VnReview
Hà Nội

Đánh giá bàn phím cơ AKKO 3084 SP Ocean Star: "Đại náo" phân khúc dưới 2 triệu đồng

Có thể nói rằng trong nhiều năm gần đây, thị trường bàn phím cơ đã "bình dân hóa" một cách đáng kể. Bên cạnh những thương hiệu truyền thống như Filco, Leopold hay các thương hiệu gaming danh tiếng như Corsair và Logitech, nhiều tên tuổi mới cũng đang ngày càng được ưa chuộng với mức giá hấp dẫn hơn hẳn các ông lớn đi trước.

Một trong số những cái tên mới này là Akko. Sau một thời gian chinh phục nhóm người dùng "xách tay", Akko hiện tại đã được phân phối chính thức tại Việt Nam. Phiên bản được chúng tôi thử nghiệm là mẫu AKKO 3084 SP Ocean Star, sử dụng switch Cherry MX Brown và keycap PBT màu "xanh đại dương". Với mức giá chỉ bằng khoảng một nửa bàn phím Filco, liệu chiếc Akko này có thể coi là một món hời cho người mới chơi bàn phím cơ? Hãy cùng Vnreview đi tìm câu trả lời nhé.

Keycap đẹp, nhưng không nhiều tính năng phụ trợ

Keycap dạng "ninja", tức là ký tự được in ở cạnh dưới

Là một chiếc bàn phím cơ giá mềm, Akko 3084 SP Ocean Star chỉ được trang bị một lớp vỏ nhựa màu xanh "ton sur ton" với màu của keycap. Khi cầm tay, chất lượng nhựa của bàn phím tạo cảm giác kém cao cấp hơn phím Filco, nhưng bù lại khá nhẹ và do đó có thể phục vụ tốt người dùng cần sử dụng phím cơ với laptop hoặc tablet Windows (như Surface). Ngoại trừ một logo Akko ở phía trước, tổng thể bàn phím không có nhiều điểm nhấn về mặt thiết kế. Có vẻ như, nhà sản xuất muốn thu hút toàn bộ sự chú ý của người dùng vào keycap ở phía trên.

Keycap chất liệu nhựa PBT cứng cáp, ít bị bóng theo thời gian

Như đã đề cập ở trên, Akko 3084 SP Ocean Star được bán kèm keycap chất liệu nhựa PBT. So với nhựa ABS vốn được trang bị cùng bàn phím Filco hay Razer, chất liệu PBT không bị trơn bóng hay dính tay sau một thời gian sử dụng và do đó có thể coi là lựa chọn cao cấp hơn. Đúng như tên gọi của mình, keycap của Ocean Star có hai sắc xanh nước biển và xanh đậm, gợi nhắc đến "đại dương". Bên trong hộp máy, nhà sản xuất tặng kèm 8 keycap màu trắng để người dùng có thể thay thế và tạo điểm nhấn cho bàn phím. Có lẽ, nhiều người sẽ yêu thích 8 keycap màu trắng này hơn là 8 keycap được lắp mặc định, bởi sự kết hợp 2 sắc xanh và những nét tô điểm màu trắng giúp cho bàn phím trở nên nổi bật hơn hẳn.

Akko 3084 SP Ocean Star có dây USB-C tháo rời

Xét về mặt tính năng, Akko 3084 có thể coi là thua kém khá rõ so với một số đối thủ Trung Quốc khác trong cùng tầm giá. Ngoại trừ dây nối USB-C có thể tháo rời, bàn phím này không có kết nối không dây, không có phím chuyển giữa Mac - Windows và cũng không có đèn nền. Ít ra thì dây USB-C của Akko 3084 SP Ocean Star khá dài và cũng có dây buộc velcro để cuộn dây ngắn lại khi cần.

Trải nghiệm sử dụng: Xứng danh Cherry

Bên cạnh keycap, mẫu Ocean Star được chúng tôi đánh giá có điểm mạnh lớn nhất là sử dụng switch của Cherry với mức giá chỉ đắt hơn 300.000 đồng so với phiên bản dùng Akko switch. Theo kinh nghiệm của người viết, mặc dù rất nhiều hãng đã tìm cách "clone" thiết kế và cảm giác bấm của Cherry - trong đó có chính Akko, cảm giác bấm của "hàng chính hiệu" vẫn là không thể bì kịp. Điều này là đặc biệt quan trọng với các loại switch như Brown và Blue, vốn có phản hồi lực khi nhấn và do đó có nhiều thành phần cấu tạo hơn các loại phím tuyến tính như Black, Red và Silver.

Akko sử dụng switch Cherry MX "chính hiệu"

Thực tế, khi sử dụng Akko 3084 SP Ocean Star để thực hiện bài đánh giá này (và nhiều bài viết khác) trong vòng một tuần qua, người viết có cảm nhận khá tốt về cảm giác phím. Theo đúng truyền thống của Cherry MX Brown, phím bấm trên Ocean Star có độ nảy tốt, cảm giác êm tay chứ không lạo xạo như switch "clone". Hiển nhiên, vì dùng switch Cherry chính hiệu nên Ocean Star cũng không mắc phải vấn đề nhận phím trước khi phản hồi lực: tín hiệu phím gõ sẽ được máy tính ghi nhận vào đúng thời điểm bạn cảm thấy lực nảy từ phím đẩy lên. Nhờ đó, người dùng có thể điều chỉnh trải nghiệm gõ của mình để giảm cảm giác mỏi tay khi nhấn.

Với layout 84, Ocean Star có thân hình nhỏ gọn, phù hợp với người cần viết lách, thiết kế hoặc code nhiều hơn là người cần nhập số liệu (do không có phần phím số/numpad bên phải). Layout này có điểm mạnh là có thêm hàng phím F ở phía trên, nhờ đó vẫn giữ được sự nhỏ gọn tương đối nhưng lại không gây khó chịu khi lập trình hoặc chơi game online nhiều skill. Ở phía bên phải là đầy đủ các phím Delete và 4 phím điều hướng Home, Page Up, Pg Down và End, cho phép di chuyển trong tài liệu một cách dễ dàng.

Nhờ có hàng phím F nên Ocean Star rất dễ sử dụng

Cần chỉ ra rằng keycap của Ocean Star là loại OEM, có chiều cao ở mức "trung bình" trong thế giới phím cơ. Đây là chủng loại keycap cực kỳ phổ biến và cũng rất dễ sử dụng, dễ làm quen với người chơi phím cơ. Theo cảm nhận cá nhân của người viết, loại keycap này khi kết hợp với switch Cherry MX Brown (như trên Ocean Star) cũng cho phép cân bằng tốt giữa nhu cầu chơi game và làm việc. Keycap hơi cao sẽ giúp cảm nhận và phán đoán phím tốt hơn khi chơi game, bù lại phản hồi lực của switch Brown giúp giảm được lực nhấn khi phải gõ phím nhiều ký tự.

Akko cũng lựa chọn stab (thanh cân bằng lực cho phím dài) của chính Cherry chứ không dùng stab Costar như nhiều hãng khác, vì thế cảm giác phím bấm lại càng "nuột" hơn. Một điểm cộng khác của phím là NKRO qua kết nối USB-C, tức là có thể nhận được đồng thời tất cả các phím được bấm cùng lúc. Nhìn chung, Akko đã tạo ra một mẫu bàn phím có trải nghiệm bấm khá toàn diện trên SP Ocean Star.

Lựa chọn dành cho người "mê phím" đúng nghĩa

Với mức giá 1,6 triệu đồng, Ocean Star tuy có giá thấp hơn các tên tuổi truyền thống nhưng cũng có khá nhiều đối thủ. Một vài trong số này là các lựa chọn phím cơ không dây với layout 84 giống như Ocean Star, có kết nối Bluetooth và/hoặc đèn nền RGB. Ngoài ra, cũng có thể kể đến phím cơ gaming, vốn cũng tập trung khá nhiều ở phân khúc dưới 2 triệu đồng.

Trước sự cạnh tranh to lớn này, điều gì giúp cho Akko 84 SP Ocean Star là một lựa chọn tốt? Như chúng tôi đã phân tích ở trên, Akko tập trung rõ rệt nhất vào 2 yếu tố làm nên một trải nghiệm bấm xứng danh với Cherry. Các nhà sản xuất khác khi gia tăng tính năng cho phím cơ tầm giá này cũng thường chuyển sang switch "clone" để giảm giá thành. Với switch Brown và Blue, một số loại switch clone thường gặp phải vấn đề chất lượng - ví dụ, phím Gateron trên Keychron K2 thậm chí còn nhận tín hiệu trước khi có phản hồi lực, gây cảm giác khó chịu và dễ bấm nhầm khi soạn thảo.

Vì thế, Akko 3084 SP Ocean Star có thể coi là lựa chọn tốt cho người dùng đặt cảm giác nhấn phím lên trên các tính năng phụ trợ. Nếu bạn không có nhu cầu kết nối phím với máy tính qua Bluetooth, nếu bạn không cần (hoặc cảm thấy khó chịu) đèn nền, một mẫu phím cơ nhỏ gọn và có cảm giác nhấn tốt như Akko 3084 SP Ocean Star sẽ là lựa chọn tốt nhất trong tầm giá.

Điểm mạnh

+) Giá thành dễ chịu.

+) Sử dụng switch Cherry thay vì switch "clone".

+) Keycap tặng kèm bắt mắt, sử dụng chất liệu PBT.

+) Dây tháo rời dài

Điểm yếu

-) Khung vỏ màu đẹp nhưng chất liệu nhựa chưa cao cấp.

-) Không có kết nối không dây.

ĐT

Chủ đề khác