VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh SSD M.2 TeamGroup MP33 512GB: Bổ, rẻ, trở ngại lớn nhất là… khó mua

Hướng tới phân khúc tầm trung, MP33 của TeamGroup là một chiếc ổ cứng thể rắn (SSD) có hiệu năng ổn, mức giá hợp lý. Đáng tiếc, tìm mua sản phẩm này tại thị trường Việt Nam là một công việc khó khăn, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chế độ hậu mãi như bảo hành hay chăm sóc, hỗ trợ khách hàng.

Ổ cứng thể rắn (SSD) đã trở thành linh kiện không thể thiếu trên máy tính cá nhân ngày nay, dù là để bàn hay desktop. Mở ứng dụng cho đến sao chép dữ liệu, một chiếc SSD sẽ khiến hiệu suất công việc của bạn tăng lên đáng kể. Khi chơi game, tải màn chơi nhanh hơn cũng khiến trải nghiệm trở nên liền mạch, đó cũng là lý do các hệ máy console thế hệ tiếp theo như Xbox Series X và PlayStation 5 đều sẽ trang bị SSD tốc độ cao.

Với phần lớn người dùng, không phải ai cũng có đủ chi phí cho một SSD đắt tiền. Do đó, các hãng sản xuất đã chú ý nhiều hơn tới phân khúc tầm trung, ra mắt các sản phẩm SSD M.2 NVMe (Non-Volatile Memory Express) nhỏ gọn, tương thích với phần lớn các hệ thống máy tính hiện nay, tốc độ thấp hơn nhưng vẫn vượt trội so với chuẩn SATA, cùng mức giá dễ tiếp cận. Cách đây không lâu, VnReview đã đánh giá chiếc SN550 của Western Digital có hiệu năng/giá bán (performance/price) rất tốt, và trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả chiếc SSD MP33 của TeamGroup, cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Thông số của TeamGroup MP33

MP33 có tổng cộng 5 phiên bản dung lượng, trải dài từ 128GB đến 2TB, tất nhiên sẽ có sự chênh lệch về tốc độ cũng như độ bền. Trong bài viết này, VnReview đánh giá nhanh phiên bản 512GB, hiện có giá bán 55 USD (khoảng 1,27 triệu đồng).

Tổng quan thiết kế

TeamGroup MP33 được đóng gói rất đơn giản, đặt bên trong một tấm thiệp nhỏ có ghi các thông số quan trọng như dung lượng 512GB, chuẩn PCIe Gen3 x4, cùng cam kết bảo hành 5 năm. Khi tìm kiếm trên thị trường, có thể bạn sẽ thấy vỏ bên ngoài sản phẩm ghi thời gian bảo hành chỉ 3 năm, là do TeamGroup chỉ mới thay đổi chính sách trong thời gian gần đây.

Sở hữu thiết kế tiêu chuẩn M.2 2280, không có tản nhiệt, TeamGroup MP33 tương thích với hầu hết các hệ thống máy tính để bàn, laptop hiện nay, cả Intel lẫn AMD. Giống nhiều SSD M.2 tầm trung khác, MP33 có thiết kế mạch in (PCB) một mặt, DRAM-less để tiết kiệm chi phí sản xuất. PCB màu đen sẽ đẹp hơn, nhưng màu xanh của MP33 cũng không phải là vấn đề gì to tát.

Người dùng sẽ mất bảo hành nếu làm mất hoặc hư hỏng miếng sticker thông tin dán trên MP33, một sự cứng nhắc không cần thiết. Qua tìm hiểu, MP33 sử dụng controller PS5013-E13-31 của Phison, đây là một mẫu mới hỗ trợ 3D TLC (Xem thêm: ‘Giải ngố' về SSD: SLC, MLC, TLC, QLC và PLC là gì?), được sản xuất trên tiến trình 28nm bởi TSMC, cho tốc độ đọc/ghi tối đa theo công bố là 2.500/2.100 MB/s. Bên cạnh đó, phiên bản 512GB có 4 chip flash 96-layers 3D NAND TLC của Toshiba, có tên TA7AG55AWV.

TeamGroup có một phần mềm theo dõi sức khoẻ, nhiệt độ, dung lượng khả dụng cho SSD có tên SSD Toolbox, tuy nhiên tôi không tìm thấy ở trên trang chủ của TeamGroup mà phải tải ở ngoài. Ngoài ra, phần mềm này còn cho phép dời dữ liệu từ ổ cũ sang ổ mới bằng công cụ Data Migration.

Hiệu năng và sử dụng thực tế

Theo công bố của TeamGroup, MP33 phiên bản 512GB có tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa 1.700/1.400 MB/s. Độ bền, tính theo đơn vị TeraByte Written (TBW) đạt 400, tức bạn có ghi khoảng 200GB dữ liệu mỗi ngày trong vòng hơn 5 năm cũng chưa hết. Tuy nhiên, việc mua qua các trang thương mại điện tử nước ngoài như Amazon hay Newegg (các đại lý lớn tại Việt Nam dường như không/chưa phân phối mẫu SSD này) khiến công việc bảo hành khi có vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Thử nghiệm hiệu năng của MP33, VnReview sử dụng cấu hình gồm:

-;         CPU: AMD Ryzen 5 3600

-          Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max

-          RAM: TeamGroup T-Force XTreem ARGB 2x8GB @3200MHz

-          Card đồ hoạ: Colorful GTX 1660 Super

-          NVMe: TeamGroup MP33

-          PSU: Antec Edge 750W 80 Plus Gold

Tốc độ sao chép tệp nén .rar kích thước 15GB

Tốc độ copy 600 tệp ảnh .jpg

Tác vụ sao chép dữ liệu thực tế, VnReview chọn ra hai bối cảnh là sao chép một tệp nén định dạng .rar dung lượng 15GB và sao chép 600 file ảnh jpg kích thước dao động từ 2-15MB, tổng dung lượng 2,21GB. Bối cảnh đầu tiên, MP33 đạt tốc độ suýt soát 1 GB/s, giảm dần xuống 720 MB/s khi kết thúc. Còn với sao chép tệp hình ảnh, MP33 duy trì tốc độ 620-650MB/s trong suốt quá trình.

Với công cụ Crystal Disk Mark, tốc độ đọc/ghi tuần tự (dòng trên cùng) của MP33 đạt 2.100/1.826 MB/s, tức còn cao hơn tốc độ công bố của TeamGroup. Tuy nhiên, chúng ta thường quan tâm đến tốc độ truy xuất dữ liệu ngẫu nhiên trên các vùng dữ liệu với Queues =1 và Threads = 1 (dòng dưới cùng). MP33 đạt tốc độ đọc/ghi là 60/232 MB/s, tức nhanh hơn mẫu SN550 của Western Digital, vốn có giá và tốc độ đọc ghi tuần tự cao hơn.

Tiếp theo là AS SSD, công cụ benchmark sử dụng dữ liệu không nén thay vì nén như Crystal Disk Mark nên kết quả thường thấp hơn và chính xác hơn. MP33 đạt tổng điểm 4704, cao hơn 10% so với SN550.

AS SSD còn có một công cụ nữa là Compression Benchmark, về cơ bản theo dõi tốc độ nén dữ liệu của ổ cứng với mức nén từ 0% đến 100%. Trên lý thuyết, kết quả lý tưởng sẽ là hai đường này càng thẳng và càng cao càng tốt, cho thấy sự ổn định, nhưng MP33 lại nằm ngoài dự đoán khi càng về sau càng nhanh, dù tôi đã thử tới vài lần vẫn cho kết quả tương tự. Nếu có điều kiện, tôi sẽ thử thêm nhiều ổ cứng khác và cập nhật thông tin trong bài viết.

ATTO Disk Benchmark là phần mềm bao gồm một loạt các kiểm thử nhằm xác định tốc độ đọc và ghi dữ liệu của ổ cứng với nhiều gói dữ liệu kích thước khác nhau. Lần này, MP33 có tốc độ cao một cách… vô lý, còn nhanh hơn mẫu flagship SN750 Black và hiển nhiên vượt xa con số mà TeamGroup công bố. Controller và chip flash của MP33 đang tạo nên những điều thần kỳ, hay các công cụ benchmark đang hoang mang trước chúng?

Về hiệu năng chơi game, VnReview dùng trình benchmark của Final Fantasy XIV Shadowbringers, với khả năng đo thời gian tải màn chơi chuẩn đến từng mili giây. Tổng cộng, MP33 tải hết 5 màn chơi trong 17,9 giây, chậm hơn một chút so với kỳ vọng ban đầu của tôi.

Độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn

Nhiệt độ hoạt động, do có kiểu dáng cơ bản nên MP33 hoàn toàn phụ thuộc vào tản nhiệt thụ động, tức nhiệt độ bên trong case sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ của ổ. Chạy phần mềm ezIOmeter, nhiệt độ tối đa mà chúng tôi ghi nhận trên cảm biến chỉ là 50 độ C, tuy nhiên có thông tin cho biết các phần mềm theo dõi khai báo nhiệt độ trên chip flash chứ không phải trên controller, nên nhiệt độ thực tế sẽ vào khoảng 70 độ C. Với một mẫu SSD không có tản nhiệt, đó là con số chấp nhận được.

Kết luận

Đưa ra kết luận với các bài đánh giá SSD thường khá đơn giản: Chúng có làm được như công bố hay không? Và hiệu năng trên giá bán có tốt hay không? Với MP33, hiệu năng của SSD đến từ TeamGroup thậm chí còn cao hơn công bố, và mức giá ở thời điểm hiện tại đã tốt hơn nhiều so với 78 USD lúc mới ra mắt hồi tháng 9 năm ngoái.

Vậy vấn đề của MP33 là gì? Đó là không dễ để mua chiếc SSD này tại Việt Nam. Amazon không giao hàng trực tiếp, nếu mua từ các dịch vụ ngoài sẽ khiến giá bị đẩy lên. Thời gian bảo hành 5 năm của TeamGroup, tuy cho thấy hãng tự tin về độ bền sản phẩm, không thực sự hữu ích (tôi cũng không rõ NetWorkHub, đơn vị phân phối các sản phẩm của TeamGroup, có hỗ trợ bảo hành các sản phẩm mua từ Amazon hay các trang nước ngoài hay không). Để tránh những phiền phức đó, người dùng sẽ có xu hướng tìm đến những cái tên khác, và đó là bất lợi của MP33 nói riêng và TeamGroup nói chung.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác