VnReview
Hà Nội

Đánh giá tai nghe true wireless EarFun Air Pro: “Vui tai” và hơn thế nữa!

Đến từ một thương hiệu còn rất non trẻ, Earfun Air Pro bất ngờ mang đến sự cân bằng tuyệt vời giữa thiết kế, chất âm và giá thành, cùng tính năng chống ồn chủ động (ANC). Nếu AirPods hay những tai nghe cao cấp khác nằm ngoài tầm với của bạn, Earfun Air Pro hoàn toàn có thể là sự lựa chọn thay thế với chất lượng gần tương đương nhưng mức giá hấp dẫn hơn hẳn.

EarFun có thể là thương hiệu âm thanh bạn chưa nghe tới bao giờ. Cũng phải thôi, vì EarFun chỉ mới được thành lập vào năm 2018, có trụ sở đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Sau khi "chào sân" bằng hai sản phẩm tai nghe true wireless là EarFun Free và EarFun Air, mới đây, thương hiệu này đã ra mắt các phiên bản nâng cấp là EarFun Air Pro và EarFun Free Pro, đáng chú ý là tính năng chống ồn chủ động (Active Noise Cancelling – ANC).

Trong bài viết này, VnReview muốn gửi tới độc giả những trải nghiệm về mẫu EarFun Air Pro. Hiện tại, EarFun Air Pro và các sản phẩm tai nghe của EarFun đều được phân phối độc quyền bởi IDO Audio. EarFun Air Pro hiện có giá bán 2,4 triệu đồng, với chính sách bảo hành 12 tháng.

Thiết kế nam tính, thoải mái khi sử dụng

Kể từ khi AirPods trình làng vào năm 2016 và mở ra một kỷ nguyên mới của tai nghe không dây, thiết kế với chân tai nghe dài của Apple vẫn rất được yêu thích và được nhiều hãng tai nghe học hỏi, tùy biến nhờ microphone ở gần miệng người dùng hơn sẽ tăng chất lượng đàm thoại. Với EarFun Air Pro, hãng đã tùy biến với các đường cắt thẳng, vuông vức, kết hợp với tông màu xám đen tạo vẻ nam tính chứ không tròn, mềm mại như phần lớn tai nghe true wireless hiện nay.

Mặt ngoài của phần chân tai nghe là logo của EarFun, tông màu in chìm gần giống với nền xung quanh. Microphone mặt ngoài phục vụ cho tính năng chống ồn chủ động ANC (người viết sẽ nói rõ hơn ở phần dưới) và cũng là mặt tiếp nhận cảm ứng. Bên trong, EarFun Air Pro được tích hợp một loại cảm biến gia tốc để phát hiện và nhận dạng thao tác điều khiển, nên người dùng sẽ cần phải chạm "có lực" (tap). Mất một thời gian để làm quen so với cách chạm truyền thống, nhưng EarFun Air Pro sẽ hạn chế được tình trạng chạm nhầm tốt hơn.

Các thao tác điều khiển của EarFun Air Pro không được nhiều cho lắm, nếu không muốn nói là bó hẹp. Hãng loại bỏ hết các thao tác một chạm để hạn chế hơn nữa tình trạng ấn nhầm, chỉ có thể tiến tới bài hát tiếp theo (không có lùi bài), play/pause, gọi trợ lý ảo và chuyển đổi giữa các chế độ Bình thường (normal), Xuyên âm (transparent) và Chống ồn (noise cancelling). Không có thao tác tăng giảm âm lượng, và người dùng cũng không thể tùy chỉnh phím tắt vì EarFun Air Pro không có ứng dụng đi kèm.

Phần củ tai nghe của EarFun Air Pro có dạng "bầu bĩnh" khá giống AirPods Pro và Huawei Freebuds Pro, ống tai nghe chéo góc khoảng 45 độ để đưa vào sâu trong tai nghe hơn, tăng hiệu quả chống ồn chủ động lẫn thụ động. Cảm giác đeo của EarFun Air Pro rất thoải mái dù eartip chỉ là dạng silicon chứ không phải bọt biển, có thể đeo nhiều giờ mà không thấy bí, mỏi và cũng không có tình trạng tai bị tuột ra ngoài khi vận động. Tai nghe được tích hợp cả cảm biến tiệm cận, nên sẽ tự động dừng/phát nhạc khi đưa ra/vào tai.

Nhắc đến vận động, EarFun Air Pro đạt chuẩn kháng nước IPX5. Con số này kém hơn phiên bản tiền nhiệm EarFun Air (IPX7), có thể tính năng chống ồn chủ động buộc EarFun Air Pro phải đánh đổi. IPX5 vẫn đủ đảm bảo an toàn trước mồ hôi khi bạn tập luyện, hoặc đi dưới trời mưa mà không gặp vấn đề gì.

Hộp sạc của EarFun Air Pro có kích thước nhỏ gọn, mở dạng vỏ sò truyền thống, bề mặt sơn màu đen nhám hạn chế bám vân tay. Các góc cạnh được bo tròn thoải mái khi cầm trên tay hay đưa vào trong túi quần jean. Phía trên nắp là nhận diện thương hiệu của EarFun.

Nhỏ gọn là vậy nhưng hộp sạc của EarFun Air Pro có dung lượng lên tới 500 mAh, sạc lại được cho tai nghe thêm 2,5 lần, tổng thời gian nghe khoảng 32 tiếng. Người dùng có thể sạc cho tai nghe bằng cổng Type-C (sạc 10 phút được 2 giờ phát nhạc) hoặc sạc không dây chuẩn Qi. Bên cạnh cổng Type-C có đèn LED báo hiệu mức pin còn lại của hộp.

Chất âm "V-shape", thời lượng pin dài lâu, chống ồn chủ động cần tốt hơn nữa

Quá trình kết nối giữa tai nghe với điện thoại diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Bạn chỉ cần mở nắp ra là tai nghe sẽ tự động được bật và kết nối với thiết bị gần nhất. Hai tai nghe có thể hoạt động biệt lập, và như đã đề cập thì tai sẽ tự động dừng/phát nhạc khi đưa ra/vào tai. EarFun Air Pro không tích hợp các bộ giải mã aptX hay aptX HD do không dùng chip xử lý của Qualcomm, chỉ có hai bộ giải mã phổ biến là SBC và AAC.

Chống ồn chủ động từng là một tính năng xa xỉ chỉ có trên các dòng tai nghe flagship, nhưng theo thời gian, chúng đã trở nên phổ biến hơn và có mặt ở cả những sản phẩm trong tầm giá trên dưới 2 triệu đồng. EarFun Air Pro cho khả năng chống ồn theo công bố của nhà sản xuất lên tới 38dB, cao hơn con số 35dB của AirPods Pro hay Sony WF-1000XM3 vốn đắt hơn hàng triệu đồng.

Sử dụng thực tế, cả hai tính năng chống ồn chủ động và xuyên âm của EarFun Air Pro đều hoạt động đúng như người viết kỳ vọng trong tầm giá này. Với thiết kế in-ear, EarFun Air Pro vốn đã hạn chế được nhiều tiếng ồn một cách tự nhiên, khi bật ANC lên thì những tiếng như trò chuyện, gõ bàn phím, chuột,… trong không gian văn phòng gần như sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn. Khi đeo ra đường, người viết chỉ nghe thấy tiếng còi của xe sát bên cạnh, hoặc tiếng của những chiếc xe tải, xe buýt lớn từ xa.

Tuy nhiên, chiếc tai nghe xuất hiện những "white noise" (nhiễu trắng) khi bật ANC mà không nghe nhạc, điều mà người viết không cảm nhận thấy khi trải nghiệm AirPods Pro hay Sony WF-1000XM3. Chiếc tai nghe này không điều khiển được mức độ chống ồn cho phù hợp với môi trường như trên Samsung Galaxy Buds Pro hay Huawei FreeBuds Pro, nếu không quen đeo lâu sẽ gây mệt tai do sức ép. Ngoài ra, tính năng xuyên âm cho âm vào tai tương đối nhỏ, thường người viết vẫn phải hạ âm lượng của bản nhạc xuống để có thể nghe xem người đối diện đang nói gì. Đó là một số điểm mà EarFun Air Pro cần làm tốt hơn nữa ở phiên bản tiếp theo.

"Tuned by Edifier" là dòng chữ bên trong hộp sạc của EarFun Air Pro

EarFun Air Pro trang bị driver 10mm mỗi bên, một sự nâng cấp so với 7mm của thế hệ trước, màng loa Composite chất lượng cao, và được tinh chỉnh bởi Edifier, một hãng âm thanh nhiều năm kinh nghiệm (trên thực tế, Edifier có chiếc tai nghe NB2 Pro sở hữu thiết kế và tính năng gần như tương tự với EarFun Air Pro). Với chất âm V-shape, người viết ấn tượng với dải bass của EarFun Air Pro: dồi dào, có lực nhưng không bị quá đà. Sub-bass ngập tràn khiến những bản nhạc điện tử trở nên hào hứng hơn, mid-bass gọn gàng, punchy chứ không ù như các mẫu tai nghe giá rẻ. Bạn có thể cảm nhận rõ từng nhịp trống trong Believer của Imagine Dragons.

Dải mid của EarFun Air Pro ở mức tròn vai, giọng vocal khi lên cao ấm và đầy đặn, tuy nhiên tiếng violin hay guitar accoustic có nhiễu trắng nhẹ, nếu người nghe không quá kỹ tính thì có thể không nhận ra. Dải treble của EarFun Air Pro có độ chi tiết tốt, nhạc cụ tách bạch, leng keng, có bị âm xuýt (sibilance) nhưng không đáng kể.

Âm trường của EarFun Air Pro, giống hầu hết tai nghe true wireless hiện nay, hẹp và không có tính đa hướng, âm thanh giống như được phát từ trong tai chứ không phải là những nhạc cụ bao quanh. Một cảm giác ấm cúng của phòng trà, nhưng phòng trà này lại chỉ chơi EDM là hợp lý nhất.

Về kết nối, EarFun Air Pro trang bị kết nối Bluetooth 5.0. Một số tai nghe true wireless bắt đầu tích hợp Bluetooth 5.2, nhưng phần lớn smartphone hiện nay chưa hỗ trợ chuẩn này nên bạn cũng chưa cần quan tâm lắm. Trong suốt thời gian trải nghiệm, chất lượng kết nối của EarFun Air Pro đều tỏ ra ổn định, dù là sử dụng trong phòng hay đi ngoài đường. Dù vậy, chiếc tai vẫn có độ trễ (delay) khoảng nửa giây, cũng là lý do tại sao tai nghe true wireless thường không được sử dụng để chơi những tựa game cần phản xạ nhanh, chỉ nên dùng khi nghe nhạc hoặc xem phim.

EarFun Air Pro trang bị tổng cộng 6 microphone với thuật toán lọc tiếng ồn đã được tùy biến. Thử nghiệm nhanh cho thấy chất lượng đàm thoại và ghi âm tốt, giọng nói rõ ràng, vẫn có tiếng gió nhưng không quá ảnh hưởng.

Thời lượng pin của EarFun Air Pro, theo nhà sản xuất là 7 tiếng khi bật chống ồn chủ động và 9 tiếng khi tắt. Sử dụng thực tế, chiếc tai nghe của người viết cho thời gian pin tương tự tuyên bố của EarFun. Cộng thêm dung lượng pin có từ hộp sạc, bạn có thể nghe nhạc thoải mái cả tuần mà không lo hết pin.

Tổng kết

Dù có tên thương hiệu rất "vui tai" (theo đúng nghĩa đen), sẽ thật sai lầm khi coi EarFun Air Pro là một sản phẩm làm ra "để cho vui". Chỉ với số tiền hơn 2 triệu đồng, EarFun Air Pro mang đến các giá trị tương đương những chiếc tai nghe flagship cao cấp, và cũng cần nhớ rằng đây mới chỉ là dòng sản phẩm thế hệ thứ hai của EarFun. Nếu thương hiệu này có thể khắc phục một số điểm yếu về khả năng chống ồn và bổ sung ứng dụng tùy chỉnh hữu ích, chắc chắn EarFun Air Pro sẽ thuyết được không ít đối tượng người dùng kỹ tính.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác