VnReview
Hà Nội

Tại sao các phim làm lại của Disney liên tục đạt tỷ đô dù bị cộng đồng yêu phim chê bai?

Các bản làm lại của các bộ phim hoạt hình Disney cổ điển luôn nhận được những đánh giá đan xen hoặc tiêu cực. Song tại sao chúng cứ liên tục cán mốc doanh thu 1 tỷ USD tại các phòng vé toàn cầu?

disney

Bắt đầu với Alice in Wonderland của Tim Burton vào năm 2010, "Nhà chuột" nhận ra rằng có một bộ phận không nhỏ khán giả hào hứng khi được xem lại những câu chuyện cổ tích kinh điển nhưng dưới một diện mạo mới. Kết quả là, trong nhiều năm trở lại đây, một loạt các tựa phim từ kho tàng của Disney đã được làm lại, bao gồm nhiều tựa phim có tuổi đời từ khá lâu vào những năm 1990. Không phải mọi phim làm lại của Disney đều đạt thành công vang dội (Dumbo là một ví dụ), nhưng đại đa số chúng đều mang lại những khoản doanh thu đáng ngưỡng mộ cho công ty.

Chỉ tính trong năm nay, Aladdin và The Lion King, hai bộ phim làm lại mới nhất, đã lần lượt góp mặt vào câu lạc bộ tỷ đô. Cùng với chúng là Alice in Wonderland và Beauty and the Beast (Jungle Book cũng suýt soát với 966,6 triệu USD). Bên cạnh doanh thu khủng, những bộ phim này có một điểm chung: không được cộng đồng yêu phim đánh giá cao. Trong khi những bộ phim hoạt hình gốc được tôn vinh và xếp vào hàng đỉnh cao của mọi thời đại, thì những bản phim làm lại không thể tái hiện được phép màu tương tư. Nhưng tại sao chúng cứ liên tục cán mốc doanh thu 1 tỷ USD? Hãy cùng xem qua những phân tích của trang chuyên về điện ảnh ScreenRant.

Sức hút lớn trên bình diện quốc tế

disney

Hiển nhiên, phòng vé quốc nội vẫn là một yếu tố rất quan trọng đối với bất kỳ bộ phim nào, nhưng trong thời đại ngày nay, mọi hãng phim đều chú ý hơn nhiều đến thị trường toàn cầu. Những bộ phim gặp khó khăn tại Mỹ, như Pacific Rim, cuối cùng vẫn thu lời lớn nhờ sức hút tại các phòng vé nước ngoài. Để một bộ phim đạt được doanh thu 1 tỷ USD, nó cần phải có sức hấp dẫn lớn đối với khán giả quốc tế. Gần như mọi thành viên trong câu lạc bộ tỷ đô đều thu được lợi nhuận trên trường quốc tế cao hơn so với quốc nội. Những ngoại lệ hiếm hoi bao gồm The Dark Knight, Rogue One: A Star War Story, và Black Panther. Ngay cả bom tấn đang nắm giữ kỷ lục quốc nội là Star War: The Force Awakens, với doanh thu 936,6 triệu USD tại Mỹ, cũng không nằm ngoài xu thế, khi mà doanh thu toàn cầu của phim chiếm đến 54,7% tổng doanh thu.

Tỉ lệ doanh thu quốc tế/quốc nội của các bom tấn Disney tỷ đô còn cao hơn. Tất cả chúng đều thu về hơn 60% tổng doanh thu từ các quốc gia nước ngoài, có nghĩa là doanh thu quốc nội chỉ chưa đến 40%. Mới nhìn qua, đây có vẻ là một thành quả tuyệt vời khi mà nhiều tựa phim kinh điển của Disney đã trở nên phổ biến trước cả khi được đưa ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những bộ phim hoạt hình gốc cũng rất thành công trên trường quốc tế. Cụ thể, Lion King 1994 thu về 545,7 triệu USD ở thị trường nước ngoài; Aladdin 1992 đạt 286,7% ; và Beauty and the Beast 1991 có doanh thu quốc nội và quốc tế gần như ngang ngửa nhau. Disney đã luôn là một thương hiệu toàn cầu, và studio này rõ ràng hiểu rõ điều đó. Khán giả từ mọi quốc gia luôn rất phấn khích muốn xem đi xem lại những bộ phim của họ.

Sức mạnh của sự hoài cổ

disney

Trong nhiều thập kỷ qua, văn hóa đại chúng đã tận dụng sự hoài cổ để lôi kéo một bộ phận khán giả đến với mình. Ngày nay, đến lượt những sản phẩm từ thập niên 1980 và 1990 nhảy vào vòng xoay đó, bởi nhóm khán giả trưởng thành lúc này từng là những đứa trẻ háo hức đến rạp thời đó. Đó là một phần lý do tại sao Stranger Things là một trong những cú hit lớn nhất của Netflix, và mọi cái tên khác từ Star War, Jurassic Park, đến The Terminator, đều đón chào những phần tiếp theo. Những dự án này không chỉ thu hút những khán giả trưởng thành từng một thời lớn lên cùng những thanh gươm ánh sáng và khủng long, chúng còn được thiết kế để trở thành những bom tấn phù hợp với cả 4 nhóm đối tượng (nam-nữ dưới 25, và nam-nữ trên 25), khơi nguồn đam mê của một thế hệ fan mới. Các bậc phụ huynh (từng là những đứa trẻ vào thập niên 1980 và 1990) dẫn con cái họ đến xem phim, góp phần giữ cho những tượng đài ngày xưa tiếp tục trường tồn.

Rất ít những thương hiệu làm được điều đó tốt hơn các bộ phim hoạt hình của Disney. Đại đa số người xem đã từng được một lần tiếp xúc với "Nhà chuột" khi còn bé, từng xem các bộ phim như Aladdin, The Lion King, và Beauty and the Beast. Những bộ phim thông thường sẽ chẳng đạt được con số 1 tỷ USD nếu không đi kèm với những chiến dịch marketing hiệu quả, và những chiến dịch Disney đã thực hiện với các bản phim làm lại thường được tổ chức đặc biệt để đánh vào cảm giác hoài cổ đối với các bộ phim hoạt hình gốc. Các trailer và TV spot tập trung mạnh vào những bối cảnh kinh điển, như đoạn mở đầu đã trở thành biểu tượng của Lion King, hay Aladdin và Jasmine cùng bay trên chiếc thảm ma thuật. Nhiều phim làm lại của Disney còn đi kèm với những bài hát đỉnh cao, được khéo léo chèn vào quá trình marketing, khiến yếu tố hoài cảm tăng lên theo hàm mũ.

Các bản phim làm lại quy tụ nhiều ngôi sao lớn

disney

Gần đây, những bộ phim riêng lẻ với những ngôi sao lớn không còn được ưa chuộng nữa, khi mà những chuỗi phim nhượng quyền và các thương hiệu đã trở thành những ngôi sao lớn tại Hollywood. Bất kỳ ai cũng có thể làm diễn viên chính trong một bộ phim Marvel hoặc Star Wars, và chỉ có rất ít những bộ phim vượt mốc 1 tỷ USD kể về những câu chuyện nguyên bản. Nói vậy không có nghĩa là những ngôi sao hạng A đã hết đất dụng võ – một bộ phim đi kèm với tên tuổi của họ hẳn sẽ giúp ích rất nhiều.

Một trong những lý do tại sao Once Upon a Time in Hollywood trở thành bộ phim có doanh thu tuần mở màn cao nhất từng có của Quentin Tarantino là bởi phim có sự góp mặt của Leonardo DiCaprio, một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của thế hệ anh, người có sức ảnh hưởng lớn đến doanh thu phòng vé kể cả khi góp mặt trong những bộ phim loại R như Wolf of Wall Street. Các phim làm lại của Disney chắc chắn sẽ thu hút được người xem, nhưng ngay cả Disney cũng có thể hưởng lợi từ việc sử dụng một dàn sao như vậy.

Một trong những điểm thu hút nhất của Aladdin là Thần đèn do Will Smith thủ vai. Dù trong quá trình marketing, ngoại hình của nhân vật này bị chế giễu khá nhiều, vẫn có một lượng lớn khán giả hào hứng muốn xem Smith sẽ đảm nhận vai diễn này ra sao, và Thần đèn của anh sẽ khác biệt thế nào với Thần đèn của Robin Williams. Và dù thời kỳ vàng doanh thu phòng vé của Will Smith đã trôi qua từ khá lâu, anh vẫn là một trong những cái tên lớn tại Hollywood, sở hữu một lượng fan lớn. Aladdin đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong sự nghiệp của anh. Tất nhiên, một mình Smith không phải là lý do dẫn đến sự thành công này, nhưng anh vẫn là nhân tố chính.

The Lion King được nhắc đến rất nhiều bởi một dàn sao lồng tiếng hùng hậu, bao gồm Donald Glober, Beyonce, và một vài người khác. Cần nhắc lại là, những bộ phim nói trên vẫn có khả năng thành công mà không cần biết ai đã tham gia, nhưng không thể phủ nhận sức mạnh của những ngôi sao đã mang về cho Disney một khoản tiền lớn góp phần vào con số tỷ đô kia.

Phim làm lại của Disney có "siêu năng lực" kháng-phê-bình

disney

Tất cả những điểm trên về cơ bản khẳng định những bộ phim làm lại của Disney hầu như chẳng sợ gì giới phê bình, có nghĩa là những đánh giá tiêu cực không thể tác động lên sự thành công của chúng tại phòng vé toàn cầu. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ (một lần nữa, xin lỗi Dumbo nhé), nhưng 99,9% khán giả sẽ đến rạp để xem phim mà chẳng quan tâm mấy đến những "lời nói gió bay" trên mạng.

The Lion King là bộ phim làm lại thứ 6 của Disney (trong tổng số 10 phim) bị điểm Rotten (tức…rất tệ) trên Rotten Tomatoes; Alice in Wonderland và Aladdin cũng không khá hơn là bao. Beauty and the Beast may mắn không lọt vào nhóm đó, đạt 71% - một điểm số khá tốt, nhưng vẫn chưa thể đạt điểm "Certified Fresh" (tức rất hay). Không có bộ phim làm lại nào của Disney được giới phê bình đánh giá cao cả.

Nhưng đó không phải là chuyện xưa nay hiếm đối với câu lạc bộ tỷ đô. Nhiều phần phim Transformers cũng đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, và bom tấn Jurassic World: Fallen Kingdom vào mùa hè năm ngoái cũng không chịu thua kém dù không được đánh giá cao. Nhiều bộ phim cần có những đánh giá tích cực, cùng những lời truyền tai thật hấp dẫn để có thể vút bay tại rạp phim; một loạt các ứng viên cho giải Best Picture (phim hay nhất) xuất hiện tại các mùa trao giải, hay một bộ phim với nội dung nguyên bản nào đó muốn gây địa chấn, nằm trong nhóm đó.

Nhưng những bộ phim đã có sẵn một đội quân khán giả sẵn sàng xuất hiện dù trời có sập không phải lúc nào cũng cần những đánh giá 5 sao để thành công. Sẽ rất tốt nếu mọi bom tấn tỷ đô đều được đánh giá cao, nhưng nếu không cũng chẳng sao, vì đó là lợi thế của việc làm phim dựa trên chuỗi nhượng quyền và khả năng nhận diện thương hiệu.

Minh.T.T

Chủ đề khác