VnReview
Hà Nội

Tình dục trước lằn ranh nghệ thuật của những đạo diễn quái kiệt

Tình dục là một phần rất quan trọng trong bản năng của con người, các nhà làm phim tài năng và quái kiệt khó có thể bỏ qua đề tài này khi sáng tạo.

Tình dục từng là chủ đề cấm kỵ trong điện ảnh. Nhưng theo;Taste of Cinema, cuộc cách mạng trong điện ảnh vào thế kỷ qua, và đặc biệt thập niên 1960, đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của tình dục trong điện ảnh và thái độ của người xem.

Những gì xảy ra trong các căn phòng tối đang được trình chiếu, nghiên cứu, khám phá và được sử dụng để phát biểu những thông điệp cá nhân cũng như xã hội.

Trên những màn ảnh lớn, chúng quyến rũ, mê hoặc người xem, hoặc kích động, thách thức, làm họ ghê tởm. Những nhà làm phim đứng đằng sau chúng trở nên vĩ đại hoặc gây tranh cãi. Một số làm nên kiệt tác. Một số mạo hiểm giữa lằn ranh khiêu dâm và nghệ thuật.

Cùng điểm qua một số nhà làm phim có nỗi ám ảnh lớn về tình dục và đã cống hiến cho điện ảnh những kiệt tác.

Pier Paolo Pasolini (phim nổi tiếng nhất là Saló, or 120 days at Sodom)

Thực ra Pasolini mới là người xứng đáng đứng đầu danh sách này. Nhà thơ, nhà tiểu luận, họa sĩ, triết gia, nhà làm phim và là trí tuệ bị nguyền rủa của nước Ý thế kỷ 20. Pier Paolo Pasolini là người đồng tính. Ông công khai điều đó.

Tình dục hấp dẫn Pasolini. Thông qua tình dục, ông định nghĩa xã hội. Hàng triệu từ đã được các nhà phê bình lẫn khán giả viết ra để nói về bộ phim nổi tiếng nhất của ông Saló, or 120 days at Sodom (1975).

Phim kể về 4 kẻ giàu có, phóng đãng ở Cộng hòa Xã hội Ý hay còn gọi là Cộng hòa Salò, chính quyền bù nhìn của Đức Quốc xã trong thế chiến 2. Chúng bắt cóc 18 thiếu niên trẻ tuổi, vô tội và tra tấn họ trong suốt 4 tháng về cả bạo lực, giết hại, bạo dâm, tra tấn tình dục và tinh thần.

Pier Paolo Pasolini có thể xếp số 1 về dòng phim này.

Bộ phim khiến khán giả kinh sợ, nhưng cũng tố cáo sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít. Ngoài ra, tình dục có mặt trong hầu hết tác phẩm của Pasolini như The Canterbury Tales, The Decameron hay Arabian Night (A Thousand and One Nights).

 Trong bộ phim tài liệu Love Meetings (1964), Pasolini từng đi khắp Italy, từ Bắc đến Nam, xuống đường với micro trong tay, hỏi đủ loại người về thái độ của họ với tình dục.

Tính tiên phong và cách mạng của Pasolini là ông đưa chủ đề tình dục ra ánh sáng, nói về chúng với những con người bằng xương bằng thịt chứ không phải những ngôi sao màn bạc.

Nagisa Oshima (In the Realm of the Senses)

Là sinh viên luật xuất sắc, nhà làm phim người Nhật Nagisa Oshima truyền tải hết những băn khoăn xã hội và chính trị của ông vào điện ảnh. Phim của Oshima là bức tranh về sự biến động, vỡ mộng và phản bội của một xã hội Nhật thời hậu chiến, khi con người phải vật lộn với những hậu quả nặng nề của cuộc chiến.

Bạo lực và tình dục là những ngôn ngữ thông dụng trong thế giới đó của Oshima, vì ông thất vọng và cay đắng hướng máy quay của mình về phía những kẻ tội phạm, đi theo con đường của họ và tình dục hiện diện đầy tà ác trong đó.

Nagisa Oshima của In the Realm of the Senses.

Oshima lừng danh ở phương Tây với tác phẩm In the Realm of the Senses, (Vương quốc nhục cảm), một bộ phim có thể khiến khán giả nôn ngay tại rạp và đã bước vào địa hạt của khiêu dâm, nhưng cũng hòa cùng dòng chảy cách mạng tình dục trong điện ảnh châu Âu hậu 1968.

Phim kể về một gái điếm giải nghệ làm người hầu kiêm bạn tình của một quý ông giàu có. Niềm đam mê tình dục khiến cả hai bỏ quên cuộc sống ngoài kia và nhốt mình trong "vương quốc" riêng của nhục cảm. Bộ phim khiến công chúng và giới phê bình sốc, kinh ngạc đồng thời bàng hoàng.

Bị kinh tởm hoặc được tôn thờ, chính là bộ phim này.

Bernardo Bertolucci (Last Tango in Paris)

Phim của đạo diễn Last Tango in Paris đậm đặc chất khiêu dâm. Sự khêu gợi thoát ra từ lỗ chân lông trên các thân hình lõa lồ trong phim của ông.

Bertolucci mô tả phụ nữ như những sinh vật gợi cảm, đáng khao khát, luôn dày vò tâm trí và cơ thể của đàn ông.

Anna Quadri trong The Conformist và Ada Fiastri Paulhan trong 1900 là 2 vai diễn do cùng một người đóng, nữ diễn viên Pháp Dominique Sanda.

Bernardo Bertolucci, vị đạo diễn vừa qua đời hôm 26/11.

Tuy nhiên, bộ phim đẩy Bertolucci vào lằn ranh khiêu dâm - nghệ thuật phải kể đến Last Tango in Paris. Marlon Brando vào vai một người đàn ông trung niên đang cố gắng hồi phục sau cái chết của vợ, bằng cách lao vào một mối quan hệ ám ảnh với một phụ nữ trẻ, người mà ông lợi dụng cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Ở cảnh cưỡng hiếp gây tranh cãi nhất phim, Bertolucci đã đi theo trường phái tự nhiên, cho Brando cưỡng hiếp nữ diễn viên Maria Schneider gần như thật. Đến nay, bộ phim vẫn được coi là biểu tượng giải phóng tình dục, đặt trong bối cảnh chính trị tháng 5/1968.

The Dreamers, cũng lấy bối cảnh tháng 5/1968. Một nam sinh viên Mỹ học tại Pháp được mời đến thăm một căn nhà, nơi có một cặp anh trai - em gái sống với nhau và loạn luân với nhau. Song song với cuộc diễu hành chính trị trên đường phố là cuộc sống đầy hoan lạc của cả 3 đằng sau cánh cửa đóng kín của căn nhà.

Dusan Makavejev (Sweet Movie)

Dusan Makavejev, một trong những đạo diễn khiêu khích và gây tranh cãi nhất thế kỷ 20, bắt đầu sự nghiệp ở Nam Tư. Những phim đầu tiên của ông về các chuyện tình thành công và được đánh giá cao ở nhiều liên hoan phim (LHP). Sau đó, ông tiếp tục dấn sâu vào chủ đề tính dục.

Dusan Makavejev tạo nên một Sweet Movie không ngọt ngào chút nào.

Phim Organism's Mysteries (Bí ẩn về sinh vật) khám phá học thuyết của nhà phân tâm học Wilhelm Reich và liên hệ nó với sự đàn áp tình dục trong xã hội Nam Tư.

Bộ phim tiếp theo của ông, Sweet Movie, còn khiêu khích hơn. Phim kể về 2 phụ nữ đặc biệt. Một người là hoa hậu Canada, chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp và được phần thưởng là cưới tỷ phú. Còn một người là Anna Planeta, thuyền trưởng của một con tàu đầy kẹo.

Phim này có những cảnh sex hiếm gặp trong nền điện ảnh thế giới: đôi nam nữ làm tình trên cả tấn đường, rồi người nữ đánh chết người nam và máu anh ta chảy xuống làm đám đường trở nên bết dính...

Bộ phim bị xếp loại khiêu dâm và bị cấm chiếu ở một số quốc gia. 

Lars von Trier (bộ ba Depression Trilogy)

Tình dục trong phim của Lars von Trier thường rất đau đớn. Một hỗn hợp của sự hối hận, không thỏa mãn, dâm dục và tăm tối. Vị đạo diễn quái kiệt này nhìn vào tình dục qua con mắt của nữ giới. Nhân vật nữ trong phim ông là những sinh vật bị dày vò, tìm kiếm sự thỏa mãn qua tình dục nhưng không hề có sự bình yên trong tâm hồn.

Bess trong Breaking the Waves là một cô gái dễ thương nhưng có đầy lo âu, nghĩ rằng việc bản thân mình bị hành hạ tàn bạo bởi những người đàn ông khác sẽ giúp chồng mình hồi phục, nhưng điều này chỉ dần dẫn cô đến cái chết. Grace trong Dogville phải dùng thân xác mình để đền trả sự hiếu khách của một ngôi làng xa lạ.

Lars von Trier vẫn khiến giới điện ảnh dậy sóng đến tận gần đây.

Trong bộ ba phim Trầm cảm (Depression Trilogy) bao gồm Antichrist, Melancholia và Nymphomaniac, tình dục được von Triers gắn với sự ốm yếu về thể chất để lại nhiều ám ảnh.

Russ Meyer (Faster Pussycat, Kill, Kill)

Meyer bắt đầu sự nghiệp là một nhiếp ảnh gia kiêm chuyên gia thẩm mỹ của Playboy. Điều này dẫn dắt ông đến với sự nghiệp đạo diễn điện ảnh và trở thành "vua của những bộ phim khai phá về tình dục" thập niên 1960. Phim ông đầy giễu nhại với những người đẹp có bộ ngực khổng lồ, vô số cảnh làm tình mang dấu ấn của một nhà làm phim theo phong cách tác giả.

Vị trí của Meyer chỉ là "ở rìa Hollywood". Ông tự làm mọi thứ từ biên kịch, đạo diễn, dựng phim. Các phim của ông có kinh phí chỉ 24.000 USD nhưng thu về hơn 1 triệu USD. Và ông vẫn tiếp tục vừa làm phim vừa hốt bạc.

"Cựu nhiếp ảnh gia Playboy" Russ Meyer giễu cợt đạo đức của dân Mỹ.

Chủ đề chính của Meyer là tình dục. Trong mọi bộ phim của ông, các nhân vật đều làm tình như thể đó là điều cuối cùng và duy nhất họ có thể làm trong đời. Lối hoạt động tình dục điên cuồng này sẽ không được đánh giá cao bởi nhà phê bình Roger Eberts, một fan của Meyer, nếu như chúng không bao hàm cả sự giễu nhại, hài hước và châm biếm đạo đức của người Mỹ.

Phim của Meyer được sùng bái khi làn sóng giải phóng rung chuyển nước Mỹ vào thập niên 1960. Faster Pussycat, Kill, Kill, người ta rất dễ nhầm đây là một phim của Quentin Tarantino, nhưng nó được làm 30 năm trước khi Taratino xuất hiện.

Trailer phim ‘Last Tango in Paris' Bộ phim gây tranh cãi trong lịch sử điện ảnh, do Bernardo Bertolucci đạo diễn, Marlon Brando và Maria Schneider đóng vai chính.

Theo Zing

Chủ đề khác