VnReview
Hà Nội

‘Glass - Bộ ba quái nhân’: Thú vị, nhưng để lại nhiều tiếc nuối

Với phần hậu truyện dành cho "Unbreakable" và "Split", đạo diễn M. Night Shyamalan cố gắng mang đến góc nhìn đầy bất ngờ và ám ảnh của dòng phim siêu anh hùng quen thuộc.

Trailer bộ phim ‘Glass – Bộ ba quái nhân' Phần hậu truyện dành cho cả "Unbreakable" (2000) và "Split" (2017).

Sau những sự kiện ở bộ phim Split (2017), gã thanh niên Kevin Wendell Crumb (James McAvoy) mang trong mình 23 nhân cách nay đã đánh thức thành công nhân cách thứ 24 hết sức đáng sợ mang tên "Quái thú".

Tin rằng mình là cá thể tiến hóa vượt xa nhân loại, "Quái thú" cùng 23 nhân cách còn lại tiếp tục kế hoạch bắt cóc các nữ sinh, nhằm tìm ra những "kẻ vụn vỡ" giống như mình. Chính vì hành vi tàn nhẫn của bản thân, Kevin lọt vào tầm ngắm của "siêu anh hùng" David Dunn (Bruce Willis).

David vốn là nạn nhân duy nhất còn sống sót sau vụ tàu hỏa bị đánh bom từ 19 năm trước do tên khủng bố Elijah Price (Samuel L. Jackson) dàn dựng. Cũng như Kevin, siêu năng lực của ông đến từ niềm tin, khi ông tin rằng mình sở hữu sức mạnh thể chất ưu việt, cùng khả năng "cảm thấy" tội ác của kẻ khác.

Nhưng cuộc chạm trán giữa David và Kevin rốt cuộc lại dẫn tới việc cả hai đều bị tống vào viện tâm thần Raven Hill. Đây cũng chính là nơi đang giam giữ Elijah, và khi ba "quái nhân" cùng tụ về một nơi, cả thế giới sẽ sớm trở nên rúng động.

Khi siêu anh hùng là… chứng bệnh tâm lý

Đầu năm 2017, tín đồ điện ảnh vô cùng bất ngờ khi thấy David Dunn - nhân vật chính của bộ phim Unbreakable (2000) - xuất hiện ở đoạn kết của Split.

Đây thực chất là ý đồ của đạo diễn M. Night Shyamalan nhằm giới thiệu cho công chúng dự án phim siêu anh hùng của riêng anh. Theo đó, Glass ra mắt trong năm nay đóng vai trò là đoạn kết cho toàn bộ vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng do Shyamalan sáng tạo.

Khác với các nhân vật người hùng bước ra từ truyện tranh quen thuộc như Iron Man hay Captain America, ba quái nhân xuất hiện trong Glass sở hữu sức mạnh thông qua đức tin của chính họ, chứ không phải nhờ vào huyết thanh siêu cường hay khoa học tân tiến.

M. Night Shyamalan cố gắng khai thác một góc độ khác của dòng phim siêu anh hùng.

Từ đây, dưới góc nhìn của Shyamalan, các siêu anh hùng hay siêu ác nhân vốn còn là những "bệnh nhân" mắc chứng tự kỷ ám thị, dẫn đến việc họ không còn phân biệt được đâu là đời thực, đâu là hư ảo.

Chủ đề càng được nhấn mạnh với sự xuất hiện của nhân vật chuyên viên tâm lý Ellie Staple (Sarah Paulson). Song song với những màn phô diễn quyền năng của cả David, Kevin và Elijah là sự điềm tĩnh của Ellie.

Cô sử dụng kiến thức và lập luận khoa học để lý giải cho "siêu năng lực" tưởng chừng siêu nhiên của cả ba cá nhân. Người xem bị đưa vào hàng loạt mâu thuẫn và hoài nghi, rồi tự hỏi rằng liệu bộ ba nhân vật chính là những cá nhân kiệt xuất, hay đơn thuần chỉ là lũ điên diễn quá tròn vai.

Có nhiều chi tiết trong;Glass khiến độc giả truyện tranh dễ liên tưởng tới những đầu truyện nổi tiếng.

Cách khai thác khía cạnh này của thể loại siêu anh hùng dễ khiến fan truyện tranh liên tưởng đến tập truyện nổi tiếng về Batman mang tên A Killing Joke. Trong đó, gã hề xiếc Joker đưa ra giả thuyết rằng Người Dơi cũng điên rồ ngang ngửa mình, và lựa chọn trở thành siêu anh hùng chỉ là sự cụ thể hóa chứng bệnh tâm lý ấy.

Sự tương đồng giữa đầu truyện và Glass còn đến từ mối quan hệ thù địch giữa David Dunn và Elijah Price. Trong khi người hùng David luôn trầm lặng và thích giấu mình trong bóng đêm như Người Dơi, thì kẻ ác Elijah lại sở hữu bộ óc quỷ quyệt cùng bộ phục trang màu tím giống như Joker.

Những nét đặc trưng của đạo diễn M. Night Shyamalan

Vốn là đạo diễn chuyên trị dòng phim giật gân - kinh dị, nhà làm phim gốc Ấn không quên gửi gắm vào đứa con tinh thần mới những yếu tố điện ảnh đặc trưng đã làm nên tên tuổi của anh.

Đó có thể là những bản nhạc nền rùng rợn, với âm thanh sắc lẹm và chói tai. Đôi lúc, Shyamalan lại thử thách "thần kinh thép" của người xem qua những câu thoại đầy ẩn ý, buộc khán giả phải tưởng tượng về những điều khủng khiếp mà nhân vật đã làm.

Bản thân gương mặt của Sarah Paulson nhiều lúc khiến người xem cảm thấy bất an.

Nhưng thực chất, yếu tố rùng rợn đáng sợ nhất lại đến từ tuyến nhân vật của Ellie Staple. Qua lối diễn xuất có phần ma mị, khó lường của Sarah Paulson, nhân vật có thể xem là đối trọng xứng tầm của "bộ ba quái nhân".

Ở nhiều phân cảnh, gương mặt của vị chuyên viên tâm lý được chủ đích quay cận, và mang đến cho người xem một cảm giác bất an khó tả. Trước Glass, Sarah Paulson từng tỏ rõ thực lực của cô qua loạt phim truyền hình kinh dị ăn khách American Horror Story.

Còn quá nhiều dở dang và tiếc nuối

Mặc cho cách dẫn truyện độc đáo cùng tuyến nhân vật thú vị, Glass sau khi ra mắt vốn bị giới phê bình quốc tế ghẻ lạnh. Đây thực tế là điều dễ hiểu khi tác phẩm dần bộc lộ nhiều điểm yếu kể từ đoạn giữa phim.

Trước hết, mạch truyện của bộ phim bị kéo dài lê thê không cần thiết. M. Night Shyamalan dành quá nhiều thời gian để "phủ sương" kịch bản, và mang đến nhiều nút thắt khiến người xem phải động não.

Song, nhiều nút thắt được cài cắm lại có cách giải quyết quá sơ sài. Cho đến khi phim kết thúc, người xem vẫn chưa hình dung nổi trí tuệ của Elijah đặc biệt thế nào, hay tìm ra lời giải thích cho sự "bá đạo" của nhân cách "Quái thú".

Mr. Glass có đất diễn thua cả Kevin. Trong khi đó, chàng trai mang trong mình 24 nhân cách không đem tới nhiều sự mới mẻ nếu so với Split (2017).

Phần lớn thời lượng bộ phim là lời thoại giữa các nhân vật, với vô số thuật ngữ và các khái niệm "đao to búa lớn". Tuy nhiên, khi tĩnh tâm lại, khán giả có thể nhận ra rằng chúng không thực sự đóng góp gì nhiều cho mạch truyện chính.

Đồng thời, dù là nhân vật trung tâm của phần phim thứ ba, Elijah - hay chính là Mr. Glass của tựa đề phim - lại bị hạn chế đất diễn so với Kevin của James McAvoy. Trong Split, tài tử Anh quốc đã có dịp thể hiện khả năng diễn xuất khi vào vai hàng loạt nhân cách riêng biệt.

Trong lần trở lại này, chiêu trò cũ được áp dụng, các nhân cách của Kevin ban đầu tiếp tục tạo ra sự thích thú. Tuy nhiên, điều này dường như bị Shyamalan lạm dụng hơi quá và không tạo ra nhiều sự mới mẻ so với tập phim cách đây hai năm.

Khán giả hoặc sẽ rất thích, hoặc sẽ rất ghét Glass.

Glass thực tế là bộ phim đang gây ra nhiều tranh cãi. Phần lớn tín đồ truyện tranh đều đánh giá cao những yếu tố kịch bản quen thuộc trong comic nay được M. Night Shyamalan khéo léo tái hiện trong bộ phim mới của ông.

Tuy nhiên, một bộ phận khán giả khác lại cho rằng đây là tựa phim siêu anh hùng quá kỳ cục khi thiếu các pha hành động đặc trưng, và thay vào đó là nhiều triết lý có phần giáo điều, sáo rỗng.

Có lẽ M. Night Shyamalan đã bỏ qua cơ hội để hoàn thành bộ ba phim để đời cho sự nghiệp của ông. Glass nay khép lại, và nhà làm phim sẽ tiếp tục đi tìm những ý tưởng mới, những cú twist (bước ngoặt) mới, với hy vọng có thể chiều lòng khán giả.

Glass đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Glass - Bộ ba quái nhân.

Theo Zing

Chủ đề khác