VnReview
Hà Nội

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Thu hút sự chú ý ngay từ những cái nhìn đầu tiên với thiết kế củ tai hình "kim cương" nhiều mặt cắt, VSD3S là đòn tấn công tiếp theo của VSonic vào thị trường tai nghe giá rẻ. Theo đúng như mong đợi, những gì chiếc tai nghe chưa đến 1,3 triệu đồng này mang lại vượt xa mức giá mà người dùng phải bỏ ra.

Mẫu tai nghe trong bài đánh giá này được chúng tôi lấy từ cửa hàng Xuân Vũ Media (tainghe.com.vn) với giá bán là 1,25 triệu đồng (biểu giá ngày 5/9/2014).

Thiết kế

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn có thể nhận thấy điểm khác biệt nổi bật giữa VSD3S và các tai nghe cùng tầm giá: thiết kế "kim cương". Với hình dạng củ tai được "cắt" thành các bề mặt vuông vắn, VSD3S gợi nhắc về những chiếc tai custom nhiều hơn là những chiếc tai nghe in-ear tầm trung/tầm thấp khác. Đẹp, lạ và có phần hơi nữ tính là những cảm nhận đầu tiên của người viết về VSD3S.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Chất liệu nhựa của củ tai cũng không được làm đặc hoàn toàn. Màu đen trong suốt của phần vỏ giúp cho bạn có thể nhìn vào một số chi tiết bên trong tai nghe. Có lẽ bởi vậy mà nhiều người đã ví VSD3S với một viên đá quý. Tuy vậy, cũng giống như nhiều sản phẩm tai nghe chất lượng cao giá mềm của các hãng vẫn còn ít tên tuổi, VSD3S chưa thực sự cứng cáp đến tầm của "đá quý". Khi cầm chiếc tai nghe này lên tay, bạn sẽ nhận thấy phần vỏ nhựa của VSD3S hơi mềm, hơi mỏng manh, dễ xước và dễ bám bẩn.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Phần vỏ dây màu đồng được tái sử dụng từ người anh GR07 cũng khiến tổng thể chiếc tai nghe này trở nên kém sang trọng hơn nhiều so với nguyên mẫu "đá quý". Nếu đây thực sự là chất liệu dây đã từng được sử dụng trên GR07, sợi dây sẽ ngả sang màu nâu rất rõ rệt sau vài tháng sử dụng (chất lượng âm thanh không bị ảnh hưởng). Jack cắm cũng là loại chữ I (thẳng) thường được sử dụng trên tai tầm thấp, thay cho thiết kế hình chữ L chống đứt dây.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Sẽ là rất tuyệt vời nếu như VSonic lựa chọn một chất liệu cứng cáp hơn cho củ tai (ví dụ như chất liệu titan trên Ostry KC06A) và một loại dây nối có màu sắc phù hợp hơn với thiết kế "đá quý" của VSD3S. Song, bạn cũng khó có thể đòi hỏi nhiều từ một chiếc tai nghe có giá thành chưa đến 1,3 triệu đồng. Dù sao, dây nối và củ tai của VSD3S không bị hàn cứng mà được kết nối qua khớp xoay, bởi vậy bạn vẫn có thể dễ dàng tìm giải pháp thay thế nếu không hài lòng với chất liệu dây này.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Nhìn chung, VSD3S vẫn là một sản phẩm đẹp và lạ mắt cho phân khúc tầm thấp. Bạn sẽ bị ấn tượng bởi chiếc tai nghe này ngay từ cái nhìn đầu tiên, song khi cầm tai nghe lên tay, có lẽ ấn tượng tốt đẹp của bạn về VSD3S có thể bị giảm bớt đôi phần.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Trải nghiệm sử dụng

Học theo đàn anh đình đám GR07 và các dòng tai nghe nổi tiếng của Shure, VSonic không sử dụng thiết kế củ tai nhỏ đút trực tiếp vào tai như Ostry KC06A, Sennheiser CX-300II hay Xiaomi Pistons. Với kích cỡ củ tai khá lớn, bạn sẽ phải vòng dây đeo ra phía sau. VSonic cũng đã cung cấp theo 2 chiếc earhook (gờ cài) để sử dụng cùng VSD3S.

Dựa theo kinh nghiệm sử dụng của người viết, thiết kế củ tai lớn và dây đeo vòng ra phía sau thường được Shure và VSonic sử dụng sẽ mang lại trải nghiệm dễ chịu hơn nhiều so với tai nghe in-ear nhỏ thông thường. Người dùng sẽ không cần phải lo lắng tai nghe sẽ rơi ra khỏi tai, chưa kể thiết kế dây mềm của VSonic sẽ không gây hiện tượng đè/ép lên tai khá khó chịu.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Điểm thực sự đáng khen ngợi trên VSonic là củ tai được bo tròn thay vì tạo thành hình vuông rõ rệt như trên GR07. Thiết kế tròn (và hơi nhỏ hơn) này sẽ giúp VSD3S nằm bên trong tai một cách vừa vặn hơn người anh của mình. Trọng lượng tai nghe rất nhỏ cùng số lượng tip (đầu tiếp xúc giữa tai nghe và lỗ tai) phong phú giúp cho quá trình sử dụng VSD3S trở nên thực sự thoải mái. Điểm trừ nhỏ của VSD3S là một số đầu tip quá mềm khiến việc thay tip trở nên khá rắc rối và khó chịu.

Đánh giá tai nghe in-ear VSonic VSD3S

Do jack cắm của VSD3S có dạng thẳng (chữ I), người dùng sẽ phải rất chú ý để tránh bị gập cong jack hoặc đứt dây trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi sử dụng cùng máy vi tính. Với trở kháng 40 ohm, VSD3S có thể kết hợp thoải mái cùng các thiết bị di động cũng như các loại amply và không gặp phải hiện tượng âm lượng quá nhỏ (khi cắm trực tiếp vào điện thoại) hoặc nhiễu tiếng (khi cắm vào amply).

Chất lượng âm thanh

VSD3S gợi nhắc rất nhiều về đàn anh GR07. Ở mức giá khoảng 3 triệu đồng, GR07 là một trong số ít những chiếc tai nghe có thể mang lại cho người nghe cảm giác ngỡ ngàng khi thưởng thức lần đầu tiên. Không phải vô cớ mà GR07 được ưa chuộng tới vậy: chiếc tai nghe này đã mang lại giá trị rất tốt cho những gì người dùng phải bỏ ra.

VSD3S cũng là một sản phẩm tương tự. Với giá chỉ 1.250.000 đồng, VSD3S không phải là chiếc in-ear ấn tượng nhất mà người viết từng trải nghiệm. Nhưng, chất âm của chiếc in-ear "đá quý" này vẫn đủ để bất cứ ai cũng có thể cảm thấy hài lòng – đặc biệt là khi xét đến mức giá rất mềm của sản phẩm.

That's the Way It Is khá hài hòa, nhưng có vẻ hơi chậm trên VSD3S

Đầu tiên là dải âm bass của VSD3S: âm bass gọn, chắc, nhiều về số lượng nhưng không lấn sang các dải âm khác. VSD3S không gặp hiện tượng "lùng bùng" và cũng không bị giật cục như các tai nghe giá dưới 2 triệu đồng (xảy ra do không thể xuống đến các nốt quá thấp). Song, khả năng dàn trải và kết thúc âm bass của VSD3S chưa thực sự tốt, khiến cho tiết tấu của các bài hát đôi khi bị chậm lại (ví dụ như trên That's the Way It Is của Celine Dion). Lượng bass hơi nhiều cũng khiến cho một số bản nhạc nhẹ (Because You Loved Me, Celine Dion) trở nên nặng nề hơn bình thường.

Điều này không có nghĩa rằng VSD3S có lượng bass nhiều đến mức khó có thể chấp nhận được. So với những chiếc in-ear ở tầm giá thấp khác, âm bass của VSD3S vẫn sẽ được xếp loại dễ chịu. Trong một số bản nhạc như Unbreak My Heart (Toni Braxton) hoặc No Matter What (Boyzone), VSD3S giữ cho các nốt bass rất tự nhiên, tạo ra không gian rộng rãi và nét nhẹ nhàng, da diết cho bài hát.

Âm thanh Metal trên VSD3S có phần hơi thiếu sức sống

Khi nghe nhạc có tiết tấu nhanh, nặng, lượng âm bass hơi nhiều khiến cho các dải âm thấp không được chi tiết và dày dặn như mong đợi. Trong các bản nhạc Rock, bạn sẽ thấy các câu riff guitar vốn "tầng tầng lớp lớp" giờ đây lại trở nên khá mỏng manh và đôi khi chìm khuất dưới các nốt bass. Trong các bản nhạc Metal, âm thanh guitar điện được VSD3S tái hiện hơi "mịn" và có xu hướng trộn lẫn vào nhau.

Dải âm trung của VSD3S sáng, trong trẻo và chi tiết. Trong một số bài hát, điều này khiến cho giọng hát của ca sĩ trở nên thiếu tự nhiên, nhưng nhìn chung phần lớn các bản nhạc Vocal, Pop hay Country đều rất hấp dẫn. Khả năng tách biệt nhạc cụ ấn tượng cùng cách dàn trải các dải âm khá cân bằng giúp mang tới vẻ đẹp mới mẻ, thoáng đãng cho âm nhạc thập niên 80: từ ABBA, Carpenters cho đến các bản nhạc Nhật kinh điển như Ruju ("Người Tình Mùa Đông" bản gốc) hoặc Koibito Yo ("Người Yêu Dấu Ơi").

Lượng chi tiết trên VSD3S không có gì đáng để phàn nàn. Bạn có thể cảm nhận được từng hợp âm đàn guitar, từng nhịp tambourine và cymbal trong I Still Remember hoặc The Circle của Blackmore's Night. Nhờ khả năng kiểm soát bass tốt và ít để hiện tượng bass lấn mid, VSD3S sẽ là một lựa chọn hoàn hảo để người nghe phát hiện thêm các nốt nhạc, các nhạc cụ nền vốn rất dễ bị các loại tai nghe tầm thấp bỏ lỡ.

VSD3S là một cách tuyệt vời để trải nghiệm lại những giai điệu kinh điển

Như đã nhận định ở phía trên, VSD3S mang tới không gian âm nhạc rất rộng rãi. Song, để làm được điều này, VSonic đã căn chỉnh các dải âm cao hơi quá đà. Các âm treb có thể trở nên gắt và chói; tiếng "s" trong câu hát của ca sĩ thường gặp hiện tượng xì, tuy chưa đến mức khó chịu song cũng rất dễ nhận thấy. Cách VSD3S "dàn" âm cymbal trong các bản nhạc có tiết tấu nhanh và nhiều treb (Rock, Metal) có thể khiến trải nghiệm nghe nhạc trở nên rối loạn, do tai người (theo bản năng) sẽ tập trung vào các âm "tép" khá lộn xộn ở phía trên.

Nếu nghe Metal/Rock bằng VSD3S trong 1 thời gian dài, người nghe có thể có cảm giác hơi mệt mỏi vì số lượng treb nhiều và gắt.

Những ngày trải nghiệm VSD3S khiến chúng tôi mang ấn tượng rằng VSonic có vẻ đã tìm cách tái hiện lại trải nghiệm GR07: xây dựng một âm thanh dễ chấp nhận nhưng cũng dễ gây ấn tượng (nhờ có âm trường lớn và chi tiết tốt). Ở phân khúc thấp hơn hẳn, VSD3S cũng chưa thể bắt kịp với sản phẩm đình đám có mức giá gần 3 triệu đồng của VSonic. Khi sánh cùng đàn em, GR07 có âm trường rộng rãi hơn, khả năng tách biệt các nốt thấp rõ ràng hơn, âm treb ít chói gắt hơn và âm thanh nói chung hài hòa hơn rất nhiều.

Let Her Go trên VSD3S có thể khiến bạn ngỡ ngàng

Nhưng hãy nhớ rằng VSD3S chỉ có giá 1,3 triệu đồng. Đây không phải là một sản phẩm có hiệu năng/giá thành kém. Chiếc in-ear giá rẻ này dường như đã được chế tạo để (cố gắng) làm vừa lòng tất cả mọi người: cả 3 dải âm tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng cũng không hề đáng phải chê trách. Âm thanh không quá buồn chán trên các bản nhạc nhẹ nhưng cũng không quá giàu năng lượng trên các dòng nhạc sôi động.

Về tổng thể, 2 điểm mạnh lớn nhất của VSD3S là âm trường rộng và âm thanh cân bằng giữa cả 3 dải âm. Các dải bass, mid (trung) và treb khá tương đồng nhau về lượng, trong đó âm bass hơi nhỉnh hơn 2 dải âm còn lại. Nhờ vậy, VSD3S sẽ mang tới một trải nghiệm âm nhạc rất dễ chịu. Chiếc tai nghe này sẽ đặt bạn vào một căn phòng lớn, nhưng sự cân bằng của âm thanh sẽ giúp tạo ra cảm giác đây là một thính phòng rất ấm áp, thân thiện.

Kết luận

Nếu đã từng có kinh nghiệm mua sắm, bạn sẽ biết chắc chắn rằng không một ai có thể mua được một chiếc in-ear hoàn hảo ở tầm giá dưới 2 triệu đồng. Về mặt thiết kế, VSD3S vẫn không thể thoát khỏi cái "dớp" mỏng manh, kém chắc chắn của tai in-ear tầm thấp. Về chất lượng âm thanh, VSD3S có dải treb đôi khi quá chói và gắt. Nếu có đủ kinh phí, bạn vẫn nên chọn mua chiếc GR07 kinh điển của VSonic (giá 2.955.000 đồng).

Song điều này không có nghĩa rằng VSD3S là một sản phẩm tệ. Trái lại, nếu như kinh phí của bạn chỉ gói gọn ở tầm giá dưới 1,5 triệu đồng, VSD3S sẽ là một lựa chọn không cần suy nghĩ. Cũng giống như chiếc STH30 của Sony, VSD3S sẽ khiến tất cả mọi người phải ngỡ ngàng khi thử nghiệm lần đầu tiên. Chất âm rộng rãi nhưng tròn trịa sẽ không khiến bất kỳ ai phải phiền lòng, âm trường thoáng đãng của VSD3S sẽ vượt quá mong đợi của bạn cho tầm giá dưới 1,5 triệu đồng.

Nếu như bạn không thường thưởng thức các bản nhạc quá nhiều tiếng "tép", VSD3S sẽ là một lựa chọn rất hợp lý. Có thể nói rằng, với một sản phẩm khá an toàn nhưng cũng tương đối ấn tượng như VSD3S, VSonic đã tiếp tục tô đậm được hình ảnh tốt đẹp mà GR07 xây dựng được. Quan trọng nhất, lần này hãng tai nghe chuyên về in-ear này đã chiếm được cảm tình của người nghe với mức giá chỉ bằng một nửa GR07 mà thôi.

Gia Cường

Chủ đề khác