VnReview
Hà Nội

Đánh giá tai nghe Notes Audio AT10: một bước tiến nữa của người Việt

Với mức giá cao hơn tầm với của đại đa số người dùng phổ thông nhưng lại khá dễ chịu với người mê âm thanh, AT10 là một chiếc tai nghe có "chất riêng" và hoàn toàn xứng đáng là một bước tiến mới của tai nghe Việt.

Với mức giá cao hơn tầm với của đại đa số người dùng phổ thông nhưng lại khá dễ chịu với người mê âm thanh, AT10 là một chiếc tai nghe có "chất riêng" và hoàn toàn xứng đáng là một bước tiến mới của tai nghe Việt.

Người chơi tai nghe Việt có lẽ không quá xa lạ với hành trình không yên ả của Notes Audio. Cách đây 2 năm, hãng tai nghe "Made in Vietnam" này đã từng gây được tiếng vang khi ra mắt chiếc NT.100 có chất âm khá tốt ở mức giá dưới 700.000 đồng. Dự án "tai nghe đầu bảng" AT10 – là sản phẩm được chúng tôi đánh giá trong bài viết này – thực chất cũng đã được lên lịch ngay tại thời điểm đó. Đáng tiếc rằng những trục trặc trong khâu bán lẻ cũng như vấn đề jack cắm xảy ra trên khoảng 10% tai nghe NT.100 (nay đã được cải tiến) đã buộc Notes Audio trì hoãn "tuyên ngôn âm thanh" của mình trong một thời gian dài.

Từ tháng 6 năm nay, AT10 đã đến tay những người mua từng trung thành đặt cược với số phận của Notes Audio trong 2 năm qua. Đến tháng 8, sản phẩm được bán rộng rãi ra cả thị trường Việt Nam (với giá 3,5 triệu đồng) và quốc tế (300 USD).

Thiết kế: độc nhưng chưa chắc đã đẹp

Người dùng Notes có thể lựa chọn hình khắc laser và chất liệu in lên "mặt" tai.

Một vài thiết kế được Notes Audio giới thiệu khi người viết tới mua AT10.

Những chiếc tai nghe Việt chất lượng luôn luôn đi kèm với một mức độ tùy biến nhất định, AT10 cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí, sản phẩm đầu bảng của Notes còn đưa khả năng tùy biến lên một tầm cao mới khi đưa ra tùy chọn thay thế "mặt ốp" ("faceplate") của tai nghe. Trên ba màu đen, xanh và trắng, người mua có thể lựa chọn các tấm theo chất liệu, gia công bề mặt; có thể in hình tùy thích theo ý muốn của mình.

Cả faceplate và củ tai đều sẽ góp phần quyết định tạo ra ấn tượng đẹp/xấu về những chiếc AT10 thành phẩm đến tay người dùng. Củ tai màu đen và xanh có độ mờ vừa phải nên nhìn khá sang trọng, còn màu trắng là nhựa kín nên khó phối màu với faceplate hơn. Tuy vậy, một phiên bản màu trắng kèm faceplate in cờ Nhật Bản chúng tôi từng được chiêm ngưỡng lại khá đẹp, còn màu đen nếu chọn in faceplate cũng mặt tối như sản phẩm đang đánh giá thì lại không được "quý phái" lắm. Nói chung, vì có in faceplate nên gần như chắc chắn chiếc AT10 nào cũng sẽ "độc", còn đẹp hay không thì lại là chuyện khác.

Chất liệu nhựa mờ trên AT10 tạo ra cảm giác khá mới lạ.

Mặt "3D carbon" màu bạc được Notes Audio tặng kèm miễn phí với AT10 khá trang nhã và đẹp mắt.

Ngoài ra, nằm giữa lớp nhựa của củ tai hình gần giống trái tim và faceplate là một lớp nhựa bóng màu bạc – cũng là yếu tố thiết kế được sử dụng chung cho cả 3 màu của AT10. Dây nối do Notes lựa chọn khá dày và có phủ các chất liệu đặc biệt để chống chọi với thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam. Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi thì hai chất liệu này nên đẹp hơn.

Trải nghiệm sử dụng: bền bỉ từ bài học NT.100

Bộ dây dày dặn của AT10 được nối với jack cắm hình chữ I kích cỡ lớn hơn hẳn các jack cắm thông thường. Lựa chọn thiết kế đặc biệt này từ Notes Audio có lẽ là bài học kinh nghiệm từ sự cố lỏng jack/đứt ngầm trong jack đã từng xuất hiện trên khá nhiều mẫu NT.100 đầu tiên. Với NT.100 phiên bản cải tiến và AT10, jack cắm cỡ lớn là giải pháp cho những trải nghiệm "tra tấn" trong túi quần. Trong thực tế sử dụng, jack cắm này không hề "ngán" túi quần hay những tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi sử dụng tai nghe cùng laptop: sau 1 tháng, AT.10 vẫn không hề có bất kỳ lỗi âm thanh nào cả.

Không dùng dây tháo rời là điểm yếu của AT10. Bù lại, chiếc Notes Audio mới sử dụng dây và jack vô cùng chắc chắn.

Không dùng dây tháo rời là điểm yếu của AT10. Bù lại, dây nối và jack được thực hiện rất chắc chắn để chống chọi được với thời tiết và... túi quần.

Những yếu tố khác trong trải nghiệm sử dụng AT10 không có gì đặc biệt. Dây cắm được lựa chọn không hỗ trợ nút bấm cho di động và cũng không hỗ trợ connector để tháo/lắp khỏi củ tai. Lý do được Notes Audio đưa ra là để gửi tới người mua duy nhất một lựa chọn hoàn thiện theo tầm nhìn của chính các kỹ sư, đảm bảo cả độ bền lẫn chất lượng âm thanh như ý muốn.

Với mức giá cao hơn tầm với của đại đa số người dùng phổ thông nhưng lại khá dễ chịu với người mê âm thanh, AT10 là một chiếc tai nghe có "chất riêng" và hoàn toàn xứng đáng là một bước tiến mới của tai nghe Việt.

Từ trái sang phải: Hộp đựng của AT10, hộp bảo vệ tai nghe hàng ngày, hộp chống nước (mua ngoài). Phía dưới bên phải là hộp đựng của NT.100 phiên bản Viettel.

Cuối cùng, AT10 được bán kèm một hộp đựng cỡ lớn cực kỳ chắc chắn và có quai đeo. Nếu thích, bạn có thể mua thêm một hộp chân không để chống nước, song trong trải nghiệm đi mưa (ướt ba lô) của chúng tôi, bản thân lựa chọn mặc định đã mang đến mức độ bảo vệ rất tốt dành cho sản phẩm.

Chất âm: không đi theo lối mòn

Lần đầu tiên thử nghiệm AT10, cảm giác đầu tiên của một audiophile bình thường có thể sẽ là... kém ấn tượng. Chất âm của AT10 "tối" hơn so với hình dung của chúng tôi về một mẫu tai nghe cao cấp. Mẫu đầu bảng của Notes Audio không mang đến cảm giác "wow" mà các nhà sản xuất như AKG hay Beyerdynamic hay tạo ra bằng cách giảm bass hay "fake" âm trường bằng dải mid lùi (nói nôm na: giảm độ dày của giọng hát, kèn saxophone; đẩy lùi dải âm này ra xa người dùng).

Một sản phẩm chạy theo thẩm mỹ âm nhạc của người Á Đông.

AT10 là một sản phẩm chạy theo thẩm mỹ âm nhạc của người Á Đông.

Nhưng chất âm "không gây choáng" ấy cũng chính là điểm nổi bật nhất của AT10 so với in-ear tầm trung thông thường. Càng thử nghiệm lâu, bạn sẽ càng nhận ra rằng đây là một sản phẩm chạy theo triết lý điển hình của người Châu Á: đặt nặng nhạc tính lên trên tính kỹ thuật. Người nghe audiophile sẽ ngay lập tức chú ý đển dải bass khá nhiều về lượng, song điểm mạnh nhất của AT10 với chúng tôi là dải mid không chỉ dày dặn mà còn cực kỳ mượt mà, mượt đến mức tìm ra hiện tượng sib (chói gắt âm "s") trong các bản nhạc của Khánh Ly hay Mayumi Itsuwa là hoàn toàn bất khả thi. Một trung âm mượt mà và gần gũi giúp cho tất cả các trải nghiệm Vocals trở nên rất hấp dẫn – bao gồm cả những bản thu âm cũ khá nhiều lỗi.

Hiển nhiên, những bản thu âm tốt sẽ mang đến những cảm xúc tuyệt vời hơn. Những người yêu chất giọng "mộc" chắc chắn sẽ bị chinh phục hoàn toàn bởi sự kết hợp giữa Nguyên Hà và AT10: trong các bản nhạc của cô ca sỹ "gốc" kiến trúc sư, AT10 loại bỏ đi hoàn toàn những yếu tố điện tử không chân thật. Tất cả những gì còn lại là một giọng ca rất mộc, tự nhiên nhưng vẫn đẳng cấp.

Với những giọng ca như Trần Thu Hà hay Thu Phương, cảm xúc được AT10 mang lại cũng ấn tượng không kém. Song, điểm trừ không mong muốn là trung âm dày sẽ tạo ra cảm giác rằng âm trường không được rộng.

Bạn có thể sẽ vì vậy mà vội đi đến kết luận sai lầm rằng dải treb của AT10 bị lép vế so với trung âm. Thực tế AT10 vẫn sở hữu một dải treb tơi, sáng gọn, dù đáng tiếc là không đủ năng lượng để chơi Rock và Metal. Dù sao thì một dải treb như vậy sẽ giúp người nghe ít bị mệt tai trong những bản Vocals sử dụng các nốt cao để tạo không gian, như nhạc của Bee Gees chẳng hạn.

Nếu muốn có âm thanh sáng hơn, bạn có thể cân nhắc sử dụng Spinfit thay cho tips (mút tai) mặc định của sản phẩm.

Với mức giá cao hơn tầm với của đại đa số người dùng phổ thông nhưng lại khá dễ chịu với người mê âm thanh, AT10 là một chiếc tai nghe có "chất riêng" và hoàn toàn xứng đáng là một bước tiến mới của tai nghe Việt.

Kết hợp cùng một bộ DAC chất lượng như S16 và một chiếc âm-li chuyên trách tai nghe trở thấp như Little Dot I+, AT10 mang đến một thứ âm thanh "sạch sẽ" nhưng vẫn rất giàu sức sống.

Một yếu tố khác khiến AT10 khó phù hợp với nhạc Metal là dải bass. Nhờ sử dụng driver dynamic và do có tới 2 lỗ airflow nên lượng bass của AT10 nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Theo đúng truyền thống của tai nghe audiophile, đây không phải là thứ bass lấn hết vào các dải âm khác hay ù rền gây khó chịu. Điểm đặc biệt là AT10 tạo ra lượng bass đủ để bạn chơi nhạc trẻ và gật gù "bass thế này mới là bass" nhưng, một lần nữa, vẫn chỉ vừa phải để không làm hỏng các bản nhạc tình cảm xưa cũ.

Dù thông số dừng ở mức 16ohm 102db nhưng AT10 vẫn có thể cải thiện đáng kể khi được kết hợp với DAC/amp cao cấp. Trong thử nghiệm của chúng tôi với PS Sprout là một chiếc DAC/amp khá sáng sủa, AT10 bộc lộ khả năng bóc tách tốt hơn ở dải trầm. Hiệu ứng tương tự có thể được bắt gặp từ iDSD Micro trong khi chiếc amp Objective2 (với opamp Sparko) sẽ đem lại một chất bass gọn gàng hơn so với iPhone. Nếu được kết hợp với các bộ amp/DAC có âm thanh nhạc tính như Objective2 (với opamp Burson), máy nghe nhạc Pioneer XDP-100R hoặc bộ amp/DAC Chord Mojo, AT10 cũng cho ra chất âm "mềm" hơn và do đó càng không phù hợp với Rock. Đánh giá của chúng tôi cho thấy Chord Hugo là sản phẩm kết hợp tuyệt nhất với AT10, song ở mức giá gấp 10 lần AT10 thì rõ ràng Hugo khó có thể coi là một khoản đầu tư hợp lý.

Kết luận

Sorannik

Năm 2017 có thể coi là năm sôi động của tai nghe Việt khi chứng kiến một loạt các sản phẩm chất lượng, xóa bỏ đi hoàn toàn những ấn tượng tiêu cực về những năm tháng đầy khó khăn và tranh cãi. Notes Audio AT10 là một trong số đó: với chất âm dày dặn, thiết kế tùy biến được bên trong một thân hình vô cùng chắc chắn, AT10 không chỉ là một trong những chiếc tai nghe Việt đáng mơ ước nhất hiện nay mà còn là một trong những mẫu in-ear tầm trung hấp dẫn nhất.

Ở mức giá 3,5 triệu đồng, AT10 là lựa chọn dễ dàng cho những người mong muốn một chiếc tai nghe giàu nhạc tính để tận hưởng những bản nhạc bất hủ, những show diễn "mộc" và cả những bản Indie hiện đại.

Gia Cường

Chủ đề khác