VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh Dell Precision Tower 3620: giải pháp máy trạm tầm trung

Dell Precision Tower 3620 có rất nhiều lựa chọn với điểm chung là cấu hình mạnh, card đồ họa chuyên dụng để phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dùng.

Khác với máy tính cá nhân, khi người dùng có thể lựa chọn và xây dựng cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng, các doanh nghiệp khi trang bị máy tính thường cân nhắc sản phẩm máy đồng bộ với những ưu điểm là tiết kiệm thời gian lắp đặt, độ ổn định cao hơn.

Điều này càng đúng với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc hoặc xây dựng, mô hình hóa. Các công ty máy tính đều có những sản phẩm máy trạm đáp ứng nhu cầu này. Với Dell, đó là dòng sản phẩm Dell Precision Tower.

Dell Precision Tower 3620 là dòng máy trạm tầm trung, có rất nhiều tùy chọn về cấu hình, nhưng đặc điểm chung là đều được trang bị card đồ họa chuyên dụng NVIDIA Quadro. Mức giá của sản phẩm từ 24 – 38 triệu đồng. Sản phẩm trong bài này có giá 33,9 triệu đồng với cấu hình chi tiết như sau:

Thiết kế và khả năng nâng cấp

Chiếc Dell Precision Tower 3620 mang thiết kế đặc trưng của máy tính đồng bộ: vỏ máy đen, dễ tháo lắp và được trang bị đầy đủ cổng kết nối cần thiết. Chiều cao của máy chỉ 35 cm nhưng chiều rộng 17,5 cm và nặng tới 9,1 kg nên phù hợp để dưới sàn hơn là để trên bàn.

Các kết nối ở mặt trước

Ở mặt trước, hãng trang bị tới 4 cổng USB trong đó có tới 2 cổng USB 3.0 tốc độ cao, cổng cắm tai nghe, mic cùng ổ đĩa DVD RW nằm ngang. Phía sau, máy có thêm 6 cổng USB nữa và 4 trong số đó cũng đạt tốc độ 3.0, cổng PS/2 cho cả phím và chuột, cổng serial, cổng mạng Ethernet Gigabit và các cổng xuất hình trên main như DisplayPort, HDMI. Tuy nhiên nhiệm vụ xuất hình chính nằm ở card đồ họa NVIDIA Quadro K1200. Card có 4 cổng xuất hình mini-DisplayPort 1.2, và trong thùng nhà sản xuất cũng trang bị đủ 4 cáp mini-DisplayPort sang DisplayPort tiêu chuẩn.

Các kết nối ở mặt sau

Phần cạnh hông được thiết kế mở bằng lẫy, không cần tháo ốc nên việc vệ sinh máy hay nâng cấp linh kiện đều rất dễ dàng. Hai linh kiện dễ nâng cấp nhất là RAM và ổ cứng, SSD. Máy có 4 khe RAM DDR4, và mặc định lắp 2 thanh 8GB. Bo mạch chủ cho phép nâng cấp tối đa lên 64GB RAM, hỗ trợ cả loại RAM ECC và RAM thường. Với bộ nhớ trong, do còn tới 2 cổng SATA3 cùng với khe M.2 2280 nên người dùng có rất nhiều tùy chọn để nâng cấp. Khung máy cho phép lắp tối đa 2 ổ 3.5 inch hoặc 4 ổ 2.5 inch, cùng 1 ổ SSD M.2.

Thùng máy có thể mở bằng lẫy, không cần tháo ốc

Không gian bên trong thùng máy tương đối thông thoáng

Ngoài ra, máy vẫn còn 2 cổng PCI-Express 3.0 x4, hỗ trợ gắn ổ SSD Dell Precision Ultra-Speed (dùng cổng PCI-Express) hoặc gắn card mở rộng. Với bộ nguồn 290W, cấu hình gốc chỉ tiêu thụ tối đa 160W thì người dùng có thể cắm thêm một số card mở rộng mà không lo thiếu nguồn.

Card đồ họa NVIDIA Quadro K1200

Máy vẫn còn khay để lắp thêm ổ cứng, SSD

Với 4 khe cắm RAM, máy hỗ trợ tối đa tới 64GB RAM, có thể lắp cả RAM ECC để tăng hiệu năng và độ ổn định

Các khe PCI và PCI-Express còn lại có thẻ gắn thêm ổ SSD, card mở rộng

Máy đi kèm một bộ bàn phím, chuột có dây của Dell. Thiết kế của phím đơn giản, vuông vắn nhưng được tích hợp đủ các phím điều khiển multimedia trên hàng phím F. Bàn phím có kích thước full size, phong cách chiclet cho cảm giác gõ khá tốt, hành trình phím dài và nảy.

Chuột theo máy có kích thước vừa phải, thiết kế ôm tay và phù hợp cho cả người thuận tay phải và tay trái. Phần vỏ của chuột cũng sử dụng chất liệu nhựa nhám giống như phím, có lẽ dùng lâu sẽ bớt "xuống sắc" hơn là chất liệu nhựa bóng.

Bộ phím, chuột có dây đi kèm máy

Phía trên thùng máy còn có khoảng trống để đồ, số điện thoại hỗ trợ của Dell cũng được dán tại đây để người dùng dễ tìm

Hiệu năng, nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

Là máy trạm hướng tới nhu cầu tính toán, xây dựng hình ảnh 3D nên Dell Precision Tower 3620 cũng được trang bị cấu hình mạnh mẽ. Vi xử lý Intel Core i7-6700 với 4 nhân, 8 luồng có tốc độ mặc định 3.4GHz và Turbo Boost lên tới 4GHz. Bộ nhớ RAM trang bị sẵn là 16GB khá dư dả, ngoài ra card đồ họa chuyên dụng NVIDIA Quadro K1200 cũng là chi tiết đáng chú ý.

Vi xử lý Intel Core i7-6700 và card đồ họa NVIDIA Quadro K1200 là những chi tiết đáng chú ý trong cấu hình của máy

Chiếc máy này được cài sẵn hệ điều hành Fedora phiên bản Workstation. Hệ điều hành này đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu sử dụng cơ bản như lướt web, xử lý văn phòng, xem phim hay nghe nhạc. Tuy nhiên nhiều phần mềm chuyên dụng chỉ chạy trên Windows, nên người mua vẫn cần cài thêm hệ điều hành của Microsoft để khai thác tối đa hiệu năng. Để đánh giá hiệu năng của máy, chúng tôi cài đặt Windows 10 phiên bản mới nhất 1803.

Mặc dù có đủ ứng đụng dể đáp ứng nhu cầu thông thường, thậm chí có cả kho ứng dụng để tải thêm, thì hệ điều hành Fedora vẫn hạn chế nếu dùng cho công việc

Với cấu hình mạnh mẽ, hiệu năng của chiếc máy trạm này quá dư dả cho phần lớn tác vụ sử dụng thông thường. Kể cả khi sử dụng máy để render, xuất phim theo nhu cầu công việc của người viết, ít phải dựng hiệu ứng phức tạp thì máy vẫn đáp ứng tốt. Với phần mềm Adobe Premiere Pro, tùy chọn xuất bằng nhân CUDA được bật mặc định để GPU hỗ trợ CPU trong việc dựng hình và giảm thời gian xuất video.

Mức TDP (giới hạn nhiệt độ) của CPU chỉ 65W nên hoạt động mát mẻ, nhiệt độ CPU khi hoạt động ở mức cao nhất chỉ vào khoảng 80 độ C và máy cũng không có hiện tượng "bóp" xung khi hoạt động nặng.

CPU Intel Core i7-6700 đạt điểm số cao trên các ứng dụng đánh giá hiệu năng như Cinebench R15 hay Geekbench 4

Dung lượng RAM 16GB khá dư dả để lướt web với hàng chục tab mở đồng thời, và đối với nhiều ứng dụng yêu cầu khả năng xử lý cao thì lượng RAM lớn sẽ giúp máy xử lý mượt mà hơn.

Chi tiết khiến cho hiệu năng máy bị ảnh hưởng lớn nhất là ổ cứng dung lượng Toshiba 1TB, tốc độ 7200 rpm. Tốc độ phản hồi, truy cập dữ liệu ngẫu nhiên của ổ cứng không thể so được với ổ SSD, nếu sử dụng hàng ngày thì người dùng có thể nhận ra hạn chế này. Tuy nhiên nếu dùng máy cho các công việc nặng, cần nhiều giờ mới hoàn thành thì sự chênh lệch có thể không rõ ràng bằng.

Dù có là loại ổ cứng cơ với tốc độ cao thì hiệu năng của ổ cứng trong chiếc máy này cũng không thể so với những chiếc SSD

Card đồ họa chuyên dụng Quadro K1200 có thể là nguyên nhân chính khiến người dùng cân nhắc một chiếc máy trạm. Thực tế khi đã có nhu cầu mua máy cho công việc, người mua sẽ là người hiểu nhất chiếc máy cần đáp ứng phần mềm nào, và cần phần cứng tương ứng như thế nào. Quadro K1200 đã có tuổi đời 3 năm, và hiện tại NVIDIA cũng đã có dòng card dựa trên nền Pascal mới hơn. Tuy nhiên dựa trên giá thành thì K1200 vẫn có thể đáp ứng được những người dùng cần hiệu năng vừa phải trong những ứng dụng tạo hình 3D, CAD.

Là một card đồ họa chuyên cho công việc nên hiệu năng trong ứng dụng đánh giá 3DMark của Quadro K1200 cũng không quá ấn tượng

Để đánh giá hiệu năng trong các ứng dụng dựng hình, chúng tôi sử dụng bài đánh giá SPECviewperf 13. Đây là phần mềm tái tạo các tiến trình trong những ứng dụng dựng hình thực tế như 3Ds Max, Maya, Solidworks... Phiên bản 13 mới được ra mắt vào tháng Năm vừa qua, và kết quả của bản này cũng không đem so được với bản 12. Dưới đây là kết quả đánh giá của Dell Precision Tower 3620:

Nhiệt độ không phải là vấn đề lớn với chiếc Dell Precision Tower 3620. Khi sử dụng phần mềm AIDA64 cùng Furmark để ép tối đa sức mạnh của CPU, VGA và bộ nhớ trong 1 giờ thì nhiệt độ CPU nóng nhất chỉ ở mức ngoài 80 độ, còn GPU khoảng gần 90 độ. Đây vẫn là mức chấp nhận được, nhưng nếu muốn tản nhiệt tốt hơn thì bạn có thể thay quạt đẩy gió lớn hơn hoặc lắp thêm quạt hút gió.

Khi ở chế độ nghỉ (idle), máy tiêu thụ khoảng 34W điện mỗi giờ

Ở mức hoạt động tối đa, máy tiêu thụ khoảng 140 – 160W điện

Ở chế độ nghỉ (idle), mỗi giờ máy tiêu thụ khoảng 34W điện. Khi ép máy chạy hết công suất như thử nghiệm nhiệt độ trên, chiếc máy này cũng chỉ tiêu tốn tối đa khoảng 160W/giờ. Như vậy nếu máy chạy nặng, liên tục thì phải khoảng hơn 6 tiếng mới hết 1 số điện. Bộ nguồn 290W dư sức đáp ứng cấu hình này.

Kết luận

Khác với máy tính của người dùng phổ thông, máy tính dành cho công việc yêu cầu độ ổn định cao, tiết kiệm thời gian lựa chọn và cài đặt, hỗ trợ kĩ thuật tốt còn chi phí có thể rộng rãi hơn. Do vậy những doanh nghiệp muốn trang bị máy cho nhân viên để làm các công việc nặng hoàn toàn có thể cân nhắc các giải pháp đồng bộ như Dell Precision Tower.

Cỗ máy này có rất nhiều lựa chọn về cấu hình, từ bản thấp nhất dùng vi xử lý Intel Xeon E3-1225 v5, RAM 8GB và card đồ họa Quadro P600 đến bản cao nhất dùng Intel E3-1270 v5, RAM 16GB và card đồ họa Quadro M2000. Điều này giúp cho người quản lý dễ dàng chọn được cấu hình ưng ý và phù hợp nhất cho túi tiền của mình.

Dù sao thì đây cũng chỉ là dòng máy trạm tầm trung, nên sẽ không có những tùy chọn cao cấp như vi xử lý nhiều nhân hơn, card đồ họa từ Quadro P4000 trở lên… Các cấu hình cũng chỉ trang bị sẵn RAM thường chứ không phải RAM ECC, không có sẵn SSD và không cài sẵn Windows. Đây cũng là điểm mà người mua cần cân nhắc.

Ưu điểm

+ Kiểu dáng hiện đại, dễ tháo lắp và nâng cấp

+ Cổng kết nối thiết bị ngoại vi, xuất hình đa dạng

+ Nhiều tùy chọn nâng cấp cấu hình

+ Hoạt động êm ái và mát mẻ

+ Hiệu năng mạnh mẽ, trang bị card đồ họa chuyên dụng

+ Có bàn phím, chuột đi kèm

Hạn chế:

- Tất cả cấu hình đều sử dụng ổ cứng, không có SSD, RAM ECC

- Không cài sẵn Windows

Tuấn Anh

Chủ đề khác