VnReview
Hà Nội

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50

Ra mắt tại Việt Nam vào tháng đầu tháng 8, mẫu laptop chuyên cho game thủ của hãng sản xuất Trung Quốc gây chú ý nhờ giá bán hấp dẫn (từ khoảng 25 triệu đồng) so với cấu hình (Chip Core i7, đồ họa rời, ổ cứng 1TB, màn Full HD). Bên cạnh đó, máy còn sở hữu thiết kế mạnh mẽ, chắc chắn, hệ thống âm thanh "hầm hố" với loa siêu trầm tích hợp sẵn.

Chiếc Lenovo Y50 mà VnReview đánh giá chi tiết trong bài viết này có cấu hình cụ thể gồm: vi xử lý lõi tứ Intel Core i7-4710HQ 2.5 GHz (6M Cache, có thể Turbo Boost lên 3.5 GHz), RAM 8GB DDR3 Bus 1600Mhz, ổ cứng HDD 1TB tốc độ 5400 vòng/phút, card đồ họa rời GeForce GTX 860M 4GB, màn hình 15.6 inch độ phân giải Full HD (1920x1080 pixel), pin 4 cell 7400mAh 54Whr, cài sẵn Windows 8.1 bản quyền, ổ quang DVD rời đi kèm và có giá bán là 25 triệu đồng.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50

Thiết kế

Là một chiếc laptop hướng đến game thủ, thiết kế của Lenovo Y50 cũng mang nét đặc trưng dễ thấy là sự hầm hố, góc cạnh và cứng cáp. Cùng với điểm nhấn trong cách phối màu màu sắc đen đỏ, ngay khi nhìn vào máy tôi liên tưởng đến thiết kế của dòng Dell Alienware hay Asus Lamborghini. Tuy nhiên, so với các mẫu laptop thuộc dòng gaming nổi tiếng đó thì Lenovo Y50 tỏ ra mềm mại hơn.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50

Do bị "gọt" bớt khoang ổ Ultradrive – nơi có thể được sử dụng để cắm ổ quang, quạt tản nhiệt hoặc thậm chí là card màn hình thứ 2 cho máy nên so với các laptop dành cho game thủ, Lenovo Y50 có kích thước mỏng và nhẹ hơn hẳn so với người tiền nhiệm Y510p (2,5 kg so với 2,9 Kg) dù vẫn chưa mỏng nhẹ bằng mẫu MSI GS60 Ghost (nặng 1,9 kg).

Mặc dù mỏng nhẹ nhưng việc cầm máy để di chuyển không hề dễ dàng bởi nó rất trơn do vỏ mặt trên và đáy máy được làm từ nhôm. Chất liệu nhôm được phủ lớp sơn màu đen vân xước chéo nhìn tinh tế nhưng lại dễ nhận thấy những vết vân tay loang lổ hiện lên trên bề mặt khi ánh sáng chiếu vào. Vì thế, Lenovo Y50 rất dễ trở nên "nhem nhuốc"nếu bạn không chịu khó lau chùi máy thường xuyên.

Mặt trên và mặt đáy có thiết kế đối xứng nhau, trên mỗi mặt đều có hai đường chéo tạo góc cạnh thay vì một mặt mềm mại như trên những laptop thông thường.

Nổi bật ở mặt sau là hệ thống loa siêu trầm màu đỏ, bên cạnh là những khe lưu thông không khí của hệ thống tản nhiệt.

Đánh giá laptop chơi game Lenovo Y50

Webcam 720p của máy có chất lượng trung bình

So với mẫu tiền nhiệm Y510p, Lenovo Y50 không phải "kham" thêm ổ đĩa quang nên các cạnh của máy có nhiều không gian để sắp xếp cổng giao tiếp. Cạnh phải lần lượt là cổng xuất âm thanh chất lượng cao SPDIF, giắc cắm mic/tai nghe, tiếp đến là khe đọc thẻ nhớ, một cổng USB 2.0 và lỗ móc khóa bảo vệ.

Cạnh trái có hai cổng kết nối USB 3.0 (được phối màu đỏ chứ không phải màu xanh dương như các laptop khác nhằm phù hợp với tông màu đỏ đen của toàn bộ thân máy), cổng HDMI, cổng LAN và cổng cắm sạc đầu vuông (cổng sạc mới của Lenovo).

Ngoài ra, cả hai cạnh bên đều được tạo điểm nhấn bởi một phần loa màu đỏ từ bề mặt bàn phím kéo xuống khiến máy trông "ngầu" hơn.

Cạnh trước có vài đèn led nhỏ để báo hiệu tình trạng nguồn, pin, touchpad, ổ cứng khi máy đang hoạt động.

Cạnh sau có trục xoay màn hình dài, phía hai đầu vát, khe tản nhiệt được thiết kế nhìn gân guốc, khỏe khoắn

Màn hình

Lenovo Y50 có màn hình kích cỡ 15.16 inch, độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel). Mặc dù trang bị công nghệ chống lóa nhưng do màn hình của máy có độ sáng không cao nên khi sử dụng ngoài trời hoặc nơi ánh có sáng mạnh chiếu vào thì vẫn khó nhìn. Với độ phân giải Full HD, các đoạn văn, nét chữ được hiển thị sắc nét, mức độ chi tiết của hình ảnh cao. Dù vậy, Y50 gây thất vọng do góc nhìn quá hẹp, dễ bị tối mờ khi nhìn từ trên xuống hoặc hai bên cạnh. Màu sắc trên màn hình cũng nhợt nhạt, khả năng hiển thị màu đen chưa tốt, độ tương phản kém.

Khi đo màn hình bằng phần mềm và các thiết bị chuyên dụng, màn hình của máy có độ sáng tối đa là 219 nit, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 257 nit của những chiếc laptop thông thường, Chiếc P50T của Toshiba đạt độ sáng 229 nit, trong khi chiếc Ghost thậm chí còn đạt tới 299 nit. Không những độ sáng chưa tốt, khả năng hiển thị màu chuẩn cũng không ấn tượng.

Bảng đo không gian màu của Lenovo Y50. Các ô vuông là những điểm màu chuẩn, còn chấm tròn là màu đo được trong thực tế. Có thể thấy không gian màu của Y50 rất hẹp, đặc biệt với các màu xanh nước biển và đỏ.

Kết quả bên trên được thể hiện rõ hơn ở bảng đo các màu cơ bản, phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu tiêu chuẩn.

Trong thang hiển thị thang màu xám: màu đen, màu trắng hiển thị chưa tốt, độ tương phản thấp, màu có xu hướng ngả xanh. Trong bảng, phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu tiêu chuẩn.

Tìm hiểu thêm VnReview đánh giá màn hình như thế nào?

Âm thanh

Ngoài đặc điểm độ phân giải cao Full HD, màn hình của Lenovo Y50 về cơ bản là không mấy ấn tượng. Vậy hệ thống âm thanh thì sao, những nổi bật trong thiết kế về mặt âm thanh trên chiếc máy này có tương xứng với chất lượng của nó?

Phải công nhận rằng Y50 được trang bị bộ loa JBL có chất lượng âm thanh tốt. Âm lượng không quá lớn nhưng nó hoàn toàn đáp ứng được một không gian từ 25 tới 30 m2. Âm thanh thiên về âm trầm do có hệ thống loa bass chuyên dụng được đặt phía dưới máy, dải âm cao dù bật hết cỡ cũng không bị hiện tượng gắt, rè trong khi dải âm trung có độ dày và chi tiết.

Tuy nhiên, một hạn chế là do đặt ở mặt đáy nên âm lượng loa siêu trầm sẽ giảm đi đôi chút do bị cản lại bởi phần mặt bàn và khả năng bám bẩn hay hư hỏng cũng cao hơn, do phần mặt dưới thường là nơi ít được quan tâm chăm sóc cũng như thường xuyên phải tiếp xúc với các bề mặt cứng.

Khác với nhiều dòng laptop khác, Y50 sẽ cho chất lượng âm thanh tốt hơn khi bạn tắt tính năng phần mềm Dolby. Khi bật Dolby, dải âm cao sẽ bị méo tại âm lượng tối đa, phần bass sẽ bị vỡ tiếng còn dải trung sẽ trở nên rất thiếu sức sống.

Lenovo cũng đã cung cấp cho Y50 phần mềm OneKey Theater để mang tới trải nghiệm nghe nhìn tối ưu hơn. Với 4 tùy chọn Normal (Thường), Movie (Phim), Picture (Ảnh) và Theater (Nhà hát), ứng dụng OneKey Theater sẽ tự động điều chỉnh cả nhiệt độ màu trên màn hình và các dải âm thanh của loa. Tùy chọn Movie và Theater trên OneKey sẽ sử dụng các cài đặt âm thanh của các tùy chọn tương ứng trên ứng dụng Dolby Plus Profile Editor.

Bàn phím và touchpad

Bàn phím trên Y50 vẫn là kiểu AccuType đặc trưng của Lenovo với những phím riêng biệt và có cạnh tròn bên dưới để tạo cảm giác tốt hơn với ngón tay. Các phím có diện tích rộng được tích hợp đèn nền màu đỏ trông khá "ngầu" vừa giúp sử dụng thoải mái trong điều kiện thiếu sáng, vừa tô điểm thêm cho vẻ "hầm hố" của chiếc laptop chuyên game này. Các phím mũi tên cũng có kích cỡ rộng như đa số các phím khác. Tuy nhiên hành trình phím khá ngắn cho cảm giác chưa đã đối với game thủ. Bàn phím có một vài tính năng gọi nhanh khá tiện dụng trong Windows 8.1 như: Fn + F10 để tìm kiếm, Fn + F11 để mở các ứng dụng đang chạy.

Phần chiếu nghỉ tay có không gian khá rộng rãi, đặt một touchpad lớn mang phong cách hiện đại. Chất liệu nơi chiếu nghỉ tay dường như được làm bằng nhựa với lớp phủ mềm mại màu đen cho cảm giác thoải mái nơi đầu ngón tay. Touchpad kích cỡ khá lớn, hơi nhạy nên đôi khi gõ phím bạn sẽ dễ chạm nhầm vào nó và làm con trỏ di chuyển (có thể điều chỉnh nâng mức hạn chế nhận diện lòng bàn tay để touchpad đỡ nhận nhầm).

Phía dưới của touchpad tích hợp 2 phím chuột trái phải có phản hồi tốt. Nhìn chung các thao tác kéo cuộn, zoom, kích chọn trên touchpad của Y50 đều hoạt động tốt.

Phần mềm và tính năng

Lenovo Y50 được cài đặt sẵn Windows 8.1 đi kèm các ứng dụng tiện ích quen thuộc của Lenovo như Lenovo Settings (thiết lập nhanh Wi-Fi, chế độ Máy bay, Microphone, đèn bàn phím…)

Lenovo Motion Control cho phép dùng webcam làm thiết bị nhận dạng cử chỉ của bàn tay để lật trang, tua bài khi nghe nhạc hoặc một số cử chỉ đơn giản khi xem phim.

Webcam cũng được tích hợp công nghệ VeriFace Pro cho phép người dùng đăng nhập thông qua việc nhận dạng khuôn mặt.

Ứng dụng OneKey Recovery System cho phép bạn sao lưu ổ cứng phòng khi có sự cố bằng một nút nhỏ ngay cạnh nút tắt bật máy.

Để chia sẻ file giữa các laptop Lenovo với nhau, bạn cũng có thể sử dụng phần mềm Hightail.

Hiệu năng

Là chiếc laptop chuyên dụng cho game thủ, không ngạc nhiên khi Lenovo Y50 đều dễ dàng "chiến" tốt các tựa game nặng nhất hiện nay với thiết lập đồ họa cao nhờ sức mạnh đến từ vi xử lý lõi tứ Intel Core i7-4710HQ 2.5 GHz (6M Cache, có thể Turbo Boost lên 3.5 GHz), RAM 8GB và đặc biệt là card đồ họa rời GeForce GTX 860M 4GB.

Cụ thể, trong tựa game Battlefield 4, tại mức thiết lập đồ họa High, độ phân giải 1920 x 1080, tắt V-Sync, Lenovo Y50 đạt mức khung hình dao động từ 42 đến 52 hình/giây, game chạy mượt mà ngay cả ở những cảnh cháy nổ phức tạp, hình ảnh chi tiết, sắc nét.

Phép thử thứ hai với tựa game Need for Speed Rivals, tại mức thiết lập đồ họa cao nhất (Ultra), độ phân giải 1920 x 1080, mở khóa 30 FPS, Lenovo Y50 đạt mức khung hình dao động từ 33 đến 45 hình/ giây, game chạy trơn chu ngay cả trong những cảnh đụng xe, va chạm với nhiều hiệu ứng đồ họa phức tạp.

Tiếp tục với tựa game FIFA 15, mức thiết lập đồ họa cao nhất (High), độ phân giải tối đa của màn hình 1920 x 1080, mức khử răng cưa cao nhất (4X), không khóa khung hình, Lenovo Y50 đạt mức khung hình dao động từ 82 đến 110 hình/giây. Game chạy hết sức ổn định, mượt mà, không hề có bất kỳ hiện tượng giật, lag nào xảy ra kể cả khi phải xử lý nhiều vật thể như các tình huống bóng tập trung trong khu vực 16m50.

Thử sức với tựa game Assassin's CreedIV: Black Flag, tại độ phân giải 1920 x 1080, các thiết lập quan trọng như: environment quality (chất lượng môi trường), texture quality (chất lượng vân bề mặt), shadow quality (chất lượng đổ bóng), reflection quality (chất lượng ánh sáng phản xạ) ở mức normal, thiết lập anti-aliasing quality (chất lượng khử răng cưa) ở mức FXAA, thiết lập ambient occlusion (đổ bóng môi trường) ở mức SSAO, thiết lập god rays (chất lượng ánh sáng chiếu qua vật thể) ở mức low, tắt V-Sync, Lenovo Y50 đạt mức khung hình dao động từ 29 đến 41 hình/giây, game chạy khá mượt mà.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các thiết lập đồ họa khi chơi game tại bài viết sau: 5 thiết lập đồ họa quan trọng khi chơi game.

Ở chương trình đánh giá hiệu năng card đồ họa GPU 3DMARK, Lenovo Y50 cũng đạt điểm; số cao. Cụ thể, máy đạt 3427 điểm ở phép thử Fire Strike, 10852 điểm ở phép thử Sky Driver, 13400 điểm ở phép thử Cloud Gate và 80446 điểm ở phép thử Ice Storm. Đây đều là những mức điểm tốt, thể hiện khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ của chiếc laptop đến từ Lenovo.

Do chỉ được trang bị ổ cứng HDD truyền thống tốc độ 5400 vòng/phút, nên tốc độ truy xuất dữ liệu của Lenovo Y50 không có nhiều vượt trội như các cỗ máy sử dụng ổ tốc độ cao SSD. Cụ thể, tốc độ đo được qua chương trình chuyên đánh giá ổ cứng Crystal Disk Mark 3.0.3 của Lenovo Y50 đạt mức cao nhất là 108.3 MB/s ở tốc độ đọc và 106.3 MB/s ở tốc độ ghi, chỉ nhỉnh hơn một chúc so với tốc độ truy xuất dữ liệu của chiếc Dell Inspiron 14 - 5477 mà VnReview cũng vừa đánh giá gần đây.

Tản nhiệt

Ngay từ thiết kế, Y50 cho cảm giác hoài nghi về khả năng tản nhiệt bởi khe tản nhiệt tập trung chủ yếu phía mặt dưới, cạnh sau có một chút nhưng chỉ mang tính hình thức. Trong khi đó, thông thường khe tản nhiệt ở mặt dưới có tác dụng chính là để hút không khí vào máy rồi đẩy ra nơi khác (hai bên cạnh hoặc gáy máy).

Bên cạnh đó, máy mỏng và làm bằng nhôm nên chắc chắn sẽ bị nóng trong quá trình sử dụng lâu. Nhiệt độ máy tăng khá nhanh khi chỉ trong vòng 20 phút xem bộ phim X-Men: Days of Future Past, nhiệt độ bên ngoài máy (khu vực giữa bàn phím) lên tới 36 độ, phía mặt dưới còn nóng hơn tới 38,5 độ, cao hơn nhiều so với mức 35 độ C – mốc bắt đầu gây khó chịu cho người dùng. Nhiệt độ nơi touchpad lúc này tạm ổn ở mức 29 độ C.

Khi thử nghiệm nhiệt độ hoạt động của Lenovo Y50 bằng phần mềm AIDA64 cho toàn bộ hệ thống từ CPU, ổ cứng, RAM, GPU, hoạt động ở mức tối đa 100% trong hơn 1 tiếng 30 phút, nhiệt độ ghi nhận được của CPU vào khoảng 55 đến 92 độ C, nhiệt độ ổ cứng khoảng 38 đến 42 độ C. Đây là mức nhiệt độ tương đối cao so với cấu hình của Lenovo Y50.

Trong trải nghiệm game FIFA 2015 trong khoảng 20 phút, khu vực giữa phím chữ G và H đạt nhiệt độ 39 độ C, tương đương với khu vực dưới đáy. Tuy nhiên vấn đề laptop gaming quá nóng trong quá trình giải trí không có gì lạ do chúng thường có cấu hình rất cao và phải xử lý các tác vụ nặng. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên trang bị thêm một quạt tản nhiệt chuyên dụng cho laptop để hỗ trợ tản nhiệt tốt hơn khi sử dụng Lenovo Y50.

Thời lượng pin

Để kiểm tra thời lượng pin, chúng tôi thiết lập cho Lenovo Y50 sử dụng chế độ năng lượng Balanced trong Windows 8.1, độ sáng màn hình ở mức khoảng 70%, âm lượng 70%, tắt kết nối Wifi và cho phát liên tục một bộ phim Full HD. Thời gian ghi nhận được từ lúc máy đầy 100% pin đến khi máy báo còn 10% pin là 2 tiếng 50 phút.

Trong khi đó, với thử nghiệm chơi game FIFA 15, độ sáng màn hình vẫn ở mức khoảng 70%, âm lượng 70%, tắt kết nối Wifi. Thời gian ghi nhận được từ lúc máy đầy 100% pin đến khi máy tự động tắt là 1 tiếng 10 phút.

Ngoài ra, với điều kiện sử dụng thông thường, máy vẫn ở chế độ năng lượng Balanced trong Windows 8.1, độ sáng màn hình khoảng 60%, âm lượng 50%, duyệt web bằng Chrome với khoảng 20 tab. Trong đó, ngoài các tab đơn thuần là hình ảnh và chữ viết còn có 1 tab nghe nhạc tại Zing MP3, 1 tab xem clip trên Youtube trong khoảng 1 giờ. Lenovo Y50 trụ được khoảng hơn 2 tiếng thì báo còn 10% pin.

Dễ hiểu khi thời lượng pin không phải là điểm mạnh của Lenovo Y50 và đây cũng là tình trạng chung của các laptop chuyên game. Cấu hình quá mạnh, trong khi đó viên pin lại quá "hẻo" chỉ đủ để cho người dùng tạm sử dụng máy trong những trường hợp không thể cắm sạc. 

Kết luận

 

Nhìn chung, Lenovo Y50 sở hữu những ưu điểm đủ để thuyết phục đối tượng game thủ mà nó hướng đến cũng như người dùng ưu thích giải trí trên laptop. Đó là thiết kế vừa mang nét hầm hố vừa mỏng nhẹ, gọn gàng, màn hình độ phân giải cao, hiệu năng chơi game tốt, hệ thống âm thanh chất lượng và thời gian bảo hành dài (2 năm). Bên cạnh đó, nó cũng có mức giá hấp dẫn (khoảng 25 triệu đồng) so với các laptop chơi game cấu hình tương đương như MSI GS70 (khoảng 34,6 triệu đồng), Asus G550JK (khoảng 31 triệu đồng), hay Toshiba Satellite P50 (khoảng 27,6 triệu đồng).

Tuy vậy, màn hình góc nhìn và độ tương phản kém, khả năng hiển thị màu sắc chưa chính xác cùng với bàn phím chưa thật sự thoải mái là những yếu tố khiến người dùng cần cân nhắc khi lựa chọn chiếc laptop chuyên dụng cho chơi game này.

Đạt Bình

Chủ đề khác