VnReview
Hà Nội

'First Man' và những bộ phim gây tranh cãi nhất năm 2018

Năm 2018, khán giả được chứng kiến nhiều bộ phim tiểu sử, chính trị về các sự kiện lịch sử nổi tiếng. Tuy nhiên, không ít trong số đó gây tranh cãi thậm chí bị chỉ trích dữ dội.

First Man;- Thiếu cảnh cắm lá cờ Mỹ trên Mặt trăng: Bộ phim của đạo diễn Damien Chazelle và nam diễn viên Ryan Gosling (bộ đôi của La La Land) gây tranh cãi dữ dội khi bỏ cảnh Neil Armstrong cắm cờ Mỹ lên Mặt trăng. Nam chính Gosling cũng bị chỉ trích khi giải thích rằng: "Tôi nghĩ Neil là người rất khiêm tốn, cũng như các phi hành gia khác, vì nhiều lần ông tỏ ý không muốn hướng sự chú ý về bản thân mình mà muốn 400.000 con người giúp nhiệm vụ đó thành công cũng được ghi nhận". Số đông vẫn giữ quan điểm bộ phim tiểu sử nên trung thành với các sự kiện lịch sử có thật. Thế nên, bộ phim tuy khắc hoạ tốt cuộc đời của Neil Armstrong nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của những người muốn nhấn mạnh công trạng của nước Mỹ trong việc chinh phục không gian.

The Death of Stalin - Bộ phim bị cấm chiếu ở Nga và hứng chịu chỉ trích dữ dội: Tờ The Guardian khẳng định việc người châu Âu làm phim về Stalin chắc chắn không được người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ vì những tính chất nhạy cảm trong chính trị. Bộ phim là một tác phẩm châm biếm của đạo diễn Armando Iannucci (Veep) lấy bối cảnh năm 1953 sau khi Joseph Stalin qua đời. Đại diện phát ngôn của chính quyền Nga cho biết The Death of Stalin là một "hành động không thân thiện của tầng lớp trí thức Anh" và là một phần của "cuộc chiến thông tin chống lại Nga". 

Christopher Robin - Phiên bản live-action u ám nhất của Disney: Đây được xem là một trong những phim remake buồn và u tối nhất của Disney nhưng cũng mang đến sự tiến bộ trong sự nghiệp làm phim của hãng. Nhà sản xuất của Disney còn dẫn dắt khán giả đi xa hơn khi không cần cố gắng gắn liền với bản gốc, mà đem đến sự mới mẻ. Bộ phim không chỉ dành cho con nít hay những "đứa trẻ đã lớn" mà còn đem lại bài học ý nghĩa cho thế hệ người trưởng thành. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến nhiều khán giả tỏ ý không hài lòng khi bộ phim cố tình lồng ghép quá nhiều tầng lớp ý nghĩa, gây khó hiểu cho trẻ em hay các khán giả đơn thuần tìm về lại tuổi thơ với chú gấu Pooh thân thuộc. 

Hunter Killer - Khoa trương lực lượng Mỹ, hạ thấp quân đội Nga: Thực tế đây chỉ là tác phẩm hành động hạng B khi tỏ ra vô cùng rập khuôn trong việc khắc họa hình ảnh binh lính Mỹ và Nga trên màn ảnh. Phim nói về những người lính Mỹ phải mạo hiểm tính mạng để cứu tổng thống phe đối địch - Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ Thế chiến III. Giống như nhiều tác phẩm Hollywood khác, bộ phim biến người Nga thành những tay phản diện hời hợt, phản trắc. Còn người Mỹ tiếp tục đại diện cho chính nghĩa với nhiệm vụ giải cứu thế giới, dù phải xâm nhập trái phép vào lãnh hải nước khác. Trong khi quân đội Mỹ được trang bị vũ khí tối tân tới tận chân răng, thì căn cứ hải quân đối thủ lại đơn sơ như chốn không người. Chính điều này khiến bộ phim vất vả lắm mới được phát hành tại Nga nhưng chỉ kéo dài được hơn 1 tuần. 

Bohemian Rhapsody - Tô hồng cuộc đời của Freddie Mercury: Đạo diễn chính của tác phẩm là Bryan Singer bị hãng 20th Century Fox sa thải khi bộ phim mới quay được 2/3 vì những rắc rối trong đời tư và trong quan hệ với chính các diễn viên trong phim. Không chỉ vậy, bộ phim còn bị nhiều khán giả quay lưng bởi phim đã bị thay đổi nhiều chi tiết để tăng thêm độ kịch tính hoặc đơn giản hóa một số sự kiện. Chính sự chăm chút, giữ gìn hình ảnh tốt cho Freddie Mercury quá đà đã khiến Bohemian Rhapsody không thực sự là một bộ phim tiểu sử xuất sắc và chính xác. Hầu hết chi tiết được giới thiệu trên phim về cuộc đời Freddie Mercury đều là những gì công chúng đã biết đến qua sách báo, qua các bộ phim tài liệu về Mercury và nhóm Queen.

The Predator - Nam diễn viên phạm tội ấu dâm: Một cảnh quay có sự xuất hiện của nam diễn viên Steve Striegel trong phim đã bị cắt bỏ kèm theo lời xin lỗi chính thức từ đạo diễn Shane Black. Đây được xem là động thái cứng rắn của Fox trong vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2010, nam diễn viên này đã nhận tội có dính líu đến vụ ấu dâm một bé gái 14 tuổi. Sau đó anh đã phải lĩnh 6 án tháng tù. Điều khiến công chúng tức giận hơn là việc đạo diễn Shane Black chọn người bạn thân thiết Steven Wilder Striegel vào một vai trong phim dù biết Striegel từng có tiền án ấu dâm. Trước đó, Black đã gây tranh cãi khi tuyên bố: "Tôi chọn giúp đỡ bạn mình mặc dù có thể những người khác có thể không đồng ý".

Blackkklansman - Châm biếm chính quyền Donald Trump: Đoạt giải thưởng lớn tại LHP Cannes hồi tháng 5 và giành 4 đề cử Quả cầu vàng, BlacKkKlansman xứng đáng là một trong những bộ phim hay nhất của năm 2018. Tuy nhiên, bộ phim lại gây ra rất nhiều tranh cãi khi giễu nhại, châm biếm chính trị và khơi lại đề tài phân biệt chủng tộc cực đoan của đảng "3K" để đề cập đến những vấn đề tồn tại dai dẳng trong xã hội Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Phim đề cập đến những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ hiện đại, từ bạo lực, sự phân biệt chủng tộc đến sự căm hận, tân phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người da trắng... với một cái nhìn mạnh mẽ, không khoan nhượng và đầy tính giễu nhại dí dỏm.

Greenbook - Phim đả kích sâu cay nạn phân biệt chủng tộc: Được khởi chiếu và trao giải thưởng "Phim được khán giả yêu thích nhất" danh giá tại Liên hoan Phim Toronto 2018 vừa qua, bộ phim hài tâm lý dựa trên câu chuyện có thật, kể lại cuộc hành trình và tình bạn lạ thường của một tài xế da trắng và nhạc công da màu. Bộ phim dù khai thác sâu vào khía cạnh nhân văn, định kiến xã hội và nạn phân biệt chủng tộc thời đó nhưng vẫn không thiếu những tiếng cười chua xót. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng bộ phim đã miêu tả sự phân biệt chủng tộc, định kiến xã hội chưa thật sự chính xác trong bối cảnh lịch sử năm 1960.

Annihilation - Tranh cãi "tẩy trắng da": Bên cạnh sự cố ồn ào lúc phát hành khi ban đầu bộ phim dự kiến ra rạp thì cuối cùng lại chỉ được chiếu trên Netflix, phim còn gây tranh cãi khi vướng phải nghi án tẩy trắng - hiện trạng đang bị tẩy chay kịch liệt tại Hollywood. Người hâm mộ bộ ba cuốn sách gốc của Jeff VanderMe chỉ trích về vai nữ chính nhà sinh vật học Lena là người gốc Á trong tiểu thuyết, nhưng trên phim lại do nữ diễn viên người Mỹ Natalie Portman thủ vai. Tương tự như vậy, nhà tâm lý học Ventress là người Mỹ lai nhưng lại được đóng bởi nữ diễn viên da trắng Jennifer Jason Leigh. Đạo diễn Alex Garland phủ nhận rằng anh không biết những chi tiết đó trước khi chọn diễn viên.

Slender Man - Phim tận dụng với vụ giết người thương tâm: Bộ phim kinh dị bị chỉ trích dữ dội khi tận dụng một vụ án giết người có thật để chuyển thể thành phim. Phim nói về hai cô bé 12 tuổi đã đâm chết một bạn cùng lớp để gây ấn tượng với Slender Man, nhân vật phản diện hư cấu nổi tiếng trên mạng vào năm 2014. Sự kiện này đã gây chấn động nước Mỹ về sự ảnh hưởng to lớn của mạng xã hội với trẻ em. Bộ phim đã cố gắng kể câu chuyện né tránh câu chuyện có thật, nhưng thực tế đây vẫn là một sự xúc phạm đối với gia đình nạn nhân. Nhiều người cho rằng nhà sản xuất đã "giẫm đạp" lên nỗi đau của các gia đình những đứa trẻ này mà họ đã phải gánh chịu nhiều năm qua.

Theo Zing

Chủ đề khác