VnReview
Hà Nội

Đánh giá bàn phím cơ AKKO Midnight: Trải nghiệm bất ngờ trong tầm giá 1 triệu

Với người dùng Việt Nam, AKKO đã không còn là một cái tên xa lạ. Tuy ra mắt khá muộn so với những "tiền bối" như Filco hay Leopold, thương hiệu mới mẻ này vẫn nhanh chóng thu hút được người dùng bằng mức giá rẻ, trải nghiệm gõ phím được trau chuốt và đặc biệt là nhiều thiết kế dễ thu hút sự chú ý của người dùng.

Thiết kế mới nhất vừa được AKKO ra mắt chính thức tại Việt Nam trong tháng qua có tên gọi "Midnight". Ở mức giá chỉ từ 900.000 đồng cho các bản có layout rút gọn (3087 và 3084) cho đến 950.000 đồng cho các bản có numpad (3108 và 3096), Midnight hiện là dòng sản phẩm có giá rẻ nhất của Akko.

Midnight, dòng sản phẩm mới nhất của Akko ở khung giá chỉ từ 900.000 đồng đến 950.000 đồng.

Liệu mức giá siêu rẻ như vậy có khiến Midnight thua kém quá nhiều so với Silent hay Ocean Star, vốn khởi điểm từ 1,3 triệu đồng trở lên? Trong bài viết này, VnReview sẽ cùng bạn đọc thử nghiệm 3 mẫu Midnight 3108 (Akko Blue), Midnight 3087 (Akko Orange) và Midnight 3084 (Akko Pink) để có câu trả lời.

Thiết kế: "Êm dịu" như bầu trời đêm

Tông màu đen chủ đạo giúp Midnight trở thành dòng sản phẩm nền nã, nhẹ nhàng nhất trong danh mục Akko hiện nay.

So với các đàn anh, Midnight có lẽ là dòng sản phẩm có thiết kế đơn giản nhất trong gia đình Akko. Trong khi keycap trên Silent, Ocean Star có tới 3 màu còn Dragon Ball Z hay Tokyo World Tour còn "lòe loẹt" hơn, toàn bộ phím trên Midnight chỉ có màu đen. Để thiết kế đỡ nhàm chán, Akko chọn font chữ màu xanh dương cho các hàng phím chính giữa và màu tím ở hai bên.

Với cách phối màu này, Midnight rất phù hợp với những người không thích thu hút quá nhiều sự chú ý vào bàn phím của họ. Lựa chọn màu xanh cho font chữ thực sự là một quyết định rất đúng đắn, bởi nhờ cách phối màu này mà bàn phím trở nên bớt nhàm chán nhưng cùng lúc vẫn nền nã và tối giản hơn các dòng Akko trước đây. Tổng thể, Midnight quả thực tạo ra cảm giác "êm dịu" đúng như tên gọi của mình.

Phần case không nhiều chi tiết ngoại trừ logo Akko ở phía trước.

Phần case của bàn phím cũng có màu đen, logo Akko một lần nữa được đặt ở phía bên phải. Do mức giá rất rẻ, chất liệu nhựa trên case của Akko Midnight vẫn không thể cứng cáp như những chiếc Filco hay Leopold có giá cao gấp 3, 4 lần. May mắn là chẳng mấy ai lại chú ý nhiều đến case khi sử dụng, và quan trọng hơn là Akko vẫn chọn chất liệu PBT cao cấp cho keycap. Chất lượng chữ in (double shot) trên bàn phím không hề tệ so với mức giá, và điều này giúp cho vẻ ngoài của Akko Midnight thực sự vượt lên trên các đối thủ cùng tầm giá.

Tính năng: Vừa đủ cho người "mê" phím

Từ thế hệ sản phẩm này sang thế hệ sản phẩm khác Akko thường chỉ thay đổi duy nhất màu sắc case và keycap, cùng lúc giữ nguyên không thay đổi tính năng bên trong. Midnight cũng không phải là ngoại lệ. Dù có giá rẻ hơn, Akko vẫn thừa hưởng đầy đủ các tính năng từ các dòng sản phẩm đàn anh có giá đắt đỏ hơn.

Đầu tiên là N-key rollover, cho phép nhận đồng thời nhiều phím không giới hạn khi gõ . Tiếp đến, Akko Midnight đi kèm kết nối USB-C dây rời, tương thích với các loại dây sạc smartphone có mặt trên thị trường hiện nay. Mẫu 3084 có vị trí cắm cáp ở bên hông bàn phím, dễ tháo/lắp hơn khi cần nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng hơn 3087 và 3108, vốn đặt cổng cắm ở phía sau lưng và thiết kế qua khớp nối khá chắc chắn.

Phím Akko có tích hợp các nút media nhưng lại không được chú thích rõ trên keycap.

Một tính năng khá thú vị khác được thừa hưởng từ đàn anh là các phím media được được tích hợp sẵn. Ví dụ, trên 3108, các phím tăng/giảm âm lượng hay mute (tắt tiếng) được đặt ở phía trên Numpad. Trên 3084, các phím này được tích hợp bên trong phím M, < và > nhưng trên 3087 lại… không có sẵn. Người dùng cũng cần phải đọc hướng dẫn trên vỏ hộp để biết vị trí của các phím media, do Akko không ghi chú thông tin này lên keycap.

Tiếp theo là tính năng tùy biến tạo tổ hợp phím (macro). Để kích hoạt tính năng này, người dùng phải nhấn Fn + Esc rồi nhấn tiếp Fn + phím muốn gán macro. Quá trình cài đặt nói chung là khá rối loạn do Akko không có phần mềm đi kèm, buộc người dùng phải tự kiểm soát bằng tay. Cách sử dụng macro cũng không quá trực quan - ví dụ, nếu bạn gán phím V thành vnreview thì cụm từ "vnreview" sẽ xuất hiện mỗi khi bạn nhấn chữ V… Chính vì vậy, trong quá trình thử nghiệm Akko Midnight chúng tôi không hề sử dụng đến tính năng macro này.

Trải nghiệm gõ phím: Không quá thua kém Cherry

Có lẽ do Akko Midnight là dòng sản phẩm tối ưu về giá nên tại Việt Nam, nhà sản xuất chỉ bán phiên bản dùng switch tự sản xuất thay vì cung cấp thêm bản Cherry như trước đây. Vậy, chất lượng gõ phím của switch Akko như thế nào?

Đầu tiên là lựa chọn Akko Blue với cấu tạo giống Cherry MX Blue. Đây là lựa chọn được nhiều người ưa thích nhờ tiếng "click" đã tai, gợi nhắc đến máy đánh chữ trong quá khứ. Tuy chỉ là một dạng switch "clone" của Cherry nhưng Akko Blue cũng có chất lượng khá, nhỉnh hơn so với nhiều loại switch khác trên thị trường: phím có cảm giác nảy, lực nhấn đều, tín hiệu được ghi nhận ngay sau khi qua tiếng click, khi gõ phím không bị di chuyển nhiều sang xung quanh như switch Gateron.

Để tối ưu mức giá Akko Midnight sử dụng switch do Akko tự chế tạo.;

Khi dùng switch Blue, người viết thích nhất là cách gõ phím chỉ vừa chạm qua tiếng click là rời tay (thay vì dùng hết lực nhấn, vốn khá cao trên Akko - 60g). Cách gõ này giúp tốc độ gõ phím nhanh hơn, và cảm giác chính xác, chắc chắn của Akko đã góp phần tạo ra trải nghiệm gõ vượt trội so với nhiều dòng phím giá rẻ mà chúng tôi đã từng thử nghiệm.

Cũng như Blue, lựa chọn Akko Orange (được chúng tôi thử nghiệm trên mẫu Akko Midnight 3087) cho chất lượng không quá thua kém Cherry Brown. Một lần nữa, Akko Orange vận hành theo đúng như mong đợi của người dùng, nhận phím ngay sau khi vượt qua điểm phản hồi lực. Hành trình phím trên Akko Orange khá rõ ràng và cũng không gặp hiện tượng 'xoay lắc" như các loại switch clone kém chất lượng hơn.

Trong 3 loại switch của Akko, có lẽ Akko Pink là gần nhất với nguyên mẫu Cherry Red. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu do cấu tạo của Red đơn giản nhất trong các loại switch, phím đi thẳng theo hành trình chiều dọc chứ không có điểm click như Blue hay Brown. Với Akko Pink, chúng tôi nhận thấy trải nghiệm sử dụng khá "mượt" và thậm chí còn tạo ra ít tiếng ồn hơn Cherry Red.

Trải nghiệm switch Akko và switch Cherry không chênh lệch quá nhiều.

Dĩ nhiên, những người đã sử dụng phím Cherry trong nhiều năm có lẽ vẫn sẽ cảm nhận được điểm khác biệt khi chuyển sang Akko switch. Ví dụ, phím Blue của Akko có phần ồn hơn và với người dùng có thói quen gõ hết hành trình phím sẽ bị mệt hơn (do lực nhấn là 60g, cao hơn 55g của Cherry). Tuy vậy, những điểm yếu này đều đòi hỏi người dùng phải để ý rất kỹ và cũng có thể coi là không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm gõ phím nói chung. Với những người mới tập chơi phím cơ hay những người tìm thêm một bộ phím để sử dụng cho các mục đích "phụ" - như chơi game vào buổi tối ở nhà chẳng hạn, Akko switch vẫn mang đến một trải nghiệm hấp dẫn trong tầm giá.

Cũng cần phải chỉ ra rằng với các dòng Akko trước đây, phiên bản switch Cherry sẽ có giá đắt hơn khoảng 400.000 đồng so với phiên bản switch Akko. Sự chênh lệch này sẽ khiến Midnight bị tăng giá gần gấp rưỡi khi chuyển sang dùng Cherry, và do đó sẽ mất đi nhiều phần hấp dẫn với người dùng đang tìm trải nghiệm phím cơ đầu tiên.

Kết luận

Ở khung giá thấp hơn hẳn các sản phẩm trước đây của Akko, các mẫu Midnight thực sự là một lựa chọn tốt cho những người muốn một trải nghiệm phím cơ thực thụ mà không cần phải tiêu tốn quá nhiều. Ngoại hình đẹp, keycap PBT và cảm giác gõ phím gần ngang ngửa Cherry MX đều là những điểm mạnh không thể bàn cãi với một lựa chọn bàn phím có giá chưa tới 1 triệu đồng như Akko Midnight.

ĐT

Chủ đề khác