VnReview
Hà Nội

‘Bird Box’ - khi mạng xã hội trở thành quái vật sát nhân

"Bird Box", bộ phim kinh dị đang gây bão trên Netflix, khiến rất nhiều khán giả thắc mắc và đặt câu hỏi: "Loài quái vật khủng khiếp trong phim là gì?".

* Bài có tiết lộ nội dung phim

Theo Netflix, có tới 45 triệu tài khoản đã xem;Bird Box trong vòng 7 ngày đầu tiên sau khi phim ra mắt. Đây là một kỷ lục của Netflix. Trên Rotten Tomatoes, phim đạt điểm số 65%. Giới phê bình đánh giá Bird Box dù không thật sự xuất sắc, nhưng vẫn đáng xem nhờ tạo ra bầu không khí ám ảnh và diễn xuất ấn tượng của minh tinh Sandra Bullock.

Xem Bird Box, không ít khán giả thắc mắc, thậm chí bực bội vì phim không giải thích rõ loài quái vật bí hiểm reo rắc cái chết khắp thế giới là gì. Chỉ biết rằng bất cứ ai nhìn thấy chúng sẽ lập tức tự sát. Để sống sót, Malorie và những người khác phải bịt mặt khi di chuyển ở không gian bên ngoài.

Bird Box đang gây bão trên Netflix.

Trên Gizmodo, nhà phê bình Matt Novak đưa ra một suy luận thú vị. Đó là những con quái vật trong Bird Box thực chất chính là những mạng xã hội như Facebook, Twitter hay YouTube, nay nói đúng hơn là ảnh hưởng độc hại của mạng xã hội đối với người dùng.

Từ bức tranh về sự cô đơn

Trên thực tế, những phim quái vật kinh điển của điện ảnh Mỹ thời thập niên 1950-1960 như The Thing From Another World (1951), Invasion of the Body Snatcher (1956), The Blob (1958), The Day of the Triffids (1962) và Them (1954) đều thể hiện nỗi sợ hãi của người Mỹ về nguy cơ chủ nghĩa cộng sản xâm nhập nước Mỹ.

Tương tự như vậy, theo nhà phê bình Matt Novak, loài quái vật trong Bird Box chỉ là biểu hiện cho nỗi sợ hãi những ảnh hưởng khôn lường của mạng xã hội. Bird Box chỉ ra rằng nghiện mạng xã hội là một hình thức tự sát, và chúng ta đang từ từ tự giết bản thân.

Lý do nào khiến nhà phê bình Matt Novak đưa ra kết luận gây tranh cãi như vậy? Ở phần đầu phim, Jessica - chị của Malorie - bình luận về một bức tranh mà cô vừa hoàn thành, vẽ theo phong cách bức Bữa tối cuối cùng của Leonardo Da Vinci.

"Chị thấy cả đám người ngồi cạnh nhau nhưng tất cả đều trông thật cô đơn", Jessica nói. "Sự cô đơn chỉ là hiện tượng bề mặt mà thôi. Bức tranh thực tế phản ánh việc con người không thể kết nối được với nhau", Malorie trả lời.

Bức tranh của Malorie vẽ nhiều người ngồi cạnh nhau, có vẻ như đều đang nhìn vào điện thoại di động.

Hoàn toàn có thể nhận định rằng những người trong bức tranh đều đang nhìn vào điện thoại di động.

Tiếp theo, truyền hình thông báo tình trạng tự sát hàng loạt bùng lên tại Nga. Tivi còn chiếu đồ họa mũi tên từ Nga hướng tới Mỹ. Xem cảnh này, không thể không liên tưởng đến chuyện tình báo Mỹ khẳng định tình báo Nga mở chiến dịch tin giả trên mạng xã hội để tác động đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Sau đó, một người dẫn chương trình truyền hình cảnh báo: "Đừng đi ra ngoài đường, hãy tránh xa mạng xã hội". Thông điệp của bộ phim là rất rõ ràng: thứ đáng sợ chính là mạng xã hội.

Đến những "Internet troll"

Một khoảng thời gian ngắn sau, bộ phim thể hiện rõ sự nguy hiểm của mạng xã hội và máy vi tính. Nhân vật Greg nảy ra ý tưởng quan sát loài quái vật bí hiểm qua video an ninh xung quanh nhà. Greg giải thích đó có thể là cách thấy rõ chúng mà không gặp nguy hiểm, bởi tất cả những gì hiện trên màn hình vi tính chỉ là "pixel và nhiệt".

Nhưng Greg cũng rơi vào trạng thái kinh hoàng và tự sát thành công dù đã bị trói chặt trên ghế. Những người sống sót chạy ào vào phòng, cố cứu Greg nhưng bất lực. Douglas giận dữ giẫm nát chiếc màn hình vi tính. Đó cũng là hình ảnh biểu tượng, chỉ cho khán giả thấy mối nguy hiểm trong Bird Box chính là những thứ có thể xem trên máy vi tính.

Trong Bird Box, có những kẻ đã nhìn thấy quái vật nhưng không tự sát mà đi săn lùng những người sống sót, bắt họ phải nhìn chúng. Nhà phê bình Matt Novak cho rằng đó chính là "Internet troll" (những kẻ hay đăng thông điệp gây tranh cãi trên mạng xã hội hoặc diễn đàn với mục đích gài bẫy người dùng, khiến họ bị kích động và phản ứng lại).

Bird Box là thành công mới của Sandra Bullock. 

Chưa hết, những con quái vật trong Bird Box có khả năng tái hiện hình ảnh và giọng nói của những người thân quen với nạn nhân của chúng. Vợ của Douglas nghĩ rằng cô nhìn thấy người mẹ đã qua đời 10 năm trước, còn Malorie nghe thấy giọng nói của Tom dù anh đã qua đời.

Có thể nói mạng xã hội cũng đánh lừa người dùng như vậy. Facebook nói rằng nó tạo ra sự kết nối. Nhưng sự kết nối giữa con người với con người trên Facebook chỉ là kết nối ảo, không có giao tiếp thực tế.

Rất có thể nhà phê bình Matt Novak đã nhận định sai và những con quái vật trong Bird Box có ý nghĩa hoàn toàn khác. Nhưng những gì ông phân tích đáng để suy nghĩ, giống như bức tranh của Malorie trong phim.

Bởi chúng ta vẫn thường tìm kiếm sự kết nối trên mạng xã hội mà không ý thức được rằng sự kết nối đó chỉ là ảo. Và sự kết nối đó chỉ khiến chúng ta thêm cô đơn. "Sự cô đơn chỉ là hiện tượng bề mặt. Vấn đề là con người không kết nối được với nhau".

Theo Zing

Chủ đề khác