VnReview
Hà Nội

Đánh giá laptop Lenovo IdeaPad 5 15IIL05: mọi thứ ở mức "vừa đủ"

Thiết kế, tính năng và giá bán, Lenovo đã rất nỗ lực trong việc tổng hoà "tam giác vàng" này với IdeaPad 5 15IIL05. Đây là một chiếc laptop có thể làm vừa lòng gần như tất cả mọi người dù không có những điểm nào thực sự nổi trội.

Trong những năm gần đây, Lenovo IdeaPad không còn là dòng sản phẩm xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Thường nằm trong phân khúc dưới 20 triệu đồng, IdeaPad luôn được xướng tên như là sự lựa chọn đáng cân nhắc cho đối tượng người dùng là học sinh, sinh viên và dân văn phòng, những người không cần sự cầu kỳ mà đơn giản muốn một sản phẩm có mức giá tốt và đủ tin cậy để sử dụng hàng ngày.

Nhân vật chính trong bài đánh giá lần này của VnReview là mẫu IdeaPad 5 15IIL05, một trong những mẫu laptop mới nhất năm 2020 của Lenovo, trang bị chip Intel Core i5-1035G1 Ice Lake sản xuất trên tiến trình 10nm. Giá bán giữa các phiên bản sẽ có sự khác biệt, phụ thuộc vào tuỳ chọn card đồ hoạ rời và dung lượng SSD có sẵn. Mẫu máy chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá không có card đồ hoạ rời, SSD dung lượng 512GB, hiện có giá bán là 18 triệu đồng (tham khảo hệ thống FPT Shop).

Trong bài viết, chúng tôi sẽ gọi tắt tên sản phẩm là IdeaPad 5 để độc giả tiện theo dõi.

Thiết kế "sạch sẽ" kiểu Lenovo, viền màn hình đã có sự tiến bộ

Thiết kế laptop của Lenovo thường hướng tới sự tối giản, tinh tế, và IdeaPad 5 cũng không phải ngoại lệ. Tuy là laptop thuộc phân khúc dưới 20 triệu nhưng phần nắp của IdeaPad 5 sử dụng chất liệu kim loại cho cảm giác chắc chắn và cầm chắc tay hơn. Phần còn lại của thân máy vẫn là nhựa, với tổng trọng lượng khoảng 1,8 kg, độ dày 20mm. Rõ ràng IdeaPad 5 không phải là mẫu laptop mỏng nhẹ trên thị trường, nhưng con số này có thể nói là phù hợp với một sản phẩm màn hình 15,6 inch, không quá khó khăn để mang đi đây đi đó.

Tuy vỏ nhựa nhưng IdeaPad 5 không hề mang lại trải nghiệm rẻ tiền, công rất lớn nhờ vào lớp sơn mới. Khi sờ hoặc đặt cổ tay trong lúc gõ văn bản, cảm giác giống như đang đặt tay lên một lớp phủ nhung vậy. Kết hợp với màu xám bạc, IdeaPad 5 hạn chế được tình trạng bám vân tay và mồ hôi, một vấn đề mà tôi thường gặp phải với những mẫu laptop giá rẻ.

IdeaPad 5 vẫn sử dụng bản lề kiểu cũ, chỉ có thể mở tối đa khoảng 145-150 độ thay vì 180 độ như ThinkBook và ThinkPad cao cấp hơn. Trên lý thuyết, người dùng có thể lật mở màn hình của IdeaPad bằng một tay nhưng khó khăn và không thực tế.

Với IdeaPad 5, Lenovo vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc hưởng ứng trào lưu viền màn hình mỏng, nhưng ít ra thì đã có những sự tiến bộ nhất định, khi phần viền dưới dày bằng một nửa so với thế hệ trước (và cả chiếc ThinkBook mà tôi từng đánh giá cách đây vài tháng). Viền màn hình mỏng hơn sẽ cho trải nghiệm sử dụng thoáng đãng hơn, thu gọn kích thước để laptop gọn gàng hơn. Tuy viền của IdeaPad 5 vẫn chưa thể cạnh tranh với những Asus, LG, HP, nhưng tiến bộ ở đâu thì chúng ta sẽ ghi nhận ở đó.

Phía viền trên màn hình là nơi chứa webcam độ phân giải 720p, với chất lượng hình ảnh mang tính chất "chống cháy" là chính. Tại đây cũng có sự xuất hiện của thanh gạt ThinkShutter để người dùng đóng webcam khi không sử dụng đến, bảo vệ quyền riêng tư.

Màn hình của IdeaPad dưới góc nhìn chính diện và góc xiên

Kiểm tra thông số, IdeaPad 5 sử dụng tấm nền màn hình B156HAN02.1 của AU Optronics. Các thông số đáng chú ý như loại tấm nền IPS, độ sáng 290 cd/m2, độ phủ màu 51% sRGB và 46% NTSC, có hỗ trợ stream HDR. Trong sử dụng thực tế, màn hình của IdeaPad 5 phù hợp nhu cầu văn phòng và giải trí đơn giản (xem phim, chơi game, lướt web) chứ không đáp ứng được tác vụ chỉnh sửa ảnh và video do không gian màu chưa đủ rộng. Bù lại, sản phẩm hỗ trợ stream HDR thông qua tuỳ chọn Windows HD, khi xem nội dung trên các nền tảng sẽ thấy dải tương phản được cải thiện phần nào.

IdeaPad 5 có số lượng cổng kết nối khiêm tốn, với hai cổng USB Type-A chuẩn 3.2 Gen 1, một cổng USB-C chuẩn 3.2 Gen 2 hỗ trợ cả xuất hình DisplayPort và Power Delivery (tức là bạn có thể sạc cho laptop bằng cổng này), cổng HDMI, jack âm thanh 3.5mm kết hợp và một đầu đọc thẻ nhớ SD. Không có cổng mạng Ethernet có thể là một phiền toái không đáng có đối với những người dùng cần đường truyền mạng nhanh và ổn định.

Bảo mật vân tay, cảm giác gõ phím giống MacBook nhưng "nhún nhảy" rất nhiều

Giống như smartphone, tính năng bảo mật vân tay đang ngày càng được "phổ cập" nhiều hơn. IdeaPad 5 được trang bị cảm biến vân tay của Goodix, tích hợp thẳng vào phím nguồn nên khi bật nguồn là có thể đăng nhập luôn vào Windows, không cần phải điền mật khẩu. Cảm biến có tốc độ nhận diện nhanh, chính xác, và Windows 10 vượt trội hơn Android hay iOS ở chỗ là bạn có thể cài đặt bao nhiêu vân tay cũng được.

IdeaPad 5 có đầy đủ các phím chức năng và cụm numpad, kích thước 15,6 inch giúp các phím có kích thước lớn và khoảng cách tương đối rộng rãi. Trải nghiệm gõ phím trên IdeaPad 15 rất giống bàn phím lẫy bướm của MacBook với hành trình phím ngắn, lực nhẹ, không đầm tay như ThinkPad nhưng vẫn thoải mái, không bị mỏi. Bàn phím này có đèn nền đơn sắc (trắng, dù tôi thấy ánh tím nhiều hơn) với hai tuỳ chọn độ sáng, điều khiển bằng cụm phím Fn + Space, để người dùng có thể làm việc ban đêm hiệu quả hơn.

Một điểm cần cải thiện trên IdeaPad 5 là khu vực bàn phím bị nhún khi tác dụng lực – hay còn gọi là "wobble", cho cảm giác thiếu chắc chắn. Tất nhiên, IdeaPad 5 sẽ không có Trackpoint "thần thánh" độc quyền của ThinkPad.

Bàn di của IdeaPad 5 có kích thước lớn, cho cảm giác di nhanh và mượt. Với việc hỗ trợ driver Microsoft Precision, người dùng có thể thao tác đa điểm như phóng to, thu nhỏ trên các ứng dụng hỗ trợ (Edge, Word, Excel,...), chuyển đổi nhanh giữa các ứng dụng và hơn thế nữa.

Dải loa được đặt ở ngay phía trên bàn phím, giúp cải thiện âm lượng tổng so với đặt phía mặt dưới và bắn down-firing như một số mẫu laptop khác của Lenovo. Có tích hợp công nghệ Dolby Audio nhưng loa ngoài của IdeaPad 5 vẫn chỉ có chất lượng trung bình khá, dải bass mờ nhạt, nếu không quá kỹ lưỡng thì hoàn toàn dùng được nhưng nên dùng loa rời để có trải nghiệm tốt hơn.

Hiệu năng: Core i5 mạnh như i7, không GPU rời và chơi tạm game eSport

Thông số CPU-Z và GPU-Z của IdeaPad 5

Về cấu hình, phiên bản IdeaPad 5 của VnReview sở hữu chip Intel Core i5-1035G1 thế hệ thứ 10 Ice Lake, 8GB RAM DDR4 2133 MHz (cố định không thể nâng cấp thêm vì RAM hàn chết vào bo mạch), SSD 512 GB M.2 PCIe của SK Hynix, không có card đồ hoạ rời – có tuỳ chọn card đồ hoạ GeForce MX330 và MX350.

Ice Lake, khác với Comet Lake cũng là thế hệ thứ 10, được sản xuất trên quy trình 10nm hiệu năng và tiết kiệm năng lượng tốt hơn. Con chip có 4 nhân thực, 8 luồng, xung cơ bản 1GHz và Turbo lên 3.6 GHz, công suất thoát nhiệt (TDP) vẫn là 15W.

Trong khoảng gần một tuần sử dụng IdeaPad 5 làm máy chính thay thế desktop, các công việc thường nhật của tôi như biên tập tin bài, duyệt web, chỉnh sửa ảnh bằng Photoshop và Lightroom đều không thể gây khó dễ cho chiếc laptop này. Đáng tiếc, dung lượng RAM chỉ 8GB đối với nhu cầu đa nhiệm của tôi là không đủ, các tab Chrome thỉnh thoảng bị tải lại, có hiện tượng lag nhẹ khi RAM đầy.

Điểm hiệu năng của IdeaPad 5 trên PCMark 10 Express. Độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn

Điểm hiệu năng của IdeaPad 5 trên PCMark 10 Application giả lập các tác vụ Office và duyệt web qua Edge. Độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn

Thử nghiệm với công cụ benchmark máy tính phổ biến PCMark 10, IdeaPad 5 đạt 4797 điểm ở bài Express và 8312 điểm ở bài Applications – ngang ngửa, thậm chí vượt trội so với Core i7-10510U trên ThinkBook 14.

Điểm đơn nhân (trái) và đa nhân (phải) của Core i5-1035G1 trên phần mềm Cinebench R20

Chuyển sang công cụ đánh giá hiệu năng render Cinebench R20, Core i5-1035G1 chỉ thua kém một chút về hiệu năng đơn nhân – 413 điểm so với 429 – nhưng vượt trội về hiệu năng đa nhân – 1800 điểm so với 1576.

Điểm hiệu năng CPU (trên) và GPU (dưới) của IdeaPad 5 trên GeekBench 4

Với GeekBench 4, Core i5-1035G1 tiếp tục thể hiện hiệu năng ấn tượng khi có điểm đơn nhân cao hơn Core i7-10510U, điểm đa nhân ngang ngửa. Tuy nhiên, đồ hoạ tích hợp Intel Iris Plus Graphics G1 lại "đuối" hơn so với HD620 – 23346 điểm so với 28177 điểm.

Dù vậy, IdeaPad 5 vẫn có thể chơi tốt game eSport nhẹ nhàng như Liên Minh Huyền Thoại. Ở thiết lập đồ hoạ trung bình, trong bản đồ chơi ARAM giao tranh liên tục, IdeaPad 5 vẫn duy trì được mức fps trên 60 cho trải nghiệm mượt mà. Cần lưu ý, việc quay lại quá trình chơi game bằng Game Mode trên Windows 10 khiến fps bị giảm đi từ 8-10 so với thực tế.

Thông số của ổ trên CrystalDiskInfo

Đo nhanh tốc độ với CrystalDiskMark

Lưu trữ dữ liệu, IdeaPad 5 của VnReview chỉ có SSD 512GB của SK Hynix. Kiểm tra nhanh thì đây là mẫu SSD tầm trung được ra mắt vào 1/7/2020, tốc độ đọc/ghi (tuần tự) công bố lần lượt là 2300 MB/s và 1000 MB/s. Đo bằng Crystal Disk Mark cho tốc độ cao hơn cả công bố này.

Về phần mềm, do máy trước khi bàn giao đến tay tôi bị lỗi nên tôi đã phải cài đặt lại, vì vậy không thể nắm rõ IdeaPad 5 cài sẵn những phần mềm gì. Theo nhà sản xuất, IdeaPad 5 chạy Windows 10 Home, có kèm phần mềm Lenovo Vantage (nếu không, bạn vẫn có thể cài phần mềm này thông qua cửa hàng Microsoft Store hoàn toàn miễn phí).

Lenovo Vantage có giao diện hoà hợp với ngôn ngữ Fluent Design của Windows 10, phẳng và gọn gàng. Tại đây, chúng ta có thể tinh chỉnh các thiết lập như chế độ hiệu năng, sạc nhanh Rapid Charge, màn hình, âm thanh, webcam,... Lenovo Vantage còn có tính năng kiểm tra lỗi phần cứng, phần mềm trong máy, tự động cập nhật driver nếu không muốn cài qua Windows Update, nhìn chung khá hữu ích.

Nhiệt độ và xung nhịp CPU khi stress test bằng AIDA64

Với các tác vụ văn phòng hay giải trí thông thường, nhiệt độ không phải là vấn đề lớn với IdeaPad 5. Trong phòng điều hoà 27 độ C, CPU và GPU của IdeaPad 5 thường ở mức thấp dưới 70 độ C, quạt tản nhiệt chạy êm, gần như không có tiếng ồn. Stress test bằng AIDA64 thì CPU nhanh chóng chạm ngưỡng 100 độ C, và máy bắt đầu "bóp" hiệu năng bằng cách hạ xung nhịp xuống dưới 3.2GHz để hạ nhiệt.

Thời lượng pin đủ dùng 1 ngày làm việc nhẹ nhàng, lần này đã có kèm sạc nhanh

Mẫu IdeaPad 5 của VnReview được trang bị viên pin 45 Whr, ngoài ra còn có hai tuỳ chọn nữa là 57 và 70 Whr nên bạn cần lưu ý khi chọn mua. Khác với ThinkBook 14, IdeaPad 5 đi kèm với cục sạc 65W, kích thước nhỏ gọn để dễ dàng mang đi. Thời gian sạc đầy của IdeaPad cũng vì thế được cải thiện, khoảng 2 tiếng là đầy.

Sử dụng thực tế, IdeaPad 5 đáp ứng tốt một ngày làm việc nhẹ nhàng, chủ yếu lướt web, dùng Office, thỉnh thoảng xem Youtube giải trí. Từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều với độ sáng khoảng 70%, chiếc laptop này vẫn còn khoảng 10% pin.

Tổng kết

Nói ví von, IdeaPad 5 giống như một cậu học sinh học lực giỏi đều tất cả các "môn" như thiết kế, hiệu năng và giá thành. Tuy nhiên dù là ở khía cạnh nào, luôn có một thứ gì đó khiến cậu không thể vươn lên tầm xuất sắc. Có thể nói đây là một laptop đủ tốt cho nhu cầu sử dụng văn phòng, học sinh hay sinh viên với giá bán rất hợp lý. Với những đối tượng có nhu cầu cao về đồ họa thì sản phẩm này không thật phù hợp do GPU và không gian màu màn hình hạn chế.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác