VnReview
Hà Nội

Đánh giá màn hình gaming Samsung CRG5: Khi tần số làm tươi là tất cả

Với màn hình Samsung CRG5, tần số làm tươi là tất cả, là ưu tiên số một. Hơn 10 triệu đồng cho một chiếc màn hình 27 inch tần số làm tươi 240Hz, đó đều là những con số rất hấp dẫn, nhất là với một thương hiệu như Samsung, nhưng đi cùng với nó hiển nhiên là những sự hy sinh. Có những thứ bạn nghĩ mình không cần đến, cho đến khi bạn mất nó, và có những thứ bạn nghĩ là mình cần, cho đến khi bạn có nó.

Từ lâu, 60 fps vẫn luôn được coi là mức khung hình "lý tưởng" khi chơi game, dù trên máy tính hay máy chơi game cầm tay console. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu mạnh mẽ của game thủ, màn hình với tần số làm tươi cao hơn ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn.

Trong thế giới game, kết cục của một trận đấu có thể được định đoạt chỉ trong một khoảnh khắc, nếu bạn thua do màn hình không làm tươi đủ nhanh, bạn chẳng thể trách ai ngoại trừ chính bản thân mình. Vì lý do đó, màn hình tần số làm tươi 75Hz, 120Hz, 144Hz và thậm chí là 240Hz lần lượt xuất hiện, chẳng mấy chốc mà màn hình 60Hz sẽ lùi vào dĩ vãng, chí ít là trong giới gaming.

Tại triển lãm E3 2019 hồi tháng 6 vừa qua, Samsung đã chính thức cho ra mắt CRG5, màn hình cong 240Hz đầu tiên của hãng. Sản phẩm lên kệ tại Việt Nam không lâu sau đó với giá niêm yết 10,89 triệu đồng. "Lần đầu làm chuyện ấy", liệu Samsung CRG5 có đủ sức thuyết phục giới game thủ trước "một rừng" những sản phẩm khác của đủ các tên tuổi trên thị trường?

Thiết kế gọn gàng với viền mỏng, nhưng không hề có sự linh hoạt

Về tổng thể, CRG5 có thiết kế khá gọn gàng, dường như Samsung muốn chú trọng vào sự tinh tế thay vì "hầm hố" như những chiếc màn hình gaming khác trên thị trường. Nếu không vì chân đế chữ Y to "tổ chảng" thì nhiều khả năng bạn sẽ lầm tưởng rằng CRG5 là một màn hình cho dân văn phòng, thiết kế.

Viền trên và hai viền cạnh bên của CRG5 có độ mỏng vừa phải, nếu so sánh thì không bằng được chiếc ViewSonic VG2455 mà người viết từng đánh giá cách đây không lâu, nhưng tầm nhìn vẫn thoáng đãng, không gây khó chịu. Tuy nhiên, giữa phần viền nhựa và tấm nền màn hình lại có rãnh khá lớn, độ dày nhét vừa chiếc thẻ ATM, có thể sẽ là nơi tích tụ bụi bẩn trong thời gian dài.

Phần cạnh dưới của màn dày hơn một chút do giới hạn công nghệ, được phủ sơn bạc với logo Samsung ở chính giữa. Bên dưới logo này là nút nguồn kiêm các chức năng tương tác với màn hình, khá phổ biến trên thị trường hiện nay. Cá nhân người viết không thích kiểu một-nút-cho-mọi-chức-năng này, khi mỗi lần muốn tùy chỉnh một thứ gì đó sẽ rất mệt mỏi. Chẳng hạn như trên CRG5, để thay đổi profile màu sắc cần đến 5 lần click.

CRG5 có kích thước màn hình 27 inch, theo người viết là vừa đủ và phù hợp cho nhiều nhu cầu, từ làm việc cho đến giải trí. Độ phân giải Full HD, tuy nhiên, là hơi thấp đối với kích thước màn hình này. Độ phân giải 2K sẽ khiến nội dung hiển thị sắc nét hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc giá bán của CRG5 sẽ tăng "phi mã", nên đây là sự đánh đổi có thể chấp nhận được.

Khác với đa số thương hiệu màn hình trên thị trường, CRG5 sở hữu độ cong 1500R (cong với bán kính 1,5 mét) thay vì 1800R. Theo Samsung, độ cong 1500R sát với độ cong của mắt và tối ưu hóa góc nhìn, mang lại trải nghiệm chân thực hơn, nhưng người viết đã từng dùng qua cả hai loại cong 1500R và 1800R, sự khác biệt là gần như không thể nhận biết được. Màn hình của CRG5 cũng đã được phủ mờ (matte) chống lóa tốt, không có hiện tượng bóng trong phòng sáng.

Đi sâu hơn về cấu hình, CRG5 sử dụng tấm nền VA (Vertical Alignment), độ tương phản 3000:1, tần số làm tươi 240Hz và thời gian phản hồi 4ms, hỗ trợ cả hai công nghệ chống xé hình là G-Sync và FreeSync. Tấm nền VA thường được sử dụng trên những màn hình tần số làm tươi cao bởi nó có thể giữ thời gian phản hồi ở mức thấp trong khi chất lượng màu sắc và góc nhìn tốt hơn tấm nền TN. Còn với tấm nền IPS – dù sẽ cho chất lượng hình ảnh tốt nhất trong số 3 loại tấm nền – nhưng với tần số làm tươi 240Hz, giá cả sẽ đắt hơn nhiều. Nói cách khác, tấm nền VA là sự lựa chọn tối ưu cho CRG5 để cân bằng giữa chất lượng và chi phí.

Ở mặt sau, CRG5 không thực sự có điểm nhấn nào đáng chú ý: Không đèn LED, không phay xước, không họa tiết bắt mắt, những thứ mà chúng ta thường thấy trên một chiếc màn hình gaming. Đó không hẳn là một điều gì xấu, chắc chắn sẽ có những người dùng thích sự đơn giản này, chỉ có điều người viết không nằm trong số đó.

Số lượng cổng kết nối trên CRG5 chỉ ở mức tối thiểu, với hai cổng HDMI, một cổng DisplayPort 1.2 và một jack tai nghe 3.5mm. Không có cổng USB Type-C là điều chấp nhận được, nhưng không có cổng USB Type-A để người dùng tiện kết nối các thiết bị ngoại vi khác là một thiếu sót đáng tiếc.

Điều người viết cảm thấy không hài lòng trên chiếc CRG5 là nó không hề linh hoạt một chút nào. Trên thực tế, góc và chiều cao của màn hình là hoàn toàn cố định, bạn không thể xoay, lật hay làm bất kỳ điều gì với nó. Chân đế chữ Y của màn hình này cũng lấn chiếm nhiều diện tích trên bàn, nhưng bù lại nó rất vững chãi, ít bị rung động, một điều cần thiết khi người dùng cần tập trung để "try hard".

Chơi game cực mượt, cực sướng, nhưng chỉ game thôi

Là lần đầu tiên được trải nghiệm màn hình tần số làm tươi 240Hz nên đã người viết đã đặt nhiều kỳ vọng vào trải nghiệm của CRG5 đặc biệt là khi chơi game, và Samsung đã không gây thất vọng. Trong những tựa game tốc độ nhanh, đòi hỏi các thao tác liên tục như Counter Strike: Global Offensive hay Battlefield V, về cơ bản là những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, trải nghiệm CRG5 mang lại là rất mượt mà, dường như việc căn tâm ngắm trở nên dễ dàng hơn theo một cách khó có thể diễn tả được. Độ cong 1500R phần nào giúp trải nghiệm khi chơi game FPS trở nên chân thực hơn, khi góc nhìn của mắt được tự nhiên.

Tựa game MOBA Liên Minh Huyền Thoại cũng cho trải nghiệm tốt, một sự nâng cấp rõ ràng so với màn hình 60Hz mà người viết đang sử dụng. Di chuyển camera liên tục cho cảm giác dễ chịu, và chuyển động của nhân vật cũng như hiệu ứng kỹ năng đều được thể hiện một cách mượt mà.

Tuy nhiên, khi chuyển sang một tựa game hành động góc nhìn thứ ba là Yakuza Kiwami 2, tần số làm tươi 240Hz khiến người viết cảm thấy hơi chóng mặt, đặc biệt là khi camera xoay quanh nhân vật. Đây được gọi là "motion sickness", tạm gọi là "say tàu xe", và người viết chưa từng bị hiện tượng này trước đây. Không thể nói đây là lỗi của CRG5, nhưng đây cũng là một điều mà những game thủ từng bị say tàu xe cần cân nhắc khi lựa chọn chiếc màn hình này.

Một điểm cộng cho CRG5 là nó hỗ trợ cả hai công nghệ chống xé hình G-Sync của Nvidia và FreeSync của AMD. Nói một cách ngắn gọn, hai công nghệ này nhằm mục đích đồng bộ tần số làm tươi của màn hình với số khung hình trên giây của game để khắc phục tình trạng rách hình (screen-tearing), trong khi giảm thiểu việc gây trễ tín hiệu đầu vào (input lag). Card đồ họa của người viết là GeForce RTX 2060 có hỗ trợ G-Sync và có thể đạt 240fps đối với những tựa game như Counter Strike: Global Offensive hay Liên Minh Huyền Thoại mà không gặp vấn đề gì, nhưng với những tựa game nặng hơn, fps tụt xuống cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sự mượt mà.

Trong khi đó, khả năng hiển thị màu sắc khi làm việc hay giải trí của CRG5 chỉ ở mức bình thường. Tuy theo Samsung, màn hình này có độ phủ màu NTSC 72% nhưng màu sắc hơi bị bệt, khi nhìn từ trên xuống sẽ có cảm giác như hình ảnh bị cháy sáng, và tấm nền VA cũng không thể mang lại màu sắc sống động, rực rỡ như tấm nền IPS. Nói là vậy nhưng dù sao CRG5 vẫn là màn hình dành riêng cho nhu cầu gaming, nếu muốn chỉnh sửa ảnh hay video có lẽ những sự lựa chọn khác sẽ thích hợp hơn.

Ngoài ra, dường như việc thay đổi độ sáng và độ tương phản không mang lại sự khác biệt quá nhiều như thường lệ. Chỉnh sửa từ mức cao nhất xuống thấp nhất mà độ sáng và độ tương phản chỉ thay đổi một chút. Người viết thậm chí còn thử nghiệm bằng cách nhắm mắt, nhờ một người khác kéo độ sáng xuống mức thấp nhất rồi mở mắt, sự khác biệt là gần như không thể nhận ra.

Tổng kết: Tần số quét quan trọng, nhưng không phải là nhất

Khó có thể phủ nhận những lợi ích của màn hình 240Hz khi chơi game, đặc biệt là game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Chuyển động mượt mà và độ cong 1500R có thể nói là tuyệt hảo cho những xạ thủ, nhưng CRG5 cũng thể hiện tốt ở những tựa game MOBA như Liên Minh Huyền Thoại.

Dù vậy, để đổi lấy tần số làm tươi 240Hz, chiếc màn hình này đã phải hy sinh không ít, từ thiết kế, sự linh hoạt, độ phân giải cho đến cổng kết nối, màu sắc hiển thị. Nếu có thể, một chiếc màn hình 2K 144Hz có lẽ sẽ là sự lựa chọn khả dĩ hơn, vì sự khác biệt giữa 60Hz lên 144Hz và 60Hz lên 240Hz không nhiều như bạn tưởng đâu.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác