VnReview
Hà Nội

Đánh giá màn hình di động Lenovo ThinkVision M14: Nếu bạn đang tìm màn hình phụ thì nó đây rồi

Lời khuyên của tôi rất đơn giản thôi: Nếu bạn đang tìm một màn hình di động đáp ứng tốt cả về trọng lượng lẫn chất lượng hiển thị, hãy chọn ThinkVision M14 của Lenovo.

Sẽ thế nào nếu bạn là người có nhu cầu về làm việc và học tập cao, cần tham gia các buổi thuyết trình với mật độ dày đặc hoặc thao tác đa nhiệm liên tục? Màn hình laptop, dù có là kích thước lớn nhất 17.3 inch đi chăng nữa cũng vẫn chưa đủ, trong khi máy tính để bàn thì độ linh hoạt bằng không.

Đó chính là cơ hội để những màn hình di động như Lenovo ThinkVision M14 tỏa sáng. Lên kệ thị trường Việt Nam hồi cuối năm 2019, ThinkVision M14 là một trong những nỗ lực mở rộng dải sản phẩm ThinkVision hướng đến nhóm người dùng doanh nghiệp, sáng tạo của Lenovo với mục tiêu trở thành một người bạn đồng hành đi theo bạn mọi lúc mọi nơi.

Có giá bán 5,49 triệu đồng, ThinkVision M14 rẻ hơn đáng kể so với Asus MB16AC, đối thủ đáng chú ý nhất trong phân khúc. Tất nhiên, chênh lệch về kích thước màn hình (14" so với 15,6") là một yếu tố cần cân nhắc đến, nhưng ở những khía cạnh khác, sản phẩm màn hình di động của Lenovo sẽ thể hiện ra sao?

Thiết kế "nhẹ tựa lông hồng", cổng kết nối thông minh, tiện lợi

Với trọng lượng chỉ 595g cùng độ mỏng 4.4mm, có thể khẳng định ThinkVision M14 là màn hình di động độ phân giải Full HD mỏng nhẹ nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Cầm trên tay, chiếc màn hình này gọn nhẹ không khác gì một quyển vở. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ThinkVision M14 ọp ẹp hay mong manh, trái ngược lại Lenovo đã hoàn thiện sản phẩm tốt, cứng cáp và chắc chắn.

Tổng quan thiết kế, ThinkVision M14 trông giống hệt như ai đó vừa… bẻ phần màn hình của một chiếc laptop ThinkPad vậy. Phần mặt trước là lớp vỏ đen nhám, ba cạnh viền mỏng đều trong khi viền dưới hơi dày, rất giống với màn hình của chiếc ThinkPad X1 Carbon mà tôi đang sử dụng cũng như ThinkBook 14 VnReview từng đánh giá cách đây không lâu. Điều này sẽ giúp ThinkVision M14 "hoà nhập" tốt với các dòng laptop hiện hữu của Lenovo, tạo trải nghiệm liền mạch giữa màn hình chính của laptop và màn hình phụ.

Màn hình được kết nối với phần đế thông qua các bản lề mà chúng ta từng thấy nhiều trên các sản phẩm laptop 2-trong-1 Yoga của Lenovo. Thay đổi góc nhìn trên các bản lề này rất mượt mà, ThinkVision M14 cho phép điều chỉnh góc từ -5 cho tới 90 độ, nên về cơ bản nó hoàn toàn có thể đáp ứng mọi góc mở của màn hình laptop.

Phần đế của ThinkVision M14 rộng vừa phải, không chiếm diện tích nhưng vẫn đủ chắc chắn, vững chãi trên bàn làm việc. Tích hợp chân đế như thế này, thay vì sử dụng case cover với nam châm để dựng như các sản phẩm màn hình di động khác, giúp ThinkVision M14 giữ được độ mỏng nhẹ của mình. Phía bên dưới đế này là một chân đỡ (riser) để nâng độ cao màn hình lên thêm một chút nếu người dùng có nhu cầu.

Mặt dưới chân đế là các dải lỗ tản nhiệt, cùng các chân cao su để giữ màn hình trên mặt bàn, tránh xê dịch khi sử dụng hàng ngày.

Đây cũng là nơi Lenovo đặt cổng kết nối và các phím điều khiển của ThinkVision M14. Phía bên trái, chúng ta có một cổng USB Type-C, hai phím tăng/giảm độ sáng và một phím bấm kích hoạt tính năng lọc ánh sáng xanh để bảo vệ mắt, còn bên phải là phím nguồn, khoá Kensington và cổng USB Type-C thứ hai. Tính năng lọc ánh sáng xanh của ThinkVision M14, tuy đã được tích hợp sẵn trên Windows 10, vẫn sẽ là một sự chu đáo đối với những người dùng hệ điều hành khác, hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn truy cập một cách nhanh chóng.

Cần phải nhấn mạnh, không có nhiều sản phẩm màn hình di động trang bị tới hai cổng USB Type-C như ThinkVision M14. Thông thường, những màn hình này sẽ sử dụng năng lượng từ laptop hoặc dùng pin riêng (ThinkVision M14 không có pin), nhưng với hai cổng USB Type-C ở hai phía, bạn có thể lựa chọn hướng cắm dây kết nối để tiện cho không gian làm việc.

Ngoài ra, ThinkVision M14 còn hỗ trợ tính năng Power Delivery Passthrough, tức là bạn có thể sử dụng một sợi cáp Type-C thứ hai kết nối màn hình với củ sạc hỗ trợ (chẳng hạn như củ sạc nhanh 65W của Lenovo) để vừa cấp năng lượng cho màn hình hoạt động, vừa sạc cho laptop cùng một lúc.

Sản phẩm có tặng kèm một túi đựng, cũng rất nhẹ, để bạn có thể mang đi mà không lo trầy, xước

Chất lượng hình ảnh tốt, "lấn lướt" cả màn hình chính

Về thông số kỹ thuật, ThinkVision M14 có kích thước màn hình 14 inch, độ phân giải Full HD (1920x1080 pixel), tấm nền IPS phủ matte chống loá. Với kích thước này, Full HD là quá đủ để cho hình ảnh sắc nét, kết hợp tấm nền IPS cho góc nhìn rộng, màu sắc sống động, tươi tắn. Độ sáng tối đa của màn đạt 300 nits, cao hơn cả các màn hình phổ thông hiện nay (thường chỉ ở mức 250 nits). Asus MB16AC cũng chỉ có độ sáng 220 nits. Thời tiết Hà Nội trong thời gian gần đây không thực sự lý tưởng để thử nghiệm dùng ngoài trời, nhưng trong môi trường văn phòng, độ sáng của ThinkVision M14 đáp ứng rất tốt nhu cầu.

Chất lượng hình ảnh không hề thua kém laptop Lenovo X1 Carbon, vốn có độ phân giải 2K

Là một màn hình cho nhu cầu công việc thì độ phủ màu cũng là một yếu tố được nhiều người dùng quan tâm. Lenovo cho biết, ThinkVision M14 bao phủ xấp xỉ 100% không gian màu sRGB, 72% không gian màu NTSC. Không phải là một màn hình thiết kế chuyên nghiệp, xét thêm mức giá bán của sản phẩm, những thông số này của ThinkVision M14 tiếp tục lấn lướt cả các màn hình phổ thông trên thị trường, hoàn toàn có thể dùng để chỉnh sửa ảnh và video.

Những điểm "đáng tiếc" của ThinkVision M14 là màn hình này không hỗ trợ cảm ứng cũng như tính năng HDR, nhưng cũng dễ hiểu khi Lenovo đưa độ mỏng nhẹ và mức giá bán lên ưu tiên hàng đầu. Hi vọng trong tương lai, Lenovo sẽ cho ra mắt thêm những biến thể hỗ trợ hai tính năng này, đó hứa hẹn sẽ là một cỗ máy làm việc kết hợp giải trí tuyệt vời.

Có thể làm màn hình phụ cho cả thiết bị di động!

Chiếc "laptop" mà tôi mang đi làm hàng ngày. Samsung Galaxy S20 Ultra có thể đóng vai trò là touchpad

ThinkVision M14 có thể làm việc với cả thiết bị di động như điện thoại hay máy tính bảng, đặc biệt hữu dụng nếu nhu cầu của bạn chỉ đơn giản là thuyết trình qua slide hay gì đó tương tự. Nếu thiết bị của bạn có chế độ desktop chuyên dụng, chẳng hạn như Samsung DEX hay Huawei Easy Projection, trải nghiệm sẽ còn liền mạch hơn nữa, khi bạn chỉ cần kết nối thêm bàn phím và chuột không dây là bạn đã có một chiếc laptop di động cực gọn nhẹ để mang đi bất kỳ nơi đâu.

Hoặc đơn giản là bạn muốn xem nội dung trên một màn hình lớn hơn

Cần lưu ý, điện năng đầu ra từ cổng Type-C của điện thoại hay máy tính bảng là không đủ để ThinkVision M14 hoạt động. Tuy nhiên, tôi có thể cắm nguồn vào màn hình để cấp năng lượng và lấy dây Type-C thứ hai để nhận tín hiệu từ thiết bị di động. Điều này một lần nữa cho thấy, thiết kế với hai cổng USB Type-C của ThinkVision M14 là rất hữu dụng.

Tổng kết

Đôi khi, có những sản phẩm thực sự vượt lên trên kỳ vọng của bạn, và Lenovo đã làm được điều đó với ThinkVision M14. Một phần vấn đề của màn hình phụ là nó quá phiền phức, nặng nề để mang đi, nay đã được khắc phục hoàn toàn với độ mỏng nhẹ của ThinkVision M14. Màn hình này được thiết kế một cách thông minh để phù hợp nhiều không gian văn phòng khác nhau, trong khi chất lượng hiển thị thậm chí còn lấn lướt màn hình phổ thông. Sự tiện lợi của hai cổng USB Type-C cũng là một điểm cộng sáng giá.

Gọi là "yếu điểm" thì không đúng, nhưng vẫn có những thứ tôi muốn Lenovo cải thiện nếu họ có ra mắt phiên bản tiếp theo của màn hình này. Viền màn hình mỏng hơn, chắc chắn, là điều nằm trong tầm tay của Lenovo. Ngoài ra, tích hợp thêm viên pin bên trong màn hình, tuy khiến sản phẩm nặng thêm một chút, sẽ giúp thao tác công việc không bị gián đoạn chỉ vì bạn phải đi tìm ổ cắm điện.

Nhưng nói chung, ở thời điểm hiện tại, về cơ bản không có sản phẩm nào có thể cạnh tranh với ThinkVision M14. Nếu bạn đang tìm mua màn hình phụ, đây là cái tên mà bạn cần, chỉ đơn giản vậy thôi.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác