VnReview
Hà Nội

Đánh giá RAM TeamGroup T-Force XTreem ARGB: Đến vì thiết kế, ở lại vì hiệu năng

T-Force XTreem ARGB là một trong những kit RAM có thiết kế bắt mắt nhất trên thị trường hiện nay, nhưng thứ thực sự thuyết phục được tôi là hiệu năng và tiềm năng ép xung ấn tượng, hoàn toàn xứng đáng với số tiền bỏ ra.

TeamGroup không thực sự là một cái tên mà chúng ta sẽ nghĩ tới đầu tiên khi quyết định tìm mua một kit RAM nào đó, ít ra là ở Việt Nam. Thương hiệu đến từ Đài Loan được biết đến nhiều hơn với các linh, phụ kiện như ổ flash USB, thẻ nhớ và SSD phân khúc phổ thông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là TeamGroup không biết cách khiến chúng ta phải bất ngờ với những sản phẩm gaming cao cấp, và kit RAM T-Force Xtreem ARGB là thứ mà tôi muốn nói tới.

Từng được trình làng tại Computex 2019 và chính thức lên kệ vào cuối năm, T-Force Xtreem ARGB được TeamGroup giới thiệu là sản phẩm RAM đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết kế gương. Theo đội ngũ thiết kế của T-Force Xtreem ARGB tuyên bố, họ đã phải tính toán góc khúc xạ, độ phản xạ ánh sáng sao cho đèn LED ARGB có thể chiếu sáng đẹp nhất, đồng đều nhất có thể. Chúng ta sẽ cùng kiểm chứng điều đó trong bài đánh giá này.

Hiện tại, T-Force Xtreem ARGB có ba mức xung nhịp cơ bản là 3200 MHz, 3600 MHz và 4000 MHz. Phiên bản VnReview đánh giá trong bài viết này là kit 2 x 8GB có xung nhịp 3200 MHz, Timing CL14-14-14-34 ở mức điện áp 1.35V. TeamGroup không tiết lộ giá bán chính thức của T-Force Xtreem trên website của mình. Tham khảo trên thị trường thì hiện kit RAM đang được phân phối với mức giá khoảng 3,5 triệu đồng, bảo hành 5 năm (trên website, TeamGroup có đề cập rằng T-Force Xtreem được bảo hành trọn đời – "lifetime").

Thông tin của T-Force Xtreem trên Thaiphoon Burner. Có thể thấy kit RAM sử dụng B-die của Samsung, xung nhịp 3200 MHz

Thiết kế gương độc đáo, rất đẹp nhưng dễ bám vân tay và trầy xước

Ấn tượng đầu tiên ngay khi mở hộp, T-Force Xtreem là một kit RAM rất bắt mắt, và nó không giống với bất kỳ sản phẩm nào khác trên thị trường.

Sự bóng bẩy, cao cấp của thiết kế gương, hiển nhiên, là điểm nhấn sáng giá nhất của T-Force Xtreem. Đẹp nhưng cũng rất mong manh, kit RAM này cần phải được "nâng như nâng trứng" nếu người dùng muốn bảo tồn vẻ đẹp ấy. Dễ bám bụi và bám vân tay, lớp gương của T-Force Xtreem còn rất khó tránh để bị xước, đó cũng là lý do TeamGroup tặng kèm một miếng vải mềm lau kính– thứ phụ kiện mà tôi chưa từng nghĩ sẽ nhận được bên trong một kit RAM.

Hệ thống tản nhiệt và bộ khuếch tán ánh sáng của T-Force Xtreem được chia làm hai phần chính. Do IC nhớ của RAM chỉ được đặt ở một bên, một bộ tản nhiệt truyền thống bao quanh module bộ nhớ là không thực sự cần thiết. Để làm mát, TeamGroup đã tích hợp một dải nhôm anode hoá gắn trực tiếp vào chip. IC nhớ của Samsung thường không toả nhiệt lớn ngay cả khi ép xung mạnh, nên giải pháp tản nhiệt này tuy trông có vẻ đơn giản nhưng vẫn là quá đủ để giữ cho kit RAM hoạt động hoàn hảo trong suốt vòng đời.

Là ram ARGB (Addressable RGB), người dùng có thể tuỳ chỉnh màu sắc và hiệu ứng của từng bóng đèn LED trên T-Force Xtreem theo ý thích. TeamGroup cũng đã rất nỗ lực về khả năng tương thích của kit RAM, và T-Force Xtreem sẽ tương thích với cả Intel lẫn AMD, và có thể đồng bộ ánh sáng RGB với gần như toàn bộ hệ sinh thái hiện có trên thị trường: Aura Sync của Asus, Mystic Light của MSI,...

Như tôi đã đề cập ở trên, kit RAM T-Force Xtreem mà TeamGroup gửi cho chúng tôi có bus 3200 MHz, timing CL14-14-14-34 ở điện áp 1.35V. Đây là mức timing có thể nói là ấn tượng ngay khi xuất xưởng, nhìn sang những cái tên khác trong tầm giá, cùng xung nhịp như Corsair Dominator RGB hay Gskill Trident Z Royal, chúng chỉ có timing CL16-18-18-36 hoặc CL16-18-18-38. Do đó, T-Force Xtreem sẽ có hiệu năng nhỉnh hơn một chút mà người dùng chẳng phải làm gì ngoại trừ kích hoạt XMP trong BIOS.

"Lên đèn", T-Force Xtreem toát lên một vẻ đẹp "ma mị", khiến bạn gần như không thể rời mắt. Ánh sáng toả đều, không bị gắt nhưng vẫn đủ làm tâm điểm. Sử dụng bo mạch chủ của MSI, tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì trong việc đồng bộ ánh sáng kit RAM thông qua Mystic Light.

Hiệu năng cao, tiềm năng ép xung ấn tượng

Để đo hiệu năng của T-Force Xtreem, VnReview sử dụng hệ thống gồm:

CPU: AMD Ryzen 5 3600

Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max

RAM: TeamGroup T-Force Xtreem ARGB 3200 MHz

GPU: Colorful GTX 1660 Super NB

Nguồn: Antec Edge 750W 80 Plus Gold

Để độc giả dễ hình dung, tôi có tiến hành so sánh hiệu năng của T-Force Xtreem với kit 2 x 8GB Corsair Vengeance Pro bus 3000 MHz, timing 16-20-20-38. Tất nhiên, hai kit RAM này không cùng phân khúc, nhưng chúng ta cũng có thể phần nào thấy được sự chênh lệch.

Ép xung 3600 MHz, Timing CL16-18-18-38 trên T-Force Xtreem

Với AMD, cụ thể dòng CPU series 3000, mức xung tối ưu cho RAM sẽ ở mức 3600 MHz đến 3800 MHz, do lúc này fabric clock chạy theo tỷ lệ 1:1 và xung cao nhất quanh mức 1900 MHz. Tận dụng tính năng Memory Try it! có trên bo mạch MSI, tôi có thể ép xung T-Force Xtreem lên 3600 MHz với timing lần lượt CL16-18-18-38, điện áp đặt ở mức 1.4V mà không đổ một giọt mồ hôi. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ thử nghiệm hiệu năng của kit RAM này trên hệ thống Intel sau.

3D Mark FireStrike Physics, chủ yếu đánh giá sức mạnh CPU nhưng xung nhịp RAM cũng có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng

AIDA64 có tích hợp Memory Benchmark, đo tốc độ đọc/ghi/copy của RAM với đơn vị MB/s

Cinebench R15 Multi, khá tương tự 3D Mark FireStrike

Nén folder ảnh dung lượng 2,1 GB bằng 7 Zip

Thực hiện tính toán số Pi đến số thứ 32 triệu sau dấu phẩy bằng SuperPi

Như vậy, có thể thấy, trong các bài benchmark, hiệu năng của T-Force Xtreem khi ở xung nhịp 3200 MHz chỉ nhỉnh hơn một chút so với Corsair Vengeance Pro. Tuy nhiên, khi ép xung lên 3600 MHz, chúng ta chứng kiến điểm số được cải thiện đáng kể, dao động từ 10-15%. Điều đáng nói là chúng ta có được điều này một cách hoàn toàn miễn phí và gần như không tốn bất kỳ công sức nào. Nếu muốn, với một chút kiến thức về ép xung, bạn có thể đẩy xung nhịp và timing lên cao hơn nữa, nhưng với người dùng thông thường, 3600 MHz đã là quá đủ.

Kết quả benchmark khi chơi Far Cry 5 ở xung nhịp 3200MHz (trên) và 3600 MHz (dưới)

Đó là các công cụ benchmark, còn chơi game thì sao? Thử nghiệm nhanh với tựa game Far Cry 5, ép xung T-Force Xtreem lên 3600 MHz giúp FPS trung bình được cải thiện từ 47 lên 48, số khung hình được render tăng từ 2790 lên 2804. Mượt mà hơn là có, nhưng nhiều khả năng bạn sẽ không cảm nhận được. Ép xung CPU hoặc GPU sẽ mang lại thay đổi rõ rệt hơn.

Tổng kết

Thật khó để nói tôi thích điểm nào hơn ở T-Force Xtreem, thiết kế hay hiệu năng. Một mặt, đây là một trong những kit RAM đẹp nhất mà tôi từng được trải nghiệm, với thiết kế bóng bẩy, hiện đại, đèn LED ARGB sáng đẹp và tính tuỳ biến cao. Mặt khác, hiệu năng của T-Force Xtreem đã được Team Group tinh chỉnh một cách kỹ lưỡng ngay từ khi xuất xưởng với timing CL14-14-14-34, và ép xung kit RAM này là một việc đơn giản, mang lại nhiều cải thiện về hiệu năng nhờ sự đáng tin cậy của B-die từ Samsung.

"Độ phủ sóng" của T-Force Xtreem có lẽ là vấn đề lớn nhất, khi trên thị trường hiện không có nhiều đại lý và cửa hàng phân phối kit RAM này. Cũng dễ hiểu, vì T-Force Xtreem hướng tới phân khúc high-end, nơi mà Corsair Dominator và Gskill Trident Z Royal đang "làm trùm", nhưng nếu sẵn sàng mở lòng (và mở hầu bao), kit RAM flagship đến từ TeamGroup chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng.

Điểm cộng

+ Thiết kế gương độc đáo, bắt mắt

+ Đèn LED ARGB sáng đẹp, tương thích tốt với nhiều hệ sinh thái

+ Hiệu năng tốt ngay khi xuất xưởng, tiềm năng ép xung lớn

Điểm trừ

- Bám bụi, bám vân tay, dễ xước

- Chưa phổ biến, khó tìm tại thị trường Việt Nam

Hoàn Đặng

Chủ đề khác