VnReview
Hà Nội

Đánh giá MSI Radeon RX 5500 XT Gaming X 8GB: “Bon chen” phân khúc phổ thông

Giải pháp tản nhiệt Twin Frozr 7 độc quyền và hiệu năng khá biến MSI Radeon RX 5500 XT Gaming X trở thành một trong những đại diện nổi bật của phân khúc phổ thông. Tuy nhiên hệ quả mà những tính năng cao cấp này để lại là mức giá cao hơn, khiến game thủ phải phân vân trước khi đưa ra lựa chọn mang tính hiệu quả cao nhất.

Dù 2K và 4K đang trở nên phổ biến hơn, độ phân giải Full HD vẫn là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất đối với hai ông lớn Nvidia và AMD. Tại đây, game thủ sẽ quan tâm đến hiệu năng trước, rồi mới tính đến những yếu tố khác như thiết kế, nhiệt độ, điện năng tiêu thụ,… Ray Tracing, DLSS hay những tính năng cao cấp khác hiển nhiên là một cái gì đó xa xỉ với nhóm người dùng này. Với Nvidia, quân bài của họ là GTX 1650 Super, còn AMD thì đáp trả với Radeon RX 5500 XT.

Trong bài viết này, VnReview đánh giá chiếc Radeon RX 5500 XT Gaming X 8GB, phiên bản cao cấp nhất trong line-up RX 5500 XT của thương hiệu gaming MSI. Ngoài VRAM được tăng lên gấp đôi, thông số kỹ thuật của MSI RX 5500 XT không có gì khác biệt so với phiên bản 4GB. Giống như những phiên bản Gaming X khác của MSI, RX 5500 XT Gaming X 8GB có mức giá đề xuất khá cao là 6,5 triệu đồng. Bên cạnh Gaming X thì MSI còn có hai phiên bản khác là RX 5500 XT MECH 8GB giá 5,9 triệu đồng và RX 5500XT MECH 4GB OC giá 5 triệu đồng có hiệu năng tương đương nhưng tản nhiệt không "ngon" bằng và không có LED RGB.

Thông số kỹ thuật MSI RX 5500 XT Gaming X 8GB:

-;  Chip đồ hoạ: Navi 14

-   Kiến trúc: RDNA 

-   Tiến trình: 7 nm 

-   Xung nhịp mặc định: 1685 MHz

-   Xung nhịp game: lên tới 1737 MHz (mặc định của AMD là 1717 MHz)

-   Xung nhịp boost: lên tới 1845 MHz 

-   Bộ nhớ: 8 GB GDDR6 – 128 bit

-   Nguồn khuyến nghị: 450W trở lên

-   Nguồn phụ: 1 x 8 pin

-   Giao tiếp: PCIe 16x 4.0 (chạy ở 8x)

Thiết kế: Một Gaming X mới mẻ, tinh tế hơn

Kể từ khi bước sang thế hệ Navi, dòng card đồ họa AMD Gaming X của MSI đã khoác lên mình một thiết kế mới, không còn quá "hầm hố" mà thay vào đó có phần nhã nhặn và tinh tế hơn. Tông màu chủ đạo của chiếc card đồ họa là đen và xám cứng cáp, "phẩy" highlight màu đỏ để tạo điểm nhấn.

Như đã đề cập, phiên bản RX 5500XT Gaming X có giải pháp tản nhiệt "ngon" hơn để bù đắp cho mức giá cao so với hai anh em MECH. Twin Frozr 7, với điểm nhấn là bộ đôi quạt TORX 3.0 thiết kế khí động học, tăng lưu lượng gió giúp RX 5500XT Gaming X tản nhiệt tốt hơn. Ngoài ra, chiếc card này cũng tích hợp công nghệ Zero Frozr, không chạy quạt tản nhiệt khi nhiệt độ dưới 60 độ C để giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình hoạt động.

Bên dưới bộ đôi quạt tản nhiệt TORX 3.0 là hệ thống lá tản nhiệt "to nạc" cùng 4 ống đồng mạ Nikel. Chi tiết hơn về khả năng tản nhiệt của card đồ họa sẽ được tôi đề cập ở phía dưới bài viết.

Phía trên là logo MSI quen thuộc, có tích hợp RGB mà bạn có thể tùy chỉnh thông qua phần mềm Mystic Light. Đây cũng là một ưu điểm nữa của RX 5500 XT Gaming X so với dòng MECH.

Chiếc card sử dụng một đầu cấp điện phụ 8 pin. Theo thông số, RX 5500 XT Gaming X có công suất thoát nhiệt (TDP) là 130W, ngang với phiên bản tham chiếu của AMD. Bộ nguồn công suất tối thiểu 450W được khuyến cáo cho chiếc card đồ họa này.

Dù là một sản phẩm hướng tới đối tượng người dùng phổ thông nhưng RX 5500 XT Gaming X vẫn được MSI trang bị backplate nhôm nguyên khối dày dặn, cứng cáp, thiết kế dual-tone phay xước nhìn rất đẹp mắt, vừa tăng độ bền sản phẩm vừa tạo điểm nhấn cho case máy tính của bạn.

Về cổng kết nối, RX 5500XT Gaming X khá "hào phóng" với 3 cổng DisplayPort 1.4 và 1 cổng HDMI 2.0b. Sự thiếu vắng cổng Type-C là một điều có thể chấp nhận được nếu xét mức giá của sản phẩm. Cũng cần lưu ý, thế hệ card đồ họa Navi của AMD không còn hỗ trợ tính năng CrossFire nữa.

Về phần mềm, bạn có thể theo dõi, điều khiển chiếc RX 5500 XT Gaming X qua phần mềm "chính chủ" Dragon Center. Tại đây, bạn có thể kích hoạt Gaming Mode, thay đổi User Scenario để tối ưu hiệu năng dựa trên nhu cầu của mình, và tuỳ biến đèn LED thông qua Mystic Light.

Cân tốt game độ phân giải Full HD, nhưng VRAM 8GB chưa thực sự hữu ích

Kiểm tra hiệu năng của MSI RX 5500 XT Gaming X, VnReview sử dụng hệ thống quen thuộc gồm:

CPU: AMD Ryzen 5 3600

Card màn hình: MSI RX 5500 XT Gaming X

Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar MAX

RAM: Corsair Vengeance Pro RGB DDR4-3000 16GB

Lưu trữ: Colorful SL500 1TB

Nguồn: Antec EDGE750 80 Plus Gold

Tản nhiệt: Corsair Hydro H100i RGB Platinum SE

Case: Vitra NEFERTITI X9

OS: Windows 10 1903 64 bit

Driver: Adrenalin 20.2.1

Benchmark hiệu năng

3DMark

-   Fire Strike: Bài Benchmark DirectX 11 giả lập chơi game độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel)

-   Fire Strike Extreme: Bài Benchmark Directx 11 giả lập chơi game độ phân giải 2K (2560 x 1440 pixel)

-   Time Spy: Bài Benchmark DirectX 12 giả lập chơi game độ phân giải 2K (2560 x 1440 pixel)

-   Unigine Valley và Unigine Superposition: Đo khả năng xử lý đồ họa ở các cảnh với nhiều hiệu ứng khác nhau

Gaming

-   Liên Minh Huyền Thoại

-   Devil May Cry 5

-   Battlefield V

-   Far Cry 5

-   Final Fantasy XV

-   Metro: Exodus

Các bài test khác

-   Khả năng ép xung

-   Nhiệt độ

Trong các bài benchmark hiệu năng, MSI RX 5500 XT Gaming X 8GB thể hiện tốt khi có lúc điểm số nhỉnh hơn cả GTX 1660 Gaming X và GTX 1660 Super, vốn nằm trong dòng sản phẩm cao cấp hơn. Chiếc card này chỉ tỏ ra "hụt hơi" ở hai bài benchmark là TimeSpy và Unigine Valley, nhưng cũng chỉ thua kém khoảng 10%.

Về hiệu năng chơi game, VnReview lựa chọn ba tựa game có công cụ benchmark "chính chủ" là Far Cry 5, Final Fantasy XV và Metro: Exodus, đồng thời thử nghiệm chơi game thực tế với ba tựa game Liên Minh Huyền Thoại, Assassin's Creed: Odyssey và Battlefield V. Trong khi Liên Minh Huyền Thoại là game Esport phổ biến nhất hiện nay, Devil May Cry 5 là game "chặt chém" đẹp mắt của Capcom, còn Battlefield V là game bắn súng góc nhìn thứ nhất với nhiều cảnh cháy nổ đòi hỏi khả năng xử lý cao.

Hiệu năng của MSI RX 5500 XT Gaming X 8G trong Final Fantasy XV có phần gây thất vọng, khi chỉ đạt chuẩn "standard" ở thiết lập đồ hoạ High, tức mức khung hình trên giây (fps) chấp nhận được. GTX 1660 Gaming X và GTX 1660 Super đạt chuẩn "fairly high" (khá cao) hoặc "high" (cao)

Chuyển sang Far Cry 5 thiết lập đồ hoạ Ultra, fps của MSI RX 5500 XT Gaming X 8G cao hơn tôi kỳ vọng. Trung bình ở mức 85 fps, bạn sẽ chơi tốt tựa game này ở độ phân giải Full HD

Metro: Exodus ra mắt đầu năm 2019 là một thách thức rất lớn với mọi card đồ hoạ chứ không riêng gì MSI RX 5500 XT Gaming X. Ở thiết lập Extreme, fps trung bình của chiếc card này chỉ là 13, bạn sẽ phải giảm thiết lập xuống nhiều nếu muốn chơi mượt

Trải nghiệm thực tế, VnReview sử dụng công cụ Radeon Relive để quay lại quá trình chơi. Vsync/Freesync hay các tính năng giới hạn khung hình đều đã được vô hiệu hoá. Kết quả test game được VnReview ghi lại trong các video phía dưới, bạn đọc có thể bấm vào từng video để theo dõi chi tiết

Video test hiệu năng Liên Minh Huyền Thoại, thiết lập đồ hoạ cao nhất

Video test hiệu năng Battlefield V, thiết lập đồ hoạ High

Video test hiệu năng Devil May Cry 5, thiết lập đồ hoạ cao nhất

Kết quả, MSI RX 5500 XT Gaming X hoàn toàn đáp ứng tốt những tựa game này ở độ phân giải Full HD. Đối với Liên Minh Huyền Thoại, bạn hoàn toàn có thể chọn cho mình một chiếc màn hình tần số quét cao (144Hz trở lên) để chuyển động khung hình mượt mà hơn, hoặc chơi ở độ phân giải 2K, 4K mà không gặp vấn đề gì.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là dù những tựa game được lựa chọn đều "sát" phần cứng thuộc hàng top đầu hiện nay nhưng mức VRAM sử dụng chỉ dao động trong khoảng 2,5 – 3GB. Dù tôi luôn khuyên mọi người không nên "tiếc tiền" khi nói về VRAM, nhưng 8GB trên một chiếc card phổ thông như MSI RX 5500 XT Gaming X là quá dư thừa, hiệu năng mang lại không tăng đáng kể. Cân đối ngân sách, cắt giảm VRAM để tiết kiệm trong trường hợp này là đáng cân nhắc.

Khả năng ép xung của MSI RX 5500 XT Gaming X ngang ngửa với các đối thủ trong cùng phân khúc. Sử dụng công cụ chính chủ của MSI là Afterburner, tăng Power Limiter lên thêm 20%, tôi có thể kéo xung nhịp của chiếc card lên 2.000 MHz (Dynamic boost, sau đó tụt xuống còn 1950 Mhz), memory clock đạt 1860 MHz (mức giới hạn mà AMD đặt lên dòng card này). Hiệu năng sau khi ép xung của chiếc card tăng khoảng 5-7% so với mức xung nhịp của nhà sản xuất.

Về nhiệt độ khi sử dụng, giải pháp tản nhiệt Twin Frozr 7 với hai quạt TORX 3.0 giúp quạt hoạt động mát mẻ, không bao giờ vượt ngưỡng 70 độ C ngay cả khi ép xung, điều kiện phòng điều hoà 27 độ C. Ở thiết lập mặc định, quạt tản nhiệt chỉ chạy khi nhiệt độ vượt ngưỡng 60 độ C, nhưng ngay cả khi chạm ngưỡng nhiệt tối đa thì tốc độ quạt chỉ ở mức 25%. Nếu độ ồn không phải là vấn đề đối với bạn, bạn có thể tăng tốc độ quạt trong Afterburner để card hoạt động mát mẻ hơn.

Kết luận

Với những gì đã thể hiện, MSI RX 5500 XT Gaming X xứng đáng là một sự lựa chọn thay thế sáng giá nếu bạn muốn "đổi gió" từ Nvidia sang AMD. Kế thừa điểm mạnh của dòng Gaming X, chiếc card này sở hữu thiết kế bắt mắt cùng khả năng tản nhiệt hiệu quả. Hiệu năng, yếu tố được quan tâm nhất trên các sản phẩm card đồ hoạ phổ thông, cũng không phải là vấn đề bạn phải lo lắng, khi MSI RX 5500 XT Gaming X ngang ngửa với GTX 1660, thậm chí GTX 1660 Super.

Vấn đề lớn nhất của chiếc card này có lẽ là dung lượng VRAM 8GB dư thừa với nhu cầu, và mức giá cao so với những sản phẩm cạnh tranh cùng phân khúc. MSI RX 5500 XT Gaming X hoàn toàn là một chiếc card tương xứng với giá tiền, nhưng rõ ràng việc cân đối ngân sách để hướng tới việc mua/nâng cấp những linh kiện khác của case là điều cần phải được lưu tâm.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác