VnReview
Hà Nội

Đánh giá xe đạp điện Xiaomi QiCycle: gấp được gọn, đạp nhẹ nhờ trợ lực

Xiaomi QiCycle là sản phẩm được sản xuất bởi Mijia (Trung Quốc), một trong những công ty được Xiaomi đầu tư. Chiếc xe đạp này gây chú ý nhờ kiểu dáng nhỏ gọn, có thể gấp lại, tích hợp động cơ điện trợ lực và một số tính năng thông minh.;

Không chỉ sản xuất smartphone, Xiaomi còn hợp tác với nhiều công ty khác để ra đời những sản phẩm tưởng chừng như rất "không liên quan" như…nồi cơm điện, máy lọc không khí và cả xe đạp điện.

QiCycle là chiếc xe đạp thứ 2 mang thương hiệu Xiaomi sau chiếc YunBike C1 được giới thiệu vào cuối năm ngoái. Giá công bố tại Trung Quốc của QiCycle là 456 USD (khoảng 10,1 triệu đồng). Sản phẩm trong bài viết này là hàng xách tay, được chúng tôi lấy từ cửa hàng XiaomiViet.vn với mức giá hiện tại vào khoảng 13,8 triệu đồng.

Mở hộp và lắp ráp

QiCycle được đặt trong một chiếc hộp khá lớn. Về cơ bản, sau khi mở hộp, chiếc xe đã tương đối hoàn thiện, người dùng chỉ cần lắp pin, cố định phần tay lái, yên xe và bàn đạp là đã có thể sử dụng.

Phụ kiện đi kèm theo xe có sẵn một cờ lê, cần vặn lục giắc và hướng dẫn lắp ráp chi tiết. Tuy nhiên, một số bộ phận như phần cổ xe, tay lái vẫn sẽ cần thêm một số đầu vặn lục giác chuyên dụng mới có thể lắp chắc chắn.

Một lưu ý khác là với lần sử dụng đầu tiên, bạn buộc phải cắm sạc cho viên pin mới có thể bật được phần động cơ điện. Đây có thể coi như một cơ chế bảo vệ để tránh cháy nổ trong quá trình vận chuyển xe.

Video mở hộp, lắp ráp xe đạp Xiaomi QiCycle

Thiế kế

Thiết kế tổng thể của QiCycle khá nhỏ gọn, gần như tương đương với các loại xe đạp gấp gọn phổ biến trên thị trường hiện nay và chỉ ngang với các loại xe đạp cho trẻ em. Sản phẩm sử dụng khung hợp kim carbon khá chắc chắn, trọng lượng theo công bố của Xiaomi là 14,5 Kg và thực tế sử dụng tương đối nhẹ, có thể dễ dàng mang vác.

Việc gấp gọn xe thuận tiện bởi không cần sử dụng các công cụ hỗ trợ hay ốc vít nào mà hoàn toàn qua các khớp nối. Sau khi gấp lại, QiCycle có thể nằm gọn vào cốp ô tô hay góc nhà mà không chiếm nhiều diện tích. Sản phẩm có nhiều màu sắc lựa chọn như vàng, trắng, đỏ và đen nhưng tại Việt Nam hiện chỉ mới có màu đen.

2 tay phanh của xe hơi ngược khi tay phải phanh bánh trước còn tay trái phanh bánh sau. Cả 2 phanh đều là dạng phanh cơ và rất nhạy. Bên cạnh đó, QiCyle còn có một chiếc chuông nhỏ nhưng âm thanh phát ra rất lớn, đủ để gây chú ý khi lưu thông trên đường. 2 tay cầm đều có phần báng tì cao su giúp chống trơn trượt, người dùng có thể tựa bàn tay lên đây để đỡ mỏi khi đạp đường dài.

Phần tay lái của xe khá thấp. Điều này khiến những người cao khoảng tầm 1 mét 75 trở lên sẽ thấy dễ mỏi lưng khi phải cúi người xuống đạp. Yên xe êm, mềm nhưng khá nhỏ nên dễ gây đau, mỏi. Xe không có bất kì hệ thống giảm xóc nào nên chỉ phù hợp với đường bằng phẳng. Phần chắn bùn không có sẵn mà người dùng sẽ phải lắp thêm qua 2 lỗ chờ. Bên cạnh đó, QiCycle cũng không có chân trống.

Trung tâm điều khiển của QiCycle chính là phần màn hình kích thước 1.8 inch nằm trên tay lái. Nó có tác dụng hiển thị các thông số như trạng thái pin, tốc độ, quãng đường đã chạy, công suất đạp, kết nối với smartphone và một số tính năng khác.

Có thể tùy chỉnh một số cài đặt của màn hình như độ sáng, thời gian sáng. Phần màn hình này không phải cảm ứng mà là thao tác bằng 2 phím điều hướng lên xuống và phía dưới có thêm phím lựa chọn đồng thời là phím nguồn bật/tắt xe khi ta giữ trong 3 giây. Tiếc là màn hình hiển thị hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc và không thể chuyển sang tiếng Anh nên tương đối bất tiện khi sử dụng.

Từ màn hình này, chúng ta cũng có thể bật được đèn cho xe bằng cách ấn giữ 3 giây vào các nút lên xuống. Ấn giữ nút lên trên xe sẽ bật cả 2 đèn trước và sau. Ấn giữ nút xuống dưới xe sẽ bật tắt đèn hậu. Đèn trước và sau của xe đều rất sáng, tầm chiều khá xa và rộng, có thể sử dụng tốt vào buổi tối. 

Sử dụng thực tế

Tuy là một chiếc xe đạp điện nhưng QiCycle chỉ trợ lực cho người dùng bằng động cơ điện được đặt ở bánh trước nên sẽ không có tay ga và người dùng vẫn cần đạp thì xe mới có thể chạy được.

Ở bánh sau, xe sử dụng bộ lip 3 tầng của Shimano để điều chỉnh lực đạp phù hợp cho từng nhu cầu và các loại địa hình khác nhau. Người dùng sẽ chuyển số thông qua tay lái bên phải. Bộ lip này hoạt động nhạy, chuyển cấp mượt mà.

Trên màn hình điều khiển có thể chọn 4 mức trợ lực khác nhau, cao nhất là khoảng 23km/giờ, các mức thấp hơn thì lực hỗ trợ cũng sẽ giảm dần và mức dưới cùng thì gần như tắt động cơ trợ lực đi, đạp chay hoàn toàn.

Khi nào người dùng đạp xe, cảm biến sẽ tự động kích hoạt động cơ trợ lực. Động cơ này sử dụng motor 250W - 36V và ở tốc độ tối đa có thể trợ lực khoảng 23km/giờ. Bù trừ với ma sát giữa bánh với đường và lực của chân khi đạp thì ở mức trợ lực cao nhất, chân chỉ thả lỏng đạp với lực nhẹ nhất thì chiếc xe có thể duy trì ở tốc độ khoảng 20km/giờ. Đó là gần như chúng ta phụ thuộc vào hoàn toàn từ lực hỗ trợ của xe.

Càng đạp mạnh lên, tốc độ càng lớn và vượt ngưỡng 23km/ giờ thì lúc này động cơ trợ lực sẽ không giúp ích nhiều mà xe vận hành chủ yếu là do sức đạp của người lái. Nhìn chung, điểm hữu ích của động cơ trợ lực trên QiCycle là khi đạp đến khoảng 20km/giờ, chúng ta sẽ không mất sức đạp tăng tốc, chỉ nhún chân một lần là xe sẽ phi vọt lên đạt tốc độ gần tối đa thay vì phải tốn sức lấy đà, tạo gia tốc dần dần như xe đạp truyền thống.Tôi đã đạp thử quãng đường dài 30 km liên tục bằng QiCycle không nghỉ mà không thấy mất sức hay mệt mỏi nhiều.

Thời lượng pin

Viên pin đi kèm QiCycle có dung lượng là 5800mAh, được cấu tạo bởi 20 lõi cell 2900mAh. Theo Xiaomi, QiCycle sử dụng lõi cell chuẩn 18650 của Panasonic, loại pin cũng được sử dụng trên xe điện của Tesla.

Trong quá trình sử dụng thực tế, tôi đạp khoảng hơn 45km là xe hết pin đúng như công bố của Xiaomi. Sau khi tụt xuống còn 5% pin thì xe sẽ tắt động cơ trợ lực, màn hình và đèn xe vẫn có thể bật bình thường và tốn rất ít điện. Thời gian để sạc đầy viên pin mất khoảng 2 tiếng 50 phút. Khá nhanh so với quãng thời gian từ 6-8 tiếng của xe đạp điện phổ thông.

Kết luận

Nhìn chung, Xiaomi QiCycle có ưu điểm ở kiểu dáng nhỏ gọn, có thể gấp lại dễ dàng, tiện mang theo khi đi du lịch, dã ngoại. Xe chắc chắn, tích hợp màn hình hiển thị tốc độ, khoảng cách, có thể kết nối với smartphone để theo dõi sức khỏe. Hữu ích nhất là động cơ điện trợ lực giúp không tốn quá nhiều sức mà vẫn di chuyển khá nhanh, viên pin thời lượng tốt, đủ để đạp đường xa. Điểm hạn chế của QiCycle là cũng chính là ở kiểu dáng của nó khi khó lòng có được tư thế đạp xe thoải mái, dễ gây nhức mỏi. Màn hình điều khiển chưa có tiếng Anh, bất tiện khi sử dụng. Mức giá hiện tại của QiCycle vẫn còn cao và khó tiếp cận với đa số người dùng.  

Xem thêm clip đánh giá chi tiết xe đạp Xiaomi QiCycle

Nguyễn Sơn - Huy Anh

Chủ đề khác