VnReview
Hà Nội

Bộ phim "Người Nhện: Xa nhà" mới cho thấy: Sony đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hãng điện tử như thế nào?

Hiện tại ngoài rạp đang công chiếu bộ phim ‘Người Nhện: Xa nhà' được phát hành bởi Sony. Từ thành công của phim, chúng ta có thể thấy cách Sony đặt giải trí thành trung tâm tập đoàn như thế nào.

Là một thương hiệu hái ra tiền, tập mới nhất về Người Nhện chắc chắn là một dự án thành công của Sony. ‘Spider-Man: Far from Home' vừa có màn ra mắt tại Trung Quốc, Hong Kong và Nhật Bản tuần trước, nhanh chóng thu về 111 triệu USD từ ba thị trường chiếu sớm, theo tạp chí Deadline. Tại Nhật Bản, nó chỉ mất ba ngày đã phá kỷ lục 1 tỷ yên (khoảng 9,25 triệu USD). Bản thân siêu anh hùng Người Nhện cũng rất được lòng công chúng xứ mặt trời mọc, hơn hẳn các gương mặt khác trong MCU như Iron Man hay Captain America.

Bộ phim đã kiếm về 111 triệu USD chỉ từ ba thị trường khởi chiếu sớm

Ở Mỹ, phim vừa khởi chiếu hôm thứ Ba vừa qua và nhanh chóng kiếm được 39,2 triệu USD. Đây là thành tích mở màn hôm thứ Ba cao nhất mọi thời đại, nâng tổng doanh thu phòng vé thu về là 150 triệu USD. Với kinh phí sản xuất 160 triệu USD, không khó để nhìn thấy tương lai thành công của dự án. Và nó không chỉ giúp hãng phim trong tập đoàn hốt bạc, mà còn kéo theo cả những đơn vị khác. Trò chơi ‘Marvel's Spider-Man';trên hệ PS4 đã bán được hơn 9 triệu bản toàn cầu. Trò chơi cũng vừa cập nhật trang phục trong phim của Người Nhện để thu hút người hâm mộ. Trong chiều ngược lại, một số cảnh cuối phim cũng gợi nhớ đến chính trò chơi.

Thương hiệu Người Nhện là một "cần câu cơm" hiệu quả nhất của Sony Pictures. Sáu tập phim được phát hành trong giai đoạn 2002 đến 2017 đem về hơn 300 triệu USD cho mỗi phần, dữ liệu từ Box Office Mojo. Chưa kể bộ phim hoạt hình năm ngoái đã đem về tượng vàng Oscar cho hãng, kiếm được 375 triệu USD so với ngân sách sản xuất chỉ 90 triệu USD. Nhân vật Venom nằm trong thương vụ mua lại bản quyền chuyển thể từ hãng Marvel, sau khi lên phim riêng năm ngoái cũng thu về 855 triệu USD toàn cầu. So với kinh phí 100 triệu USD, đây là một chiến thắng vang dội cho Sony và khiến giới phê bình ngạc nhiên.

Sony nổi tiếng với máy nghe nhạc Walkman vừa tròn 40 tuổi

Từng được biết đến với các sản phẩm điện tử hàng đầu như Walkman - vừa bước sang tuổi 40, Sony giờ ngày càng giống một công ty giải trí hơn. Trò chơi, âm nhạc và phim ảnh có tổng doanh thu gộp chiếm chỉ 30% vào năm 2009, bây giờ đã phình ra thành một nửa doanh thu và 2/3 lợi nhuận trong năm tài chính gần nhất. Năm ngoái, hãng thực hiện thương vụ thâu tóm EMI Music Publishing tốn 2,3 tỷ USD, trở thành hãng xuất bản âm nhạc lớn nhất thế giới. Theo CEO Yoshida, họ hướng tới dòng thu nhập ổn định từ kho nhạc bản quyền. Kết quả năm tài chính gần nhất cho thấy, mỗi ngày các dịch vụ như Apple Music, Youtube, Facebook, Spotify,... đem về cho công ty hơn 5 triệu USD phí bản quyền.

Công ty cũng tích cực mở rộng danh mục sở hữu trí tuệ. Nikkei cho biết, Sony Music Japan trong năm ngoái đã mua một lượng lớn cổ phiếu Peanuts Holdings, công ty đứng sau nhân vật Snoopy nổi tiếng. Chi nhánh này độc lập với Sony Music có trụ sở ở New York, thậm chí còn sản xuất cả anime và game di động. Tựa game ‘Fate/Grand Order' của họ  đứng top 3 doanh thu toàn cầu năm 2018. Đến nay, trò chơi đã đạt doanh thu tích lũy hơn 3 tỷ USD, giúp họ kiếm thêm tiền từ các vật phẩm ăn theo.

Công ty vẫn tiếp tục ăn nên làm ra với cảm biến hình ảnh

Tuy nhiên, hãng không vì thế mà bỏ bê các đơn vị điện tử tiêu dùng và bán dẫn. Cảm biến hình ảnh Sony rất thành công. Họ chiếm 51% tổng thị trường cảm biến CMOS theo doanh thu, trong đó với riêng thị trường smartphone là 70% thị phần. Giá bán trung bình cảm biến cao gấp đôi đối thủ Samsung ở vị trí thứ hai. Và cứ mỗi chiếc P30 Pro được sản xuất, Sony kiếm về 42 USD cho cả năm cảm biến sử dụng trên máy. Đây là flagship chủ lực của Huawei, hãng smartphone lớn thứ hai thế giới.

Tại thị trường máy ảnh, Sony thông báo đã vượt qua Nikon để trở thành hãng máy ảnh hoán đổi ống kính lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Canon. Họ cũng là hãng máy ảnh Compact lớn nhất thế giới với 29% thị phần. Cùng với ngành hàng truyền hình hồi sinh sau quyết định đúng đắn đầu tư vào OLED, hiện Sony đang đứng thứ ba về lợi nhuận sau Samsung và LG, bỏ lại quá khứ từng thua lỗ triền miên. Với riêng thị trường TV OLED, hãng đứng thứ hai sau LG trên toàn cầu và đứng đầu tại thị trường Nhật Bản, xét theo thị phần.

‘Marvel's Spider-Man' trên hệ PS4 đã bán được hơn 9 triệu bản toàn cầu

Ngoài ra, Sony vẫn còn tham gia kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nữa, bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, thiết bị y tế, dịch vụ Internet băng thông rộng, giải pháp doanh nghiệp. So với quá khứ vài chục năm trước, Sony đã đi được một chặng đường rất dài.

Ambitious Man

Chủ đề khác