VnReview
Hà Nội

Đánh giá TeamGroup T-Force Delta RGB: Kit RAM “giá mềm” cho góc chiến game thêm màu sắc

Mức giá dễ chịu, hiệu năng tốt trong các tác vụ cùng hệ thống đèn LED RGB đẹp mắt, những ai yêu thích thiết kế của dòng RAM T-Force của TeamGroup sẽ gần như không có lý do để lăn tăn liệu có nên "xuống tiền" mua Delta hay không.

RAM với đèn LED RGB không phải thứ gì mới, nhưng nếu bạn muốn một thứ gì đó đặc biệt hơn, TeamGroup T-Force Delta là một ứng viên sáng giá với dải LED góc nhìn 120 độ, nhất là nếu kit RAM flagship T-Force XTreem mà VnReview từng đánh giá nằm ngoài phạm vi ngân sách của bạn. Hiện tại, T-Force Delta có rất nhiều tùy chọn về dung lượng (từ 8GB tới 64GB) và xung nhịp (2666 đến 3600 MHz). Trong bài viết này, VnReview đánh giá kit RAM T-Force Delta dung lượng 32GB (2 x 16GB), xung nhịp 3200 MHz, timing CL16-20-20-40 ở điện áp 1.35V. Giá tham khảo của kit RAM là 160 USD, tương đương 3,68 triệu đồng.

Thông tin của T-Force Delta trên Thaiphoon Burner. Kit RAM của TeamGroup sử dụng chip nhớ của Micron.

Thiết kế "sải cánh" đẹp mắt, nhưng cẩn thận chiều cao!

T-Force Delta được bọc trong gói nhựa bảo vệ trong suốt, "khoe" toàn bộ thiết kế mặt trước của mình. Phía góc dưới là sticker với các thông số của kit RAM, ở đây là dung lượng 32GB, xung nhịp 3200 MHz cùng timing CL16-20-20-40. Thông tin giới thiệu về TeamGroup và concept "T-Force", cũng như các điểm nổi bật của T-Force Delta được in ở mặt sau.

Tổng thể, T-Force Delta thiết kế theo dạng "sải cánh", chia sẻ nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm RAM khác thuộc dòng T-Force của TeamGroup. Ngoài màu đen thì T-Force Delta còn có phiên bản màu trắng với giá đắt hơn một chút.

Phần chữ "R" (viết tắt cho "Revolution" chứ không phải số 2 như nhiều người lầm tưởng) được cắt laser, sẽ phát sáng cùng với dải đèn RGB, một cách hay của TeamGroup để tạo điểm nhấn cho kit RAM. Logo TeamGroup ở chính giữa thanh RAM cũng sẽ phát sáng khi hoạt động.

Lớp tản nhiệt nhôm của T-Force Delta được dán rất chặt, do đó người viết sẽ không tháo chúng ra để "soi" vi mạch bên dưới vì không có linh kiện thay thế thích hợp. Màu đen tuy nhám nhưng bám mồ hôi và bám bẩn, có lẽ màu trắng sẽ đỡ hơn.

Dải LED RGB "sải cánh" của T-Force Delta cho góc tỏa tới 120 độ, trải dài cả thanh RAM và bọc cả hai đầu, độ sáng cao nhưng không bị gắt, ánh sáng được tỏa đều bắt mắt. Tuy được thiết kế để đồng bộ với Aura Sync của Asus, trên thực tế, T-Force Delta nay đã có thể được tùy biến và đồng bộ với tất cả các nền tảng lớn khác như MSI Mystic Light, Gigabyte RGB Fusion,…

T-Force Delta được trang bị bo mạch tùy biến JDEC RC 2.0, tăng khoảng cách giữa các lớp (layer) nguồn và tín hiệu, giúp tăng cường độ trễ tín hiệu lên thêm 35%. Hỗ trợ XMP 2.0, người dùng có thể ép xung lên 3200 MHz, CL16-20-20-40 chỉ với một cú click chuột trong BIOS. Mặc định, khi vô hiệu hóa XMP, T-Force Delta sẽ chạy ở xung nhịp 2400 MHz, CL15.

Chiều cao của RAM là một điểm cần đặc biệt lưu ý trước khi mua T-Force Delta. Thông thường, các thanh RAM có chiều cao (ở điểm cao nhất) vào khoảng 35-40mm, nhưng T-Force Delta lên tới 49mm. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc lắp đặt của các linh kiện khác, đặc biệt là nếu bạn có sở thích chơi case mATX, nên cần cân nhắc kích thước trước khi đặt mua.

Hiệu năng ổn, không nhiều khoảng trống cho ép xung

Để đánh giá hiệu năng của T-Force Delta, VnReview sử dụng hệ thống gồm:

CPU: AMD Ryzen 5 3600

Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max

RAM: TeamGroup T-Force Delta RGB 3200 MHz

GPU: Colorful RTX 3060 Ultra-W

Nguồn: Antec EA750G Pro 80 Plus Gold

Hệ điều hành: Windows 10

Với AMD, cụ thể dòng CPU series 3000, mức xung tối ưu cho RAM sẽ ở mức 3600 MHz đến 3800 MHz, do lúc này fabric clock chạy theo tỷ lệ 1:1 và xung cao nhất quanh mức 1900 MHz. Tận dụng tính năng Memory Try it! có trên bo mạch MSI, tôi có thể ép xung T-Force Delta từ 3200MHz lên 3600 MHz với timing lần lượt CL18-22-22-42, điện áp giữ nguyên ở mức 1.35V. Hạ timing xuống CL18-20-20-40 thì hệ thống của người viết vẫn vào được Windows nhưng tỏ ra không ổn định, các ứng dụng thường xuyên bị crash. Ngoài ra, dù TeamGroup đưa ra mức điện áp hoạt động từ 1.2 đến 1.4V đối với T-Force Delta, người viết không khuyến cáo người dùng vượt quá điện áp 1.35V mặc định trên các hệ thống máy tính Ryzen.

3D Mark FireStrike Physics, chủ yếu đánh giá sức mạnh CPU nhưng xung nhịp RAM cũng có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng

DA64 có tích hợp Memory Benchmark, đo tốc độ đọc/ghi/copy của RAM với đơn vị MB/s

Điểm hiệu năng render CPU qua CineBench R15 Multi

Thực hiện tính toán số Pi đến số thứ 32 triệu sau dấu phẩy bằng SuperPi

Có thể thấy, trong các bài benchmark, T-Force Delta tỏ ra ngang ngửa với kit RAM Corsair Vengeance Pro về hiệu năng, và chỉ thua kém một chút so với T-Force XTreem đầu bảng. Ép xung lên 3600 MHz giúp điểm số trên các ứng dụng đo hiệu năng tăng lên từ 3-5%, dù vậy cũng khá đáng tiếc khi đây đã là mức "trần" của kit RAM này. Thử với một vài mức xung nhịp cao hơn, chấp nhận tăng timing, T-Force Delta không cải thiện hiệu năng, thậm chí còn giảm đi, và hệ thống tỏ ra thiếu ổn định.

Hiệu năng trước...

... và sau khi ép xung RAM T-Force Delta

Ngoài ra, trải nghiệm nhanh với tựa game Far Cry New Dawn, ép xung T-Force Delta giúp số khung hình trên giây (fps) tối đa tăng từ 132 lên 134, và số khung hình được render tăng từ 6004 lên 6065. Sự khác biệt không rõ rệt để chúng ta có thể nhận thấy bằng mắt thường, dù sao thì xung nhịp RAM vốn không tác động quá nhiều lên fps khi chơi game, vai trò chính vẫn thuộc về GPU.

Tổng kết

Nhìn chung, TeamGroup T-Force Delta sở hữu nhiều điểm cộng như thiết kế bắt mắt, LED RGB sáng đẹp, hiệu năng tốt trong các tác vụ được đưa vào thử nghiệm. Dù còn một vài hạn chế nhỏ liên quan khả năng ép xung, đây vẫn là một kit RAM đáng mua khi giá bán chỉ dưới 4 triệu đồng cho dung lượng 32GB. Nếu có điều kiện, bạn nên quyết định sớm, khi tình trạng khan hiếm chip được dự báo sẽ làm tăng giá linh kiện máy tính trong nửa cuối năm nay.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác