mật độ điểm ảnh dày, và có góc nhìn tốt. Nếu bạn có Surface Pen, nó sẽ hoạt động được trên màn hình này. Tuy nhiên, chúng không có tần số làm tươi cao, vốn là tính năng ngày càng phổ biến trên các điện thoại giá hơn 1.000 USD.

Hai màn hình của Duo cũng rộng hơn một chút so với các smartphone thời gian qua. Chúng có tỉ lệ 4:3, góp phần khiến bạn không thể dùng máy với một tay kể cả khi đã gập lại một nửa. Các ứng dụng của bạn cũng sẽ trông và có cảm giác hơi giống như các cửa sổ trên déktop.

Nhiều thứ khác cũng bị hi sinh để đảm bảo độ mỏng của máy: NFC, sạc không dây, pin dung lượng cao, khả năng mở rộng bộ nhớ, 5G, và những thông số hiện đại hơn như vi xử lý nhanh hơn và nhiều RAM hơn. Máy chỉ có một loa đơn với chất lượng không tốt lắm. Tất cả những thứ mà bạn kỳ vọng sẽ thấy trên một chiếc điện thoại ở mức giá này đều bị hi sinh, bởi Surface Duo nào phải một chiếc điện thoại - nó là một thứ gì đó hoàn toàn khác.

Android của Microsoft

Microsoft có lẽ đã quá tham lam với phần mềm trên Surface Duo. Phiên bản phần mềm nguyên gốc họ gửi đến các reviewer chứa đầy lỗi. Chưa đầy một tuần trước, công ty tung ra một bản cập nhật phần mềm - chính là phiên bản được cài sẵn trên các thiết bị được bán ra thị trường - giải quyết một lượng kha khá lỗi nói trên.

Nhưng một số lỗi vẫn còn đó. Có vài vấn đề với ứng dụng camera như tình trạng giật, lag và... chụp hụt, cũng như các lỗi ngớ ngẩn khác như bàn phím đột nhiên xuất hiện chẳng vì lý do gì.

Khá ngạc nhiên khi một trong những vấn đề với Surface Duo không phải là sự tệ hại của các ứng dụng Android dành cho tablet. Bởi số lượng tablet Android trên thị trường hiện rất ít ỏi, nhiều nhà phát triển quyết định không tạo ra những phiên bản phần mềm tối ưu cho tablet, khiến các nhà sản xuất không hào hứng với tablet Android, và vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.

Đa dạng ứng dụng là một vấn đề mà Microsoft đã hiểu quá rõ từ thất bại của Windows Phone. Do đó, một trong những điều thông minh nhất mà MIcrosoft đưa ra khi thiết kế phần mềm cho Surface Duo là không biến nó thành một chiếc tablet. Thay vào đó, bản chất của Duo đúng như tên gọi của nó: hai màn hình điện thoại để chạy hai ứng dụng cạnh nhau.

Trên Surface Duo, bạn có thể dễ dàng làm điều đó bằng cách bấm vào biểu tượng ứng dụng bạn muốn trên mỗi màn hình và sử dụng chúng cạnh nhau. Rất đơn giản và rất tuyệt vời.

Một trong những thứ giúp bạn làm việc hiệu quả trên laptop là các cửa sổ ứng dụng, cho phép dễ dàng tra chéo thông tin và theo dõi được một ứng dụng trong khi chuyển sang một ứng dụng khác. Hay bạn cũng có thể di chuyển các nội dung từ một cửa sổ này sang cửa sổ khác mà không phải thực hiện quá nhiều thao tác trên giao diện.

Mọi nỗ lực nhằm tạo ra trải nghiệm tương tự trên điện thoại của các nhà sản xuất cho đến nay đều thất bại. Trên Duo, mọi chuyện trở nên khả quan hơn bởi bạn có thể dễ dàng mở từng ứng dụng trên mỗi màn hình. Microsoft trang bị cho Duo khả năng kéo và thả giữa các ứng dụng, nhưng bạn sẽ mất một lúc mới làm quen được thao tác, và tính năng này cũng chỉ hoạt động với vài ứng dụng mà thôi - dù sao thì thao tác sao chép và dán cũng hoạt động ổn.

Bản lề máy cho phép bạn sử dụng hai màn hình của Duo theo nhiều kiểu khác nhau. Có một chế độ gọi là "lều" để xem phim, chế độ màn hình đơn, chế độ bàn phím lớn, và chế độ toàn màn hình. Ở chế độ toàn màn hình, hầu hết các ứng dụng sẽ...quên mất sự tồn tại của khoảng hở giữa hai màn hình, do đó nội dung đang hiển thị sẽ bị chia đôi một cách kỳ quặc, hoặc thậm chí là bị cắt mất và tan biến vào hư không giữa hai màn hình OLED.

Ứng dụng Kindle là một ví dụ xuất sắc cho việc biến khoảng hở thành lợi thế: mỗi bên màn hình sẽ trở thành một trang sách, và bạn có thể cầm Duo như một cuốn sách nhỏ. Nhưng ngoài Kindle ra, những ứng dụng duy nhất tận dụng được điều đó là ứng dụng của Microsoft. Cụ thể nhất là Outlook: bạn có danh sách email ở màn hình bên trái và email ở màn hình bên phải. Nhấn nút forward, email gốc sẽ chuyển sang trái và toàn bộ màn hình bên phải trở thành cửa sổ soạn thảo email mới. Có nghĩa là bạn sẽ không phải liên tục cuộn lên và xuống để xem và trả lời từng vấn đề trong một email nữa.

Chế độ bàn phím lớn cũng khá thú vị. Nếu bạn xoay Duo thành một góc 90 độ trong khi đang đặt con trỏ trong vùng soạn thảo, màn hình dưới sẽ tự động biến thành bàn phím còn màn hình chính sẽ chuyển sang hiển thị toàn màn hình. Nó cho phép bạn thấy những gì đang gõ trên một không gian lớn hơn, và mang lại cho bạn một bàn phím thực sự lớn để gõ nhanh hơn.

Nhưng để các ứng dụng nằm vào đúng vị trí mong muốn đối với từng chế độ là điều không hề dễ dàng, bởi bản chất của Android là một hệ điều hành dành cho các thiết bị màn hình đơn. Và đó là nguồn cơn của đại đa số lỗi xuất hiện trong quá trình sử dụng. Thật đáng tiếc bởi những lỗi này là hệ quả của việc Microsoft tuỳ biến Android nhằm mang lại trải nghiệm đa nhiệm thực thụ. Microsoft đã chọn một trong những con đường khó khăn nhất khi quyết định tuỳ biến Android theo ý mình, nhưng đó là con đường đúng đắn mà họ phải đi.

Không như Samsung, LG, và các hãng khác vốn đã có kinh nghiệm với các thiết bị Android màn hình kép và màn hình gập, Microsoft tìm cách tạo ra một hệ thống đa nhiệm khác biệt hoàn toàn so với giao diện truyền thống của Android.

Dù nhiều nhà sản xuất vẫn kiên định với các nút bấm, Android hiện nay đã chuyển sang thao tác vuốt từ dưới lên để truy xuất đến các thành phần chính của hệ thống như giao diện đa nhiệm, home screen, và ngăn kéo ứng dụng. Microsoft tận dụng hệ thống này và tuỳ biến nó mạnh hơn nữa. Bạn có thể vuốt lên để hiển thị cửa sổ ứng dụng và kéo nó xung quanh hai màn hình để đặt nó vào một trong những chế độ hiển thị nói trên.

Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng việc nhớ phải vuốt kiểu gì để thực hiện thao tác gì tuỳ thuộc vào bối cảnh là một điều khó khăn. Đôi lúc một cú vuốt sẽ mở ra giao diện đa nhiệm, đôi lúc nó đưa bạn ra home screen, đôi lúc nó hiển thị app drawer, đôi lúc nó kéo một ứng dụng sang màn hình khác nếu bạn canh góc chuẩn xác. Chưa kể nếu bạn dùng Duo theo chiều dọc, thì hướng vuốt từ dưới lên nay biến thành vuốt từ cạnh sang. Bạn cuối cùng cũng sẽ học được cách sử dụng Duo nhuần nhuyễn, nhưng sẽ không ít lần nổi cáu vì Duo làm điều gì đó không đúng chủ đích của bạn, hoặc đột nhiên giật lag khi bạn đang tìm cách đặt một cửa sổ ở đâu đó trên màn hình.

Trên Surface Duo, bạn sẽ có một hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đồng nhất, trực quan, gồm Outlook, Office, Your Phone, OneNote, OneDrive... Microsoft không ép bạn phải sử dụng chúng nếu không muốn. Google Search vẫn là mặc định thay vì Bing. Gmail vẫn ở đó phòng khi bạn cần đến. Vân vân và vân vân.

Nói đến Google, sẽ chẳng oan ức khi nói rằng một số vấn đề xảy ra trên Duo là do bản thân Android. Google đã mạnh miệng quảng cáo sẽ hỗ trợ cho các thiết bị màn hình gập từ nhiều năm qua, nhưng họ chẳng thể giúp các tablet Android đạt được thành công. Kết quả là Android vẫn không sẵn sàng cho các thiết bị như Surface Duo và Galaxy Z Fold 2 của Samsung.

Nhìn chung, vẫn có những lúc bạn cảm thấy như có thể làm được rất nhiều thứ trên Duo so với trên các điện thoại khác. Và rồi khi thời gian dần trôi qua, bạn bắt đầu nhận ra rằng mình đã đòi hỏi quá nhiều.

Camera

Camera của Surface Duo là đồ bỏ đi.;

Bạn có thể thích thú với những tính năng nhỏ nhặt như cân bằng màu tốt, hay khả năng vừa chụp ảnh trên một màn hình, vừa xem ảnh trên màn hình còn lại. Nhưng chúng chẳng bù đắp được sự thật rằng camera của Surface Duo là một thứ rác rưởi.

Có lẽ camera là một thứ nữa mà Microsoft phải thoả hiệp để đổi lấy độ mỏng nhẹ cho Surface Duo. Có lẽ cảm biến 11MP kia là thứ tốt nhất họ có thể đưa vừa vào bộ khung siêu mẫu của máy. Nhưng nếu Google Pixel 4A đã chứng minh được điều gì, thì đó là phần mềm tốt có thể cho ra được những tuyệt phẩm mà chỉ cần phần cứng tầm trung.

Đáng buồn thay, người dùng Surface Duo phải đau đầu nghĩ xem làm sao để dùng camera của máy. Bởi nó được đặt bên trong, phía trên một trong hai màn hình, việc chụp ảnh selfie rất dễ dàng. Mở camera, chụp một bức ảnh... Microsoft thậm chí còn tích hợp một chế độ chân dung với chất lượng hình ảnh đủ dùng trong điều kiện ánh sáng tốt - nhưng đủ dùng ở đây là theo các tiêu chuẩn của năm 2018.

Nếu bạn muốn chụp ảnh người khác, bạn phải xoay màn hình kia lại để biến nó thành viewfinder. Nhưng khi bạn làm điều đó, 50% khả năng viewfinder sẽ hiển thị nhầm bên, và bạn phải xoay lật đủ kiểu, bấm đủ chỗ, cho đến khi Duo đưa viewfinder về đúng nơi cần hiển thị. Sau quy trình đầy bực bội đó, bạn sẽ có được những bức ảnh nhoè nhoẹt, đầy nhiễu hạt, và bị thiếu sáng. Một mớ hổ lốn. Chưa kể ảnh chụp còn bị delay, tức bạn nhấn nút chụp một lúc ảnh mới được chụp!

Thành thật mà nói, camera này lẽ ra nên được đưa vào một chiếc điện thoại giá 300 USD. Còn Surface Duo có giá đến 1.400 USD cơ đấy?

Microsoft nên gọi nó là webcam thì hợp lý hơn, và nó sẽ là một cái webcam tuyệt vời. Bạn có thể dựng màn hình Duo lên và thực hiện một cuộc gọi video mà không phải cầm máy trên tay. Và bạn thậm chí có thể vừa chơi game trên màn hình bên dưới, vừa họp hành qua Zoom trên màn hình chính nữa. Nói vậy thôi, đừng làm thử nhé.

Cấu hình và hiệu năng

Surface Duo có cấu hình đã lỗi thời. Nó sử dụng vi xử lý Snapdragon 855 từ năm ngoái, và không có 5G. Tuy nhiên, Microsoft đã tinh chỉnh con chip này đôi chút. Họ cho biết đã hợp tác với Qualcomm để tối ưu hệ thống đa nhiệm của mình trên 855. Thời lượng pin của máy cũng khá tốt, dù rằng hai viên pin của Surface Duo kết hợp lại chỉ đạt mức 3.577mAh mà thôi. Bạn có thể dùng máy suốt cả ngày chỉ với một lần sạc, và thời gian chờ thì chỉ có thể miêu tả bằng từ "xuất sắc".

Nếu phải phàn nàn điều gì về cấu hình, thì đó là Duo chỉ có 6GB RAM. Đó là mức RAM khá nhiều với một chiếc điện thoại Android trung bình, nhưng không đủ để giữ các ứng dụng mở lâu dài trong quá trình đa nhiệm. Nó cũng không đủ để hai ứng dụng chạy cùng lúc mà không khiến một trong hai bị giật - mà bạn biết rồi, điểm ăn tiền của Surface Duo là nó có thể chạy hai ứng dụng cùng lúc mà!

Đó là một ví dụ khác cho thấy Surface Duo không xứng đáng với giá bán - chuẩn mực của các thiết bị Android giá 1.000 USD là RAM 8Gb, 10GB, và thậm chí là 12GB, chứ chưa nói đến mức giá 1.400 USD. Chiếc Pixel 4A cũng có 6GB RAM như Duo, trong khi giá bán chỉ...350 USD.

Kết

Surface Duo tìm cách để trở thành một loại thiết bị mới - không phải điện thoại, không phải tablet, mà là một thứ gì đó ở giữa. Thực ra tham vọng này nghe cũng khá quen thuộc. Khi Steve Jobs giới thiệu iPad, ông từng nói: "Câu hỏi được đặt ra gần đây là: liệu có thị trường cho một thiết bị ở giữa? Một thứ giữa laptop và smartphone?..."

Chắc chắn Microsoft không kỳ vọng Duo sẽ có được thị trường lớn như iPad. Nhưng mặc cho đầy lỗi, nó quả thực đã thể hiện bản thân như một loại thiết bị mới - hoặc ít nhất, nó cũng tìm được một chỗ đứng trong một danh mục thiết bị đang ngày một sôi động hơn: những thiết bị màn hình lớn nhét vừa túi quần bằng cách gập đôi lại theo một cách nào đó.

Nhưng sẽ hợp lý hơn khi so sánh Duo với chiếc tablet Surface nguyên bản. Khi mới được công bố, chiếc tablet này chưa thực sự sẵn sàng. Nó hội tụ nhiều ý tưởng rất tốt, nhưng cách thức thực hiện lại quá tệ, và nhiều ngừoi không biết Microsoft đang theo đuổi điều gì. Vài năm sau, Microsoft cuối cùng cũng bay cao với Surface Pro 3, thiết bị đã thực sự làm được những điều chiếc Surface đời đầu cố gắng thực hiện.

Surface Duo thì sao? Nó cũng chưa thực sự sẵn sàng. Nó hội tụ nhiều ý tưởng hay ho, nhưng cách thực hiện lại không tốt, và nhiều người cũng không biết Microsoft đang theo đuổi điều gì. Có quá nhiều vấn đề xảy ra, khiến việc đề xuất ai đó mua Duo là điều không thể. Có lẽ nếu nó không có giá 1.400 USD thì mọi chuyện sẽ rất khác. Nhưng nó lại có giá cao không tưởng. Và nếu bạn muốn làm việc trên điện thoại, chiếc Note 20 Ultra có thể chia đôi màn hình, có bút stylus, có camera xịn, và chạy được mọi ứng dụng của Microsoft một cách ngon lành.

Nhưng giống chiếc Surface đời đầu, Surface Duo mang trong mình những tiềm năng và tầm nhìn rộng lớn. Microsoft đã vạch ra tầm nhìn rất rõ ràng và mạnh mẽ về hướng đi mới trong điện toán di động, nhưng chọn được một hướng đi và đi đến đích vẫn là hai điều rất khác biệt.

Microsoft đã bị gạt khỏi cuộc chơi thiết bị bỏ túi ít nhất 4 lần trước đây - từ WinCE đến PocketPC, đến Windows Mobile, và rồi Windows Phone. Công ty này đã quen với thất bại. Nhưng khi tung ra Duo, có thể thấy Microsoft đã học được nhiều từ những sai lầm trong quá khứ, và thật tốt khi họ quyết định đánh trả. Hi vọng chiếc Surface Duo đầu tiên này không phải là vòng đấu cuối của Microsoft!

Chấm điểm Microsoft Surface Duo: 6/10

Ưu điểm:

- Chạy hai ứng dụng cùng lúc

- Mỏng, nhẹ, thiết kế đẹp

- Thời lượng pin tốt

Nhược điểm

- Camera siêu tệ

- Phần mềm đầy lỗi

- Giá quá cao

Minh.T.T (theo TheVerge)

Chủ đề khác