VnReview
Hà Nội

Đánh giá Razer Blade 14: hiệu năng gaming đỉnh cao mà kích thước vẫn nhỏ gọn

Razer đã thành công trong việc đặt một cấu hình mạnh mẽ bên trong thiết kế tương đối nhẹ nhàng, với laptop Razer Blade 14.

VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc bài đánh giá laptop Razer Blade 14 do chuyên trang công nghệ The Verge thực hiện.

Nhìn bề ngoài, mẫu laptop Razer Blade 14 trông giống tất cả những máy tính xách tay Razer Blade khác đã được ra mắt trong vài năm qua. Nó có phần khung hoàn toàn bằng nhôm, bàn phím RGB, logo hình con rắn ba đầu và màu đen tinh tế.

Nhưng chiếc Razer Blade này rất khác. Đây là mẫu laptop Blade đầu tiên được trang bị bộ xử lý AMD. Con chip Ryzen 9 5900HX cho phép Razer tạo ra chiếc laptop chơi game mạnh nhất ở kích thước 14 inch.

Điều này có được không chỉ do sức mạnh đơn thuần của CPU, mà còn tới từ các mẫu card đồ họa RTX 3070 và RTX 3080 hàng đầu của Nvidia, dành riêng cho những sản phẩm "di động" như laptop. Đây là chiếc máy tính xách tay 14-inch đầu tiên trên thị trường được trang bị những chip đồ hoạ này.

Chấm điểm laptop Razer Blade 14: 8/10

Điểm mạnh

- Kết cấu laptop 14 inch có tính di động cao.

- Bộ xử lý 8 nhân mạnh mẽ, GPU "đỉnh" so với mặt bằng chung.

- Tuỳ chọn màn hình QHD với tốc độ làm tươi 165Hz.

Điểm yếu:

- Mức giá cao so với các laptop cùng kích thước.

- Thời lượng pin chỉ tạm ổn.

- Không hỗ trợ kết nối Thunderbolt.

Dĩ nhiên, việc mẫu laptop này là một thành tựu đáng nể với Razer không đồng nghĩa với việc chiếc máy này sẽ nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người dùng trên phương diện doanh số. Laptop Blade 14 không phải là một mẫu máy rẻ - phiên bản chúng tôi đang sử dụng để thử nghiệm có giá 2.199,99 USD (khoảng 50,65 triệu đồng) - và với mức giá đó, nhiều người có thể sẽ cân nhắc một mẫu laptop có màn hình lớn hơn.

Tuy nhiên, nếu khả năng di động là ưu tiên của bạn, mẫu laptop này xứng đáng nằm trong danh sách cân nhắc. Nó có được sự hoà hợp giữa hiệu năng, thông số kĩ thuật và chất lượng hoàn thiện mà bạn sẽ khó lòng tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Phiên bản chúng tôi sử dụng để đánh giá sử dụng card đồ hoạ RTX 3070 công suất 100W, cùng bộ nhớ RAM 16GB (không thể nâng cấp thêm), ổ cứng SSD dung lượng 1TB (có thể mở rộng lên 2TB), và màn hình QHD với tốc độ làm tươi 165Hz. Cùng mức giá này, bạn có thể mua được mẫu Blade 15 bản tiêu chuẩn, với tuỳ chọn GPU và RAM tương đương, nhưng chỉ được trang bị CPU Intel Core i7 6 nhân và ổ cứng dung lượng 512GB.

Blade 14 cũng mỏng hơn và nhẹ hơn khoảng 227 gram. Blade 15 bản tiêu chuẩn có khối lượng khoảng 2,09 kg và dày khoảng 1,98cm, trong khi Blade 14 có khối lượng khoảng 1,78 kg và dày khoảng 1,68cm.

Tuy nhiên, mẫu Blade 14 vẫn còn quá đắt so với những mẫu laptop chơi game siêu di động khác - chiếc máy này đắt hơn tới 500 USD (khoảng 11,5 triệu đồng) so với laptop Razer Blade Stealth 13 FHD 120Hz (được trang bị GPU yếu hơn nhiều là mẫu GTX 1650 Ti Max-Q và màn hình với tốc độ làm tươi thấp hơn), cũng như đắt hơn 200 USD (khoảng 4,2 triệu đồng) so với mẫu laptop Zephyrus G14 cấu hình cao nhất (được trang bị GPU RTX 3060, bộ nhớ RAM 32GB và nắp màn hình có trang trí ma trận điểm khá lạ mắt).

Ngoài ra, bạn còn có thể chọn mẫu Blade 14 với màn hình độ phân giải FHD và tốc độ làm tươi 144Hz, card đồ hoạ RTX 3060 với mức giá 1.799,99 USD (khoảng 41,43 triệu đồng); hoặc phiên bản có GPU RTX 3080 và màn hình QHD cao cấp hơn với mức giá 2.799,99 USD (khoảng 64,5 triệu đồng). Không có tùy chọn màn hình cảm ứng.

Về hiệu năng, không có sự khác biệt quá đáng kể giữa hai máy sử dụng card đồ hoạ RTX 3070 và 3080. Thậm chí 3070 còn có thể vượt mặt 3080 tuỳ thuộc vào công suất và tốc độ xung nhịp thiết lập - do đó khó có thể nói mẫu Blade RTX 3080 vượt trội và xứng đáng với mức giá cao hơn tới 600 USD (khoảng 13,81 triệu đồng). Với mức giá đó, bạn có thể mua đến hai chiếc Zephyrus G14 - theo đúng nghĩa đen!

Có vẻ như Razer đã định giá chip đồ hoạ RTX 3070 khá chính xác, bởi hiệu năng mà chiếc máy Blade 14 mang lại gần như tương đương với Blade 15 bản tiêu chuẩn cũng sử dụng RTX 3070. Điều này có nghĩa rằng Blade 14 hoàn toàn có thể cho những mẫu laptop nhỏ hơn, như Stealth 13 và Zephyrus G14, "hít khói".

Thông số kỹ thuật của laptop Razer Blade 14;

- Bộ vi xử lý: AMD Ryzen 9 5900HX (3,30GHz, 8 nhân).

- Bộ nhớ RAM: 16GB DDR4-3200MHz (không thể nâng cấp).

- Card đồ hoạ: Nvidia GeForce RTX 3070 (8GB VRAM, công suất 100W)

- Ổ cứng SSD: 1TB (M.2 NVMe PCIe 3.0 x4)

- Màn hình: QHD (độ phân giải 2560 x 1440), tốc độ làm tươi 165Hz.

- Kích thước: 319,7 x 220 x 16,8 mm.

- Khối lượng: 1,78 kg

- Pin: Lithium-ion polymer 61,6Wh.

- Sạc: Công suất 230W.

- Hai cổng USB Type-C 3.2 Gen 2 (có thể truyền năng lượng) và đáp ứng chuẩn Display Port 1.4, hai cổng USB 3.2 Gen 2 Type-A, một cổng HDMI 2.1.

- Kết nối Wi-Fi 6E.

- Kết nối Bluetooth 5.2.

Game Red Dead Redemption chạy ở chế độ Ultra đạt tốc độ khung hình trung bình 58fps — chỉ kém 1fps với Blade 15 bản tiêu chuẩn (tất cả các game thử nghiệm đều chạy ở độ phân giải mặc định). Game này đạt tốc độ khung hình 51 fps khi tất cả các thiết lập đều đặt ở mức tối đa - ở tốc độ này vẫn có thể chơi ở mức tạm chấp nhận. Game Horizon Zero Dawn có thể chạy ở 70fps, chỉ thấp hơn đúng 1fps so với Blade 15 bản tiêu chuẩn.

Trong khi đó, mẫu Blade 14 thực sự đã đánh bại được Blade 15 với game Shadow of the Tomb Raider, đạt tốc độ khung hình trung bình 51 fps khi bật chế độ ray tracing và thiết lập game ở tuỳ chọn ultra (trong khi đó Blade 15 chỉ đạt tốc độ khung hình trung bình 46 fps). Và thậm chí, khi tắt ray tracing, máy còn "vọt" lên tốc độ khung hình tới 81fps.

Những con số này cho chúng ta thêm động lực đẻ "xuống tiền" cho mẫu laptop Blade chạy chip AMD hơn là phiên bản dùng chip Intel. Mẫu Blade 14 mang đến cho người dùng hiệu năng chơi game gần như tương đồng, nhưng có ổ cứng dung lượng lớn gấp đôi mà giá lại tương đương. Ngoài ra, Blade 14 còn mỏng hơn và nhẹ hơn đáng kể, đồng thời, bộ vi xử lý 8 nhân sẽ mang đến lợi thế nếu so với bộ vi xử lý 6 nhân của Blade 15, nhất là với các tình huống sử dụng đa tác vụ nặng.

Bạn có thể sẽ muốn lựa chọn Blade 15 nếu nhu cầu của bạn là một chiếc màn hình lớn hơn; tuy nhiên, với trường hợp của tôi, tôi không cảm thấy Blade 15  sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho bản thân ở thời điểm hiện tại.

Bản dùng AMD đáng tiền hơn bản Intel

Để so sánh, Blade Stealth 13 chỉ đạt tốc độ khung hình trung bình là 45fps khi chơi Shadow of the Tomb Raider (tắt ray tracing), đây là một sự khác biệt rất dễ nhận ra. Trong khi đó, Zephyrus G14 sử dụng card đồ hoạ RTX 2060 đạt tốc độ khung hình lên tới 74fps khi chơi Tomb Raider có ray tracing, và 31fps khi chơi Red Dead. Lưu ý cả hai mẫu laptop đều chạy game ở độ phân giải FHD, do đó sự khác biệt hiệu năng thực tế sẽ còn lớn hơn.

Blade 14 chỉ chịu kém cạnh khi chúng tôi chạy thử nghiệm xuất video. Chiếc máy này mất đến 7 phút 6 giây để xuất một file video 5 phút 33 giây ở độ phân giải 4K bằng phần mềm Adobe Premiere Pro. Con số này chậm hơn so với Blade 15 bản tiêu chuẩn, và chậm hơn đến 1 phút so với Stealth 13.

Những chiếc máy tính chạy chip AMD dường như hơi "tụt hậu" so với Intel ở khoản này - có thể tính năng Quick Sync của Intel chính là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên Blade 14 vẫn có thể dễ dàng vượt qua hai "người anh em" còn lại khi chạy bài kiểm tra PugetBench for Premiere Pro, nhằm đánh giá hiệu năng khi chạy một số tác vụ Premiere Pro nhất định.

Thời lượng pin của chiếc máy này ở mức chấp nhận được, nhưng không đến mức đột phá như một số mẫu laptop sử dụng chip AMD mà chúng ta đã được chứng kiến trong thời gian gần đây. Người thử nghiệm nhận thấy chiếc máy chạy bằng pin được 6 giờ 12 phút khi làm việc liên tục ở độ sáng màn hình 200 nit. Đây không phải thời lượng pin quá tệ - việc một số mẫu laptop chỉ dùng pin được một vài tiếng đồng hồ không phải chuyện hiếm gặp - nhưng gần đây có khá nhiều mẫu laptop sử dụng chip AMD đạt thời lượng pin trên 8 tiếng.

Cuối cùng, mẫu laptop Blade 4 được trang bị hệ thống tản nhiệt buồng hơi, bao gồm 2 quạt tản nhiệt 88 cánh, mỗi cánh chỉ dày khoảng 0,1mm. Tuy nhiên, hệ thống này dường như vẫn "chật vật" để theo kịp hiệu năng của con chip. Tôi đã chứng kiến con chip AMD 5900HX nhảy lên mức trên 90 độ C trong khi chơi game và thực hiện một vài tác vụ nặng. Trong những bài thử nghiệm thông thường khác, máy cũng thường xuyên đạt mức nhiệt độ trên 80 độ C. Tin tốt là tôi gần như khó có thể cảm nhận nhiệt độ này: phần đáy máy, bàn phím và nơi kê tay không bao giờ bị nóng đến mức gây khó chịu cho người sử dụng.

Những khía cạnh ngoài gaming

Trong trường hợp bạn chưa từng sử dụng laptop Razer trước đây, tính năng đặc trưng của chúng (ngoài hiệu năng chơi game) mà bạn nên biết là bàn phím RGB. Blade 14 có hệ thống chiếu sáng RGB cho từng phím mà bạn có thể tùy chỉnh trong phần mềm Razer Synapse được cài đặt sẵn. Trong khi nhiều mẫu bàn phím chơi game khác trông bắt mắt và sặc sỡ, bàn phím của Blade lại tinh tế và sang trọng hơn, một phần do hầu như không có đèn nền phát ra bên dưới các phím. Bên cạnh đó, phông chữ của phím đơn giản, không cố tỏ ra ngầu. Tôi không gặp vấn đề gì khi mang chiếc máy tính Blade này đến văn phòng hoặc quán cà phê - màu sắc của bàn phím đem lại cảm giác rực rỡ, không rối mắt. Bàn di chuột cũng khá tốt, kết cấu mượt mà, không bị khó kê lòng bàn tay.

Toàn bộ phần khung máy được làm bằng nhôm tiện CNC và nó khá chắc chắn, mặc dù hơi dễ bám vân tay. Máy được trang bị khá nhiều cổng kết nối, cho phép bạn sử dụng tới tối đa ba màn hình rờicùng một lúc. Bạn có một cổng HDMI 2.1, hai cổng USB-C hỗ trợ chuẩn DisplayPort 1.4, hai cổng USB-A, một cổng âm thanh 3,5mm, khe khóa và cổng sạc. Số lượng cổng kết nối của Blade 14 tương đương với Zephyrus G14. Chiếc máy này không hỗ trợ kết nối Thunderbolt, vì đó là một tính năng độc quyền của Intel, nhưng bạn sẽ được sử dụng chuẩn Wi-Fi 6E (Gig +) và Bluetooth 5.2.

Các game hiển thị khá tốt trên màn hình độ phân giải QHD, cho phép người dùng tận hưởng tối đa tốc độ khung hình cao khi chơi game. Màn hình đạt độ sáng tối đa 310 nit trong các thử nghiệm của chúng tôi, hiển thị được 100% dải màu sGRB. Màn hình có lớp phủ mờ, do đó tôi không bao giờ gặp phải tình trạng bị chói khi làm việc ở nơi có điều kiện ánh sáng cao. Màn hình có kích thước hiển thị tỉ lệ 16:9, tỉ lệ khá phổ biến trên các mẫu laptop chơi game, nhưng diện tích ngang thì hơi hẹp nếu dùng cho công việc (màn hình 16:10 hoặc 3:2 sẽ hợp lý hơn). Trong năm qua, một số mẫu laptop chơi game đầu bảng (chẳng hạn như Asus Zephyrus M16) chuyển sang tỉ lệ màn hình 16:10 - giúp cho các mẫu laptop chơi game cũng có thể thực hiện được những loại tác vụ khác. Hy vọng Razer sẽ sớm chuyển sang sử dụng tỉ lệ màn hình này trong các dòng máy tính Blade năm sau.

Chỉ có một vấn đề mà tôi thực sự muốn phàn nàn về phần cứng của Blade 14, và đó là webcam. Tôi thực sự cảm thấy vui khi chiếc máy này được trang bị webcam - đây không phải là một thành phần phần cứng bắt buộc của những mẫu laptop chơi game ngày nay. Và thậm chí nó còn hỗ trợ tính năng nhận diện khuôn mặt Windows Hello.

Tuy nhiên, bản thân chiếc camera này cho chất lượng tệ đến mức "có cũng như không" vậy. Hình ảnh bị nhiễu hạt nhiều, và tôi thấy hình ảnh của mình tối ngay cả khi đang đặt máy ở một nơi khá… sáng! Nếu sử dụng Blade làm máy tính làm việc chính của mình, có lẽ tôi cần phải mua thêm camera rời để gọi Zoom.

Kết luận

Nếu bạn đang tìm kiếm một mẫu máy tính mạnh mẽ mà lại đủ nhỏ gọn, thì Razer Blade 14 là mẫu laptop chơi game lý tưởng dành cho bạn. Màn hình 14 inch có thể không đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, dĩ nhiên, nhất là khi xét tới mức giá của chiếc máy này. Nhiều người mua hàng có lẽ sẵn lòng từ bỏ chiếc bàn phím RGB bóng bẩy hay một vài FPS để đổi lấy thời lượng pin tuyệt vời như của những chiếc laptop Zephyrus G14 và G15.

Bên cạnh đó, Blade cũng còn một vài nhược điểm tồn đọng khác - chẳng hạn như webcam chất lượng kém, khung máy bám vân tay, và mức giá "chát" - tuy nhiên nếu bạn không để ý nhiều đến những nhược điểm này, thì chiếc máy này hoàn toàn dành cho bạn. Trên thị trường không có nhiều mẫu máy tính chơi game với những ưu điểm như Blade 14 đâu!

Quang Huy (theo The Verge)

Chủ đề khác