VnReview
Hà Nội

Đánh giá Gaming PC MSI Trident X Plus: Tội gì phải tự build case?

Kích thước nhỏ gọn như một chiếc máy chơi game console, bên trong Trident X Plus là một sức mạnh không thể không dè chừng. Nếu đồng thời là một người dùng đề cao tính di động và thẩm mỹ, bạn không có nhiều lý do để từ chối chiếc gaming PC này của MSI.

Trong những năm gần đây, PC dựng sẵn (pre-built) đang dần trở thành một sự lựa chọn được giới game thủ tin dùng, khi họ muốn tránh sự phiền phức của việc lắp ráp, tối ưu vị trí các linh kiện mà thay vào đó đi thẳng vào nhu cầu của mình, chỉ cần cắm điện rồi bật máy lên và sử dụng. Dòng Trident của MSI – thương hiệu gaming danh tiếng đến từ Đài Loan – là một trong số những dòng PC pre-built phổ biến nhất trên thị trường hiện nay, khoác trên mình thiết kế nhỏ gọn như những máy chơi game console nhưng vẫn sở hữu hiệu năng mạnh mẽ.

Trident X và Trident X Plus là những biến thể mới nhất của dòng máy này. Cả hai đều có thiết kế hiện đại, được nâng cấp hệ thống đèn nền RGB và quan trọng hơn cả là "trái tim" với chip Intel Core thế hệ thứ 9 cùng card đồ họa RTX của Nvidia. Trong bài viết này, VnReview sẽ đánh giá chiếc Trident X Plus, tên mã 9SE-256XVN phân phối tại thị trường Việt Nam với mức giá 64,5 triệu đồng.

Thiết kế nhỏ gọn, góc cạnh

Ấn tượng đầu tiên, thiết kế của MSI Trident X Plus không có sự khác biệt nhiều so với biến thể năm 2018 của mình: nhỏ gọn và góc cạnh. Để dễ hình dung, kích thước của máy chơi game PS4 là 305 x 275 x 53 mm, trong khi Trident X Plus là 382.73 x 396.39 x 127.74 mm, nhưng hiệu năng mạnh mẽ hơn nhiều. Với kích thước này, Trident X Plus sẽ nằm trong danh mục case máy tính ITX.

Với kích thước nhỏ gọn như thế này, khả năng tản nhiệt cho linh kiện là một trong những yếu tố rất quan trọng. Cả hai cạnh bên case của Trident X Plus đều có các hốc tản nhiệt lớn để CPU, GPU và nguồn có thể lấy được khí mát từ bên ngoài. MSI gọi đây là công nghệ tản nhiệt Silent Storm Cool 3, tách biệt CPU, GPU và nguồn trong các buồng khác nhau, tối ưu hóa luồng khí để đạt hiệu quả tản nhiệt tốt nhất.

Cạnh phải của máy là tấm kính cường lực với cơ chế bản lề giúp bạn có thể mở ra một cách rất dễ dàng mà không phải vặn ốc hay dùng đến bất kỳ công cụ nào. Phía bên dưới là lưới tản nhiệt cho CPU. Lớp kính này đủ dày, chắc chắn và tạo vẻ hiện đại, nhưng tùy sở thích thì bên trong hộp có đi kèm một tấm cửa kim loại mà bạn có thể thay thế.

Mở cửa kính cường lực và chúng ta sẽ thấy bên trong là bo mạch chủ, nguồn và bộ nhớ lưu trữ. Trident X Plus 9SE-256XVN được trang bị sẵn một HDD dung lượng 1TB, bạn có thể lắp thêm một HDD hoặc SSD nữa, miễn sao chúng có kích thước 2.5".

Phía bên dưới là con chip xử lý Intel Core i7-9700K, nằm trên bo mạch chủ Z390 Gaming Edge AC Mini-ITX của MSI. I7-9700K là một con chip hiệu năng khủng và tỏa nhiều nhiệt, đặc biệt là khi ép xung, thông thường tôi sẽ tư vấn cho người dùng nên sử dụng tản nhiệt nước, nhưng rõ ràng giải pháp đó sẽ không phù hợp với một cỗ máy có kích thước nhỏ gọn như Trident X Plus. Thay vào đó, MSI sử dụng hệ thống tản nhiệt khí 4 ống đồng với quạt 120mm RGB. Chi tiết hơn về nhiệt độ của CPU khi hoạt động sẽ được tôi đề cập ở phía dưới bài viết này.

Ngay bên cạnh hệ thống tản nhiệt CPU là nguồn của hệ thống. MSI trang bị cho Trident X Plus bộ nguồn FSP 650W SFX 80 Plus Gold, một động thái đáng khen trong bối cảnh đây thường là linh kiện bị cắt giảm để chỉ vừa đủ đáp ứng cho hệ thống. Với bộ nguồn này, bạn có thể nâng cấp lên card đồ họa RTX 2080Ti nếu có nhu cầu mà không gặp vấn đề gì.

Phía cạnh trái của Trident X Plus là kim loại chứ không phải kính cường lực, với các đường cắt hốc tỏa nhiệt cho card đồ họa và nguồn. "Ngôi sao" của chúng ta, tất nhiên, chính là card đồ họa MSI RTX 2080 Ventus. Chiếc card này có thiết kế 2 quạt kích thước lớn với 30 cánh quạt chia đều được bo cong nhiều để mang tính khí động học cao, từ đó lượng gió làm mát lấy từ bên ngoài vào nhanh hơn và nhiều hơn. Đồng thời, hệ thống quạt có thiết kế Frozr Heatsink Design mới với vòng bi kép giúp tăng cường tuổi thọ cũng như hạn chế độ ồn phát ra mức thấp nhất khi làm việc cường độ cao.

Để đảm bảo khả năng lưu thông khí, phía trên đỉnh case là hốc tản nhiệt có kích thước lớn, chiếm 3/4 diện tích mặt trên này. Tuy nhiên, phần mắt lưới kích thước lớn sẽ khiến bụi bẩn rất dễ lọt vào bên trong, và với case nhỏ gọn như Trident X Plus, chúng ta sẽ muốn hạn chế việc tháo máy ra để lau chùi. Trên đây cũng là nơi "tọa lạc" của nút nguồn, được cắt hơi chìm xuống để tránh tình trạng nhấn nhầm.

Do đặc thù thiết kế, bo mạch chủ của Trident X Plus được đảo ngược, dẫn tới các cổng kết nối được đưa hết xuống phía bên dưới (trên thực tế, MSI đã phải dùng cáp nối dài cho nguồn và PCIe riser cho card đồ họa). MSI rất "hào phóng" về số lượng cổng kết nối trên máy, chi tiết cụ thể độc giả có thể theo dõi trên bảng thông số ở phần đầu bài viết.

Phần chân đế của Trident X Plus được làm bằng nhựa, có thể tháo rời nếu người dùng có nhu cầu đặt máy nằm ngang theo kiểu máy chơi game console hoặc bị phụ thuộc vào không gian bàn làm việc, miễn sao vẫn đảm bảo máy đủ không gian tỏa nhiệt. Trọng lượng của máy khoảng 6,5 kg, chỉ bằng với chiếc laptop GT75 Titan mà tôi từng đánh giá cộng với bộ sạc, rất ấn tượng.

Giống như đa số sản phẩm gaming hiện tại của MSI, Trident X Plus có tích hợp hệ thống đèn RGB ở ba vùng là quạt tản nhiệt CPU, GPU và hai dải LED phía trước máy, tất cả đều có thể tùy chỉnh qua hệ sinh thái Mystic Light của hãng.

Nhân nói về phần mềm, Trident X Plus cũng được cài đặt sẵn MSI Dragon Center. Đây có thể coi là "đầu não" cho phép bạn theo dõi tình hình hệ thống như xung nhịp, nhiệt độ,... cũng như thay đổi profile hiệu năng (silent, OC, hai profile tùy chỉnh) và hơn thế nữa.

Hiệu năng khủng, tản nhiệt tốt hơn mong đợi nhưng không có chỗ cho ép xung

Đầu tiên, để đánh giá hiệu năng của Trident X Plus, tôi sử dụng bốn bộ công cụ benchmark phổ biến nhất hiện nay là PC Mark 10, 3D Mark, Cinebench R20 và Unigine Superposition. Trong đó, PC Mark 10 là công cụ giả lập các tình huống sử dụng trong thực tế với hai bài test Express và Extended; 3D Mark giả lập chơi game trong các tình huống khác nhau cho phép tùy chỉnh độ phân giải và thiết lập đồ họa; Cinebench R20 chấm điểm hiệu năng CPU khi render hình ảnh, còn Unigine Superposition là công cụ benchmark đòi hỏi khả năng xử lý của toàn bộ máy trên cả hai thư viện đồ họa là DirectX và OpenGL.

Trident X Plus đạt 5950 điểm trong bài test PC Mark 10 Express và 9397 điểm trong PC Mark 10 Extended, khá ấn tượng

Điểm đơn nhân (trái) và đa nhân (phải) của CPU Core i7-9700K trong ứng dụng Cinebench R20

3D Mark Fire Strike Ultra, giả lập chơi game độ phân giải 4K, thư viện đồ họa DirectX 11

3D Mark Time Spy, giả lập chơi game độ phân giải 2K, thư viện đồ họa DirectX 12

3D Mark Time Spy, giả lập chơi game độ phân giải 4K, thư viện đồ họa DirectX 12

Điểm hiệu năng của Trident X Plus trong ứng dụng Unigine Superposition, độ phân giải 4K, thư viện đồ họa DirectX (trên) và OpenGL (dưới)

Điểm hiệu năng của Trident X Plus trong ứng dụng Unigine Superposition, độ phân giải 8K, thư viện đồ họa DirectX (trên) và OpenGL (dưới)

Tiếp đến là khả năng chơi game của Trident X Plus. Tiêu chí lựa chọn của tôi là những tựa game có đồ họa nặng, tích hợp sẵn công cụ benchmark trong thiết lập của mình. Do đó, tôi lựa chọn bốn tựa game là Far Cry 5, Rise of the Tomb Raider, Final Fantasy XV và Total War Three Kingdoms. Tất cả sẽ được thiết lập đồ họa ở mức cao nhất, và ngoại trừ Total War Three Kingdoms, những tựa game còn lại sẽ đều được đo ở độ phân giải Full HD (1920x1080) và 4K UHD (3840x2160).

Kết quả của hai bài benchmark tích hợp trong tựa game Total War Three Kingdoms ở độ phân giải Full HD, fps trung bình dao động trong khoảng 80-90

Trident X Plus sẽ chơi rất tốt Final Fantasy XV ở độ phân giải Full HD, nhưng sẽ khó đạt 60 fps khi chơi 4K nếu đẩy thiết lập đồ họa cao nhất

Trident X Plus chơi mượt Far Cry 5 ở độ phân giải 4K, thiết lập đồ họa cao nhất

Rise of the Tomb Raider 4K Ultra là một thách thức quá lớn với RTX 2080 Ventus. Trident X Plus chỉ dao động trong khoảng 20-30 FPS trong các bài benchmark

Qua quá trình thử nghiệm, Trident X Plus có thể "xử lý" một cách gọn gàng mọi tựa game ở độ phân giải Full HD 1080p. Với FPS cao như vậy, nhiều khả năng độ phân giải 2K (2560x1440) cũng sẽ không phải là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, có lẽ chơi game ở độ phân giải 4K là một thách thức quá lớn với chiếc card RTX 2080 Ventus nếu bạn muốn đẩy thiết lập đồ họa lên mức cao nhất. Chấp nhận hạ chất lượng đồ họa sẽ khiến trải nghiệm chơi game trở nên mượt mà hơn nhiều.

Thông tin SSD và HDD của Trident X Plus qua phần mềm Crystal Disk Info

Lưu trữ dữ liệu trên Trident X Plus gồm một SSD dung lượng 256GB và một HDD dung lượng 1TB. Kiểm tra bằng công cụ Crystal Disk Info thì SSD này là model PM981 của Samsung, với tốc độ đọc/ghi tuần tự là 3000/1300 MB/s, còn HDD là Barracuda Pro của Seagate với tốc độ 160MB/s. Đo nhanh bằng công cụ Crystal Disk Mark cho kết quả sát với công bố, đảm bảo tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh chóng.

Tốc độ đọc/ghi của SSD (trên) và HDD (dưới) khi đo bằng phần mềm Crystal Disk Mark

Về nhiệt độ hoạt động, đặt máy trong phòng điều hòa 28 độ C, khi máy nghỉ (idle), chip xử lý i7 9700K ghi nhận mức nhiệt 34 độ C, còn GPU RTX 2080 Ventus là 28 độ C. Ép máy chạy ở công suất tối đa, i7 9700K ở mức xung 4.6 GHz với all-core vọt lên tới 86 độ C, còn GPU thì vẫn khá mát mẻ ở mức 72 độ C. Tốc độ tỏa nhiệt của Trident X Plus cũng rất nhanh, nhiệt độ liên tục hạ xuống một cách nhanh chóng ngay sau khi tắt benchmark. Tuy 86 độ C với một CPU như i7 9700K vẫn là mức chấp nhận được, bạn sẽ không có nhiều đất diễn nếu muốn ép xung lên cao hơn nữa.

Tổng kết

Ẩn mình trong một thân hình nhỏ bé, Trident X Plus của MSI là một con quái thú thực sự, nhờ sức mạnh của bộ đôi Core i7 9700K và RTX 2080 Ventus. Tính di động cao giúp bạn có thể làm việc hay giải trí ở mọi lúc, mọi nơi, và giải pháp tản nhiệt Silent Storm Cool 3 là một điểm cộng giúp Trident X Plus có thể vận hành một cách mát mẻ trong sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên, cỗ máy này không phải là không có điểm yếu. Trident X Plus chỉ được trang bị 16GB RAM DDR4 2666MHz. Lẽ ra, MSI có thể dùng những kit ram bus cao hơn, 3200MHz chẳng hạn, để những tác vụ "ăn" CPU như nén hay render trở nên nhanh hơn. Ngoài ra, dung lượng lưu trữ mặc định của Trident X Plus cũng không quá dư dả, khi các tựa game (đặc biệt là game AAA) đang ngày càng phình to hơn về mặt kích thước.

Có giá 64,5 triệu đồng, có thể nói MSI đã cân bằng tốt giá thành và hiệu năng của Trident X Plus. Tất nhiên, bạn sẽ lập luận rằng bạn có thể tự build một bộ PC "ngon lành" với giá tiền tương tự, nhưng MSI đang mang lại cho bạn một trải nghiệm tất-cả-trong-một, không cần phải lo lắng về linh kiện, đi dây, tản nhiệt hay bất kỳ điều gì.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác