VnReview
Hà Nội

Dùng thử pin sạc dự phòng Akira 10.000 mAh

Khi mà các smartphone đua nhau đọ mỏng và cường độ sử dụng smartphone của người dùng ngày càng nhiều thì hết pin trở thành mối lo ngại thường trực. Đó là lý do pin sạc dự phòng bây giờ là phụ kiện tiện lợi, được nhiều người trang bị.

Thị trường pin sạc dự phòng cho smartphone và máy tính bảng bây giờ có nhiều lựa chọn, phổ biến và giá tốt chủ yếu là thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Pisen hay Yoobao, còn đắt và cao cấp hơn có thể kể đến Anker, CyberPower và Enernizer. Akira là thương hiệu pin dự phòng mới do hệ thống Nhật Cường Mobile nhập về phân phối tại thị trường Việt Nam. Thương hiệu pin này hiện có hai lựa chọn dung lượng là 10.000 mAh giá 690.000 đồng và 4350 mAh giá 350.000 đồng.

Pin Akira dung lượng 4350 mAh (bên trái) và 10.000 mAh (bên phải)

Mở hộp và thiết kế

Viên pin Akira 10.000 mAh có thiết kế thân nhựa với kích thước 113,5 x 74 x 23mm và nặng 248g. Viên pin chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá có màu trắng với bề mặt nhẵn mịn, cầm trên tay dễ chịu. Điểm nhấn trong thiết kế của Akira 10.000 mAh là có màn hình LED thông báo dung lượng pin và tình trạng sạc/xả. Tuy vậy, viên pin không có đèn pin để chiếu sáng giống như một số pin sạc dự phòng khác.

Viên pin có dung lượng 10.000 mAh

Mặt sau của hộp đựng pin có hướng dẫn sử dụng

Phụ kiện đi kèm hộp pin của Akira 10.000 mAh gồm tờ hướng dẫn và dây cáp micro USB để sạc vào cho pin và sạc ra cho smartphone và máy tính bảng. Như vậy, nếu sạc cho iPhone và iPad thì bạn sẽ phải dùng dây cáp đi kèm với thiết bị của Apple.

Pin Akira 10.000 mAh có màn hình hiển thị dung lượng và tình tạng nạp/xả

Pin sạc này có hai cổng sạc đầu ra (sạc cho các thiết bị khác) sử dụng cổng USB thường: một cổng điện áp đầu ra 5V với dòng sạc tối đa 1A và cổng còn lại cũng điện áp đầu ra 5V với dòng sạc tối đa 2.4A. Như vậy, pin Akira 10.000 mAh có thể sử dụng phù hợp cho cả máy tính bảng (thường có dòng sạc 2A hoặc cao hơn) và smartphone (thường có dòng sạc 1A). Cổng sạc đầu vào (cổng micro-USB) của pin là 5V và dòng sạc tối đa là 1A.

Pin có hai cổng sạc ra cho thiết bị và một cổng sạc vào cho viên pin

Sử dụng thực tế

Việc sử dụng viên pin sạc này thực sự là đơn giản. Chúng ta chỉ cắm cổng USB thường vào cổng ra phù hợp (5V, 1A hoặc 5V, 2A) của viên pin rồi cắm cổng micro-USB vào thiết bị cần sạc. Ngược lại, khi nạp điện cho pin thì chỉ cần cắm cổng micro-USB vào viên pin và cắm cổng USB thường vào củ sạc hoặc cổng USB của máy tính.

Về hoạt động sạc ra, chúng tôi đã thử sạc pin từ Akira 10.000 mAh cho chiếc smartphone LG G3 (là máy chính hãng mới mua 2 tuần) có dung lượng pin 3.000 mAh. Kết quả, viên pin sạc dự phòng này sạc được đầy 2 lần pin cho chiếc LG G3 thì còn lại 42% pin. Tuy vậy, số pin còn lại chỉ sạc được 72% pin của chiếc LG G3 thì hết. Như vậy, hiệu suất pin (tỷ lệ chuyển đổi) của viên pin Akira 10.000 mAh đạt khoảng 81,6%, con số khá cao khi so sánh với các pin dự phòng khác.

Tỷ lệ chuyển đổi khi sạc cho LG G3 đạt 81,6% khá cao

Chúng tôi đã sạc thử viên Xiaomi 10.400 mAh và Pisen 10.000 mAh, cũng trên chiếc LG G3 dùng để thử nghiệm với viên pin Akira. Kết quả cho thấy hiệu suất của viên pin Xiaomi và Pisen cùng đạt mức 75%, thấp hơn viên pin Akira nhưng giá bán của hai viên pin này đều rẻ hơn khá nhiều.

Điện áp đầu ra và dòng sạc hoạt động ổn định, ở mức 5V và 1A

Trong quá trình sạc cho LG G3, điện áp thực tế đầu ra của pin Akira hoạt động ổn định, duy trì ở mức 4,98 - 5V và dòng sạc đạt khoảng 1A khi cắm vào cổng ra 2A và khoảng 0,9A khi cắm vào cổng ra 1A của viên pin.

Thời gian sạc đầy cho viên pin Akira này mất khoảng 4 giờ 40 phút khi sử dụng củ sạc 2A. Chúng tôi chưa thử với việc sạc từ củ sạc 1A và cổng USB của laptop nhưng có lẽ thời gian sạc từ các cổng này sẽ lâu hơn (dòng điện sạc từ cổng USB của máy tính phổ biến 500mA đến cao là 1,1A tùy máy tính).

TP

Chủ đề khác