VnReview
Hà Nội

Đánh giá PC MSI Prestige P100 Creator: Nàng “tiểu thư” không phải ai cũng dám ngỏ lời

Là sản phẩm định hướng đến nhóm người dùng sáng tạo chuyên nghiệp, MSI Prestige P100 Creator sở hữu thiết kế "sang chảnh" cùng cấu hình "đụng nóc". Tất nhiên, những sự xa xỉ ấy sẽ đi kèm với mức giá không phải ai cũng có thể tiếp cận được.

Nhắc đến PC dựng sẵn (pre-built), thông thường người ta sẽ nghĩ đến những chiếc máy có thiết kế không quá đẹp mắt cùng cấu hình "cùi bắp", thường dùng trong các văn phòng hoặc trường học. Tuy nhiên, thị trường PC dựng sẵn phân khúc high-end cũng rất sôi động, thậm chí ngày càng được đón nhận nhiều hơn. Trong đó, có thể nói MSI là một trong những thương hiệu nổi bật.

Nằm trong dòng sản phẩm Creator dành cho các nhà sáng tạo chuyên nghiệp, Prestige P100 là một sự lựa chọn mới dành cho những ai yêu thích PC nhỏ gọn như máy game console, thiết kế nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo cấu hình "đụng nóc", bên cạnh dòng Trident X dành cho game thủ vốn có thiết kế hầm hố, góc cạnh hơn.

Để gia tăng hiệu suất cũng như tối ưu hóa các tính năng của Prestige P100, MSI có đề xuất một mẫu màn hình Prestige PS341WU Ultra-wide IPS với độ phân giải 5K, tuy nhiên model này hiện chưa có sẵn để đánh giá và trải nghiệm. Tôi sẽ hẹn độc giả ở một bài viết khác.

"Trái tim" của Prestige P100 là con chip Intel Core i9-9900KF cùng GPU RTX 2080Ti, có thể nói đây là combo mạnh mẽ bậc nhất hiện nay mà người dùng thông thường có thể sở hữu. Tuy chưa có mức giá niêm yết tại Việt Nam, nhìn vào cấu hình, chắc chắn nó sẽ đắt hơn chiếc Trident X Plus mà tôi từng đánh giá. 80-90 triệu là số tiền mà bạn sẽ cần chuẩn bị trước nếu muốn "rước nàng về dinh".

Thông số cấu hình của MSI Prestige P100 Creator

Thiết kế nhỏ gọn, nhã nhặn với tông màu trắng điểm vàng

Nếu như Trident X gây ấn tượng bằng sự góc cạnh, hầm hố, tông màu đen bóng khỏe khoắn thì Prestige P100 lại ở một thái cực hoàn toàn khác. Tông màu trắng tinh khôi điểm xuyết bằng những chi tiết vàng đồng, thiết kế nhã nhặn hơn, Prestige P100 đề cao sự tinh tế và sẽ làm bừng sáng không gian bàn làm việc của bạn. Tuy nhiên bạn cũng nên đầu tư thêm một chút vào các linh kiện như bàn phím, chuột, màn hình cũng màu trắng để không bị "lệch tông".

Có kích thước lần lượt 403.88 x 372.20 x 131.85mm (dài x rộng x cao), Prestige P100 có dung tích khoảng 10,36 lít, bằng 1/3 kích thước của một case mid-tower thông thường. Tổng trọng lượng khoảng 7,7 kg cùng chân đế nhôm giúp Prestige P100 đứng vững chãi trên bàn làm việc, nhưng có lẽ nó không đủ di động để bạn mang đi chỗ này chỗ khác.

Bên trong vỏ nhựa là một lớp kim loại, chỉ khoét hốc tỏa nhiệt cho các linh kiện là CPU, GPU và nguồn

Lớp vỏ nhựa bên ngoài có chất lượng cao, màu sơn trắng đều và không bị bám vân tay. Hai nắp hông của máy có thể được gỡ ra một cách dễ dàng khi mỗi bên chỉ có 2 con vít, tuy nhiên tôi vẫn thích bản lề mở cửa của Trident X hơn. Kiểu thiết kế các lỗ tam giác bên hông của Prestige P100 là khá lạ mắt, tuy nhiên thực tế thì chỉ có các khu vực của nguồn, GPU và CPU là thực sự có hốc thoát nhiệt, phần còn lại được che bởi một tấm kim loại để ngăn bụi bẩn lọt vào bên trong máy.

Phía trước của Prestige P100 là dải LED ba cạnh tinh tế, được ẩn bởi một miếng ốp với logo của MSI. Mặc định dải LED này phát ánh sáng màu trắng để đồng bộ với máy (dù tôi thấy nó có hơi ngả sang xanh), nhưng bạn có thể tùy chọn hiệu ứng, màu sắc hoặc tắt chúng đi thông qua phần mềm Mystic Light. Thông thường, tôi sẽ tắt chúng đi vì khi làm việc hoặc chơi game, tôi muốn mình có được sự tập trung cao nhất, nhưng nó hoàn toàn là sở thích của mỗi người.

Phía trên là một thiết kế thông minh của Prestige P100, khi nó hơi nhô lên so với case để tạo không gian tỏa nhiệt cho linh kiện. Trên đây cũng là nơi đặt phím nguồn, tuy nhiên trông nó có phần quá đơn giản và cảm giác khi nhấn cũng khiến tôi đặt ra những câu hỏi về độ bền.

Vị trí đặt các cổng kết nối phía trước của Prestige P100 cùng với dải LED cho thấy bạn nên đặt case này phía bên phải của mình. Các cổng phía trước bao gồm USB 3.1G1 Type C, USB 3.1G1 Type A, USB 2.0 Type A, jack tai nghe 3.5mm và mic. Những cổng này đã là khá đầy đủ và đáp ứng hầu hết nhu cầu, nhưng là một cỗ máy hướng tới nhà sáng tạo, thật khó hiểu khi chúng ta không có sẵn Thunderbolt.

Ở phía sau, Prestige P100 có số lượng cổng kết nối dồi dào, gồm 2 cổng USB 3.1G2 Type A, 2 cổng USB 3.1G1 Type A, 2 cổng USB 2.0, DisplayPort, HDMI và một số cổng âm thanh. Để tăng tính di động, hiển nhiên, Prestige P100 cũng hỗ trợ Bluetooth 5 và Wi-Fi AC, tốc độ tối đa 433Mbps qua card AC-9462 của Intel.

Tổng quan "nội thất" của Prestige P100

Cách bài trí "nội thất" bên trong Prestige P100 là tương đồng với Trident X. Bên cạnh trái là vị trí của chip xử lý, bộ nguồn và các khay HDD 2.5 inch (phiên bản đánh giá của tôi không có sẵn HDD mà chỉ có 1 SSD dung lượng 1TB).

Chip xử lý của Prestige P100 là Intel Core i9-9900KF, phiên bản không có đồ họa tích hợp của i9-9900K, cùng bo mạch MPG Z390i Gaming Edge AC Mini-ATX của MSI. Xử lý nhiệm vụ tản nhiệt cho CPU vẫn là tản khí 4 ống đồng, tuy nhiên dùng quạt 140mm thay vì 120mm như Trident X Plus, và không có đèn RGB.

Cung cấp năng lượng cho toàn bộ hệ thống, MSI vẫn tin dùng bộ nguồn FSP 650W SFX 80 Plus Gold. Như tôi từng nói trong bài đánh giá Trident X Plus, bộ nguồn này hoàn toàn có thể "cân" RTX 2080Ti mà không gặp vấn đề gì.

Là nhà sáng tạo chuyên nghiệp, bao nhiêu RAM cũng là không đủ, và Prestige P100 được trang bị tới 64GB RAM, gồm 2 thanh 32GB DDR4 của Samsung. Tuy nhiên, giống như Trident X Plus, RAM trên Prestige P100 chỉ có bus 2666 MHz thay vì 3200 hoặc cao hơn, khi người dùng đã bỏ ra một số tiền không nhỏ.

Các cổng "ăn chơi" trên RTX 2080Ti Ventus, gồm 3 cổng DisplayPort v1.4, 1 cổng HDMI 2.0b và 1 cổng USB Type-C

Phía bên kia hông máy là nơi "tọa lạc" của card đồ họa MSI GeForce RTX 2080Ti Ventus với hai quạt kích thước lớn gồm 15 cánh mỗi quạt, thiết kế bo cong khí động học để tối ưu luồng thông gió và tăng hiệu quả tản nhiệt. Ngoài ra, chúng còn được trang bị vòng bi kép để giảm ma sát, tăng tuổi thọ và hạn chế tiếng ồn phát ra.

Về phần mềm, Prestige P100 không dùng chung Dragon Center với các linh phụ kiện khác của MSI mà dùng phần mềm riêng mang tên Creator Center. Tại đây, chúng ta có thể theo dõi hệ thống (nhiệt độ, xung nhịp,…), thay đổi hiệu ứng LED qua Mystic Light, cùng với đó là Creator Mode tối ưu hóa hiệu năng máy khi sử dụng các chương trình đồ họa như Photoshop, Lightroom, về cơ bản nó thay đổi mức ưu tiên của ứng dụng trong hệ thống, cho phép tùy chọn số nhân CPU sử dụng và dọn dẹp bộ nhớ RAM.

Hiệu năng mạnh mẽ nhưng khó ép xung thêm, tản nhiệt không thua gì máy gaming

Đánh giá hiệu năng của Prestige P100, tôi sử dụng các công cụ benchmark phổ biến hiện nay gồm PC Mark 10, 3D Mark, Cinebench R20 và Unigine Superposition. Trong đó, PC Mark 10 là công cụ giả lập các tình huống sử dụng trong thực tế với hai bài test Express và Extended; Cinebench R20 chấm điểm hiệu năng CPU khi render hình ảnh, còn Unigine Superposition là công cụ benchmark đòi hỏi khả năng xử lý của toàn bộ máy trên cả hai thư viện đồ họa là DirectX và OpenGL.

Prestige P100 đạt 6061 điểm trong bài test PC Mark 10 Express (trên) và 9828 điểm trong PC Mark 10 Extended (dưới). Để so sánh, Trident X Plus với chip i7-9700K và RTX 2080 lần lượt đạt 5950 điểm và 9397 điểm trong hai bài test này

Điểm đơn nhân (trái) và đa nhân (phải) của Core i9-9900KF trong ứng dụng Cinebench R20. Với số luồng cao gấp đôi so với i7-9700K, điểm đa nhân của i9-9900KF cao hơn gấp rưỡi, hứa hẹn tốc độ render nhanh hơn đáng kể

Điểm hiệu năng của Prestige P100 trong ứng dụng Unigine Superposition, độ phân giải 4K, thư viện đồ họa DirectX (trên) và OpenGL (dưới). Tại đây, về tổng thể, Prestige P100 mạnh hơn Trident X Plus khoảng 30%, khi cỗ máy chuyên game đạt lần lượt 8895 điểm và 7940 điểm

Nhà sáng tạo thì cũng có lúc phải giải trí, và tất nhiên với i9-9900KF và RTX 2080Ti Ventus thì Prestige P100 chẳng "xoắn" tựa game nào hết ở thời điểm hiện tại. Tiêu chí lựa chọn của tôi là những tựa game có đồ họa nặng, tích hợp sẵn công cụ benchmark. Do đó, tôi lựa chọn 3 tựa game là Far Cry: New Dawn, Assassin's Creed: Odyssey và Shadow of the Tomb Raider. Tất cả đều được thiết lập đồ họa ở mức cao nhất, độ phân giải 2K vì tôi muốn số khung hình trên giây (fps) cao để hình ảnh mượt mà hơn.

Prestige P100 chơi Far Cry: New Dawn đạt fps trung bình là 98 ở thiết lập đồ họa cao nhất, kết quả một phần bị kéo xuống vì cảnh cháy nổ khiến khung hình bị giảm mạnh xuống chỉ còn 28.

Shadow of the Tomb Raider là một trong những tựa game nặng nhất hiện nay khi đẩy thiết lập đồ họa lên tối đa, khử răng cửa SMAA 4x, các tính năng như Nvidia Hairwork đều bật. Fps trung bình của Prestige P100 là 78, vẫn ở mức mượt mà, nếu tôi bật tính năng RTX DLSS độc quyền trên các sản phẩm card RTX của Nvidia, fps sẽ được cải thiện hơn nữa, nhưng chất lượng hình ảnh sẽ bị giảm xuống

"Siêu phẩm" Assassin's Creed: Odyssey của Ubisoft là một sát thủ phần cứng đích thực, khi Prestige P100 đạt fps trung bình là 70 ở mức đồ họa Ultra High

Bên dưới đây, tôi cũng đã tiến hành ghi lại quá trình chơi tựa game Shadow of the Tomb Raider ở độ phân giải 2K QHD (2560 x 1440 pixel) và 4K UHD (3840 x 2160 pixel). Thiết lập đồ họa được đẩy lên mức cao nhất "Ultra High", Ray Tracing và khử răng cưa 4x MSAA.

FPS và nhiệt độ CPU, GPU của Prestige P100 ở độ phân giải 2K QHD, ghi nhận bằng phần mềm MSI Afterburner. Quá trình chơi được ghi lại bằng Nvidia Shadowplay, khi không ghi hình thì FPS được tăng thêm từ 3-5

FPS và nhiệt độ CPU, GPU của Prestige P100 ở độ phân giải 4K UHD, tương tự

Có thể thấy, tuy RTX 2080Ti là một chiếc card rất mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại, Shadow of the Tomb Raider ở thiết lập đồ họa cao nhất, độ phân giải 4K vẫn là một thách thức rất lớn, khi Prestige P100 chỉ có thể chơi tạm mượt ở mức trên dưới 30 FPS. Về nhiệt độ, khi chơi game thì cả CPU i9-9900KF và RTX 2080Ti đều không chạm ngưỡng 80 độ trong điều kiện nhiệt độ phòng 28 độ, rất tốt với 1 case nhỏ gọn như Prestige P100.

Về lưu trữ, phiên bản Prestige P100 của tôi chỉ có SSD M.2 PCIe dung lượng 1TB, qua kiểm tra thì đây là ổ Samsung PM981a với tốc độ đọc tuần tự 3500 MB/s và ghi tuần tự 3000 MB/s. Test nhanh bằng công cụ Crystal Disk Mark cho tốc độ đúng với mức công bố. Việc sử dụng một SSD duy nhất đảm bảo sự nhất quán về tốc độ giữa các thao tác, người dùng có nhu cầu lưu trữ có thể cân nhắc ổ cứng gắn ngoài nếu không muốn phải gỡ máy ra.

Về nhiệt độ hoạt động và ép xung, kết quả của Prestige P100 không khác biệt nhiều với Trident X Plus ở cùng một điều kiện test. Stress test máy bằng công cụ AIDA64 Extreme, i9-9900KF đạt xung 4.7 GHz all-core và dao động trong khoảng 83-84 độ C, còn GPU RTX 2080Ti Ventus ở mức 74 độ C. Bạn có thể ép xung i9-9900KF lên 4.9 GHz all-core ở Vcore 1.3v, cải thiện hiệu năng hơn nữa, nhưng nhiệt độ sẽ vượt ngưỡng 90 độ C một cách nhanh chóng.

Bên trong phần mềm Creator Center cũng có tính năng Cooler Boost của MSI, về cơ bản nó đẩy tốc độ quạt tản nhiệt lên mức tối đa để hạ nhiệt. Khi về mức nhiệt mong muốn, quạt sẽ tự động về mức chạy như bình thường.

Tổng kết

Không nghi ngờ gì nữa, Prestige P100 là một trong những cỗ máy mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại, và điều ấn tượng hơn là MSI có thể gói gọn sức mạnh ấy trong một thân hình nhỏ gọn. Nếu như Trident X; là một chàng trai mạnh mẽ, khỏe khắn, Prestige P100 giống như một cô tiểu thư kiêu sa, nhã nhặn nhưng vẫn có thể bùng nổ khi cần. Gần như mọi khía cạnh của một chiếc PC hoàn hảo, Prestige P100 đều hội tụ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa không phải ai cũng dám "mơ tưởng".

Hai điểm mà tôi nghĩ MSI có thể cải thiện trên Prestige P100 là RAM và cổng kết nối. 64GB RAM là rất thoải mái, nhưng lẽ ra MSI nên dùng những kit RAM có bus cao hơn, ở phân khúc này thì người dùng sẽ muốn mình được trang bị những gì tốt nhất. Trong khi đó, là một cỗ máy hướng tới các nhà sáng tạo, lẽ ra USB 2.0 không cần nhiều đến vậy, đổi lại hãy cho tôi Thunderbolt, nó sẽ hữu ích hơn nhiều.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác