VnReview
Hà Nội

‘Đại chiến thành Ansi’: Bom tấn sử thi hoành tráng của người Hàn

Với kinh phí đầu tư lên tới 21,5 tỷ won (19 triệu USD), "The Great Battle" là tác phẩm sử thi hoành tráng bậc nhất Hàn Quốc. Song, yếu tố cảm xúc trong phim là chưa đủ thỏa mãn.

Chuyện phim The Great Battle dựa trên những sự kiện có thật diễn ra trong cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Đường đối với vùng đất Cao Câu Ly vào năm 645.

Trước đó ba năm, tể tướng Yeon Gaesomun (Yu Oh-seong) ám hại nhà vua rồi nắm giữ mọi binh quyền. Theo đó, chính sách đối ngoại của Cao Câu Ly từ thần phục chuyển sang đối nghịch với nhà Đường.

Nhân lúc nội bộ kẻ thù đang lục đục, Lý Thế Dân (Park Sung-woong) thân chinh dẫn 200.000 quân sang chinh phạt. Quân Đường liên tục thắng trận và tiến thẳng đến thành An Thị (Ansi) - phòng tuyến cuối cùng nằm ở kinh đô Bình Nhưỡng.

Thành chủ Yang Man-chun (Jo In-sung) vì chống đối Yeon Gaesomun mà bị cả đất nước cô lập. Một cuộc chiến không cân sức giữa 5.000 quân thủ thành và kẻ thù đông gấp hàng chục lần chuẩn bị bùng nổ.

Trận đánh hoành tráng không thua kém Hollywood

Với kinh phí đầu tư rất lớn, quả không ngoa khi nói The Great Battle có thể sánh ngang nhiều bom tấn sử thi của Hollywood. Phần phục trang trong phim có mức đầu tư khá tốt với nhiều bộ giáp phục đặc trưng, tỉ mỉ của cả Cao Lâu Ly lẫn nhà Đường.

Tác phẩm chứa đựng rất nhiều đại cảnh chiến trận hoành tráng với quân đội trùng trùng điệp điệp lên tới hàng nghìn người. Khán giả say mê những tựa trò chơi dàn trận có thể dễ dàng nhận ra nhiều loại binh chủng và chiến thuật quen thuộc, như dùng kỵ binh đánh thọc sườn, sử dụng cung thủ… Tất cả đều được lồng ghép khéo léo và chân thực.

Về tính giải trí và độ mãn nhãn, The Great Battle không hề thua kém các bom tấn sử thi Hollywood.

Ngoài quân số lên tới 200.000 người, Lý Thế Dân còn nhận sự trợ giúp từ những vũ khí công thành như máy bắn đá, pháo chuyên công thành… Nhờ đó, khán giả được thưởng thức nhiều pha cháy nổ, tàn phá mãn nhãn.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Yang Man-chun có cơ hội thể hiện tài trí trong chiến trận thông qua nhiều câu thoại hùng hồn động viên tinh thần binh sĩ hoặc các kiểu chiến thuật và bẫy địch vô cùng độc đáo.

Không những thế, phần tiểu cảnh cũng được thực hiện rất công phu với nhiều pha giáp chiến tàn bạo, bạo lực. Trong đó, một số trường đoạn chém giết mang phong cách slow-motion rất đẹp mắt và đẫm máu.

Hình ảnh những người nông dân quyết định hy sinh bản thân hay từng người lính Cao Lâu Ly quyết tử giữ từng mảnh tường thành giúp thể hiện rõ tinh thần yêu nước cùng sự khốc liệt và bi thương của chiến tranh.

Cả những pha cận chiến trong phim cũng khiến người xem thỏa mãn nhờ độ bạo lực và chân thực.

Cả Yang Man-chun lẫn các phó tướng như Soo Ji (Bae Sung-woo), Poong (Park Byung-eun) và Hwal Bo (Oh Dae-hwan) đều có phân cảnh đắt giá riêng để thể hiện kỹ năng chiến đấu nổi trội.

Yếu tố cảm xúc còn chơi vơi

Từ trước đến nay, người Hàn Quốc luôn nổi tiếng trong việc khéo léo lồng ghép yếu tố cảm xúc vào trong các bộ phim. Dù thuộc đề tài gì, tác phẩm của họ luôn có thể khiến người xem rơi lệ bởi yếu tố tình bạn hoặc gia đình. Song, ngạc nhiên thay, một bộ phim đầy mất mát và đau thương như The Great Battle lại không làm được điều tương tự.

Những cái chết trong phim diễn ra quá chóng vánh nên rất khó để khiến khán giả động lòng. Vì ôm đồm quá nhiều tuyến nhân vật, tác phẩm cũng chẳng có nhiều thời lượng để phát triển hết toàn bộ các mối quan hệ.

Như câu chuyện tình yêu giữa Baek-ha (Kim Seol-hyun) và Pa-so (Uhm Tae-goo) xuất hiện đầy mờ nhạt. Và diễn xuất của thành viên nhóm nhạc AOA cũng là quá nhạt nhòa với biểu cảm đơ cứng trong nhiều phân cảnh đòi hỏi sức nặng nội tâm.

Không những thế, tác phẩm của đạo diễn Kim Kwang-sik còn gây khó chịu bởi tính cách nhân vật thiếu nhất quán xuyên suốt. Ban đầu, Yang Man-chun được miêu tả là vị tướng mạnh mẽ và quyết đoán trong chiến trận.

Song, ông thường xuyên… "đứng hình" khi chứng kiến những cuộc tấn công như vũ bão của kẻ thù, và chỉ thức tỉnh nhờ tiếng kêu của đồng đội. Sự xuất hiện của người yêu cũ Shi-mi (Jung Eun-chae) cũng chẳng đóng vai trò gì lớn lao trong cả trận chiến lẫn việc phát triển tính cách của vị thành chủ.

Cốt truyện của The Great Battle còn không ít khúc mắc khiến cảm xúc người xem chưa thể trọn vẹn.

Tuy là một nhân vật chính, nhưng vai trò của Sa-mul (Nam Joo-hyuk) trong The Great Battle vẫn là dấu hỏi lớn. Anh chàng được tể tướng Yeon Gaesomun phái tới Ansi để ám sát Yang Man-chun vì tội phản nghịch. Tay gián điệp đôi lúc bày tỏ sự ngưỡng mộ, nhưng rốt cuộc vẫn nung nấu ý định giết vị thành chủ một cách khó hiểu.

Nực cười hơn là dù đã đoán biết được thân phận của Sa-mul ngay từ đầu, Yang Man-chun vẫn hết lòng bảo vệ và giữ gã bên mình, bất chấp việc tính mạng của bản thân và hàng nghìn người dân ở Ansi có thể bị ảnh hưởng và liên lụy.

Tuyến phản diện Lý Thế Dân với diễn xuất của Park Sung-woong thiếu hoàn toàn bá khí của một trong những vị vua vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc. Việc nam diễn viên người Hàn cố gắng nói tiếng Trung cũng khiến những câu thoại của nhân vật trở nên kém tự nhiên.

Nhìn chung, tuy thể hiện thành công sự hoành tráng của cuộc chiến ngoài đời thực, nhưng The Great Battle;khó lòng chạm đến trái tim khán giả như nhiều bom tấn khác của điện ảnh Hàn Quốc.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Đại chiến thành Ansi.

Theo Zing

Chủ đề khác