VnReview
Hà Nội

Đánh giá CPU Intel Core i5-9400F: Không chip đồ họa có phải ý kiến hay?

Là sản phẩm có giá rẻ nhất trong dòng chip thế hệ thứ 9 của Intel, Core i5-9400F được kỳ vọng sẽ kéo sự chú ý của người dùng khỏi AMD – đối thủ "không đội trời chung" của Intel, vốn đang gặt hái những thành công nhất định với dòng chip Ryzen.

Ra mắt vào ngày 9/10 tại New York, Mỹ, Core i5-9400F nằm trong dòng chip thế hệ thứ 9 của Intel với tên gọi "Coffee Lake Refresh". Điểm đáng chú ý nhất của sản phẩm chính là việc Intel đã quyết định cắt bỏ chip đồ họa tích hợp (iGPU) trên con chip này, được cho là để giảm giá thành và gây sức ép lên AMD – cái tên đang đi ngược lại với chiến lược của Intel khi tích hợp iGPU cho hai sản phẩm Ryzen 3 2200G và Ryzen 5 2400G.

Sản xuất trên tiến trình 14nm++, thật đáng tiếc khi Coffee Lake Refresh không phải là những con chip 10nm đầu tiên của Intel như đồn đoán trước đó. Tiến trình nhỏ hơn sẽ giúp các con chip nhanh hơn, mạnh hơn mà vẫn tiết kiệm điện năng hiệu quả. Core i5-9400F mang trong mình trọng trách kế nhiệm i5-8400, con chip đã gây sốt trong suốt năm 2018 với việc lần đầu tiên Intel trang bị 6 nhân thực cho dòng Core i5 tầm trung của mình, nên việc tiến trình 14nm++ tiếp tục được sử dụng có thể sẽ khiến các fan Intel cảm thấy phiền lòng đôi chút.

i5-9400F hiện có giá bán lẻ đề nghị là 182 USD, tức khoảng 4,2 triệu đồng.

Thiết kế: Lưu ý socket

VnReview sẽ không đi sâu vào đặc điểm thiết kế của Core i5-9400F vì a) Thiết kế bên ngoài của chip không phải là vấn đề lớn vì… đằng nào khi sử dụng bạn cũng không nhìn thấy chúng và b) Thiết kế của CPU nói chung là giống nhau, dù là AMD hay Intel. Điều duy nhất mà bạn cần quan tâm khi nói đến thiết kế của CPU là socket (nơi dùng để kết nối CPU lên bo mạch chủ) của nó, và của Core i5-9400F là LGA 1151.

Do đó, bất kỳ bo mạch chủ nào thuộc series 300 socket LGA1151 (ví dụ: Z370, B360,…) trên lý thuyết đều sẽ phù hợp với Core i5-9400F, nhưng những bo mạch chủ được sản xuất trước khi con chip của Intel ra mắt có thể phải cập nhật BIOS để hoàn toàn tương thích và phát huy tối đa khả năng.

Từ thế hệ thứ 8 Coffee Lake, Intel đã đổi màu hộp đựng sản phẩm của mình sang màu tím thay vì màu xanh, trông bắt mắt và trẻ trung hơn, thu hút sự chú ý của các game thủ. Bên trong hộp vẫn đi kèm với chiếc quạt tản nhiệt "huyền thoại" của Intel.

Cấu hình thử nghiệm

CPU: Intel Core i5-9400F

Bo mạch chủ: Gigabyte Z390 Aorus Master

RAM: Kingmax Zeus RGB 16GB Bus 3000Mhz

Card đồ họa: Gigabyte GeForce GTX 1660Ti Gaming OC 6G

Lưu trữ: Gigabyte UD Pro 512GB

Case: Gigabyte Aorus AC300W

Xin cảm ơn Thủy Linh Computer đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài đánh giá này.

Benchmark: Chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với thế hệ trước

Cùng được sản xuất trên tiến trình 14nm++, về cơ bản có thể mô tả i5-9400F chính là i5-8400 được nâng nhẹ xung nhịp cơ bản và xung nhịp tối đa nhưng bị cắt mất iGPU. Tất cả những thông số còn lại, từ bộ nhớ đệm 9MB, băng thông bộ nhớ tối đa 41,6GB/s cho đến điện năng tiêu thụ 65W, thậm chí là giá bán lẻ đề nghị 182 USD (theo thông tin trang chủ của Intel), i5-9400F đều giống với i5-8400. Do đó, i5-9400F sẽ chỉ có hiệu năng nhỉnh hơn một chút, điều này có thể thấy rõ nhất qua các bài benchmark.

Trong tất cả các bài benchmark của VnReview, mọi thiết lập đều được để ở tùy chọn mặc định.

Điểm đơn nhân (trái) và đa nhân (phải) của i5-9400F trên CineBench

Đầu tiên, với công cụ đo khả năng render CineBench release 20, i5-9400F đạt số điểm đơn nhân và đa nhân lần lượt là 415 và 2273, hợp lý với một CPU phân khúc tầm trung. i5-8400 có số điểm tương ứng là 410 và 2270.

V-Ray Benchmark cũng là một phần mềm đo khả năng render rất được tin tưởng. Trong bài test này, i5-9400F hoàn thành tác vụ trong 2 phút 10 giây, ngang ngửa với i5-8400 như bạn có thể thấy trong ảnh.

Các thông số của i5-9400F trên công cụ CPU-Z

Tiếp theo là CPU-Z, công cụ rất nổi tiếng đối với người dùng Windows lẫn Android với mục đích kiểm tra thông số sản phẩm của mình. Lần này, i5-9400F có điểm số cao hơn ở bài benchmark đơn nhân, nhưng "thua đau" với cách biệt chỉ đúng 1 điểm ở bài benchmark đa nhân.

Điểm đơn nhân...

và đa nhân của i5-9400F trên CPU-Z

GeekBench, phần mềm không còn xa lạ nếu bạn thường xuyên các bài đánh giá di động của VnReview, chứng kiến sự vươn lên đầy bất ngờ của i5-8400. i5-9400F chỉ đạt điểm đơn nhân và đa nhân lần lượt là 4795 và 17789, so với 4799 và 18351 của i5-8400. Tính ra, i5-9400F có hiệu năng đa nhân thua đàn anh của mình khoảng… 3%.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là bộ công cụ 3DMark. 3DMark có rất nhiều bài benchmark phụ thuộc cho những nhu cầu khác nhau, nhưng VnReview sẽ chọn ra ba bài benchmark là Fire Strike, Sky Diver và Time Spy.

Fire Strike là bài benchmark dành cho các PC gaming hiệu năng cao dựa trên thư viện đồ họa DirectX 11 với độ phân giải Full HD (1920x1080 pixel). Trong bài benchmark này, i5-9400F đạt 13.909 điểm

Sky Diver là bài benchmark dành cho laptop gaming và máy tính để bàn phân khúc tầm trung, cũng dựa trên thư viện đồ họa DirectX 11 với độ phân giải Full HD nhưng nhẹ hơn Fire Strike. i5-9400F đạt 32.332 điểm

Nặng nhất trong cả ba, Time Spy dành cho PC gaming chạy Windows 10. Dựa trên DirectX 12 mới nhất của Microsoft, Time Spy là bài benchmark lý tưởng để thử nghiệm hiệu năng của những chiếc card đồ họa đời mới. Hệ thống thử nghiệm của VnReview đạt 6.134 điểm

Nhìn chung, điểm số benchmark của i5-9400F đều ngang ngửa hoặc chỉ nhỉnh hơn một chút so với đàn anh i5-8400. Xét riêng tiêu chí này, khó có thể nói i5-9400F là một bản nâng cấp thực sự, nhưng có lẽ đây cũng chẳng phải là mục đích của Intel đối với con chip này.

Hiệu năng chơi game: "Cân tốt" game ở độ phân giải Full HD

Không chỉ card đồ họa, CPU cũng rất quan trọng đối với nhu cầu chơi game của người dùng. Khi CPU quá yếu, card đồ họa sẽ không thể phát huy hết "công lực" của mình để nâng số khung hình trên giây (FPS) cho trải nghiệm mượt mà hơn, còn được gọi là tình trạng "nghẽn cổ chai". Qua một số trải nghiệm nhanh, i5-9400F và GTX 1660Ti là một cặp "song sát" rất đáng gờm, có thể chơi tốt mọi game hiện nay ở độ phân giải Full HD dù ở bất kỳ thiết lập đồ họa nào.

Các game trong bài thử nghiệm của VnReview đều được thiết lập đồ họa ở mức cao nhất, tắt tính năng giới hạn khung hình lẫn tự động điều chỉnh cấu hình.

Với tựa game battle royale hot bậc nhất hiện nay là Apex Legends, hệ thống của VnReview luôn dao động trong khoảng 115-120 FPS, rất mượt mà và không có tình trạng giật, lag. Có thể thấy trên ảnh, chiếc GTX 1660Ti đã hoạt động hết công suất, trong khi con chip của chúng ta mới chỉ hoạt động 41%. Nói cách khác, với một card đồ họa mạnh hơn, FPS hoàn toàn có thể được đẩy lên cao hơn nữa.

Trong game bắn súng huyền thoại Counter Strike – Global Offensive, FPS luôn ở mức trên 200, phù hợp với những game thủ sở hữu màn hình có tần số quét cao. Cả CPU và card đồ họa của chúng tôi đều chỉ mới hoạt động hết một nửa công suất.

Sekiro: Shadows Die Twice là tựa game yêu thích của người viết, được phát triển bởi FromSoftware, những người đứng sau series Dark Souls nổi tiếng. Đáng tiếc, tựa game này khóa khung hình ở mức 60FPS và không có cách nào để vô hiệu hóa. Ở một số cảnh có nhiều hiệu ứng, FPS có tụt xuống khoảng 55, nhưng hầu như không ảnh hưởng đến trải nghiệm.

Nhiệt độ ổn, quạt tặng kèm đủ dùng

Thử nghiệm trong phòng có điều hòa, nhiệt độ phòng ở mức 25-27 độ C, i5-9400F hoạt động khá mát mẻ dù VnReview chỉ dùng quạt tản nhiệt tặng kèm.

Kiểm tra bằng tính năng đo độ ổn định hệ thống System Stability Test của AIDA64 trong khoảng 15 phút, i5-9400F chỉ lên đến khoảng 63 độ C, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và không bị "bóp" hiệu năng (Throttle).

Tuy nhiên, khi sử dụng CPU Burner của công cụ FurMark, nhiệt độ của i5-9400F đã lên đến ngưỡng 70 độ C, buộc quạt tản nhiệt phải hoạt động ở công suất tối đa và chúng tôi có thể nghe được tiếng ồn dù case đóng kín.

Khi chơi game, nhiệt độ của i5-9400F dao động trong khoảng 55-60 độ C, nhưng những tựa game mà VnReview thử nghiệm không thực sự quá nặng về cấu hình. Do đó, nếu thường xuyên render hoặc chơi game nặng, có lẽ bạn nên đầu tư một bộ tản nhiệt hiệu quả hơn.

Tổng kết: Đáng mua hay không còn tùy vào nhu cầu

Cắt giảm chip đồ họa tích hợp có phải là một ý kiến hay? Có, vì người tiêu dùng luôn hoan nghênh việc có thêm những sự lựa chọn. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định này của Intel là những game thủ có túi tiền vừa phải, đã có sẵn hoặc có kế hoạch mua card đồ họa và không cần đến iGPU. Tuy nhiên, với hiệu năng tăng không đáng kể so với thế hệ trước, cộng với những phiền toái có-thể-xuất-hiện liên quan đến BIOS, có lẽ phần lớn người dùng, đặc biệt là những nhà sáng tạo nội dung, sẽ chọn lấy cho mình một con chip Coffee Lake có iGPU, vừa tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ từ card đồ họa, vừa tránh sự đau đầu không cần thiết.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác