VnReview
Hà Nội

Tại sao nói tiểu thuyết Frankenstein định hình nỗi sợ của chúng ta?

Frankenstein làm được nhiều hơn bất kỳ câu chuyện nào khác trong việc định hình những lo âu của cuộc sống hiện đại. Câu chuyện kể cho chúng ta nghe về lòng trắc ẩn, điều mà bây giờ chúng ta cần hơn lúc nào hết.

"Nó còn sống! Nó còn sống!! Nó vẫn còn sống!!! – trích Frankenstein (James Whale, 1931).

Một đêm mùa hè mát mẻ và ẩm ướt đến kỳ lạ năm 1816, nhóm bạn tụ tập tại ngôi biệt thự Diodati trên bờ Hồ Geneva. "Mỗi người trong chúng ta sẽ viết một câu chuyện ma", Lord Byron thông báo cho mọi người, gồm có bác sĩ riêng John Polidori của nhà Byron, Percy Shelley và Mary Wollstonecraft Godwin 18 tuổi.

"Tôi tập trung suy nghĩ về câu chuyện của mình, làm sao để nó chạm đến nỗi sợ thầm kín nhất, đánh thức sự sợ hãi vốn có trong mỗi chúng ta", Mary viết. Câu chuyện của bà sau đó được viết thành tiểu thuyết, được xuất bản hai năm sau đó với tên gọi ‘Frankenstein, hay Prometheus thời hiện đại'. Câu chuyện kể về một sinh viên triết học tự nhiên trẻ tuổi, thiêu đốt chính mình bằng ngọn lửa tham vọng cuồng nhiệt, tạo ra sự sống từ vật chất rồi lại chối bỏ ‘con quái vật' gớm ghiếc ấy trong sự sợ hãi và ghê tởm.

Mary Godwin (sau này là Shelley) bắt đầu viết tiểu thuyết Frankenstein, khi bà 18 tuổi. Ảnh: Alamy

Frankenstein cũng được xem là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên, một câu chuyện kinh dị kiểu Gothic (phong cách pha trộn giữa kinh dị và lãng mạn), một chuyện tình bi thảm và một dụ ngôn. Tất cả được lồng xếp vào một câu chuyện đầy bi thương. Hai bi kịch trung tâm của câu chuyện - một là sự nguy hiểm và quá lố khi 'chơi đùa với Chúa', một là sự ruồng bỏ của đức sinh thành và xã hội – vẫn tồn tại trong thực tế xã hội ngày nay.

Phải chăng các nhân vật được tạo ra đã có sự gắn kết mạnh mẽ từ khi thai nghén? Hai hình mẫu mà Mary tạo ra, ‘quái vật' và nhà ‘khoa học điên rồ' hay kẻ cuồng vọng, ‘ngật ngưỡng' bước ra khỏi những trang sách, tiến lên sân khấu và màn hình, kích thích nhà hát và các khán giả.

Frankenstein tạo ra hàng loạt những diễn giải và bắt chước hài hước, từ những hình ảnh chuyển động đầu tiên trong bộ phim ngắn kinh dị mang tên "1910" của Thomas Edison, phát hành qua Universal Pictures của Hollywood và series "Hammer" của Anh, đến "The Rocky Horror Picture Show" (Màn trình diễn kỳ quái) - và nó đặt nền móng cho nhiều tiểu thuyết sau này, như "2001: A Space Odyssey". Frankensteins có phiên bản của Ý và Nhật Bản và một bộ phim thể loại Blaxploitation (phim da màu) mang tên Blackenstein; Mel Brooks, Kenneth Branagh và Tim Burton đều có chỗ đứng riêng. Các nhân vật hoặc chủ đề xuất hiện hoặc lấy cảm hứng từ truyện tranh, trò chơi điện tử, tiểu thuyết spin-off (ngoại truyện), phim truyền hình và những bài hát do nhiều nghệ sĩ khác nhau thể hiện như Ice Cube, Metallica và T'Pau, với đoạn lời: "It was a flight on the wings of a young girl's dreams/ That flew too far away/ And we could make the monster live again…" (Đó là ánh sáng lấp ló trên đôi cánh trong giấc mơ của cô gái trẻ/ Bay vút xa xôi/ Và chúng ta có thể tạo ra con quái vật một lần nữa…).

Lần đầu tiên Frankenstein xuất hiện trên màn hình là qua bộ phim 1910 của Thomas Edison. Ảnh: Alamy

Là một dụ ngôn, tiểu thuyết được sử dụng như một cuộc tranh luận có cả ủng hộ và chống lại chế độ nô lệ và cách mạng, vivisection (mổ xẻ động vật để nghiên cứu khoa học) và Đế chế, như một cuộc đối thoại giữa lịch sử và tiến bộ, tôn giáo và vô thần. Hậu tố 'Franken-' phát triển mạnh trong từ vựng hiện đại như một từ ngữ diễn tả cho bất kỳ mối lo âu nào liên quan đến khoa học, nhà khoa học và cơ thể người. Nó cũng được sử dụng để định hình những lo lắng về bom nguyên tử, cây trồng biến đổi gen, thực phẩm lạ, nghiên cứu tế bào gốc cùng những lo lắng về AI. Trong hai thế kỷ kể từ khi Mary viết Frankenstein, theo lời của bài hát hài kịch Monster Mash của Bobby Pickett, câu chuyện thực sự là ‘một tên lửa trong nghĩa địa' ‘bị chụp bắt trong nháy mắt'.

'Nỗi sợ thầm kín trong bản chất con người'

"Tất cả các nhà khoa học đều giống nhau. Họ nói rằng họ đang làm việc cho chúng ta nhưng điều họ thực sự muốn là cai trị thế giới!", Young Frankenstein (Mel Brooks, 1974).

Tại sao quan điểm ‘khoa học đi sai đường' của Mary lại đúng đến nỗi lột tả được những nỗi sợ hãi trong chúng ta? Mary chắc chắn phải giành được danh hiệu zeitgeist‘ (hệ tư tưởng của thời đại): đầu thế kỷ 19 ‘cập bến' thời kỳ hiện đại, và mặc dù thuật ngữ 'khoa học' có tồn tại nhưng 'nhà khoa học' thì không. Sự thay đổi lớn thường mang theo những nỗi sợ hãi, như Fiona Sampson, tác giả cuốn tiểu sử mới về Mary Shelley cho hay: "Hiểu theo cách hiện đại - với suy nghĩ con người là những gì đang hiện diện, lo lắng về những gì con người có thể làm và đặc biệt lo lắng về khoa học và công nghệ". Lần đầu tiên Frankenstein hợp nhất được những mối quan tâm đương đại về tính khả thi của khoa học với tiểu thuyết – mang đến những kết quả đầy tính ‘kích thích'. Khác với một trí tưởng tượng không bình thường, cuốn tiểu thuyết tưởng tượng ra những điều có thể xảy đến nếu con người - và đặc biệt là các nhà khoa học ‘lừa phỉnh' hoặc cố chấp - đi quá xa.

Các thí nghiệm của Luigi Galvani sử dụng điện để tái sinh những con ếch đã chết có thể là một trong những nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết. Ảnh: Alamy

Một số quan điểm phổ biến của giới trí thức thế kỷ 19 xuất hiện trong tiểu thuyết. Trong các tác phẩm của Mary thường xuất hiện hình ảnh biệt thự Diodati của năm 1816, nơi Shelley và Byron đã thảo luận về 'nguyên tắc sống'. Các cuộc tranh luận đương đại khi ấy tập trung vào tạo hóa và liệu rằng có thể ‘tái sinh' người chết hay không. Trong lời đề tựa năm 1831 của cuốn sách, Mary Shelley ghi nhận 'chủ nghĩa galvan' như là một sức ảnh hưởng, có nhắc đến các thí nghiệm của Luigi Galvani sử dụng dòng điện để làm cho đôi chân con chuột co giật. Người cháu của Galvani, Giovanni Aldini còn tiến xa hơn vào năm 1803, sử dụng một kẻ giết người mới chết làm chủ đề cho mình. Nhiều bác sĩ và nhà tư tưởng trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận - như nhà hóa học Sir Humphry Davy – có mối liên hệ với cha của Mary, nhà trí thức nổi tiếng William Godwin, người đã phát triển các nguyên tắc cảnh báo về sự nguy hiểm và ý nghĩa đạo đức của ‘lừa phỉnh'.

Mặc dù có nhiều ‘dấu son' của tư tưởng đương đại, song rất ít xuất hiện trong luận điệu lý thuyết, phương pháp hay chất liệu khoa học hữu hình trong Frankenstein. Khoảnh khắc tịnh tiến đến đỉnh điểm của sự sáng tạo được mô tả đơn giản: "Với sự lo lắng đến đau đớn, tôi thu thập các vật liệu của cuộc sống xung quanh mình, thôi thúc mình truyền điện vào những thứ vô hồn nằm dưới chân". ‘Tính khoa học' của cuốn sách được bắt nguồn ngay từ thời điểm đó và vẫn chưa kết thúc. Do vậy, việc cung cấp một điểm tham chiếu trực quan và hiện hữu cho những khoảnh khắc thay đổi lớn lao và sự sợ hãi thật mơ hồ.

Quái vật trộn lẫn

Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng lý do khiến chúng ta nghĩ đến Frankenstein khi thể hiện nỗi lo đối với khoa học là ấn tượng với 'con quái vật' và 'nhà khoa học điên' đã in hằn trên não bộ. Làm sao chuyện này lại xảy ra? Khái niệm khoa học xuất hiện mơ hồ như thế nào trong kinh thánh thì mô tả về quá trình tạo ra con quái vật này cũng mơ hồ như vậy. Khoảnh khắc đó được tinh chế thành một hình ảnh duy nhất, một hình ảnh kinh hoàng:

"Sự việc xảy ra vào một buổi sáng; mưa rơi lộp độp, rầu rĩ đập vào những tấm kính cửa sổ, ngọn nến của tôi gần như cháy trụi, trong ánh sáng lập lờ khuyết mất một nửa, tôi nhìn thấy đôi mắt màu vàng đục của quái vật đang mở ra; nó thở nặng nhọc, và một chuyển động co giật kích động các chi của nó".

Hình minh họa của Theodore von Holst cho thấy khoảnh khắc đáng sợ khi họ nhận ra sự tồn tại của quái vật. Ảnh: Alamy

Với ‘màu da vàng', 'đôi mắt đẫm nước', 'làn da nhăn nheo' và 'đôi môi đen tạo thành vệt ngang', quái vật khác xa với tưởng tượng đẹp đẽ của Frankenstein. Phiên bản văn học khiến nhà hát và các nhà làm phim cũng như khán giả của Frankenstein không thể cưỡng lại nổi, đúng như Christopher Frayling đã nhận định trong cuốn sách của mình, Frankenstein: Lần đầu tiên trong vòng 200 năm. Cuốn tiểu thuyết gây sốc đã trở thành vở kịch tai tiếng - và tất nhiên, trở thành một hit lớn, đầu tiên ở Anh và sau đó ở nước ngoài. Những vở kịch đầu tiên "tiên phong cho những vở kịch sau này". Họ đã thu hẹp câu chuyện thành các nguyên mẫu cơ bản, thêm nhiều yếu tố đáng nhớ nhất mà khán giả sẽ nhận ra đến tận bây giờ, bao gồm cả trợ lý phòng thí nghiệm hài hước, dòng chữ "Nó còn sống!" và một con quái vật xấu xí câm lặng.

Phim năm 1931 của James Whale làm cho Universal Pictures do Boris Karloff đóng chính trong vai quái vật. Ảnh: Alamy

Con dao hai lưỡi có lẽ chính là sự thành công vang dội của Hollywood (Phim năm 1931 của James Whale làm cho Universal Pictures do Boris Karloff đóng chính trong vai quái vật). Phiên bản nói chung bảo đảm được cốt truyện nhưng lại lấn át mất phiên bản của Mary. "Frankenstein [bộ phim] kiến tạo những thước phim dứt khoát về nhà khoa học điên rồ, và trong suốt bộ phim đã đưa ra hàng nghìn mô phỏng", Frayling viết. "Nó hợp nhất lại thành một cách thức thuần hóa trong Thể hiện, cường điệu hóa, sự nhập vai ‘dễ dãi' của những diễn viên châu Âu, kinh điển trí thức và những người hay tưởng tượng - và truyền thống lễ hội Mỹ - để tạo ra một thứ giống Mỹ. Nó bắt đầu trông như thể chính Hollywood đã thực sự tạo ra Frankenstein".

Tạo nên một huyền thoại

Và như vậy, một huyền thoại phim ảnh ra đời. Mặc dù Hollywood có thể đã bỏ qua Mary Shelley để chắp ghép phiên bản câu chuyện, nhưng rõ ràng bà cũng vay mượn từ những huyền thoại lịch sử để tạo nên nhân vật của riêng mình. Tên khác của Frankenstein, 'Prometheus thời hiện đại', trực tiếp đề cập đến một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại. Đây là vị thần đã đánh cắp lửa của thần để đưa cho loài người (hay tạo ra một người đàn ông từ đất sét) và đại diện cho mối nguy hiểm của ‘lừa phỉnh'. Tính thần thoại tuyệt vời khác của cuốn tiểu thuyết nằm ở phần có Thiên Chúa và Adam, và một trích dẫn trong sử thi Paradise Lost (Thiên đường đã mất) ở dạng chữ khắc đã xuất hiện trong Frankenstein: "Ta đã yêu cầu người, Đấng sáng tạo, tạo ra ta từ đất sét/ Nặn ta thành người?". Nó được thể hiện ở tất cả bi kịch của con quái vật - và cả đồng loại của hắn – ngay ở cách biến đổi hình dạng thành một con quái vật câm lặng nhưng đáng sợ và bị lãng quên.

Đồng loại của quái vật - và bi kịch của hắn - thường bị lãng quên trong quỹ đạo của câu chuyện. Ảnh: Alamy

Mary đã cho hắn tiếng nói và một nền giáo dục văn học nhằm thể hiện những suy nghĩ và mong muốn của mình (hắn là một trong ba người kể chuyện trong cuốn sách). Giống như nhân vật Caliban trong Tempest của Shakespeare, người có một bài diễn văn thơ mộng và sâu sắc, con quái vật có lời than thở đầy ám ảnh: "Hãy nhớ rằng ta là quái vật do ngươi tạo ra; ta chính là Adam của người, nhưng ta giống một thiên thần sa ngã hơn, người khiến nhà ngươi phải đánh đổi niềm vui để không trở nên xấu xa. Ở nơi đâu mà ta cảm thấy hạnh phúc, thì ở đó ta không thể bị hủy diệt trong đơn độc. Ta từng là kẻ nhân từ và tốt bụng; nhưng sự khốn cùng khiến ta trở thành một kẻ tàn ác. Hãy khiến ta hạnh phúc, và ta sẽ trở lại thành người đạo đức".

Nếu chúng ta đánh giá quái vật là một kẻ tồi tệ và kém hấp dẫn, thì bi kịch của hắn càng thê thảm hơn. Lần bị chối bỏ đầu tiên của hắn là từ chính người đã tạo ra hắn (là con người hay Thiên Chúa), mà Christopher Frayling gọi là ‘khoảnh khắc hậu kỷ' và thường được xem là sự bỏ rơi của đấng sinh thành. Nếu xem xét đến yếu tố Mary Shelley đã mất mẹ Mary Wollstonecraft từ lúc sinh ra, từng phải chôn đứa con gái bé nhỏ của mình và đang chăm sóc cô em gái mang thai khi bà viết cuốn sách này - mất chín tháng để hoàn thành - sự liên quan của sinh (và tử) có ý nghĩa hơn. Các em bé/quái vật lại càng bị xa lánh hơn khi xã hội ghê tởm hắn; hắn được tạo ra tốt, nhưng chính sự chối bỏ gieo rắc hành động trả thù tàn sát của hắn. Như một câu chuyện ngụ ngôn về trách nhiệm của chúng ta đối với trẻ em, những người ngoài cuộc hay những người không phù hợp với những lý tưởng thông thường về cái đẹp, không một ý nghĩa nào mạnh mẽ hơn.

Mary mất mẹ Mary Wollstonecraft (hình) từ lúc sinh ra, từng phải chôn đứa con gái bé nhỏ của mình và đang chăm sóc cô em gái đang mang thai khi bà đang viết cuốn sách này. Ảnh: Alamy

"Cách mà đôi khi chúng ta đồng cảm với Frankenstein, như cách chúng ta chấp nhận rủi ro. Chúng ta đều có những khoảnh khắc tự tin thái quá và một phần giống với quái vật. Hai khía cạnh đều tồn tại trong bản thân mỗi chúng ta - tất cả chúng ta", Fiona chia sẻ. "Hai khía cạnh cho thấy tính người. Và điều đó có tác động vô cùng mạnh mẽ".

Một số cách diễn giải hiện đại, như vở kịch Nick Dear's 2011 (do Danny Boyle đạo diễn cho Nhà hát Quốc gia), đã nêu bật câu hỏi ai là quái vật và ai là nạn nhân, với các diễn viên chính Jonny Lee Miller và Benedict Cumberbatch thay đổi vai diễn từng đêm. Khi biến hình, quái vật bị nhầm là 'Frankenstein', chứ không phải là người tạo ra nó.

Trong vở kịch của Nick Dear năm 2011, Benedict Cumberbatch và Jonny Lee Miller đổi tên giữa vai trò của quái vật và bác sĩ. Ảnh: Alamy

Vậy thì, một phiên bản điện ảnh mới của Frankenstein có ra đời? Một phiên bản tập hợp tính người của quái vật, phản chiếu con người và quái vật cùng những lo âu hiện đại? Cũng giống như phong cách Romantics, chúng ta hướng tới một thời kỳ hiện đại mới, nhưng lần này, là AI, mang đến vô vàn nỗi sợ hãi và tình huống đạo đức. Một loạt các bộ phim và chương trình truyền hình gần đây đã xoáy vào Frankenstein, khám phá ý nghĩa đối với loài người trong bối cảnh robot và AI - Blade Runner, Ex Machina, AI, Her, Humans và Westworld. Nhưng có một đạo diễn phim (được đồn thổi là đã phát triển câu chuyện), người có thể lấy lại lời than thở của quái vật như một dụ ngôn cho thời đại.

Tác phẩm The Shape of Water (Người đẹp và Thủy quái) của Guillermo del Toro cũng là một truyện ngụ ngôn quái vật khoa học viễn tưởng; ông được cho là đang sản xuất phiên bản Frankenstein của riêng mình. Ảnh: Alamy

Khi giành giải thưởng BAFTA (Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc) cho một truyện ngụ ngôn quái vật khác, The Shape of Water, trong năm nay, Guillermo del Toro cảm ơn Mary Shelley, bởi vì "Mary đã mượn hoàn cảnh của Caliban và bà ấy đánh giá cao sức mạnh của Prometheus, cất lên tiếng nói vào hoang hoải và vô hình. Mary giúp tôi hiểu ra rằng, đôi khi nói về quái vật, chúng ta cần phải tạo ra những quái vật của riêng mình, và dụ ngôn làm điều đó cho chúng ta".

Khi Mary Godwin nghĩ về câu chuyện ngụ ngôn ‘ớn lạnh' vào mùa hè năm 1816, bà không thể tưởng tượng được sẽ đi xa đến đâu trong việc định hình văn hóa và xã hội, khoa học và nỗi sợ hãi, vào thế kỷ 21. "Và bây giờ, một lần nữa, tôi phải trả giá cho hậu quả gớm ghiếc mà tôi trốn tránh và cả sự hạnh phúc", bà viết trong lời nói đầu cho phiên bản 1831. Người sáng tạo và quái vật, cha mẹ và đứa con, nhà văn và câu chuyện của chính mình - họ đã đi ra, và họ có hạnh phúc không? Hai trăm năm kể từ khi xuất bản, Frankenstein của Mary Shelley không còn là một câu chuyện ‘kinh dị ly kỳ' mà là huyền thoại của chính nó, được xuất bản ra thế giới.

Đông Mai

Theo BBC

Chủ đề khác