VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh card đồ họa MSI GeForce RTX 3090 Gaming X Trio: 4K và hơn thế nữa

Là một trong những chiếc card đồ họa mạnh mẽ nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại, MSI GeForce RTX 3090 Gaming X Trio có thể "cân" mọi tựa game ở độ phân giải 4K thiết lập đồ họa cao nhất. Và với công nghệ DLSS 2.0 của Nvidia, thậm chí, chúng ta đã có thể bắt đầu hướng về tương lai 8K Gaming.

Vào hồi đầu tháng, Nvidia đã khiến cộng đồng game thủ "sôi sục" khi chính thức trình làng thế hệ card đồ họa RTX 3000 series mới của mình, bao gồm RTX 3090, 3080 và 3070. So với thế hệ trước là RTX 2000 series, RTX 3000 có hiệu năng mạnh mẽ hơn nhưng giá thành rẻ hơn, một bước nhảy mà Nvidia gọi là "lớn nhất trong lịch sử của công ty".

Như thường lệ, ngay sau khi Nvidia công bố dòng sản phẩm mới, các thương hiệu gaming cũng ngay lập tức giới thiệu loạt card đồ họa tùy biến của mình. Tuy rất khan hiếm nguồn hàng, VnReview đã may mắn có dịp được trên tay nhanh chiếc card đồ họa MSI GeForce RTX 3090 Gaming X Trio. Gaming X là dòng sản phẩm cao cấp của MSI, nên có thể nói GeForce RTX 3090 Gaming X Trio là một trong những chiếc card đồ họa mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại.

Một số điểm nổi bật của MSI RTX 3090 Gaming X Trio có thể kể tới như bộ nhớ "khủng" 24GB GDDR6X, hỗ trợ giao thức PCIe Gen 4, xung nhịp boost lên tới 1.785 MHz. Để có thể "gánh" được chiếc card này, MSI khuyến nghị người dùng sử dụng bộ nguồn có công suất từ 750W trở lên.

Những thông số chính của MSI RTX 3090 Gaming X Trio

Theo đại diện của MSI Việt Nam chia sẻ với chúng tôi, MSI GeForce RTX 3090 Gaming X Trio có giá bán lẻ tham khảo 49.990.000 đồng. Tuy nhiên, giá bán thực tế có thể sẽ có những sự thay đổi, độc giả quan tâm có thể liên hệ tới các đại lý của MSI gần nhất.

Mở hộp và tổng quan thiết kế

Ấn tượng ban đầu, hộp của MSI RTX 3090 Gaming X Trio có kích thước rất lớn, lớn nhất trong số những chiếc card đồ họa mà VnReview từng được trải nghiệm. Phía mặt trước, bên cạnh tên và hình ảnh sản phẩm, có một số thông tin đáng chú ý khác như kiến trúc Ampere mới của Nvidia, cũng như hai công nghệ đáng chú ý nhất là dò tia thời gian thực (Ray Tracing) và học sâu siêu lấy mẫu (Deep Learning Super Sampling – DLSS), đều đã được giới thiệu trên thế hệ RTX 2000 series nhưng nay đã được nâng cấp để cho hiệu năng tốt hơn.

Ở mặt sau, chúng ta có một góc nhìn khác về chiếc card bên trong, cùng với những công nghệ độc quyền của MSI được trang bị trên sản phẩm như hệ thống quạt tản nhiệt Tri Frozr 2, cánh quạt tùy biến Torx Fan 4.0 hay phần mềm Dragon Center cho phép người dùng theo dõi, điều chỉnh và tối ưu các sản phẩm gaming của MSI.

Bên trong hộp còn có bộ sách hướng dẫn lắp đặt và sử dụng và giá đỡ cho card, không còn CD cài driver để hạn chế rác thải điện tử. Tôi muốn dành một lời khen cho cuốn sách hướng dẫn của MSI, được làm như một cuốn truyện tranh với nhân vật chính là chú rồng đỏ linh vật của hãng. Tất nhiên, khi đã đầu tư vào một chiếc card đồ họa cao cấp như thế này, người dùng sẽ biết phải làm gì, nhưng cuốn truyện này có tính trực quan cao, dễ xem và dễ hiểu. Dù vậy, đáng tiếc, chiếc giá đỡ card trên phiên bản RTX 3090 dường như đã bị "hạ cấp" với thiết kế đơn giản hơn, không còn màu mè như những thế hệ trước.

Đến với nhân vật chính, kế thừa "truyền thống" của các đàn anh để lại, MSI RTX 3090 Gaming X Trio có thiết kế rất hầm hố, với các góc cạnh vuông vắn tạo vẻ cứng cáp, gaming. Kích thước lần lượt 323 x 140 x 56mm, chiếm ba slot PCI-e và trọng lượng 1,5 kg, bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng kích thước case của mình đủ chỗ cho con quái vật này. Ngoài ra, dù có giá đỡ card nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo bạn chọn loại bo mạch chủ cao cấp có những sự gia cố nhất định ở khe PCIe để đề phòng hỏng hóc, hoặc dùng cáp riser để dựng card lên.

Cận cảnh cánh quạt Torx 4.0

Thiết kế tổng thể của MSI RTX 3090 Gaming X Trio đã không còn màu đỏ, chỉ còn là sự hài hòa giữa đen và xám gunmetal. Nổi bật nhất, hiển nhiên, chính là hệ thống tản nhiệt Tri Frozr 2. Bên cạnh ba quạt Torx Fan 4.0 thiết kế cánh quạt hoạt động theo cặp giúp tăng áp suất không khí, lõi tản nhiệt và heatsink của RTX 3090 Gaming X Trio cũng có nhiều cải tiến để kiểm soát nhiệt lượng tỏa ra từ chiếc card.

Thay vì dùng cổng cấp nguồn 12-pin như phiên bản Founder Edition của Nvidia, MSI RTX 3090 Gaming X Trio vẫn dùng cổng 8-pin, với tổng cộng 3 cổng mà người dùng cần phải cung cấp. Việc sử dụng ba cổng 8-pin sẽ là một điểm cộng đối với người dùng thích ép xung nhờ điện năng cung cấp ổn định hơn.

Một số hình ảnh về hệ thống tản nhiệt Tri Frozr 2. Do thời gian có hạn, chúng tôi chưa có dịp "mổ" chiếc card và theo dõi cận cảnh hơn thiết kế bo mạch bên trong.

Phía đằng sau card là tấm backplate được làm từ graphene độc quyền của MSI, được cho là sẽ mang lại hiệu quả tản nhiệt tốt hơn, đồng thời bảo vệ phần mạch bên trong khỏi tác động của ngoại lực. Kiểm chứng khả năng tản nhiệt của tấm backplate graphene này không dễ, đặc biệt là nếu chúng tôi chưa được tháo chúng ra. Nếu có dịp, VnReview sẽ liên hệ với MSI về vấn đề này, cũng như tiến hành so sánh với những sản phẩm khác dùng backplate kim loại "truyền thống" hơn.

Hệ thống đèn LED trên MSI RTX 3090 Gaming X Trio được làm "dịu dàng" hơn, chia làm ba khu vực là một dải đèn chạy dọc thân card, logo MSI và các sọc đối xứng ở mặt nạ. Đèn LED đều có độ sáng rất tốt, có thể tùy biến và đồng bộ thông qua Mystic Light có sẵn trong phần mềm Dragon Center.

Về cổng kết nối, MSI RTX 3090 Gaming X Trio trang bị ba cổng DisplayPort v1.4a và một cổng HDMI 2.1. Đáng chú ý, HDMI 2.1 có đủ băng thông để xuất hình 4K 120Hz hoặc 8K 60Hz bằng một sợi cáp duy nhất, nên nếu bạn có ý định mua TV cao cấp trong thời gian tới, đây sẽ là thứ bạn cần.

Về phần mềm, bạn có thể theo dõi, điều khiển chiếc MSI RTX 3090 Gaming X Trio qua phần mềm "chính chủ" Dragon Center. Tại đây, bạn có thể kích hoạt Gaming Mode, thay đổi User Scenario để tối ưu hiệu năng dựa trên nhu cầu của mình, và tuỳ biến đèn LED thông qua Mystic Light.

Hiệu năng: Tuyên bố "cân mọi game" độ phân giải 4K Max setting

Đo nhanh hiệu năng của MSI RTX 3090 Gaming X Trio, VnReview sử dụng hệ thống gồm:

CPU: AMD Ryzen 9 3900X

GPU: MSI RTX 3090 Gaming X Trio

Bo mạch chủ: MSI MEG X570 Ace

RAM: G Skill 16GB

Nguồn: Corsair Vengeance 750W

Case: MSI MPG Sekira 500G

OS: Windows 10 Pro version 1903

Driver: 456.38

Benchmark hiệu năng:

3DMark

- FireStrike Ultra: Bài benchmark giả lập chơi game độ phân giải 4K DirectX 11

- TimeSpy Extreme: Bài Benchmark giả lập chơi game độ phân giải 4K DirectX 12

- Port Royal: Bài benchmark Ray Tracing, mặc định ở độ phân giải 2K

- DLSS: Bài benchmark Port Royal nhưng có bật DLSS để cải thiện hiệu năng. VnReview chọn output resolution là 8K, DLSS Mode là Ultra Performance để có hiệu năng tốt nhất

Unigine

- Unigine Superposition: Công cụ benchmark đòi hỏi khả năng xử lý của toàn bộ hệ thống. VnReview chọn hai độ phân giải 4K Optimized và 8K Optimized, thư viện đồ họa DirectX.

Gaming benchmark: Các tựa game có tích hợp sẵn trình benchmark trong cài đặt, độ phân giải 4K, thiết lập đồ họa cao nhất

- Metro: Exodus

- Horizon Zero Dawn

- Far Cry New Dawn

- Final Fantasy XV

Gaming, trải nghiệm thực tế

- Bright Memory: Ultra setting 4K

- Control: Ray Tracing và DLSS 2.0

Các bài test khác

- Ép xung OC Scanner

- Nhiệt độ

* Độc giả có thể click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn

3DMark FireStrike Ultra

3DMark Time Spy Extreme

3DMark Port Royal

3DMark DLSS

Unigine Superposition 4K Optimized

Unigine Superposition 8K Optimized

Phía trên là điểm số của MSI RTX 3090 Gaming X Trio trong các bài benchmark hiệu năng. Do yêu cầu bảo mật của Nvidia, tại thời điểm viết bài, chúng tôi không có điều kiện để so sánh với những chiếc RTX 3090 khác, nhưng điểm số của MSI RTX 3090 Gaming X Trio đều rất ấn tượng. Đáng chú ý nhất có lẽ là bài test DLSS, ở độ phân giải 8K, chiếc card đồ họa "lê lết" ở mức 7-8 fps, nhưng với DLSS 2.0, fps trung bình đã đạt tới 34 fps, biến giấc mơ chơi game 8K hoàn toàn nằm trong tầm với.

Metro: Exodus

Horizon Zero Dawn

Far Cry New Dawn

Final Fantasy XV

Trong các bài benchmark tích hợp của các tựa game, MSI RTX 3090 Gaming X Trio "cân hết" mọi tựa game ở độ phân giải 4K, thiết lập đồ họa cao nhất, có Ray Tracing và DLSS (Metro: Exodus và Final Fantasy XV) ở mức trung bình trên 60 fps, điều mà thế hệ RTX 2080Ti đã không làm được.

Bright Memory, độ phân giải 4K, đồ họa cao nhất

Control, độ phân giải 4K, đồ họa cao nhất, Ray Tracing và DLSS 2.0 Best Quality

Trải nghiệm gaming thực tế, VnReview có chọn hai tựa game là Bright Memory và Control. Bright Memory là game bắn súng góc nhìn thứ nhất với đồ họa chân thực, trong khi Control mới đây được cập nhật Ray Tracing và DLSS 2.0. Hai tựa game đều được VnReview ghi lại bằng công cụ Windows Capture (do Nvidia Shadowplay ở thời điểm viết bài chưa hỗ trợ RTX 3090), với mức tăng từ 10-20fps nếu không ghi hình. Ngoài ra, độc giả cũng có thể thấy chiếc card tiêu thụ tối đa gần 380W điện khi chơi game, cao hơn so với 350W của phiên bản Founder Edition từ Nvidia.

VnReview rất muốn đi sâu hơn vào phần ép xung chiếc MSI RTX 3090 Gaming X Trio, tuy nhiên do vấn đề thời gian và bộ nguồn của hệ thống chỉ vừa đủ theo khuyến cáo của MSI và Nvidia nên chúng tôi chưa có nhiều cơ hội.

MSI có công cụ ép xung tự động rất hay đó là OC Scanner nằm trong phần mềm MSI Afterburner. Công cụ này sẽ tự động điều chỉnh xung nhịp, voltage để chọn ra mức ép xung phù hợp, nhưng do vấn đề kể trên, chỉ với mức tăng xung nhịp nhân (core clock) 70 MHz và memory clock là 200 MHz, OC Scanner đã báo kết quả có thể không ổn định. Test nhanh bằng Unigine Superposition 8K Optimized, mức ép xung này mang lại khoảng 5% hiệu năng cộng thêm (6786 điểm so với 6427 điểm), nếu có trong tay bộ nguồn tốt hơn thì hứa hẹn có thể mang lại những kết quả cao hơn.

Nhiệt độ khi chạy Furmark tối đa 76-77 độ C

Lần lượt từ trái qua: Nhiệt độ hiện tại, nhiệt độ thấp nhất, nhiệt độ cao nhất

Về nhiệt độ, với tính năng Zero Frozr, quạt tản nhiệt của MSI RTX 3090 Gaming X Trio sẽ không chạy cho đến khi đạt ngưỡng nhiệt nhất định (ở đây là 60 độ C) để hạn chế gây tiếng ồn. Trong phòng điều hòa 28 độ C, case đóng kín, MSI RTX 3090 gaming X Trio có nhiệt độ khi nghỉ (idle) là 40 độ C, trong khi chơi game hoặc stress test bằng Furmark, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 76-77 độ C, cho thấy hệ thống tản nhiệt Tri Frozr 2 hoạt động tốt, nhưng một phần cũng là do VnReview chưa thể khai thác hết sức mạnh của chiếc card này.

Kết luận

Không chỉ "hiện thực hóa" giấc mơ chơi mọi game ở độ phân giải 4K, MSI RTX 3090 Gaming X Trio còn cho chúng ta thấy những cái nhìn đầu tiên về cột mốc tiếp theo, đó là độ phân giải 8K. Chiếc card này không phải là sản phẩm dành cho số đông, mức giá 50 triệu đủ để bạn đầu tư một hệ thống gaming xịn, nhưng một khi đã "móc hầu bao", bạn có thể yên tâm rằng mình sẽ nhận được những gì tốt nhất. Từ thiết kế đến hiệu năng, chiếc card đồ họa flagship của MSI gần như không có điểm gì để chê trách.

Bên cạnh Gaming X Trio, MSI cũng sẽ sớm tung ra phiên bản RTX 3090 Ventus 3X 24G OC với giá đề xuất "hữu nghị" hơn: 47.990.000 đồng. Dù là dòng thấp hơn Gaming X nhưng RTX 3090 Ventus 3X 24G OC vẫn được trang bị nhiều tính năng "khủng" như hệ thống tản nhiệt ba quạt Torx 3.0, backplate kim loại, cùng những thông số của dòng RTX 3090 như 24GB bộ nhớ GDDR6X, HDMI 2.1,... Thông số xung nhịp Boost của phiên bản Ventus chưa được công bố, nhưng rất có thể sẽ thấp hơn một chút so với Gaming X Trio.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác