VnReview
Hà Nội

Đánh giá Plextor M9PY Plus: SSD PCIe hầm hố có cả LED RGB, nhanh “xé gió”

M9PY Plus, sản phẩm thuộc dòng SSD mới của thương hiệu Plextor nổi lên như một sản phẩm cực đáng mua dành cho giới game thủ, với thiết kế tản nhiệt "hầm hố", đèn RGB nhiều màu sắc và quan trọng nhất là tốc độ nhanh "xé gió".

Không chỉ mạnh, một cỗ máy chiến game lý tưởng ở thời điểm hiện tại còn phải đẹp nữa. Kiếm được những bộ tản nhiệt nước hay card đồ hoạ đẹp không phải là việc khó, có rất nhiều sản phẩm để người dùng lựa chọn, nhưng với ổ cứng thể rắn – hay SSD – những tuỳ chọn dành cho game thủ là không nhiều. Chúng có thể mạnh mẽ, nhưng thiết kế mảnh mai, đơn giản của SSD M.2 2280 trông sẽ "lạc lõng" bên cạnh những linh kiện khủng đó.

Ra mắt tại CES 2020, dòng sản phẩm mới M9P Plus của thương hiệu Plextor hứa hẹn sẽ thay đổi điều đó. Bên cạnh hai anh em M9PGN Plus (thiết kế M.2 2280) và M9PG Plus (có kèm tản nhiệt nhỏ), cái tên đáng chú ý nhất của dòng sản phẩm mới này là M9PY Plus, cũng là nhân vật chính trong bài viết này của VnReview.

Thiết kế HHHL (Half-Height, Half-Length) add-in card của M9PY Plus cho phép sản phẩm trang bị bộ tản nhiệt kích thước cực khủng, cùng với đó là đèn LED RGB cho game thủ yêu thích màu sắc. Theo Plextor công bố, SSD này có tốc độ đọc/ghi tuần tự (sequential) lên tới 3.400MB/s và 2.200 MB/s, tuổi thọ 320 TBW và bảo hành 5 năm. Tuy chưa có giá chính thức tại thị trường Việt Nam, phiên bản M9PY Plus 500GB dự kiến sẽ có giá dưới 100 USD (2,3 triệu đồng) chưa bao gồm các loại thuế, phí nếu có.

Thiết kế cực hầm hố, đèn RGB đẹp mắt

Plextor M9PY Plus có vỏ hộp lớn hơn rất nhiều so với những chiếc SSD thông thường. Trên đây, chúng ta có thể thấy logo đặc trưng của hãng, cùng với đó là những tính năng nổi bật của sản phẩm như tích hợp đèn LED RGB, kết nối PCIe băng thông rộng và thời hạn bảo hành 5 năm.

Giống như những SSD HHHL trước đây của Plextor, chiếc M9PY Plus được hoàn thiện rất tốt, chắc chắn. Phía trên của card add-in được bao phủ hoàn toàn bởi lớp tản nhiệt bằng nhôm, thiết kế cách điệu nhìn khá lạ mắt. Tại đây, logo Plextor được "ưu ái" làm nổi bật trên nền đỏ.

M9PY Plus sử dụng làn giao tiếp PCIe 3.0 x4, nếu chưa nắm rõ thì bạn có thể cắm ổ này vào khe của card đồ hoạ. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra chính xác rằng khe PCIe của mình là 3.0 x4 trở lên để có thể tận dụng tối đa tốc độ của ổ, ví dụ nếu cắm vào khe PCIe 2.0 x4 thì băng thông tối đa chỉ là 2.000 MB/s.

Bên cạnh miếng chặn cho máy để bàn thông thường, trong hộp của M9PY Plus có thêm một miếng chặn low-profile dành cho các hệ thống mini hoặc máy trạm.

Chế độ đèn LED khi ổ trong trạng thái nghỉ (trên) và đang ghi dữ liệu (dưới)

Cạnh trên của M9PY Plus là logo của Plextor, cùng với đó là một dải đèn LED RGB sẽ sáng lên khi máy được bật và dần chuyển sang các màu khác nhau khi máy ở chế độ standby. Khi thao tác với ổ SSD (đọc, ghi dữ liệu), dải đèn này sẽ chuyển sang hiệu ứng cầu vồng mà Plextor gọi là "Fusion mode". Đáng tiếc, dải đèn này không thể tuỳ chỉnh màu sắc, chế độ bằng phần mềm, cũng như không thể tắt đi.

Về thông số, phiên bản 500GB của M9PY Plus sử dụng controller Marvell 88SS1092, kết hợp với 2 chip NAND TLC BiCS4 96-layer dung lượng 256GB mỗi chip của Toshiba. Tuổi thọ 320 TBW cho phép người dùng ghi liên tục mỗi ngày 180GB trong vòng 5 năm cũng chưa hết, nếu nhu cầu thấp hơn thì tuổi thọ của ổ sẽ còn được kéo dài hơn nữa. Ngoài ra, Plextor cũng áp dụng một số công nghệ độc quyền của mình như True Speed và True Protect lên sản phẩm để bảo toàn hiệu năng cũng như bảo mật thông tin cho dữ liệu người dùng.

Phần mềm Plextool đi kèm ổ

So với Plextool, Crystal Disk Info sẽ hiển thị lượng thông tin nhiều hơn hẳn

Phần mềm Plextool của hãng có phần đơn giản, với một số thông tin như dung lượng khả dụng, chuẩn giao tiếp đang sử dụng, sức khoẻ và nhiệt độ hiện tại của ổ. Nếu có nhu cầu, có lẽ một phần mềm như Crystal Disk Info sẽ cho bạn nhiều thông tin hơn.

Hiệu năng và sử dụng thực tế

VnReview sử dụng hệ thống quen thuộc để đo hiệu năng của Plextor M9PY Plus, gồm:

-;         CPU: AMD Ryzen 5 3600

-          Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max

-          RAM: Corsair Vengeance 2x8GB @3200 MHz

-          Card đồ hoạ: Colorful GTX 1660 Super

-          NVMe: SSD WD Blue SN550 1TB

-          PSU: Antec Edge 750W 80 Plus Gold

Hai lần thử nghiệm đều cho kết quả khá tương đồng

Đo lường tốc độ copy file tổng dung lượng khoảng 25GB gồm phim, ảnh, nhạc và nhiều loại file hệ thống khác, khi bắt đầu, Plextor M9PY Plus đạt tốc độ cao, khoảng 1,5 GB/s nhưng tụt xuống khá nhanh, sau đó duy trì ở tốc độ 1GB/s đến hết quá trình copy.

Sử dụng công cụ Crystal Disk Mark, tốc độ đọc ghi tuần tự của Plextor M9PY Plus sát với công bố của nhà sản xuất, lần lượt 3.430 MB/s và 2.227 MB/s. Tốc độ đọc ngẫu nhiên 4KiB Q1T1 của ổ cao hơn một số sản phẩm SSD NVMe mà tôi đánh giá gần đây, đạt 62,86 MB/s, tuy nhiên tốc độ ghi ngẫu nhiên lại chưa thực sự ấn tượng, 177,45 MB/s.

Phần mềm AS SSD sử dụng dữ liệu không nén thay vì nén như Crystal Disk Mark, dẫn đến kết quả thấp hơn nhưng sát với thực tế hơn. Plextor M9PY Plus có tốc độ đọc ghi tuần tự lần lượt 3.007 MB/s và 2017 MB/s, đọc ghi ngẫu nhiên 4KiB 57,68 MB/s và 157,54 MB/s, tổng điểm 3216.

ATTO Disk Benchmark cho phép người dùng lựa chọn kích thước tệp và tổng dữ liệu để cho cái nhìn chính xác nhất về hiệu năng của ổ khi phải xử lý các dữ liệu kích thước khác nhau. Plextor M9PY Plus đạt tối đa hiệu năng của mình, 3.23 GB/s đọc và 2.10 GB/s ghi với các file dữ liệu có kích thước từ 256 KB/s trở lên. Tốc độ ghi của ổ (cột trái) cũng được duy trì rất ổn định, cho thấy chất lượng cao của controller Marvell 88SS1092.

SSD, tuy không làm ảnh hưởng nhiều đến số khung hình trên giây (fps) khi chơi game, nhưng nó sẽ là nhân tố chính quyết định thời gian tải các màn chơi hoặc tải bản đồ nếu là game thế giới mở. Đây cũng là lý do máy chơi game console thế hệ tiếp theo của Microsoft và Sony đều sẽ được trang bị SSD siêu nhanh để trải nghiệm chơi game được liền mạch.

Trên PC, tựa game Final Fantasy XIV: Shadowbringers có tích hợp một công cụ benchmark hữu ích, đo thời gian tải màn chơi chuẩn đến từng mili giây. Kết quả, Plextor chỉ mất 10,609 giây để tải hết 5 màn chơi, trong khi SSD SATA 3 mà tôi đang dùng mất đến gần 15 giây.

Lấp đầy ổ với 77% dung lượng khả dụng, tôi thử đo lại hiệu năng của Plextor M9PY Plus. Kết quả cho thấy, về cơ bản không có nhiều sự thay đổi, nếu có thì cũng chỉ chênh lệch một vài MB/s, không thể nhận biết trong quá trình sử dụng thực tế.

Crystal Disk Mark, tốc độ đọc ghi 4KiB có giảm một chút

AS SSD, điểm của Plextor M9PY Plus vẫn là 3216

Tốc độ ghi tối đa trên ATTO Disk Benchmark của Plextor M9PY giảm xuống còn 2,08 GB/s, không đáng kể

Tốc độ tải màn chơi trên FFXIV: Shadowbringers tăng thêm... 0,09 giây

Với bộ tản "hầm hố" như vậy, nhiệt độ khi hoạt động của Plextor M9PY Plus là khía cạnh mà tôi rất quan tâm, và có thể khẳng định chiếc ổ này không hề làm tôi thất vọng. Ngay cả khi liên tục sao chép dữ liệu kích thước lớn hay chạy benchmark bằng phần mềm AIDA64, nhiệt độ của ổ không lần nào vượt quá 35 độ C, trong khi với những SSD M.2 2280, nhiệt độ khi hoạt động có thể lên tới hơn 70 độ C.

Nhiệt độ của ổ khi benchmark bằng AIDA64 chỉ là 33 độ C

Kết luận

Hướng tới đối tượng là game thủ, nhưng hiển nhiên SSD Plextor M9PY Plus sẽ phù hợp với bất kỳ ai thích sự hầm hố, đang sở hữu một hệ thống máy tính nhiều màu sắc hay chỉ đơn giản là một sản phẩm hoạt động thật mát mẻ ngay cả khi trong các tác vụ nặng nhất. Mức giá dự kiến dưới 3 triệu sẽ đặt Plextor M9PY Plus 500GB cạnh tranh với những cái tên như WD SN750 Black hay Samsung 970 EVO Plus, nhưng rõ ràng đại diện của Plextor có lợi thế lớn hơn hẳn về mặt thiết kế.

Ưu điểm

+  Thiết kế hầm hố, bắt mắt

+  Tản nhiệt hoạt động rất hiệu quả

+  Tốc độ cao

+  Mức giá dự kiến hấp dẫn

Nhược điểm

-  Không thể tuỳ biến hoặc tắt đèn LED RGB

Hoàn Đặng

Chủ đề khác