VnReview
Hà Nội

Startup Trung Quốc sắp bán toilet thông minh, phân tích chất thải con người

Startup Trung Quốc Geometry Healthtech tuyên bố phát triển nhà vệ sinh thông minh có thể phân tích chất bài tiết của con người. Dự kiến, nhà vệ sinh này có thể thương mại hóa vào cuối năm nay.

Startup Trung Quốc Geometry Healthtech tuyên bố phát triển nhà vệ sinh thông minh có thể phân tích chất bài tiết của con người.

Công ty cho biết toilet thông minh có các cảm biến tích hợp để thu thập và phân tích mẫu. Những kết quả này sau đó sẽ được gửi đến một ứng dụng điện thoại di động. Người dùng sẽ nhận được lời khuyên về sức khỏe dựa trên kết quả đó. Nhà vệ sinh thông minh không chỉ có thể theo dõi bệnh tim mà còn có thể phát hiện các triệu chứng ung thư và tiểu đường từ các mẫu nước tiểu.

"Nhà vệ sinh thông minh có thể được sử dụng tại nhà," người sáng lập và CEO Chen Liangcheng nói. "Sản phẩm dễ sử dụng và có tính ứng dụng cao".

Michael Lindenmayer, một chuyên gia sức khỏe kỹ thuật số và là cố vấn nhà vệ sinh thông minh của Liên minh nhà vệ sinh tại Mỹ, cho biết những toilet như vậy thực sự có thể giúp mang lại thông tin sức khỏe của người dùng.

Không giống như các thiết bị đeo, nhà vệ sinh thông minh có thể thu thập và giám sát dữ liệu mà không thay đổi thói quen người dùng. Chúng cũng có thể đọc dữ liệu chính xác khi tiếp xúc với da người.

Công nghệ đang thực sự phát triển trong lĩnh vực nhà vệ sinh. Kohler, hãng sản xuất sản phẩm nhà vệ sinh, nhà bếp và phòng tắm của Mỹ, đầu năm nay đã trưng bày một chiếc gương nhà vệ sinh và phòng tắm thông minh sử dụng trợ lý giọng nói Alexa.

Năm 2016, Google tuyên bố có bằng sáng chế phòng tắm. Họ đã thiết kế một bồn tắm siêu âm và một nhà vệ sinh cảm biến áp suất, giúp kiểm tra và đo lường tình trạng của tim và mạch máu.

Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2015 về nhà vệ sinh cảm biến áp suất để đo huyết áp.

Tại Nhật Bản, các hãng vệ sinh Toto và Panasonic đã thiết kế nhà vệ sinh có thể kết nối Wi-Fi. Bằng cách phân tích nước tiểu và phân, nhà vệ sinh Nhật Bản có thể đo các vật liệu cấu trúc sinh hóa - đường và protein - cũng như chỉ số khối cơ thể.

Davide Coppola, một người quản lý dự án tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu, hay ESA, còn có tầm nhìn thậm chí còn lớn hơn đối với nhà vệ sinh thông minh. Ông nói rằng nếu một khu vực có 1.000 nhà vệ sinh thông minh có khả năng thu thập dữ liệu cơ thể người, tình trạng sức khỏe, bệnh tật của cư dân trong khu vực có thể được theo dõi sát sao và ngăn ngừa được khả năng lây lan bệnh tật.

Theo Nikkei, thông qua việc kết hợp dữ liệu cảm biến vệ sinh và dữ liệu quan sát vệ tinh, thế giới có thể thiết lập một hệ thống thông tin y tế phòng ngừa bệnh tật.

Hoàng Lan theo Nikkei

Chủ đề khác