VnReview
Hà Nội

Đánh giá Asus ROG Zephyrus M15: laptop chơi game mỏng nhẹ nhất hiện nay

Vẫn giữ nguyên thiết kế mỏng nhẹ của thế hệ trước, Asus ROG Zephyrus M15 GU502LU tập trung vào nâng cấp cấu hình với CPU Intel thế hệ 10, màn hình tần số quét tới 240Hz, đi kèm card đồ họa từ NVIDA GTX 1660 Ti đến RTX 2070. Bên cạnh đó, máy còn dùng cả keo tản nhiệt bằng kim loại lỏng để phục vụ tốt hơn cho đối tượng game thủ lẫn người dùng yêu cầu cao về hiệu năng như dân thiết kế, YouTuber, dựng phim...

Kể từ lần đầu tiên được giới thiệu tại COMPUTEX 2017, Zephyrus đã luôn là dòng laptop gaming tiêu biểu của Asus tập trung vào sự mỏng nhẹ, cao cấp trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng mạnh mẽ. Với phiên bản mới nhất là Zephyrus M15, các yếu tố này tiếp tục được phát huy, đồng thời Asus bổ sung thêm các tính năng phụ trợ giúp nâng cao khả năng làm việc. Hiện Asus ROG Zephyrus M15 đang được bán tại Việt Nam với mức giá khởi điểm từ khoảng 39 triệu đồng.

Thiết kế mỏng nhẹ đặc trưng, có thêm phiên bản dành dành riêng cho các "thanh niên nghiêm túc"

Kiểu dáng của Zephyrus M15 kế thừa gần như toàn bộ các điểm đặc trưng trên các thế hệ trước. Máy vẫn sử dụng chất liệu hợp kim nhôm-magiê, nắp trên có họa tiết phay xước và đường cắt chéo cá tính tạo điểm nhấn, logo ROG đặt lệch (không có đèn LED RGB).

Đánh giá Asus ROG Zephyrus M15: chơi hết sức, làm cũng hết mình

Các góc máy vuông vắn, tạo cảm giác thanh lịch nhưng vẫn đạt độ "ngầu" cần thiết của một chiếc laptop chuyên game. Bản lề chắc chắn, có thể mở máy bằng một tay dễ dàng. Chỉ có điểm gây khó chịu là nắp máy và phần kê tay rất dễ bám vết mồ hôi, dấu vân tay nên bạn sẽ phải lau chùi thường xuyên nếu không muốn máy trở nên nhem nhuốc.;

Đánh giá Asus ROG Zephyrus M15: chơi hết sức, làm cũng hết mình

Đánh giá Asus ROG Zephyrus M15: chơi hết sức, làm cũng hết mình

Ngoài bản màu đen phay xước, Zephyrus M15 còn có phiên bản màu xám lăng kính với logo ROG được thu nhỏ lại, các họa tiết trên nắp máy chuyển sang dạng chấm bi và nhám mờ, trông "hiền lành", "nghiêm túc" hơn hẳn, đồng thời cũng đỡ bám mồ hôi, vân tay hơn. Phiên bản này sẽ hợp với những ai mua máy để làm việc, học tập, không muốn mình quá nổi bật giữa các đồng nghiệp, bạn bè, tránh bớt ánh mắt "săm soi" của sếp hay các thầy cô, phụ huynh.  

Phiên bản xám lăng kính với kiểu dáng "nghiêm túc" hơn hẳn bản đen phay xước

Xét trong các laptop gaming, trọng lượng và kích thước của Zephyrus M15 thuộc dạng mỏng nhẹ nhất hiện nay. Máy có độ dày tối đa chỉ 18,9mm, cân nặng 1,9kg, mỏng và nhẹ hơn đáng kể so với thế hệ trước, tạo sự tiện lợi lớn khi di chuyển. Để đảm bảo độ chắc chắn cho thân máy mỏng, Asus khẳng định đã sử dụng các tấm gia cường hình tổ ong bên dưới phần kê tay cùng cấu trúc nguyên khối chống uốn cong, củng cố khả năng chịu lực cho khu vực hay xảy ra va chạm này. Thực tế khi ấn mạnh vào đây hay phần nắp máy, Zephyrus M15 thể hiện tốt độ chắc chắn, cứng cáp.

Dù mỏng nhẹ nhưng máy vẫn sở hữu gần như đầy đủ các kết nối cần thiết và hiện đại gồm 1 cổng USB Type C 3.2 Gen 2 hỗ trợ Thunderbolt 3, DisplayPort 1.4 và Power Delivery cho phép vừa sạc pin, vừa xuất hình ảnh, âm thanh, truyền dữ liệu tốc độ cao với băng thông tối đa tới 40Gbps.

Bên cạnh đó là 3 cổng USB 3.1 Type A, trong đó có 1 cổng là USB 3.2 Gen 2 và 2 cổng 3.2 Gen 1. Các kết nối còn lại gồm HDMI 2.0b, giắc tai nghe và mic 3.5mm riêng biệt có tích hợp DAC ESS Hi-Fi, cổng mạng dây RJ45 1Gbps, khe cắm khóa Kensington. Đáng tiếc là Asus đã không trang bị đầu đọc thẻ SD, một tính năng hết sức cần thiết với những ai hay làm việc với máy ảnh.

Màn hình thuộc loại đầu bảng, âm thanh ấn tượng

Màn hình của Zephyrus M15 có phần viền mỏng gọn chỉ 6,2mm ở cả 3 cạnh khiến máy trông thanh thoát và bắt mắt. Tỷ lệ màn hình trên thân máy 81%, mang tới không gian hiển thị thoáng đãng. Kích thước màn hình 15,6 inch, tấm nền IPS Full HD.

Điểm nhấn của màn hình này nằm ở tần số quét và thời gian phản hồi: lên tới 240Hz và 3ms, giúp các nội dung hiện lên rất mượt mà, ngay với các tác vụ cơ bản như duyệt web, cuộn trang nhanh hay khi rê chuột vào các icon ở taskbar để hiện lên hình thumbnail của ứng dụng. Trải nghiệm chơi game tốc độ cao, thay đổi góc nhìn liên tục như bắn súng, lái máy bay cũng trở nên đã mắt hơn hẳn. 

Điểm đáng giá khác là màn hình này còn được hiệu chỉnh sẵn màu sắc từ khi xuất xưởng theo chuẩn Pantone với khả năng hiển thị 100% dải màu sRGB. Nhờ thế, màu sắc hiển thị trên máy tự nhiên, tương phản tốt, độ chính xác cao, góc nhìn rộng, phù hợp cho việc chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp. Đây là nỗ lức đáng khen của Asus giúp Zephyrus M15 có thể làm hài lòng cả giới game thủ và các nhà sáng tạo nội dung.

Độ sáng màn hình cũng rất tốt, hầu hết thời gian tôi chỉ cần dùng ở độ sáng 50% và chỉ phải đẩy lên mức 90% khi dùng dưới nguồn sáng mạnh hoặc ngoài trời. Màn hình dạng nhám cũng giúp việc chống lóa hiệu quả, không bị bóng, phản chiếu như màn hình gương.

Nếu cần màn hình chất lượng cao hơn nữa, Zephyrus M15 cũng có phiên bản độ phân giải 4K, 100% Adobe RGB. Tuy nhiên, lúc này tần số quét chỉ còn 60Hz.

Âm thanh là điểm ấn tượng tiếp theo trên chiếc laptop này. Hai loa của máy được bố trí ở mặt dưới, âm lượng của loa ngoài khá lớn và có thể nghe tốt trong phòng có diện tích 20m2. Ngoài âm lượng, chất lượng âm thanh cũng cho trải nghiệm tốt với âm trầm xuống chắc và dải cao không chói, gắt kể cả khi bật ở mức âm lượng tối đa 100%. Nếu như không có tai nghe tốt, loa ngoài của Zephyrus M15 đủ đáp ứng nhu cầu giải trí với game, phim, nhạc ổn thỏa.

Máy có đi kèm phần mềm Sonic Studio III với khả năng tinh chỉnh rất phong phú như tăng cường âm bass, treble, tùy biến âm thanh theo từng tình huống cụ thể như nghe nhạc, xem phim, chơi game, hội thoại trực tuyến, tinh chỉnh mic,…

Một điểm bất tiện là Zephyrus M15 không có webcam nên nếu muốn dùng máy để gọi video call, live stream, người dùng sẽ phải sắm thêm webcam rời bên ngoài. Vẫn biết rằng webcam trên laptop có chất lượng rất thấp nhưng dù sao "có vẫn hơn không". Hơn nữa, webcam rời không thể nào linh hoạt và tiện dụng bằng webcam đi kèm.

Bàn phím độ nảy cao, đèn RGB bắt mắt, touchpad mượt mà

Ở phần bàn phím và touchpad, Zephyrus M15 tiếp tục quay trở lại với kiểu bố trí phím truyền thống, không phá cách dồn hết xuống phía dưới, chừa lại một khoảng trống lớn ở sát màn hình cùng touchpad cảm ứng kiêm cụm phím số như một số phiên bản trước. Thiết kế truyền thống giúp việc sử dụng phím thoải mái hơn nhờ có chỗ để tay, cách sử dụng cũng tự nhiên hơn.

Phần bàn phím không thể thiếu hệ thống đèn LED RGB đa màu sắc trên từng phím, độ sáng cao, nhiều hiệu ứng đa dạng, bắt mắt, công nghệ N-key rollover giúp ghi nhận chính xác nhiều phím ấn đồng thời, tương thích với Aura Sync để phối màu với các thiết bị ngoại vi như chuột, tai nghe của Asus. Bốn phím nóng chuyên dụng cho chơi game nằm tách biệt trên bàn phím, giúp tiếp cận nhanh các nút điều khiển âm lượng, tắt tiếng micro và truy cập phần mềm Armoury Crate để tinh chỉnh, theo dõi hệ thống.

Kích thước các phím hợp lý, hành trình phím khá sâu, độ nảy tốt mang đến trải nghiệm gõ phím thoải mái, kể cả khi gõ văn bản dài cũng không gây mỏi. Khu vực nghỉ tay còn được phủ lớp chất liệu tựa như polycarbonate như trên các laptop ThinkPad cho cảm giác êm ái dù rất bám mồ hôi, vân tay. Nhiều mẫu laptop gaming thường có phím nông để nhận lực nhanh hơn, nhưng cảm giác gõ phím trên Zephyrus M15 giúp máy thể hiện không tồi trong công việc văn phòng.

Phần touchpad dạng không phím bấm được làm rộng rãi, cho cảm giác lướt ngón tay rê chuột mượt mà, hỗ trợ tốt các cử chỉ đa điểm Precision của Windows. Ngoài những lúc chơi game hay khi cần biên tập video, chỉnh sửa ảnh, tôi hiếm khi phải dùng thêm chuột ngoài.

Hiệu năng mạnh mẽ, làm việc hiệu quả, chiến tốt game ở mức thiết lập cao

Phiên bản Asus ROG Zephyrus M15 mà VnReview đánh giá có cấu hình gồm:

- CPU: Intel Core i7-10750H 6 nhân 12 luồng, xung nhịp cơ bản 2,6GHz, có thể tăng tốc Turbo Boost Max 3.0 lên 4,8 GHz, hoặc Thermal Velocity Boost lên 5 GHz, 12 MB cache, TDP 45 W.

 - Card đồ họa: NVIDIA GeForce GTX 1660 Ti, 6 GB GDDR6, hỗ  trợ tăng tốc xung nhịp lên 1690MHz 80W

 - RAM: 16GB DDR4-3200 MHz (hàn cứng) kênh đơn (Single Channel); còn 1 khe trống, hỗ trợ nâng cấp tối đa 48GB

 - SSD: 512 GB Intel 660p M.2 2280 PCIe 3.0 x4 NVMe, còn 1 khe M.2 trống, hỗ trợ RAID 0

 - Kết nối: Wi-Fi 6 Gig+ (802.11ax) và Bluetooth 5.1

 - Pin: 76 Wh

Đây là mức cấu hình khá mạnh mẽ nhưng chưa phải là cao cấp nhất của Zephyrus M15. Với những yêu cầu sức mạnh cao hơn, người dùng có thể lựa chọn phiên bản chạy chip Intel Core i7-10875H (8 nhân, 16 luồng, xung nhịp tối đa 5.1GHz), card đồ họa GeForce RTX 2060 hoặc RTX 2070.

Ngay từ những bài test hiệu năng quen thuộc với các phần mềm benchmark, CPU i7-10750H, GPU GTX 1660 Ti cùng SSD PCIe 512 GB Intel 660p trên Zephyrus M15 đã cho hiệu năng rất ấn tượng.

Các tác vụ thông thường của tôi như duyệt web với khoảng 20 tab, song song với đó là chỉnh sửa ảnh bằng Lightroom, soạn văn bản trên Word hay biên tập, dựng video bằng Premie Pro được Zephyrus M15 xử lý nhanh nhẹn, trơn tru.

Là một cỗ máy chuyên game, chắc chắn hiệu năng chơi game sẽ là điều được quan tâm nhất. Với màn hình độ phân giải Full HD, card đồ họa GTX 1660 Ti của Zephyrus M15 đủ sức đáp ứng phần lớn các game hiện nay. Ngoại trừ một số game hạng nặng, yêu cầu cấu hình cao thì phải về thiết lập medium mới có thể ổn định trên 60 fps, còn lại với đa số các game khác, cấu hình của máy đã đủ để chơi mượt mà và ổn định trên mức 100 fps với mức thiết lập cao (High).

Với các tựa game nhẹ ký như CS: GO, Zephyrus M15 cân tốt ở mức thiết lập High, khung hình trung bình khoảng 170 FPS.

Tựa game FPS kết hợp Moba của Riot - Valorant cũng được Zephyrus M15 xử lý nhẹ nhàng với mức khung hình trung bình từ 160 FPS trở lên, thiết lập đồ họa cao nhất.

Mafia: Definitive Edition - phiên bản làm lại của tựa game Mafia 2002 đình đám. Với tựa game này, Zephyrus M15 đạt số khung hình trung bình khoảng 65 FPS ở mức thiết lập cao nhất.

Thêm một tựa game kinh điển khác được làm lại là Resident Evil 3 Remake. Ở tựa game này,  Zephyrus M15 đạt khung hình khoảng 100 FPS với mức thiết lập cao. Trong một số khung cảnh nhiều hiệu ứng cháy nổ, khung hình giảm xuống còn khoảng 85 FPS.

Nhiệt độ hợp lý nhưng quạt kêu khá ồn

Hiệu năng game chỉ là một nửa vấn đề đối với một chiếc laptop chơi game. Khả năng tản nhiệt là khía cạnh quan trọng còn lại. Asus tuyên bố Zephyrus M15 sử dụng keo tản nhiệt kim loại lỏng của Thermal Grizzly cho CPU thay vì keo gốm thông thường giúp việc tản nhiệt tốt hơn.

Thực tế khi chơi Mafia: Definitive Edition trong 30 phút, nhiệt độ CPU đạt tới mức 89 độ C, còn GPU dao động trong khoảng 80 độ C, là những con số hợp lý với một chiếc laptop chơi game mỏng như Zephyrus M15. Lúc này phần bàn phím và kê tay chỉ hơi ấm, nhưng phần phía trên và khu vực trống cạnh 2 bên bàn phím là những nơi đặt cụm tản nhiệt thì khá nóng. Với các game Valorant và CS:GO thì nhiệt độ khi chơi lâu cũng tương tự.

Hiệu năng của máy còn bị ảnh hưởng trực tiếp khi thay đổi chế độ quạt tản nhiệt. Asus đưa ra 3 chế độ hoạt động của quạt: im lặng (Silent), hiệu năng cao (Performance) và tăng tốc (Turbo), cho phép chuyển đổi tự động hoặc người dùng có thể chuyển đổi bằng phím tắt (Fn + F5) hay trong phần mềm Armoury Crate.

Khi chuyển từ chế độ Silent sang Turbo, hiệu năng của máy tăng lên rõ rệt, có thể lên tới 30 - 40%. Tất nhiên khi chơi game hoặc làm việc nặng, bạn cần chuyển đổi sang chế độ Turbo để có hiệu năng cao nhất. Ở chế độ này quạt chạy khá ồn, nhưng nếu chơi game và dùng tai nghe thì đây cũng không phải vấn đề.

Thời lượng pin trung bình, có tới 2 bộ sạc

Pin chưa bao giờ là ưu điểm của các laptop gaming do cấu hinh mạnh mẽ của chúng thường rất ngốn điện và Zephyrus M15 cũng khó lòng thoát khỏi quy luật đó. Pin của máy có dung lượng 76 Whr, dung lượng khá tốt với một laptop 15.6 inch nhưng dù đã bật sang chế độ Silent, hay ưu tiên thời lượng pin Better Battery của Windows, màn hình sáng 50% và làm việc thông thường (duyệt web, dùng bộ phần mềm Office và chỉnh sửa ảnh ngắn) chiếc Zephyrus M15 cũng chỉ hoạt động được khoảng 4 giờ. Nếu dùng để chơi game, thời lượng pin chỉ còn khoảng 1 tiếng mà thôi.

Bộ sạc 230W của Zephyrus M15 to nặng như... một cục gạch

Như vậy nếu mang máy ra ngoài một buổi để làm việc, bạn vẫn sẽ phải mang theo sạc. May mắn là ngoài bộ sạc 230W to nặng như…một cục gạch với trọng lượng gần 8 lạng, Zephyrus M15 còn đi kèm một cục sạc nhỏ gọn 65W để sử dụng với các tác vụ nhẹ nhàng, không chơi game hay render video. Bạn có thể để củ sạc 230W cố định ở nhà hay công ty, còn củ sạc 65W mang theo trong balô khi cần di chuyển để giảm bớt trọng lượng. Thời gian sạc đầy với củ sạc 230W mất khoảng 1 tiếng rưỡi, trong khi củ sạc 65W sẽ mất khoảng 2 tiếng rưỡi.

Máy đi kèm cả bộ sạc 65W Type C nhỏ gọn, đủ để cấp điện cho các tác vụ nhẹ nhàng, không chơi game hay render video

Tổng kết

Quan niệm cứ là laptop gaming là phải to nặng, hầm hố trong vài năm trở lại đây dường như đã không còn chính xác. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ phần cứng, các linh kiện trong máy tính ngày càng được thu nhỏ đi những vẫn đảm bảo hiệu năng mạnh mẽ.

Với Asus ROG Zephyrus M15, bạn sẽ nhận được một chiếc laptop phục vụ tốt cho cả công việc lẫn giải trí, tất nhiên bao gồm cả việc chiến game. Chiếc máy này còn đặc biệt phù hợp với những ai không muốn mình quá nổi bật giữa các đồng nghiệp, bạn bè, tránh bớt ánh mắt săm soi của sếp hay các thầy cô, phụ huynh nhờ ngoại hình "hiền lành", thậm chí còn có phần "nghiêm túc" như một chiếc laptop doanh nhân ở phiên bản xám lăng kính.

Với giá bán khoảng 39 triệu đồng cho bản Core i7-10750H + GTX 1660 Ti, ROG Zephyrus M15 GU502LU sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Acer Predator Helios 300 PH315, MSI GL65 Leopard 10SEK hay Dell Gaming G5 15 5500. Ưu điểm của Zephyrus M15 là thiết kế mỏng nhẹ, vỏ kim loại cao cấp, màn hình viền mỏng hiện đại, tần số quét cao, được hiệu chỉnh sẵn từ khâu xuất xưởng đảm bảo hiển thị màu chính xác, hệ thống đèn led RGB bắt mắt, hiệu năng mạnh và hệ thống loa chất lượng cao. Tuy vậy, laptop gaming của Asus lại chỉ có card đồ họa GTX 1660 Ti, trong khi các đối thủ cùng tầm giá đều dùng card GTX 2060 hoặc 2070 mạnh mẽ hơn.

Thành Đạt

Chủ đề khác