VnReview
Hà Nội

Đánh giá Colorful GTX 1660 Super NB: Card đồ hoạ "ngon" cho dân eSport

Nằm giữa GTX 1660 và GTX 1660 Ti, GTX 1660 Super được kỳ vọng sẽ lấp đầy mọi chỗ trống trong phân khúc tầm trung, và đây cũng là cách Nvidia "phủ đầu" đối thủ của mình là AMD, với dòng GPU Radeon RX 5500 dự kiến sẽ lên kệ vào cuối năm nay.

Mùa mua sắm cuối năm đã đến gần, và cả Nvidia lẫn AMD đều đã có sẵn những quân bài của mình trong tay. Trong khi "đội đỏ" AMD chuẩn bị lên kệ dòng card đồ họa Radeon RX 5500 dựa trên kiến trúc mới RDNA vào cuối năm nay, "đội xanh" Nvidia đã ra đòn phủ đầu đối thủ với sự xuất hiện của GeForce GTX 1660 Super.

Bạn đã bao giờ từng nghĩ rằng Nvidia đang ra mắt quá nhiều sản phẩm card đồ họa không? Nếu câu trả lời là có, bạn đã đúng rồi đấy. Cộng thêm cả GTX 1660 Super vừa ra mắt vào tháng trước, Nvidia đã tung ra tổng cộng 12 chiếc card đồ họa kể từ khi giới thiệu kiến trúc Turing mới. Chỉ tính riêng dòng GTX 16 cũng đã có tới ba model là GTX 1660, GTX 1660Ti và giờ là GTX 1660 Super. Để so sánh, dòng GTX 10 chỉ có tối đa 8 model, đó là tính cả chiếc GTX 1070 Ti "sinh sau đẻ muộn" đến tận 16 tháng.

Bảng so sánh thông số các dòng Nvidia GeForce

 

GTX 1660Ti

GTX 1660 Super

GTX 1660

GTX 1060

Số nhân CUDA

1536

1408

1408

1280

Xung cơ bản

1500MHz

1530Mhz

1530MHz

1506MHz

Xung boost

1770MHz

1785Mhz

1785MHz

1708MHz

Bộ nhớ

12Gbps GDDR6

14Gbps GDDR6

8Gbps GDDR5

8Gbps GDDR5

VRAM

6GB

6GB

6GB

6GB

Tốc độ tính toán

5.5 TFLOPS

5 TFLOPS

5 TFLOPS

4.4 TFLOPS

TDP

120W

125W

120W

120W

Kiến trúc

Turing

Turing

Turing

Pascal

Quy trình sản xuất

TSMC 12nm "FFN"

TSMC 12nm "FFN"

TSMC 12nm "FFN"

TSMC 16nm

Giá bán lẻ đề xuất

279 USD

229 USD

219 USD

249 USD

 

Vậy, về cơ bản, Nvidia đã lấy GTX 1660 bản gốc, thay bộ nhớ 8Gbps GDDR5 thành 14Gbps GDDR6, tăng nhẹ TDP lên thêm 5W để bù đắp cho nhu cầu về năng lượng và "úm ba la", chúng ta đã có GTX 1660 Super. Khi mới ra mắt, GTX 1660 được trang bị bộ nhớ 8Gbps GDDR5 như là một cách để cắt giảm chi phí, cũng như phân biệt với GTX 1660Ti mạnh mẽ hơn. Nay, với băng thông bộ nhớ 336GB/s, nhiều hơn 75% so với GTX và ngang ngửa RTX 2060, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sức mạnh ngang ngửa với GTX 1660Ti với mức giá rẻ hơn tới 50 USD từ GTX 1660 Super.

Nhân vật chính, Colorful GTX 1660 Super NB

Với GTX 1660 Super, Nvidia tiếp tục lựa chọn cách ra mắt sản phẩm là "virtual launch", hay ra mắt mà không có sản phẩm thực tế (Nvidia có một dòng card riêng tên gọi Founders Edition để tham chiếu với những phiên bản tùy biến từ OEM). Tôi đã chủ động liên hệ với Colorful Technology và nhận được sample là chiếc GTX 1660 Super NB, phiên bản có thông số xuất xưởng giống hệt với thông số công bố của Nvidia, do đó đây cũng là một cách để đánh giá hiệu năng thực sự của GTX 1660 Super.

Sản phẩm hiện đang được phân phối tại thị trường Việt Nam với giá bán 7 triệu đồng. Xin cảm ơn Colorful Technology đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này. Nếu quan tâm, độc giả có thể theo dõi thêm bài đánh giá chiếc card đồ họa Colorful RTX 2060 tại đây.

Hộp của Colorful GTX 1660 Super NB gây ấn tượng với chiếc rìu chiến trông khá bắt mắt ở chính giữa hộp, còn lại thì nó cũng không có nhiều điểm khác biệt với những hộp sản phẩm thông thường khác. Giống như RTX 2060, Colorful tiếp tục không để hình ảnh render sản phẩm kích thước lớn ra mặt trước hộp, khiến khách hàng dễ bỏ qua sản phẩm.

Xung quanh hộp là những thông tin về công nghệ nổi bật có trên sản phẩm, cùng với đó là những yêu cầu về cấu hình, nguồn, phiên bản Windows,… Với GTX 1660 Super, nhà sản xuất đề nghị nguồn công suất tối thiểu 450W với nguồn phụ một đầu 8-pin, ngoài ra không có gì đặc biệt.

Tổng quan, Colorful GTX 1660 Super NB có thiết kế cơ bản với hai quạt tản nhiệt 9mm, sẽ chiếm hai khe PCIe như mọi khi. Giống như chiếc GTX 1660 NB, phần mặt nạ của GTX 1660 Super tiếp tục là sự cân bằng giữa hai tông màu đen-đỏ, khiến tôi liên tưởng đến các sản phẩm GamingX của MSI từ GTX 1060 trở về trước.

Có lẽ Colorful nên sơn luôn quạt tản nhiệt thành hai màu đen đỏ để "tông xuyệt tông" hơn

Giống như những anh em khác thuộc dòng Battle Ax, Colorful GTX 1660 Super tiếp tục gắn bó với hệ thống tản nhiệt gồm ba ống tản nhiệt cỡ lớn. Hiệu quả tản nhiệt sẽ được chúng tôi đề cập ở phần sau của bài viết này.

Backplate đã không còn là tính năng "độc quyền" của những dòng sản phẩm flagship, khi nhiều nhà sản xuất đã trang bị chúng cho dòng card GTX 16, và Colorful cũng không ngoại lệ. Thiết kế backplate của GTX 1660 Super NB khá hầm hố, đậm chất game thủ, tuy nhiên có lẽ nó mang mục đích trang trí và bảo vệ card hơn là tản nhiệt, vì trên backplate này không có các ven thoát khí như các mẫu card đồ hoạ khác.

Trong kỷ nguyên RGB, đáng tiếc là; GTX 1660 Super NB tiếp tục không có đèn LED trang trí để hạ giá thành sản phẩm. Hai chiếc card khác là GTX 1660 Super Advance OC-V và GTX 1660 Super Ultra 6G-V thuộc thương hiệu iGame của Colorful, trong khi đó, lại có LED tùy chỉnh. Và như đã đề cập, GTX 1660 Super NB yêu cầu nguồn phụ 8-pin.

Về cổng kết nối, Colorful GTX 1660 Super NB vẫn chỉ được trang bị ba cổng tiêu chuẩn gồm một HDMI 2.0b, một DisplayPort 1.4 và cổng DVI cũ kỹ. Đáng chú ý, phiên bản này cũng đã bị "cắt giảm" nút tự động ép xung (overclock) so với những phiên bản đắt tiền hơn của Colorful, tuy nhiên bạn vẫn có thể ép xung thủ công bằng phần mềm iGameZone II.

Giao diện của iGameZone II

iGameZone II có đủ những gì bạn cần để ép xung chiếc card, tuy nhiên giao diện vẫn còn hơi màu mè. Ba profile thiết lập sẵn là Game, Silent và Turbo cũng chỉ tăng rất nhẹ Core Clock chứ chưa đi sâu vào những thông số khác. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng công cụ ép xung tự động tích hợp trong phần mềm MSI Afterburner.

Hiệu năng mượt mà, eSport thoải mái

Để kiểm tra hiệu năng của Colorful GTX 1660 Super NB, VnReview sử dụng hệ thống gồm

CPU: AMD Ryzen 5 3600

Card màn hình: Colorful GTX 1660 Super NB

Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max

RAM: Corsair Vengeance Pro RGB DDR4-3000 16GB

Lưu trữ: Colorful SL500 1TB

Nguồn: Antec EDGE750 80 Plus Gold

Tản nhiệt: Corsair Hydro H100i RGB Platinum SE

Case: Vitra NEFERTITI X9

OS: Windows 10 1903 64 bit

Driver: 441.12

Benchmark hiệu năng

3D Mark

- Fire Strike: Bài Benchmark DirectX 11 giả lập chơi game độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel)

- Fire Strike Extreme: Bài Benchmark Directx 11 giả lập chơi game độ phân giải 2K (2560 x 1440 pixel)

- Time Spy: Bài Benchmark DirectX 12 giả lập chơi game độ phân giải 2K (2560 x 1440 pixel)

Unigine

- Unigine Valley và Unigine Superposition: đo khả năng xử lý đồ họa bằng chuỗi các phân cảnh khác nhau.

Gaming benchmark với công cụ đo tích hợp trong game

- Far Cry 5

- Final Fantasy XV

- Metro: Exodus

Hiệu năng chơi game thực tế

- Hitman 2

- Shadow of the Tomb Raider

- Fifa 19

- Red Dead Redemption 2 (Loại vì game chưa thực sự tối ưu tốt)

- Liên Minh Huyền Thoại (2K)

- Counter Strike: Global Offensive (2K)

Các bài test khác

- Nhiệt độ

- Điện năng tiêu thụ

Trước tiên, trong các bài benchmark hiệu năng, Colorful GTX 1660 Super NB tỏ ra luôn nhỉnh hơn về điểm số so với MSI GTX 1660 Gaming X, vốn là một trong những chiếc card  GTX 16 series có hiệu năng tốt nhất trên thị trường. Hiệu năng ép xung của Colorful GTX 1660 Super NB cũng rất ổn đối với một chiếc card đồ hoạ không thuộc dòng OC, điểm số được cải thiện lên tới 10% so với khi chưa ép xung. Tuy nhiên, khoảng cách giữa GTX 1660 Super với RTX 2060 vẫn còn rất xa, cũng dễ hiểu vì hai chiếc card này nằm ở hai phân khúc khác nhau.

Về hiệu năng chơi game, trước tiên VnReview sẽ tiến hành benchmark bằng những công cụ tích hợp ngay bên trong trò chơi. Thiết lập đồ hoạ được đẩy lên mức cao nhất, tắt mọi tính năng đồng bộ khung hình (G-Sync, V-Sync), độ phân giải Full HD.

Điểm hiệu năng trên tựa game Final Fantasy XV trước khi ép xung (trên) và sau khi ép xung (dưới)

FPS thấp nhất, cao nhất và trung bình (average) của Colorful GTX 1660 Super NB trước khi ép xung (trên) và sau khi ép xung (dưới) trong công cụ đo hiệu năng của Far Cry 5

Metro: Exodus là một trong những tựa game nặng nhất trong năm 2019. Thiết lập đồ hoạ tối đa có vẻ đã quá sức của Colorful GTX 1660 Super NB

*Tựa game Shadow of the Tomb Raider cũng có công cụ benchmark tích hợp bên trong game, tuy nhiên không rõ vì lý do gì mà game bị crash ngay sau khi hoàn thành benchmark.

Shadow of the Tomb Raider

Hitman 2

FIFA 19

Khi chơi game thực tế, với những game AAA "sát phần cứng" như Shadow of the Tomb Raider, Hitman 2, Colorful GTX 1660 Super NB vẫn chơi mượt trong mức FPS từ 50-60. Người viết đã muốn thử nghiệm thêm cả tựa game hot nhất hiện nay là Red Dead Redemption 2, tuy nhiên bom tấn của Rockstar hiện vẫn chưa tối ưu tốt. Ngoài ra, nếu đam mê bóng đá, bạn có thể an tâm là chiếc card này "cân" tốt FIFA 19 ở mức FPS lên đến 180.

Chuyển sang hai tựa game eSport phổ biến bậc nhất hiện nay là Liên Minh Huyền Thoại và Counter Strike: Global Offensive, bạn hoàn toàn có thể đẩy độ phân giải lên 2K (2560 x 1440 pixel) mà FPS vẫn ở mức trên 144Hz – chuẩn mực eSport hiện nay. Trên đây là 2 video ngắn quay lại quá trình chơi của người viết, có bật G-Sync để tránh tình trạng rách hình.

Khả năng tản nhiệt của Colorful GTX 1660 Super NB tốt hơn tôi kỳ vọng. Trong điều kiện thử nghiệm nhiệt độ phòng ở mức 28 độ C, nhiệt độ trong case (đóng kín) dao động trong khoảng 35 độ, khi ép card tải tối đa bằng công cụ Furmark, Colorful GTX 1660 Super NB chưa lần nào vượt quá mức 60 độ. Tuy nhiên, chiếc card này không được tích hợp tính năng Zero RPM tự động tắt quạt khi ở nhiệt độ thấp, nên độ ồn khi máy nghỉ sẽ cao hơn so với những sản phẩm khác trên thị trường có tích hợp Zero RPM.

Điện năng tiêu thụ khi máy nghỉ là 32.2W

Khi full load bằng Furmark ở độ phân giải 2K, điện năng tiêu thụ tăng lên gần 65W

Về điện năng tiêu thụ, theo dõi bằng phần mềm GPU-Z, chúng tôi nhận thấy chiếc Colorful GTX 1660 Super NB tiêu thụ khoảng 32W khi ở chế độ nghỉ. Khi ép card full load bằng công cụ Furmark ở độ phân giải 2K, mức tiêu thụ năng lượng cũng chỉ tăng lên hơn 60W. Tính theo %, con số hiển thị 49% tương xứng với TDP 125W mà nhà sản xuất công bố. Trong những ảnh trên, các bạn cũng có thể thấy rằng ngay cả khi chơi game nặng, Colorful GTX 1660 Super NB cũng rất mát mẻ.

Kết luận

Tuy Nvidia từng khẳng định sự xuất hiện của GTX 1660 Super không phải để thay thế bất kỳ chiếc card GTX 16 series nào mà thay vào đó là lấp đầy những khoảng trống, hiệu năng của nó đã chứng minh điều ngược lại. Có mức giá ngang ngửa GTX 1660 khi mới ra mắt nhưng hiệu năng nhỉnh hơn chiếc GTX 1660 mạnh mẽ bậc nhất trên thị trường, rõ ràng bạn chẳng có lý do nào để không chọn GTX 1660 Super nếu nâng cấp từ những đời card thấp hơn.

Về phần của Colorful GTX 1660 Super NB, đây là một chiếc card đồ hoạ phù hợp với nhu cầu của đại đa số game thủ hiện nay: 60 fps với game AAA và 144Hz với game eSport. Không có đèn LED tuỳ chỉnh, không có nút ép xung tự động và không có tính năng Zero RPM là những sự cắt giảm đáng tiếc, nhưng đổi lại thì khả năng ép xung của card rất ổn với một chiếc card không thuộc dòng OC, và mức giá 7 triệu đồng là con số hấp dẫn đối với những game thủ chỉ quan tâm đến "p/p", hay hiệu năng trên giá thành.

+ Ưu điểm

- P/p, hay hiệu năng trên giá thành tốt

- Hoạt động mát mẻ

- Ép xung tốt, với một chiếc card không thuộc dòng chuyên OC

+ Nhược điểm

- Không có LED RGB

- Không có chế độ Zero RPM

Hoàn Đặng

Chủ đề khác