VnReview
Hà Nội

Đánh giá bàn phím cơ Corsair K70 RGB Mk.2 Low Profile Rapidfire: Tiên phong cho một trào lưu mới?

Sở hữu kiểu dáng độc đáo, mới lạ, liệu sản phẩm bàn phím cơ mới nhất của thương hiệu Corsair có đủ để thuyết phục thị trường bàn phím cơ – vốn đang "ỳ trệ" trong thiết kế - chuyển sang một lối đi mới?

Hiện nay, bàn phím cơ đã trở nên khá phổ biến, không còn là một món đồ chơi quá "xa xỉ" như trước nhờ sự trỗi dậy của các hãng sản xuất switch và bàn phím đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến thị trường dần trở nên bão hòa, các sản phẩm đều na ná nhau, cả về thiết kế lẫn trải nghiệm, không có chất riêng. Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bàn phím cơ nói riêng và gaming gear nói chung, Corsair, hãng công nghệ Mỹ hiểu rõ rằng sự đổi mới là rất cần thiết.

Trong thời đại mà việc sử dụng bàn phím laptop khi đi làm buổi sáng rồi dùng bàn phím rời khi về nhà vào buổi tối không phải là chuyện hiếm, chắc hẳn không ít người sẽ cảm thấy khó chịu với kích thước "hầm hố", hành trình phím dài và nhất là tiếng kêu không mấy dễ chịu của đại đa số bàn phím cơ trên thị trường. Với mẫu bàn phím K70 RGB Mk.2 Low Profile ra mắt tại Việt Nam cách đây không lâu, Corsair hứa hẹn sẽ thay đổi điều này. Người dùng sẽ có một sản phẩm sở hữu thiết kế thấp, phẳng giống như laptop nhưng vẫn mang lại đầy đủ trải nghiệm của bàn phím cơ nhờ switch Low Profile MX mới của thương hiệu Cherry.

Sản phẩm VnReview đánh giá hôm nay là chiếc K70 RGB Mk.2 Low Profile phiên bản Rapidfire (để phân biệt với phiên bản sử dụng red switch) hiện có giá bán 3,9 triệu đồng.

Thiết kế mới lạ nhưng vẫn cần cải thiện thêm, chơi game, gõ văn bản đều tốt

Chiếc K70 RGB Mk.2 Low Profile về cơ bản vẫn giữ nhiều nét thiết kế của những đàn anh đi trước. Mặt phím (plate) được làm từ nhôm với vân phay xước chống bám vân tay trông khá nam tính. Có plate nhôm nhưng K70 RGB Mk.2 Low Profile khá nhẹ, chỉ 1,08 kg. Tuy nhiên, không như phiên bản SE, K70 RGB Mk.2 Low Profile chỉ có màu đen, không có màu trắng, nhưng theo tôi thì màu đen vẫn là phù hợp nhất, lý do chi tiết tôi sẽ đề cập ở phần sau của bài đánh giá này.

Kê tay tặng kèm của K70 RGB Mk.2 Low Profile khá mỏng và thấp để đồng bộ với thiết kế của bàn phím

Corsair có tặng kèm một tấm kê tay làm bằng nhựa có thể tháo rời, các đường vân soft-touch chống bám vân tay khá tốt, nhưng để đồng bộ với thiết kế mỏng nhẹ của bàn phím thì chiếc kê tay này mỏng hơn khá nhiều so với những sản phẩm khác của hãng, tạo cảm giác thiếu chắc chắn. Ngoài ra, khi đặt cạnh plate nhôm phay xước của bàn phím thì chiếc kê tay trông khá "lạc tông", đây là điểm mà tôi nghĩ Corsair lẽ ra đã có thể làm tốt hơn.

Mặt dưới của bàn phím không còn các rãnh đi dây, một sự cắt giảm so với phiên bản K70 RGB Mk.2 tiêu chuẩn

Một điểm đáng tiếc nữa trên K70 RGB Mk.2 Low Profile chính là mặt dưới của bàn phím không còn các rãnh để tiện đi dây. Ngoài ra, hai lẫy nâng phím chỉ có một nấc, nhưng bù lại thì các feet cao su khá to, nên dù bàn phím khá nhẹ nhưng khi sử dụng không hề bị trôi.

Hai đầu cáp USB, một dành cho kết nối bàn phím, một để phục vụ cho tính năng USB Pass Through

Cáp của K70 RGB Mk.2 Low Profile được bọc dù rất chắc chắn nhưng hơi cứng, và rất tiếc nó không phải là cáp Type-C có thể tháo rời, tiện lợi cho việc di chuyển hay thay thế khi đứt, hỏng như một số bàn phím cao cấp hiện nay. Cáp có hai đầu vào, một đầu để truyền tín hiệu bàn phím, một đầu phục vụ cho tính năng USB Pass Through cho phép bạn tận dụng cổng USB ở cạnh trên của bàn phím, nhưng do không được mạ vàng nên chân kết nối có thể bị gỉ sau thời gian dài sử dụng.

Dây cáp vẫn không phải là loại rời USB Type-C

Nhưng đó không phải là những điểm mới. Điểm mới mà chúng ta cần quan tâm ở đây chính là keycap và key switch hoàn toàn mới của K70 RGB Mk.2 Low Profile. Sản phẩm có hai phiên bản sử dụng switch MX Low Profile Red và MX Low Profile Speed của thương hiệu nổi tiếng đến từ nước Đức Cherry. Bộ đôi switch này được giới thiệu tại CES 2018, và K70 RGB Mk.2 Low Profile là sản phẩm đầu tiên đánh dấu quan hệ hợp tác độc quyền loại switch này giữa Cherry và Corsair.

Switch Cherry MX Speed Low Profile - Trái tim của K70 RGB Mk.2 Low Profile

Theo Cherry, mục tiêu của hãng khi ra mắt bộ đôi switch Low Profile là để mang lại trải nghiệm gõ phím tương tự như những switch khác của hãng mà người dùng đã quen thuộc dù có kích thước nhỏ gọn hơn. Trên thực tế, tôi gần như không cảm nhận được sự khác biệt khi nhấn vào switch MX Speed full-size và MX Speed Low Profile. Switch MX Speed full-size có hành trình phím 3.4mm, điểm nhận phím 1.2mm và yêu cầu lực nhấn 45g, trong khi switch MX Speed Low Profile có các thông số lần lượt là 3.2mm, 1.0mm và vẫn yêu cầu lực nhấn 45g.

Cherry đã làm được điều này với chiếc switch có kích thước nhỏ hơn 35% so với phiên bản full-size. Đó là một thành tựu khá đáng nể, và nó có thể sẽ mở ra một tương lai mới cho bàn phím cơ trên laptop. Ngày nay, phím cơ trên laptop vẫn chỉ là một thứ gì đó xa vời, được trang bị trên những chiếc laptop gaming cồng kềnh, và ngay cả những sản phẩm đắt tiền cũng chưa mang lại trải nghiệm trọn vẹn.

Thiết kế Low Profile giúp việc đặt tay khi chơi game hay gõ văn bản được tự nhiên hơn

Trải nghiệm chơi game tốt nhờ hành trình phím ngắn, yêu cầu lực nhấn nhẹ

Do có hành trình phím và điểm nhận phím rất ngắn nên các thao tác như gõ văn bản hay chơi game trên K70 RGB Mk.2 Low Profile khá là "sướng". Switch MX Speed thường được các game thủ tin dùng nhờ khả năng "spam skill" (liên tục nhấn một hay nhiều phím để thực hiện hành động) ấn tượng, nhưng đối với một người thường xuyên phải làm việc với văn bản như tôi, trải nghiệm gõ phím vẫn khá dễ chịu dù tôi có thói quen "bottom-out" (gõ hết hành trình phím thay vì chỉ gõ đến điểm nhận phím).

Nhân nói về bottom-out, không chỉ hành trình phím ngắn hơn, âm thanh của phím khi bottom-out cũng nhỏ và êm ái hơn rất nhiều so với đa số bàn phím cơ ngày nay. Chơi game buổi tối hay làm việc trong văn phòng cũng vì thế mà sẽ dễ chịu hơn hẳn, cả cho bạn cũng như những người xung quanh.

Chiều cao bàn phím chỉ là 29mm, thấp hơn đáng kể so với những bàn phím cơ thông thường

Về keycap (nắp phím), để đồng bộ với switch Low Profile mới, Corsair đã phát triển riêng một bộ keycap mới chưa từng có trên các sản phẩm trước đây, thấp hơn hẳn so với những bàn phím cơ khác. Kết hợp với thân phím được thiết kế lại, switch nhỏ hơn, chiều cao của K70 RGB Mk.2 Low Profile chỉ là 29mm, so với 40mm của bàn phím cơ thông thường. Do vậy, khi mới bắt đầu sử dụng thì tôi gặp chút khó khăn trong việc làm quen, nhưng khi đã quen rồi thì rất thoải mái.

Phím space được làm cách điệu trông khá thú vị

Keycap của K70 RGB Mk.2 Low Profile được làm bằng nhựa ABS nên khá bám mồ hôi, đồng thời sẽ có hiện tượng bóng khi sử dụng lâu dài. Các ký tự được khắc bằng la-ze chứ không phải in double-shot nên có thể sẽ bị "xuống mã" nếu không chăm sóc kỹ. Chữ có kích thước lớn, phông đậm quen thuộc của Corsair, có thể sẽ không hợp sở thích của mọi người. Phím cách (space) của K70 RGB Mk.2 Low Profile được cách điệu với những đường vân sần trông như thép, vừa tăng tính thẩm mỹ, vừa bảo vệ cho phím được sử dụng thường xuyên nhất.

Phông chữ của K70 RGB Mk.2 Low Profile to và đậm - truyền thống của Corsair. Tuy nhiên, các ký tự phụ của bàn phím được in ở dưới ký tự chính nên đèn LED sáng không đều

Điểm khó chịu nhất trên keycap của K70 RGB Mk.2 Low Profile đó là những ký tự phụ của phím (chẳng hạn như @,#,$,…) được khắc ở bên dưới ký tự chính, thay vì ở bên cạnh như keycap của các bàn phím khác. Điều này khiến những ký tự phụ nhận được ít ánh sáng xuyên qua từ đèn LED hơn. Đây không phải là vấn đề quá lớn, nhưng rõ ràng Corsair lẽ ra đã có thể tránh được.

Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý về keycap của K70 RGB Mk.2 Low Profile là giống như những sản phẩm bàn phím cơ khác của Corsair, hàng phím cuối cùng có kích thước khác với layout truyền thống, nên người dùng muốn thay keycap sẽ phải tìm những bộ dành riêng cho layout của Corsair, sẽ đắt hơn và khó tìm hơn một chút. May mắn là không như switch ML của Cherry, switch MX Low Profile vẫn có stem hình dấu cộng, nên tùy biến bàn phím với keycap không gặp nhiều khó khăn.

Bộ keycap game tặng kèm cho cảm giác nhấn khá tốt, nhưng do không thường xuyên chơi game nên tôi ít sử dụng

Corsair có tặng kèm hai bộ keycap, một bộ cho game bắn súng với 4 phím WASD, một bộ cho game MOBA với 6 phím QWERDF. Các phím này được làm nhám giống như phím cách với cạnh được làm nhô cao, nhưng do tôi không thường chơi game và do chúng không được thiết kế thấp như các phím khác nên gõ văn bản khá vướng tay, nên tôi không sử dụng chúng nhiều.

Con lăn điều khiển âm lượng rất tiện lợi, cùng phím mute ở bên cạnh và dãy phím media ở bên dưới

Cụm ba phím thay đổi profile, độ sáng và kích hoạt khóa phím

Còn lại, chiếc K70 RGB Mk.2 Low Profile không khác gì so với phiên bản K70 Mk.2 tiêu chuẩn: chúng ta có 4 phím media nằm phía trên các dãy numpad, phím mute, con lăn tăng giảm âm lượng bằng kim loại trông khá đẹp mắt ở góc trên cùng bên phải. Ở chính giữa cạnh trên là logo của Corsair, nay đã có thêm đèn LED tùy chỉnh được thay vì chỉ là miếng kim loại như bàn phím K70 đời đầu. Bên trái là cụm ba phím thay đổi profile, thay đổi độ sáng đèn LED và nút kích hoạt chế độ khóa phím (vô hiệu hóa các phím Windows, Alt+Tab, Shift+Tab, Alt+F4, có thể lựa chọn khóa một hoặc nhiều cụm phím cùng một lúc).

Logo của K70 RGB Mk.2 Low Profile có đèn LED chiếu sáng, và tất nhiên là điều chỉnh được

Tuy không có các nút macro chuyên dụng như dòng K95 đắt tiền hơn nhưng số phím media trên K70 RGB Mk.2 Low Profile khá đầy đủ, bạn không cần phải dùng đến phím Fn như các bàn phím khác. Bàn phím cũng hỗ trợ tính năng N-key rollover, tức nhận dạng tất cả các phím cùng một lúc, tính năng gần như buộc-phải-có dành cho game thủ.

Hệ thống đèn LED bắt mắt

Tôi đánh giá rất cao hệ thống đèn LED của K70 RGB Mk.2 Low Profile. Trên thực tế, đây có lẽ là một trong những bàn phím có hệ thống đèn LED đẹp nhất mà tôi từng trải nghiệm. Để làm được điều đó, Corsair đã kết hợp các yếu tố sau:

Phần housing của switch được làm bằng nhựa trong suốt...

... so với housing màu đen của switch Kailh đến từ Trung Quốc

Thứ nhất, switch MX Low Profile được Cherry giới thiệu là "tối ưu hóa cho ánh sáng". Thật vậy, phần housing (nắp nhựa) của switch được làm bằng nhựa trong suốt nên ánh sáng dễ xuyên qua hơn. Trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm đến từ Trung Quốc, phần housing thường được làm bằng nhựa màu đen và bóng đèn LED phải đưa ra ngoài, nên ánh sáng sẽ tỏa không đều bằng những sản phẩm đặt đèn LED bên dưới switch với housing nhựa trong suốt. Ngoài ra, thiết kế switch hơi nhô lên để lộ phần housing cũng khiến ánh sáng đèn trở nên lung linh hơn.

Keycap của K70 RGB Mk.2 Low Profile rất thấp nên mặt chữ sát với đèn LED hơn, kết hợp với thiết kế lộ chân switch giúp ánh sáng thoát ra được nhiều hơn

Thứ hai là keycap. Như đã đề cập ở trên, phông chữ của K70 RGB Mk.2 Low Profile khá to và đậm, nên ánh sáng xuyên qua được nhiều hơn. Không chỉ vậy, thiết kế Low Profile giúp mặt keycap ở gần với đèn LED hơn, nên hiển nhiên sẽ sáng hơn so với keycap có kích thước thông thường. Cuối cùng, keycap của K70 RGB Mk.2 Low Profile chỉ có màu đen, nên ánh sáng được kiểm soát tốt hơn. Nếu keycap màu trắng, ánh sáng sẽ tràn qua cả mặt keycap chứ không chỉ xuyên qua mặt chữ, trông sẽ xấu hơn, nhưng có lẽ điều này còn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người.

Gờ của khung nhôm hút sáng và hắt sáng tốt, tạo cảm giác như có thêm một hàng đèn LED nữa vậy

Thứ ba là plate của bàn phím. Phần plate này được làm bằng nhôm phay xước nên khả năng hút sáng và hắt sáng tốt hơn. Plate có màu đen, cùng với keycap cũng màu đen nên khi sử dụng trong không gian tối trông sẽ "huyền ảo" hơn rất nhiều. Ngoài ra, Corsair cũng rất thông minh khi thiết kế hai gờ ở cạnh trên và cạnh dưới của phím, ánh sáng hắt ra từ housing sẽ chiếu vào hai gờ này, tạo cảm giác như bàn phím có thêm hai hàng đèn nữa, trông khá thú vị.

Phần mềm nhiều tùy biến

Giao diện chính của iCUE Software, với danh sách thiết bị đã kết nối ở phía trên

Trước đây, Corsair có hai phần mềm để quản lý các thiết bị gaming gear của mình, một là CUE Software, một là LINK, và mỗi phần mềm lại có một vai trò riêng. Từ lâu, người dùng luôn kêu gọi hãng tích hợp hai phần mềm lại với nhau, và hồi đầu năm nay, mong muốn này đã được Corsair hiện thực hóa, với phần mềm iCUE Software. Tất cả những sản phẩm gaming gear có thể điều khiển và lập trình, từ bàn phím, chuột cho đến tai nghe, nguồn, tản nhiệt,… của Corsair nay sẽ được quản lý thông qua iCUE. Tuy vẫn đang trong giai đoạn phát triển, iCUE vẫn hoạt động tốt trong đa số trường hợp, và vẫn đang được cập nhật một cách thường xuyên.

Giao diện của iCUE đã được cải tổ khá nhiều, trông tối giản hơn, nhưng vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt. Các thiết bị Corsair đã kết nối với máy tính sẽ được hiển thị ở góc trên, như bạn có thể thấy ở hình dưới là tôi đang kết nối bàn phím K70 RGB Mk.2 Low Profile và chuột Harpoon RGB của Corsair.

Giao diện lựa chọn profile (bên trái). Bàn phím có trang bị bộ nhớ 8MB đủ lưu trữ lên tới 3 profile, và người dùng có thể nhập (import) profile của người khác và áp dụng lên thiết bị của mình

Khả năng tùy biến của iCUE là khá cao, nên người dùng, đặc biệt là những người chưa từng sử dụng iCUE trước đây, sẽ mất kha khá thời gian để làm quen. Với bàn phím, bạn có thể thiết lập macro, thiết lập màu đèn LED cho từng phím, độ sáng của toàn bộ đèn (3 mức) và tần suất gửi tín hiệu của bàn phím tới máy tính (Polling Rate).

Giao diện tùy biến đèn LED mạnh mẽ, cho phép người dùng áp dụng nhiều hiệu ứng cùng một lúc và hơn thế nữa

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả vẫn là khả năng tùy biến đèn LED RGB mạnh mẽ của chiếc bàn phím, thêm một điểm cộng nữa cho hệ thống đèn vốn đã được tôi đánh giá cao. Bạn có thể tạo nhiều lớp màu và hiệu ứng khác nhau, thậm chí tùy chỉnh khi nào thì những hiệu ứng đó xảy ra (và kéo dài trong bao lâu). K70 RGB Mk.2 Low Profile còn được trang bị bộ nhớ 8MB cho phép lưu trữ tới 3 hồ sơ thiết lập (profile) khác nhau, tuy sẽ bị hạn chế về độ phức tạp của thiết lập nhưng chúng vẫn khá hữu dụng, nhất là khi bạn có thói quen mang bàn phím đi nhiều nơi. Việc nhập/xuất các profile cũng rất đơn giản, bạn hoàn toàn có thể lấy thiết lập của người khác đặt lên bàn phím của mình, mở ra những khả năng tùy biến gần như vô hạn.

Một điểm nữa cũng rất đáng quan tâm chính là khả năng đồng bộ màu đèn LED của các thiết bị gaming gear với cảnh trong game của người chơi theo thời gian thực. Chẳng hạn, với tựa game Far Cry 5, khi bạn bơi dưới biển, đèn của hệ thống sẽ chuyển sang màu xanh, hay chuyển sang màu vàng khi bị kẻ địch ném bom Molotov. Tuy số game tương thích vẫn còn khá ít, đây hứa hẹn sẽ là một tính năng rất thú vị trong tương lai.

Hiệu ứng đèn LED trên Corsair K70 RGB Mk.2 Low Profile khi chơi Far Cry 5

Tổng kết

Nếu bạn đang tìm cách để có được trải nghiệm gõ phím như laptop với thế mạnh ở sự gọn gàng, nhẹ nhàng và êm ái nhưng vẫn phải sở hữu đầy đủ những ưu điểm của bàn phím cơ ở hành trình phím, độ nảy, cảm giác gõ,... K70 RGB Mk.2 Low Profile chắc chắn là sự lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại – tốt hơn nhiều những chiếc bàn phím mini chân cao su mà bạn thường thấy ở trên thị trường. Tôi không dám tự tin khẳng định dòng switch Cherry MX Low Profile sẽ có thể lật đổ được các loại switch thông thường, nhưng chiếc bàn phím này của Corsair đã chứng minh được rằng nó là một sự lựa chọn đáng để cân nhắc, đồng thời đi tiên phong cho một trào lưu hoàn toàn mới trong thị trường bàn phím cơ.

Các thương hiệu khác như Cooler Master hay Ducky đã công bố những kế hoạch của riêng mình cho những bàn phím Low Profile trong tương lai gần, nên nếu bạn yêu thích switch Low Profile, có lẽ bạn nên đợi một chút để có nhiều sự lựa chọn hơn. Dẫu vậy, với thiết kế bền bỉ, switch Cherry danh tiếng cùng hệ thống đèn LED đẹp mắt, tùy biến cao, K70 RGB Mk.2 Low Profile vẫn là một sản phẩm tuyệt vời trong phân khúc bàn phím cơ cao cấp.

Ưu điểm:

+; Thiết kế đẹp, cứng cáp

+  Cảm giác gõ mới lạ, êm ái, ít phát ra tiếng động

+  Đèn LED sáng, đẹp, khả năng tùy biến cao

+  Đủ các phím điều khiển media

Nhược điểm:

-   Kê tay tặng kèm hơi mỏng, tạo cảm giác thiếu chắc chắn

-   Keycap ABS kém bền hơn PBT, ký tự không in double-shot sẽ bị mờ theo thời gian

Hoàn Đặng

Chủ đề khác