VnReview
Hà Nội

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): chiếc iMac cuối cùng kết thúc kỷ nguyên Intel ở Apple

Chiếc máy tính all-in-one mới ra mắt của Apple thực sự có gì để thu hút người dùng?

VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc bài viết đánh giá của cây viết Dieter Bohn, phóng viên chuyên trang công nghệ The Verge.

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): Webcam mới, kích cỡ màn hình mới, còn lại y hệt đời cũ!

Chiếc máy tính iMac 27 inch phiên bản 2020 của Apple có vẻ bề ngoài giống hệt như tám năm qua. Tất cả những thay đổi, cập nhật đều nằm ở các chi tiết, linh kiện bên trong, giúp cấu hình của chiếc máy này xứng đáng với những gì người dùng kỳ vọng ở một cỗ máy tính của năm 2020. Trong đó phải kể đến bộ vi xử lý Intel thế hệ thứ 10, cùng với việc chiếc máy này đã hoàn toàn chuyển sang sử dụng ổ SSD thay cho những chiếc ổ đĩa cứng xoay truyền thống. Giá khởi điểm của dòng sản phẩm này là 1.799 USD (khoảng 41,7 triệu đồng) cho phiên bản tiêu chuẩn sử dụng chip Core i5; nhưng dĩ nhiên, bạn có thể bỏ thêm tiền để nâng cấp nhiều linh kiện cho nó. Một trong những tuỳ chọn nâng cấp "đắt đỏ" nhất nằm ở lớp hoàn thiện bằng vật liệu nano phủ lên mặt kính màn hình có giá 500 USD (khoảng 11,6 triệu đồng) – Apple cho biết đây là một cải tiến lớn so với màn hình kính mờ truyền thống (tận 500 USD cơ mà, chắc chắn phải tốt hơn chứ!)

Điều thú vị là, có một cải tiến về thông số kĩ thuật khá "lạc lõng" so với những sản phẩm máy tính khác của Apple, ngay cả trong một năm đầy khó khăn về dịch bệnh: chất lượng hình ảnh của webcam cuối cùng cũng đã được nâng cấp! Nếu bạn thường xuyên phải hội họp video trực tuyến, chiếc webcam mới có độ phân giải 1080p chắc chắn sẽ là một nâng cấp đáng giá đối với trải nghiệm hàng ngày của bạn. Mặc dù tôi không muốn thừa nhận điều này, nhưng bạn sẽ trông chuyên nghiệp hơn nhiều trong mắt đồng nghiệp nếu camera của bạn cho hình ảnh rõ nét hơn đấy!

Sau khi sử dụng chiếc máy này trong khoảng hơn một tuần, tôi hoàn toàn có thể khuyến khích bất kỳ ai có nhu cầu mua một chiếc máy tính Mac để bàn lựa chọn sản phẩm này. Máy hoạt động nhanh, đảm đương được nhiều tác vụ và chạy ổn định. Đây thực sự là một chiếc iMac tiêu chuẩn mà bạn muốn có; nếu bỏ qua thiết kế đã quá nhàm chán của mẫu máy này, thì không có gì đáng để chê trách ở nó cả.

Tuy nhiên, nếu ở thời điểm hiện tại bạn chưa thực sự cần gấp một chiếc máy Mac desktop, bạn có thể cân nhắc chờ thêm một thời gian. Chiếc iMac này có thể sẽ là chiếc iMac cuối cùng sử dụng bộ vi xử lý Intel, trước khi Apple chính thức tích hợp bộ vi xử lý do hãng tự thiết kế vào các dòng máy tính Mac của hãng. Apple đã tuyên bố rằng quá trình chuyển đổi sang sử dụng chip tự thiết kế của hãng có thể mất khoảng hai năm, do đó bạn có thể phần nào ước lượng được khi nào mẫu iMac thế hệ mới sẽ được ra mắt. Dù vậy, việc mua một chiếc iMac sử dụng chip Intel không hẳn là một quyết định sai lầm – Apple chắc chắn sẽ còn hỗ trợ những cỗ máy này trong nhiều năm tới – tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn nếu chịu khó đợi thêm một khoảng thời gian nữa.

Đánh giá iMac 27 inch (2020): 7,5/10 điểm

Ưu điểm:

- Hiệu năng được cải thiện đáng kể so với model tiền nhiệm

- Webcam độ phân giải 1080p là một cải tiến lớn so với sản phẩm đời trước

- Màn hình sáng, sắc nét và hiển thị màu sắc chính xác

Nhược điểm:

- Thiết kế viền màn hình dày đã quá lỗi thời

- Không dễ nâng cấp linh kiện như những mẫu máy desktop khác

- Khả năng tinh chỉnh hạn chế

Webcam mới của iMac

Hãy cùng bắt đầu với webcam. Tôi không có ý rằng bạn nên nâng cấp chiếc iMac hiện có của mình chỉ vì chiếc webcam mới, nhưng việc Apple cuối cùng cũng cải tiến linh kiện này thực sự là một điều đáng hoan nghênh. Cũng không thể nói rằng đây là chiếc webcam máy tính tốt nhất mà tôi đã từng sử dụng; nhưng nó không còn cho chất lượng hình ảnh đáng xấu hổ như đa số những mẫu webcam máy tính khác của Apple.

Để tôi cho các bạn xem điểm tích cực của webcam mới này nhé. Đây là hai hình ảnh so sánh, hai khung hình được tôi cắt từ đoạn clip quay bằng ứng dụng QuickTime. Trước đó tôi đang sử dụng một chiếc iMac 2017 dành cho công việc, và dưới đây là hình ảnh so sánh trực tiếp:

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): Webcam mới, kích cỡ màn hình mới, còn lại y hệt đời cũ!

Hình ảnh chụp từ webcam của iMac 2017, sử dụng webcam độ phân giải 720p.

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): Webcam mới, kích cỡ màn hình mới, còn lại y hệt đời cũ!

Hình ảnh chụp từ webcam của iMac 2020. Webcam độ phân giải 1080p có nhiều điểm ảnh hơn, do đó cho hình ảnh sắc nét hơn (dĩ nhiên).

Trên thực tế, webcam của iMac cho chất lượng hình ảnh tốt hơn không chỉ nhờ việc nâng cao độ phân giải, mà thực tế, Apple cuối cùng cũng đã đồng ý bổ sung thêm một lớp xử lý hình ảnh hiện đại hơn cho các video quay từ webcam của máy. iMac được tích hợp con chip T2, sử dụng để điều khiển rất nhiều thành phần trên máy tính Mac. Apple còn sử dụng con chip này để xử lý một số yếu tố trên hình ảnh từ webcam. Chẳng hạn, con chip sẽ xử lý việc lập bản đồ tông màu, kiểm soát phơi sáng và phát hiện khuôn mặt.

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): Webcam mới, kích cỡ màn hình mới, còn lại y hệt đời cũ!

Hình ảnh thu được từ webcam của iMac 2017 ở bên trái và của iMac 2020 ở bên phải. Có thể dễ dàng nhận thấy, chất lượng hình ảnh của iMac 2020 đã được cải thiện rõ ràng.

Hệ thống nhận diện khuôn mặt được sử dụng để ưu tiên đảm bảo phần khuôn mặt của người dùng đủ sáng và có tông màu da chính xác. Tôi có thể di chuyển khuôn mặt của mình trong khung hình và máy tự động điều chỉnh mức độ phơi sáng gương mặt tôi theo thời gian thực, đảm bảo rằng mặt tôi không bao giờ bị cháy sáng hay quá tối so với phần còn lại của khung hình. Cách làm này có vẻ rất giống như cách thức mà iPhone xử lý hình ảnh khuôn mặt của người dùng (Tuy nhiên, Apple cũng đã khẳng định rằng hệ thống này không làm "mịn" khuôn mặt của người dùng đâu!)

Tính năng này hoạt động rất tốt, và may mắn là, nó không chỉ áp dụng với các ứng dụng quay video do chính Apple phát triển. Do các tinh chỉnh này được thực hiện bởi con chip T2, nên các cải tiến về hình ảnh thu được từ webcam sẽ có trên mọi ứng dụng hội họp video mà bạn sử dụng.

Một điểm không "hiện đại" lắm ở chiếc máy iMac 2020 là phần đăng nhập. Trừ khi bạn có một chiếc đồng hồ Apple Watch và dùng nó để mở khoá máy tính của mình, cách duy nhất để đăng nhập vào chiếc máy này là nhập mật khẩu. Chip T2 của Apple được sử dụng để quản lý quá trình đăng nhập bằng vân tay Touch ID trên các mẫu laptop MacBook, nhưng Apple đã không tích hợp cảm biến vân tay vào bàn phím hay dãy cảm biến Face ID vào màn hình của chiếc iMac này.

Thật vậy, điều này gây khó chịu, nhưng đó là hệ quả của việc Apple quyết định không thay đổi bất kỳ chi tiết nào về thiết kế của chiếc iMac này. Vẫn kiểu dáng đó, thiết kế màn hình đó và các cổng kết nối cũng được giữ nguyên như phiên bản trước.

Tuy vậy, vẫn có một số cải tiến nhất định. Màn hình trông vẫn hệt như vậy, nhưng con chip T2 sẽ cho phép bạn kích hoạt tính năng True Tone trên chiếc máy này, vốn có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ màu màn hình tương ứng với màu sắc của ánh sáng trong căn phòng của bạn.

Hiệu năng của chiếc iMac 27-inch (2020)

Nó thực sự rất nhanh! Và có lẽ đó là điều cũng không quá bất ngờ, vì chiếc máy tôi đang thử nghiệm là phiên bản sử dụng chip Core i9 với bộ nhớ RAM lên đến 32GB và card đồ hoạ rời Radeon Pro 5700 XT. Phiên bản này cũng được trang bị tuỳ chọn lớp phủ màn hình bằng vật liệu nano cùng ổ cứng SSD dung lượng 1TB. Với cấu hình như vậy, chiếc iMac mà Apple cung cấp cho chúng tôi để thử nghiệm có giá bán lẻ khoảng 4.500 USD (khoảng 104,3 triệu đồng). Chiếc máy này cho tốc độ nhanh hơn 30% với tác vụ xuất video 4K bằng phần mềm Adobe Premiere Pro so với chiếc iMac 2017 dùng chip Core i7 và card đồ hoạ Radeon Pro 580 của tôi.

Nhưng thực chất, hiệu năng của chiếc iMac đôi khi không hoàn toàn là nhân tố bí ẩn mà chúng ta quan tâm. Điều quan trọng là cách mà chiếc máy này hoạt động – ngay cả với những tác vụ cực nặng có khả năng làm gia tăng nhiệt độ phần cứng của máy – mới là thông số đáng quan tâm. Tuy nhiên, tin tốt là, cho đến thời điểm này, những con chip Intel thế hệ thứ 10 vẫn hoạt động tốt trong những điều kiện như vậy.

Nếu bạn không chọn cho mình một chiếc iMac với cấu hình cao như mẫu máy tôi đang thử nghiệm, có thể sự cải thiện mạnh mẽ nhất về hiệu năng mà bạn có thể nhận ra sẽ là tốc độ đọc/ghi của ổ cứng. Lý do là bởi cuối cùng, Apple cũng "chịu" chọn ổ SSD là loại ổ cứng tiêu chuẩn trên chiếc iMac này, thay vì những chiếc ổ Fusion Drive trước đó. Nếu bạn cần thêm dung lượng lưu trữ và không muốn trả thêm tiền để nâng cấp lên ổ SSD, bạn vẫn có thể yêu cầu đổi sang ổ Fusion Drive (trên một số mẫu máy cụ thể) mà không mất thêm phí. Là một người đã và đang dùng ổ Fusion Drive hàng ngày, lời khuyên của tôi là bạn nên nâng cấp lên ổ SSD trọn vẹn để tránh những khoảnh khắc "đứng hình" bất chợt để đợi ổ cứng xoay.

Bạn cũng có thể chi thêm 100 USD nữa để nâng cấp lên cổng Ethernet tốc độ 100 Gigabit; nếu không thì tốc độ upload/download Internet vẫn sẽ như phiên bản trước. Máy cũng được trang bị 2 cổng Thunderbolt, 4 cổng USB-A, một khe cắm thẻ nhớ SD và một jack cắm tai nghe.

Tuỳ chọn lớp phủ màn hình bằng vật liệu nano của iMac 2020

Một nâng cấp lớn khác của iMac năm nay nằm ở tuỳ chọn lớp phủ vật liệu nano, song tôi có một số lưu ý dành cho bạn. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng xem bức ảnh dưới đây. Bức ảnh này cho thấy tác dụng chính của lớp phủ này, đó là giảm độ chói của màn hình:

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): Webcam mới, kích cỡ màn hình mới, còn lại y hệt đời cũ!

Chiếc iMac 2020 ở bên trái, còn iMac 2017 ở bên phải. Lớp hoàn thiện bằng vật liệu nano trên iMac 2020 giúp loại bỏ sự chói (phản chiếu ánh sáng) của màn hình.

Hai điều đầu tiên mà tôi muốn lưu ý với các bạn là: Hiệu quả chống chói của lớp phủ này không thể trải nghiệm trọn vẹn chỉ với hai ngày thử nghiệm. Thứ hai là vấn đề giá cả: ở mức 500 USD, đây là một tuỳ chọn nâng cấp siêu đắt đỏ; và chỉ có khả năng "chịu đựng" sự chói của màn hình "giỏi" đến đâu mới có thể trả lời cho bạn câu hỏi liệu lớp vật liệu này có xứng đáng với mức giá đó hay không. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của bạn nằm ở độ bền của lớp hoàn thiện này. Thật không may, đây cũng là yếu tố mà tôi không thể thử nghiệm chỉ trong hai ngày được: Câu trả lời của tôi là tôi không biết!

Để giải thích điều này, cần nói rõ hơn về bản chất của lớp vật liệu nano này là gì. Thay vì chỉ phủ một lớp phủ mờ lên trên mặt kính, Apple thực sự đang sử dụng phương pháp khắc lên kính ở cấp độ nanomet. Quá trình đó giúp kết cấu vật liệu nano này vượt trội hơn so với màn hình truyền thống ở chỗ hình ảnh hiển thị sẽ không bị mờ. Trên các màn hình sử dụng lớp phủ truyền thống, ánh sáng từ các điểm ảnh bị phân tán ra ngoài. Apple tuyên bố rằng lớp hoàn thiện mới của họ chủ yếu khuếch tán ánh sáng chiếu từ bên ngoài vào và không làm phân tán ánh sáng được phát ra từ các điểm ảnh trên màn hình.

Đây là một giải pháp vô cùng sang chảnh và hết sức đắt đỏ để khắc phục vấn đề độ chói của màn hình. Một phong cách rất Apple. Và còn có một chi tiết khác cũng cho thấy "chất Apple" trong việc lần này: hướng dẫn sử dụng đi kèm với màn hình này cho biết bạn chỉ nên lau màn hình bằng chiếc khăn làm từ vải sợi nhỏ đi kèm với máy, nếu không lớp phủ sẽ bị hỏng. Đúng là…!

Chiếc màn hình Pro Display XDR cực kỳ mong manh trị giá 5.000 USD (khoảng 115,9 triệu đồng) được sử dụng trong môi trường chuyên nghiệp bởi những người lớn, những người biết rõ họ đang dùng thiết bị như thế nào là một chuyện. Nhưng một chiếc màn hình cũng mong manh như thế được tích hợp trên chiếc iMac đặt tại phòng sinh hoạt chung của gia đình, ở đó những đứa trẻ tay dính đầy bụi bẩn cứ suốt ngày sờ lên màn hình bởi chúng cho rằng mọi màn hình đều là màn hình cảm ứng lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Lớp phủ màn hình bằng vật liệu nano có thể tốt hơn so với lớp phủ màn hình truyền thống, nhưng có lẽ không đáng với mức tiền 500 USD mà người dùng phải bỏ ra để có được nó.

Tôi đã hỏi Apple về độ bền của lớp hoàn thiện màn hình này và được cho biết rằng, mặc dù Apple không muốn mang đến cho bất kỳ ai cảm giác rằng lớp vật liệu đó rất mong manh, nhưng sự thật đúng là như vậy: nếu dùng các loại chất tẩy có tính ăn mòn mạnh có thể làm hỏng lớp hoàn thiện này. Khác với các loại màn hình khác, không có lớp phủ nào khác nằm bên trên lớp hoàn thiện bằng vật liệu nano này – đó hoàn toàn là thuỷ tinh ép, thuỷ tinh "trần".

Tôi ngờ rằng chỉ có Apple mới có một lượng dữ liệu đủ lớn những phản hồi của người dùng về việc lớp vật liệu này được trang bị trên màn hình XDR có độ bền và tác dụng thực sự như thế nào; nhờ đó bạn có thể đưa ra quyết định có nên trang bị tuỳ chọn này cho một chiếc iMac của gia đình hay không (nhưng dĩ nhiên, làm sao bạn có thể truy cập vào dữ liệu đó)!

Vậy là, một lần nữa, tôi lại không thể cho bạn biết liệu đó có phải một tuỳ chọn đáng dùng hay không. Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn rằng tuỳ chọn này có tác dụng rất tốt. Nó hoàn toàn có thể giảm thiểu độ chói đến mức, lần đầu tiên trong đời, tôi có thể đặt máy tính ở vị trí mà ngay đằng sau nó là một cái cửa sổ chiếu thẳng vào. Nó hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến độ sắc nét của hình ảnh hay văn bản trên màn hình mấy – nhưng nếu nhìn gần, bạn có thể để ý rằng nó cũng hơi mờ một chút.

Những tiểu tiết này rất khó để chụp ảnh minh hoạ lại cho các bạn xem (Tôi đã thử rồi!) Bạn sẽ phải tin tôi, bạn sẽ không thể nhận ra ngay lập tức bất kỳ điểm yếu nào của lớp vật liệu này và thậm chí là khi nhìn ở một vài góc độ khác nhau.

Đánh giá Apple iMac 27 inch (2020): Webcam mới, kích cỡ màn hình mới, còn lại y hệt đời cũ!

Kết luận lại, không có đặc điểm nào có thể khiến chúng ta thực sự ngạc nhiên với chiếc iMac 27 inch 2020 này cả. Nó có vẻ bề ngoài và hoạt động như mọi chiếc iMac có hiệu năng cực nhanh, và đây đúng là đặc điểm duy nhất có thể dùng để miêu tả chiếc máy này. Những chiếc ổ cứng SSD được trang bị như một tiêu chuẩn mặc định của mẫu máy này hoá ra chính là cải tiến lớn nhất đối với trải nghiệm hàng ngày của tôi. Còn đối với các đồng nghiệp của tôi, họ cũng được hưởng lợi từ chiếc máy mới này: hình ảnh của tôi khi hội họp trực tuyến với họ có chất lượng tốt hơn nhiều, nhờ vào webcam mới.

Nhưng như tôi đã nhắc đến ở phần đầu, còn có một biến số có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn khi "xuống tiền" cho chiếc iMac này. Trong vòng hai năm tới, có thể mẫu máy này sẽ bị thay thế bởi một model sử dụng bộ xử lý ARM do Apple tự phát triển thay cho chip của Intel. Có lẽ, chiếc iMac đó cũng sẽ có những cải thiện về hình thức, chẳng hạn như phần "cằm" của máy được thu gọn lại và được trang bị thêm các tính năng đăng nhập bằng nhận diện sinh trắc học. Song, hiện tại chưa thể khẳng định những chiếc iMac dùng chip ARM của tương lai có phải là "món hời" nếu so với những chiếc iMac Intel hiện tại hay không – và do vậy, tôi cũng không thể đưa ra lời khuyên liệu bạn có nên chờ đợi model đó ra mắt hay không.

Apple đã cho thấy rằng họ vẫn sẽ hỗ trợ đầy đủ cho những chiếc máy tính Mac sử dụng chip Intel trong một thừoi gian dài nữa, và tôi có thể khẳng định rằng những phần mềm và ứng dụng bạn cần vẫn sẽ tương thích với những chiếc máy tính Mac dùng chip Intel trong một thời gian dài sắp tới.

Điều tôi muốn nói sau cùng là: Nếu bạn cần mua một chiếc iMac 27 inch, thì đây thực sự là một chiếc iMac tốt và bạn chắc chắn nên mua nói. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ phải mất đến 45 phút "ngắm nghía", kiểm tra đi kiểm tra lại để đưa ra quyết định mình có nên bỏ thêm tiền cho lớp vật liệu nano trên màn hình hay không.

Quang Huy

Chủ đề khác