VnReview
Hà Nội

Đánh giá tai nghe true wireless Anker Soundcore Liberty Air 2: Khó đòi hỏi gì thêm trong tầm giá 2 triệu đồng

Nằm giữa Soundcore Liberty 2 ProLife P2 mà VnReview từng đánh giá, Liberty Air 2 mang đến trải nghiệm tốt trong tầm giá 2 triệu đồng, với điểm nhấn là chất âm trung tính, dễ nghe dễ hài lòng và khả năng lọc tiếng ồn khi đàm thoại với 4 microphone cùng công nghệ cVc 8.0.

AirPods của Apple đã một tay mở ra kỷ nguyên của tai nghe true wireless khi ra mắt từ năm 2016, đó là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, sau 4 năm, với 2 biến thể tiếp theo là AirPods 2 và AirPods Pro, những chiếc tai nghe của Apple vẫn luôn là món đồ cao cấp không dành cho số đông. Giống như mọi thị trường khác, đây là cơ hội của các thương hiệu đến từ Trung Quốc, vốn luôn lấy giá bán làm lợi thế cho sản phẩm của mình.

Anker là một cái tên trong số đó. Thường được biết đến với những phụ kiện như cáp sạc, pin dự phòng, loa bluetooth, Anker còn sở hữu loạt tai nghe true wireless chất lượng ổn cùng mức giá hợp lý. Soundcore Liberty 2 ProLife P2 mà VnReview từng đánh giá đều mang lại ấn tượng tốt, và với bài viết này, VnReview muốn gửi tới độc giả những cảm nhận về mẫu tai nghe Liberty Air 2 có mức giá 2,2 triệu đồng - nằm giữa hai cái tên kia và chỉ bằng một nửa AirPods 2 (bản sạc không dây) của Apple.

Thiết kế quen thuộc, hộp sạc không bóng bẩy mà thực dụng hơn

Là cái tên đi đầu, AirPods đã "truyền cảm hứng" thiết kế cho rất nhiều tai nghe true wireless sau này, và Liberty Air 2 không phải ngoại lệ, giống như một sự pha trộn giữa AirPods 2 và AirPods Pro. Thiết kế này cho phép các nhà sản xuất có thêm diện tích để chứa linh kiện, và phần chân kéo dài giúp bám tai tốt hơn so với thiết kế kiểu hạt đậu, ít ra là theo trải nghiệm của người viết.

Có mức giá cao hơn Life P2 một chút nên cũng dễ hiểu khi thiết kế của Liberty Air 2 được trau chuốt nhiều hơn. Với hai màu trắng và đen, bề mặt housing của Liberty Air 2 còn được làm nổi bật với lớp màu bạc phủ lên trên, phần đuôi điểm xuyết màu cam đỏ. Nếu như tôi từng nhận định Life P2 dành cho người dùng không thích gây sự chú ý, đề cao sự đơn giản, thì Liberty Air 2 có thể nói nằm ở thái cực ngược lại.

Khác với Life P2 dùng phím cứng vật lý đa chức năng, Liberty Air 2 được điều khiển qua thao tác cảm ứng trên bề mặt logo Soundcore. Tôi luôn đánh giá cao việc điều khiển bằng phím cứng hơn, chúng ta sẽ không phải lo lắng về độ nhạy cảm ứng, tay ướt,… và một phản hồi vật lý khi thao tác sẽ tránh được tình trạng ấn nhầm.

Các thao tác điều khiển (mặc định) của Liberty Air 2 không được khoa học cho lắm, và không có thao tác một chạm, cụ thể:

-Nhấn hai lần tai trái để chuyển bài hát tiếp theo

-Nhấn hai lần tai phải để Play/Pause và nhận/ngắt cuộc gọi

-Nhấn và giữ tai trái/phải trong hai giây để kích hoạt trợ lý ảo trên máy

Chúng ta có thể thay đổi thiết lập những thao tác này thông qua ứng dụng Soundcore của Anker, có sẵn trên cả Android và iOS, nhưng khi nghe bằng một tai (mono) thì chỉ dùng được thiết lập mặc định. Liberty Air 2 còn có tính năng tự động tạm dừng nhạc khi tháo tai nghe, có thể vô hiệu hóa trong ứng dụng Soundcore, tuy nhiên hơi khó hiểu khi không thể tự động phát nhạc khi đưa lên tai trở lại.

Hộp sạc Liberty Air 2 (trái) và AirPods Pro (phải)

Hộp sạc của Liberty Air 2 lớn hơn AirPods Pro nhưng vẫn nhỏ, nhẹ, không gây khó chịu khi để trong túi quần jean. Không sơn bóng, Anker quyết định phủ một lớp nhám có màu "cháo lòng" cho hộp sạc của mình, sờ thì "sướng", ít bám vân tay nhưng nhìn kém sang. Hộp sạc này có dung lượng pin 500 mAh, với ba đèn LED nhỏ báo hiệu thời lượng pin còn lại.

Nắp đậy của hộp sạc cho cảm giác chắc chắn, nam châm lực hút vừa phải, chỉ cần vẩy cổ tay là có thể mở ra (giống bật lửa zippo vậy). Ngay khi mở nắp đậy, Liberty Air 2 sẽ ngay lập tức kết nối với điện thoại mà không cần nhấc tai ra khỏi hộp, mang lại trải nghiệm liền mạch và nhanh chóng.

Liberty Air 2 sử dụng cổng sạc Type-C, một thứ đã trở thành tiêu chuẩn trên các thiết bị di động hiện nay, và bạn cũng có thể sạc cho hộp với đế sạc không dây chuẩn Qi. Bên cạnh cổng sạc là nút reset bluetooth để chúng ta kết nối với thiết bị khác.

Bên trong hộp, Liberty Air 2 được tặng kèm các bộ eartip đa dạng kích cỡ để người dùng lựa chọn sao cho phù hợp với kích thước tai, cùng một sợi cáp USB A sang C. Bộ eartip được hoàn thiện tốt, hơi mềm hơn so với sở thích của tôi, nhét trong tai không bị đau hay cấn.

Có thiết kế in-ear nên dù không có tính năng chống ồn chủ động (active noise cancelling – ANC), Liberty Air 2 vẫn chặn được khá nhiều âm thanh từ bên ngoài, do đó sẽ không phù hợp sử dụng khi tham gia giao thông.

Độ vừa vặn (fit) và độ dễ chịu khi đeo của Liberty Air 2 cũng giống với Life P2, khi hoạt động thể chất từ vừa đến mạnh như chạy bộ hoặc nhảy dây có thể bị lỏng, không đến mức là tai nghe rơi ra ngoài nhưng khiến âm thanh lọt vào và giảm chất lượng. Theo Anker, tai nghe đạt chuẩn kháng nước IPX5, tức là chịu được mồ hôi khi tập luyện nhưng bạn sẽ không thể mang đi bơi hay… tắm.

Kết nối ổn định, ứng dụng Soundcore nhiều thứ "hay ho"

Trong tầm giá này, việc hỗ trợ kết nối Bluetooth 5.0, bộ giải mã aptX, AAC và SBC đã trở thành tiêu chuẩn, và Liberty Air 2 không phải ngoại lệ. Điều này đồng nghĩa chiếc tai nghe của Anker phù hợp với gần như mọi smartphone ở thời điểm hiện tại, dù là Android hay iOS.

Với Bluetooth 5.0, trên lý thuyết chúng ta có thể nghe nhạc trong phạm vi 7-10m (không có vật cản). Sử dụng thực tế, người viết gần như không gặp bất kỳ vấn đề nào về kết nối, độ trễ tín hiệu vào khoảng 300-500ms, xem phim hoặc nghe nhạc sẽ khó nhận ra nhưng nếu chơi game bắn súng thì tai nghe có dây sẽ đáng tin cậy hơn.

Một số người dùng có thể gặp đôi chút khó khăn trong lần kết nối tai nghe với thiết bị lần đầu tiên, và dường như đây là vấn đề phổ biến vì nó được đề cập trong cả sách hướng dẫn sử dụng. Một trong những lý do tiêu biểu là vì nhiều thiết bị không hỗ trợ công nghệ ghép đôi kép True Wireless Primary-Secondary của Qualcomm. Ngay cả khi bạn thấy thông báo "kết nối không thành công" thì cũng đừng lo, vì bên tai nghe chính vẫn sẽ truyền tín hiệu cho tai phụ.

Cập nhật firmware

Thay đổi thao tác điều khiển

Bên cạnh việc thay đổi thao tác điều khiển, ứng dụng Soundcore còn mang lại nhiều tính năng hữu ích khác như theo dõi thời lượng pin, cập nhật firmware, thay đổi equalizer với hơn 20 tùy chọn thiết lập sẵn hoặc tự tạo một equalizer của riêng mình với tính năng HearID – Soundcore sẽ điều chỉnh cân bằng âm thanh dựa trên "khẩu vị" âm thanh của bạn.

Equalizer mà bạn chọn sẽ được lưu thẳng vào tai nghe và tự áp dụng dù bạn nghe nhạc trên thiết bị nào, chúng chỉ bị xóa khi bạn khôi phục cài đặt gốc của tai. Theo Anker, nghe nhạc với equalizer trên Liberty Air 2 sẽ không khiến bộ giải mã aptX hoặc AAC bị hạ cấp xuống SBC, bảo toàn nguyên vẹn chất lượng âm thanh.

Chất âm trung tính dễ nghe, pin đủ dùng cả tuần

Có vẻ như Anker muốn đi một hướng đi khác với Liberty Air 2, khi chiếc tai nghe này có chất âm trung tính thay vì thiên sáng như Liberty 2 Pro hay thiên bass như Life P2. Ở dải âm nào, Liberty Air 2 cũng thể hiện tròn vai, không xuất sắc nhưng dễ tiếp cận tới nhiều đối tượng khác nhau.

Nghe nhạc với Spotify Premium và equalizer tùy chỉnh bằng HearID, dải bass của Liberty Air 2, theo cảm nhận của người viết là thiếu lực, mỏng và hơi lùi, các "basshead" sẽ không cảm thấy thỏa mãn khi "quẩy" EDM hay Hip-hop, nhưng bù lại khi nghe lâu sẽ không thấy ù tai và mệt. Mid của Liberty Air 2 là điểm sáng, với độ chi tiết nhạc cụ tốt, tách bạch và thoáng đãng, một phần vì không phải lo bị bass lấn. Treble, mặt khác, không quá nổi bật nhưng cũng chẳng có gì đáng phàn nàn.

Với những đặc điểm ấy, Liberty Air 2 có thể chơi ổn hầu hết các thể loại nhạc hiện nay, nhưng sẽ thể hiện tốt nhất ở Pop, Ballad. Âm trường hẹp, ấm cúng, lựa chọn đúng kích cỡ eartip vẫn cho phép bạn đắm chìm trong thế giới âm nhạc của riêng mình mà không cần đến tính năng chống ồn chủ động.

Cùng có 4 mic và tích hợp công nghệ khử tiếng ồn cVc 8.0 của Qualcomm, nhưng dường như khả năng lọc tiếng ồn đàm thoại của Liberty Air 2 tốt hơn hẳn so với Life P2. Dưới đây, người viết có thử nghiệm một đoạn thu âm ngắn ở ngoài đường phố, với nhiều phương tiện qua lại:

Về thời lượng pin, Anker công bố Liberty Air 2 có thể phát nhạc tới 7 tiếng cho một lần sạc. Trong trải nghiệm thực tế của tôi, thời lượng pin của chiếc tai nghe rơi vào khoảng hơn 6 tiếng, tùy thuộc vào mức âm lượng. Đây là con số quá đủ để bạn giải trí trên con đường đi làm hàng ngày hay thư giãn lúc nghỉ trưa và nó cao hơn gần 2 tiếng so với AirPods Pro.

Hộp của Liberty Air 2 sạc đầy được thêm 4 lần nữa, tức khoảng 26 giờ phát nhạc. Con số này cũng cao hơn AirPods Pro (24 tiếng) nhưng thấp hơn Jabra Elite Active 75t (28 tiếng).

Tổng kết

Nhìn chung, trong tầm giá 2 triệu, khó có thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở Soundcore Liberty Air 2 của Anker. Thiết kế trau chuốt lấy cảm hứng từ AirPods, chất âm trung tính dễ nghe và thời lượng pin đủ dùng cả tuần, Liberty Air 2 còn lọc tiếng ồn đàm thoại tốt với 4 mic chuyên dụng. Được hỗ trợ ứng dụng Soundcore là một điểm cộng lớn khi so sánh Liberty Air 2 với Life P2 giá rẻ hơn.

Sự thiếu vắng tính năng chống ồn chủ động là điều dễ hiểu, nhưng rất có thể chúng sẽ được thay đổi trong tương lai gần, khi chipset âm thanh mới của Qualcomm trở nên phổ biến hơn. Nếu phiên bản kế nhiệm của Liberty Air 2 có chống ồn chủ động mà không tăng mức giá quá nhiều, đó sẽ là một ứng cử viên cho danh hiệu "sát thủ AirPods".

Hoàn Đặng

Chủ đề khác