VnReview
Hà Nội

Đánh giá tai nghe true wireless Anker Soundcore Liberty 2 Pro: Chất âm gây bất ngờ

Dù đến từ một nhà sản xuất được biết tới nhiều hơn với các phụ kiện di động như sạc, cáp hay pin dự phòng, Anker Soundcore Liberty 2 Pro vẫn là một trong những sản phẩm đáng chú ý ở thời điểm hiện tại, với nhiều tính năng thông minh và chất âm thoả mãn cả những đôi tai khó tính nhất.

Nếu vì dịch Covid-19 mà bạn phải ở nhà, chắc hẳn bạn sẽ cần những công việc để làm cho bản thân trở nên bận bịu, vượt qua những ngày dài buồn chán. Đó có thể là xem phim, nghe nhạc, đọc sách, hay chỉ đơn giản là trò chuyện với người thân, bạn bè. Dù thế nào, tai nghe true wireless cũng sẽ là một người bạn đồng hành tin cậy, và trên thị trường hiện nay có một cái tên rất đáng cân nhắc: Anker Soundcore Liberty 2 Pro.

Liberty 2 Pro là phiên bản cải tiến của model Liberty cách đây 2 năm. Tuy nhiên, nếu như Liberty từng nhận nhiều đánh giá tích cực nhờ mức giá rẻ cùng chất âm ổn, Anker quyết định "chơi tới bến" với Liberty 2 Pro, định hướng phân khúc khá cao cấp với giá bán 3,5 triệu đồng, cạnh tranh với những tên tuổi như Samsung Galaxy Buds+, Jabra Elite 65t hay trong chừng mực nào đó là AirPods 2 và Sony WF-1000XM3.

Giá bán là lợi thế đầu tiên của Liberty 2 Pro, nhưng khi đã ở phân khúc này, thứ mà người dùng cần là chất lượng. Liệu những giá trị mà chiếc tai nghe này mang lại có đủ sức thuyết phục? Mời độc giả theo dõi phần đánh giá dưới đây.

Trong hộp có gì?

-; Tai nghe Anker Soundcore Liberty 2 Pro true wireless

-  Hộp sạc

-  Cáp sạc USB-A to USB-C

-  6 bộ ear tip (chưa kể bộ có trên tai nghe)

-  2 bộ ear wing (chưa kể bộ có trên tai nghe)

-  Tài liệu và sách hướng dẫn sử dụng

Đây cũng là một trong những ấn tượng đầu tiên của tôi với Liberty 2 Pro, khi Anker trang bị phụ kiện rất đầy đủ. Thông thường, các hãng khác sẽ chỉ trang bị thêm 2 bộ ear tip đi kèm (size S và L) nhưng Liberty 2 Pro có tới 6 bộ thêm với đủ các kích cỡ khác nhau để đảm bảo tai nghe vừa vặn với mọi người dùng. 3 cặp wing tip (1 cặp mặc định và 2 cặp thêm) sẽ giúp gia cố tai nghe chắc chắn hơn nữa, không bị rơi rụng khi tập luyện thể thao.

Thiết kế

Hãy cùng bắt đầu phần đánh giá thiết kế với hộp sạc của Liberty 2 Pro, vì đây là một trong những chiếc tai nghe có hộp sạc lạ mắt nhất mà tôi từng trải nghiệm. Lớp vỏ nhám hạn chế bám mồ hôi khá tốt, tuy nhiên kích thước lớn khiến việc cho vào túi quần không được thoải mái cho lắm.

Phần nắp hộp sạc là dạng trượt, và tôi đánh giá rất cao Anker khi tích hợp phần nắp này như một công tắc để bật/tắt tai nghe. Khi vừa trượt nắp lên, tai nghe sẽ ngay lập tức đi vào trạng thái ghép nối, lúc tôi lấy tai nghe ra đưa lên dùng thì quá trình kết nối đã hoàn thành, có thể dùng luôn. Đặt tai nghe lại vào hộp và đóng nắp, tai nghe cũng sẽ tự ngắt kết nối cũng như tạm dừng âm thanh bạn đang nghe.

Phía dưới phần nắp là 3 đèn LED báo thời lượng pin còn lại của hộp sạc. Tuy nhiên, Anker công bố hộp sạc của Liberty 2 có thể sạc thêm 4 lần cho tai nghe, dung lượng hộp sạc lại là 500 mAh, nên cũng khó có thể biết rõ được mỗi mức đèn này tượng trưng cho bao nhiêu pin.

Phía sau hộp sạc là cổng sạc USB-C được Anker trang bị một nắp đậy bằng cao su, ngăn bụi và nước lọt vào phía trong này gây hư hại cổng sạc. Nếu bạn ngại phải cạy nó ra mỗi lần sạc thì đừng lo, khi Liberty 2 Pro trang bị tính năng sạc không dây chuẩn Qi. Ngay bên cạnh cổng sạc là một nút bấm để reset thiết lập Bluetooth giúp bạn ghép nối với thiết bị khác nhanh hơn, thay vì phải tìm thiết bị đang kết nối và chọn "huỷ ghép nối".

Phần housing của Liberty 2 Pro có kích thước lớn, khi đeo trên tai nhô ra khá nhiều và dễ thấy. Nói về form-factor, chiếc tai nghe này không phải in-ear hoàn toàn như Galaxy Buds+ của Samsung, cũng không có chân stem dài như AirPods của Apple mà có nhiều nét tương đồng với WF-1000XM3 của Sony. Liberty 2 Pro chỉ có một phiên bản màu đen xám duy nhất, có lẽ Anker nên cân nhắc thêm những màu sắc mới hướng tới người dùng là nữ giới.

Điểm mà tôi thích nhất trên thiết kế của Liberty 2 Pro chính là hai phím điều khiển vật lý ở phía trên tai nghe. Khác với phần lớn những sản phẩm khác trên thị trường hiện nay, với Liberty 2 Pro, bạn không cần phải lo lắng về điều khiển cảm ứng "lúc được lúc mất" hay nút bấm vật lý khiến chiếc tai nghe đâm sâu vào bên trong tai bạn mỗi khi nhấn nữa. Một nút bấm nhỏ gọn, có sự phản hồi để phân biệt các thao tác và không ảnh hưởng tư thế đeo, giải pháp của Liberty 2 Pro có thể nói là toàn diện nhất ở thời điểm hiện tại.

Để điều khiển, bấm hai lần vào nút trên housing phải để chuyển bài hát tiếp theo, tương tự với housing trái để trở về bài hát trước đó. Bấm một lần nút bất kỳ để play/pause và giữ khoảng 3 giây để bật trợ lý ảo. Bạn có thể thay đổi cài đặt nút bấm bằng ứng dụng SoundCore, chẳng hạn như thay đổi chức năng thành tăng giảm âm lượng.

Độ vừa vặn và thoải mái khi đeo

Với bộ phụ kiện đủ mọi kích thước, không ngạc nhiên khi độ vừa vặn của Liberty 2 Pro là rất tốt. Ban đầu, bạn sẽ mất một chút thời gian để làm quen với cách đeo tai nghe này sao cho đúng (đeo vào và hơi xoắn sâu vào bên trong tai), nhưng khi đeo đúng thì sẽ rất thoải mái, không có cảm giác bí hơi.

Liberty 2 Pro bám tai rất chắc chắn, một phần nhờ cặp wing tip cố định tai với vành tai. Ngay cả khi chạy bộ, tai nghe cũng không có dấu hiệu bị lỏng chứ chưa nói đến rơi ra ngoài. Bên cạnh đó, việc đạt chuẩn kháng nước, bụi IPX4 giúp Liberty 2 Pro có thể chống chịu mồ hôi khi tập luyện, hay những hạt mưa nhỏ nếu bạn không may rơi vào trường hợp đó.

Tuy nhiên, Liberty 2 Pro có kích thước khá lớn và nặng nên đeo lâu sẽ có cảm giác mỏi. Trong thời gian trải nghiệm, tôi nghe liên tục được hơn 3 tiếng một chút trước khi phải tháo ra để cho tai nghỉ.

Kết nối và phần mềm

Ở thời điểm hiện tại, hỗ trợ kết nối Bluetooth 5.0 mới nhất gần như là thứ "buộc phải có" trên mọi tai nghe true wireless, chứ chưa nói đến phân khúc cao cấp như Liberty 2 Pro. Bluetooth 5.0 cho chất lượng kết nối tốt hơn, xa hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, trong khi vẫn tương thích ngược với toàn bộ các chuẩn trước đây. Tai nghe này hỗ trợ ba bộ giải mã (codec) là aptX, AAC và SBC, nên dù bạn dùng loại thiết bị gì (Android, iPhone,…) thì độ chi tiết âm thanh cũng như độ trễ cũng đều sẽ được đảm bảo tốt nhất.

Trong khoảng 1 tuần trải nghiệm Liberty 2 Pro, tôi gần như không gặp bất kỳ vấn đề gì về kết nối cũng như chất lượng tín hiệu. Tôi có thể để điện thoại ở phòng khách rồi nghe nhạc trong phòng ngủ. Độ trễ tín hiệu vào khoảng nửa giây, đó là giới hạn của công nghệ mà chúng ta phải chấp nhận.

Về phần mềm, Anker có ứng dụng Soundcore trên hai nền tảng Android và iOS mà người dùng có thể tải xuống nếu muốn, nó không phải phần mềm bắt buộc. Tại đây, chúng ta có thể theo dõi thời lượng pin còn lại của tai nghe, thay đổi tính năng của các phím tắt như đã đề cập, hoặc hiệu chỉnh chất lượng âm thanh bằng equalizer.

Số lượng các profile equalizer của Liberty 2 Pro phải nói là… quá đỗi phong phú, khi bên cạnh 22 profile mặc định, Anker còn tích hợp thêm 7 profile (sẽ có thêm 3 profile nữa trong tương lai) của các nhà sản xuất âm thanh từng giành giải Grammy danh giá (dù phải thành thật rằng tôi chẳng biết ai trong số họ). Dù vậy, trong số tất cả những profile này, tôi chỉ thực sự ưng ý với "Soundcore Signature", tức profile mặc định ngay khi lấy tai ra khỏi hộp. Tuy nhiên, HearID mới thực sự là "vũ khí bí mật" của Anker.

Về cơ bản, HearID sẽ đo các tần số âm thanh mà tai bạn có thể nghe được để tạo ra một profile phù hợp nhất với từng người. Đây không phải là một công nghệ hay tính năng gì mới, nhưng HearID là một trong số những lần hiếm hoi mà tôi cảm thấy nó thực sự có ích, và tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt một cách rõ rệt.

Quá trình thiết lập HearID khá đơn giản, bạn tìm cho mình một chỗ thật yên tĩnh sau đó nhấn trên màn hình khi bạn còn nghe thấy được âm thanh. Việc đo cho hai tai chỉ mất khoảng 3 phút, và tôi khuyến cáo bạn nên làm vậy để tận dụng tối đa khả năng của chiếc tai nghe.

Chất âm

Một trong những lợi thế của kích thước lớn: Liberty 2 Pro có tới 2 driver bên trong housing, một driver dynamic 11mm (xử lý âm bass) và một driver Knowles balanced armature (xử lý âm mid, treble). Hai driver này được xếp chồng lên nhau theo kiến trúc mà hãng sản xuất gọi là "Astria Coaxial Acoustic", và dù đó là gì thì cũng có vẻ như Anker đã thành công với nó. Để đánh giá chất âm một cách công bằng, tôi chọn profile equalizer Soundcore Signature mặc định, và nghe nhạc trên nền tảng Spotify bằng tài khoản premium.

Kiến trúc "Astria Coaxial Acoustic" có trên Liberty 2 Pro

Đáng chú ý nhất trên Liberty 2 Pro có lẽ là dải upper-mid, không hề có hiện tượng recess (vocal chìm hơn nhạc cụ), có xu hướng tiến về phía trước. Âm tổng thể dạng V-shape, nịnh tai. Chi tiết nhạc cụ tốt, tách bạch rõ ràng. Với dải mid này thì Liberty 2 Pro thể hiện giọng nữ sẽ tốt hơn giọng nam, nhấn mạnh vào sự bay bổng, thoáng đãng. Lắng nghe "My heart will go on" của Céline Dion đủ khiến tôi phải nổi da gà.

Dải treble của Liberty 2 Pro sáng, long lanh và lên tới, không bị thiếu cao độ. Các tiếng cymbal bị kéo đuôi ‘s' nhẹ nhưng vẫn giữ được độ leng keng, không làm hỏng âm sắc của nhạc cụ khác.

Dải bass của tai nghe này chỉ ở mức "hài lòng" chứ chưa "thoả mãn". Âm trầm dày và khá punchy, có thể cảm nhận được những tiếng "thùm thụp" khi nghe các bản nhạc dance hay hip-hop. Tuy không lấn sang các dải khác nhưng bass của Liberty 2 Pro thỉnh thoảng bị mất kiểm soát về lượng, nghe nhiều khiến tai người nghe nhanh bị mệt. Dùng profile HearID, tình trạng mất kiểm soát không còn nữa.

Âm trường của Liberty 2 Pro rộng rãi, nghe rất thoáng đãng và thoải mái. Điểm đáng tiếc nhất trên chiếc tai nghe này là nó không được tích hợp công nghệ chống ồn chủ động (active noise cancelling – ANC). Đắt hơn ít nhiều, nhưng những đối thủ của Liberty 2 Pro, từ Airpods 2, Galaxy Buds+ đến Sony WF-1000XM3 đều được trang bị công nghệ này, cho phép người dùng tận hưởng âm thanh mà ít bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn bên ngoài. Tất nhiên, tính năng này đáng giá đến đâu còn phụ thuộc vào thói quen nghe nhạc của bạn, nếu bạn chỉ nghe nhạc trong phòng làm việc riêng yên tĩnh hoặc trên giường trước khi đi ngủ, chống ồn chủ động có thể là không cần thiết.

Thời lượng pin

Với kích thước lớn, Anker đã có thể tích hợp viên pin dung lượng 65 mA cho mỗi bên tai nghe. Thời lượng pin của Liberty 2 Pro là rất tốt, khoảng 8 tiếng cho mỗi lần sạc trong thử nghiệm của tôi. Con số này tốt hơn hẳn 4-5 tiếng của Airpods 2 hay thậm chí Airpods Pro, ngang ngửa với Sony WF-1000XM3 khi tắt chống ồn chủ động.

Hộp sạc dung lượng 500 mAh có thể sạc thêm 4 lần nữa cho Liberty 2 Pro, đưa tổng thời gian nghe nhạc liên tục của tai nghe này lên 40 tiếng. Ngoài ra, tai cũng hỗ trợ sạc nhanh, 15 phút sạc cho khoảng 2 tiếng chơi nhạc và sạc đầy trong 1 tiếng 30 phút, nếu dùng sạc không dây thì sẽ chậm hơn một chút.

Tổng kết

Anker quyết định "chơi lớn" với Liberty 2 Pro, và với những gì chiếc tai nghe này mang lại, họ hoàn toàn có quyền để tự tin. Thời lượng pin ấn tượng cùng chất âm khiến tôi không thể rời tai là những điểm mạnh không thể phủ nhận của Liberty 2 Pro. Tất nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu kích thước của hộp sạc và tai nghe có thể nhỏ gọn đi một chút, hay sự xuất hiện của tính năng chống ồn chủ động trên phiên bản tiếp theo chắc chắn sẽ khiến tôi mong chờ, nhưng nếu bạn trân trọng giá trị của chất âm và trải nghiệm, Liberty 2 Pro khiến tôi rất hài lòng.

Điểm cộng

+  Thiết kế thoải mái, vừa vặn

+  Thời lượng pin ấn tượng

+  Chất âm trong trẻo, giàu chi tiết

+  HearID thực sự hoạt động hiệu quả

Điểm trừ

-  Không có tính năng chống ồn chủ động

-  Kích thước hộp sạc và tai nghe còn lớn

Hoàn Đặng

Chủ đề khác