VnReview
Hà Nội

Tại sao Ván bài lật ngửa là một tượng đài của điện ảnh Việt Nam?

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, diễn viên đóng vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa vừa qua đời ngày 4/1/2020. Vĩnh biệt ông, người đã có một vai diễn để lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí của khán giả, VnReview.vn xin đăng lại bài viết của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm về bộ phim Ván bài lật ngửa và vai diễn Nguyễn Thành Luân.; 

Ra mắt tập đầu tiên năm 1982, giai đoạn kinh tế Việt Nam vẫn còn rất khó khăn sau chiến tranh và chính sách cấm vận của Mỹ, Ván bài lật ngửa lập tức gây chấn động khán giả đương thời, và đến nay vẫn giữ kỷ lục là bộ phim điện ảnh dài tập nhất, ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam.

Tại sao Ván bài lật ngửa là một tượng đài của điện ảnh Việt Nam?

Đại tá, kỹ sư Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa

 

Với sự dàn dựng công phu, bối cảnh cầu kỳ tái hiện không khí của Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam trong thời Mỹ - Diệm (kéo dài từ năm 1954 - 1963), dàn diễn viên chính - phụ đều gây ấn tượng và cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh trầm tĩnh, chậm rãi mà sang trọng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, bộ phim tạo nên cơn sốt lớn với 8 tập phim nối tiếp nhau (kéo dài từ năm 1982 - 1987) và giảnh Giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ 6 (1983), Bông sen Bạc và Nam diễn viên chính xuất sắc (Nguyễn Chánh Tín) tại LHP Việt Nam lần thứ 7 (1985)...

Bộ phim được chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn - nhà báo nổi tiếng Trần Bạch Đằng và do chính ông (với bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý) chấp bút kịch bản điện ảnh. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (lấy tên Khôi Nguyên cho loạt phim này), với kinh nghiệm của một nhà làm phim được đào tạo tại Mỹ và có nhiều năm làm phim ăn khách của điện ảnh Sài Gòn trước 1975, sáng tạo một lần nữa với kịch bản phân cảnh và sửa đổi khá nhiều chi tiết, thêm nhiều nhân vật phản diện đặc sắc và đổi lại nhan đề là Ván bài lật ngửa.

Tập phim đầu tiên Đứa con nuôi của vị giám mục dẫn dắt người xem vào hành trình tình báo với những cuộc chiến cân não của đại tá Nguyễn Thành Luân khi được cài hoạt động trong lòng địch. Được giới thiệu là một kỹ sư trở về từ bưng biền, Nguyễn Thành Luân dần dần tạo được sự tin cậy khi trở thành đứa con nuôi của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục và sau đó là trợ thủ đắc lực của ông cố vấn Ngô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm, mặc dù vẫn bị Nhu cho gián điệp theo dõi trên từng cây số để vạch chân tướng.

7 tập phim tiếp tục hành trình gian nguy của Nguyễn Thành Luân khi luôn bị đặt vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, kẻ thù từ nhiều phía (điệp viên CIA của Mỹ, điệp viên của Việt Nam Cộng hòa…). Nhưng Nguyễn Thành Luân đều vượt qua tất cả những thử thách nguy hiểm, với sự hỗ trợ của Thùy Dung, người đồng đội, cũng chính là bạn đời thông minh, xinh đẹp của ông.

Tại sao Ván bài lật ngửa là một tượng đài của điện ảnh Việt Nam?

Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi hoạt động trong hàng ngũ của kẻ thù. Ảnh: lib.umb.edu

Vốn là một đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Sài Gòn trước 1975 với nhiều bộ phim ăn khách như Chân trời tím, Con ma nhà họ Hứa, Vết thù trên lưng ngựa hoang... đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã tái hiện bối cảnh và không khí Sài Gòn rất thành công, từ những nơi sang trọng bên trong dinh thự Tổng thống, khách sạn, nhà hàng, cho đến những cảnh quán bar, phòng trà. Trang phục được đầu tư công phu và lối diễn xuất trầm tĩnh, tinh tế của hầu hết diễn viên (đặc biệt là những cảnh đối thoại dày đặc của Nguyễn Thành Luân và Ngô Đình Nhu xuyên suốt các tập phim), tạo ra sức lôi cuốn khó cưỡng của bộ phim tình báo và không khí của Sài Gòn một thời.

Không chỉ Sài Gòn xuất hiện qua mỗi tập phim, bối cảnh của Ván bài lật ngửa được thực hiện rộng khắp, từ Đà Lạt (tập phim Cơn hồng thủy và bản tango số ba), Tây Nguyên (Phát súng trên cao nguyên), xuống Bến Tre (Trời xanh qua kẻ lá), ra Nha Trang, Huế, đến Phnompenh - Campuchia (Cao áp và nước lũ)... Đặc biệt là những trường đoạn hành động gay cấn như đấu súng trên lưng ngựa tại thung lũng tử thần và cuộc giải cứu bằng trực thăng với những màn dàn dựng kỳ công tại Lào trong tập cuối Vòng hoa trước mộ.

Chất hình sự, điệp báo với những màn đấu trí căng thẳng, xen kẽ những màn hành động lôi cuốn, trong đó Chánh Tín thực hiện nhiều cảnh đối đầu cận chiến trên ca nô, đấu súng... Nhiều đại cảnh được dàn dựng công phu và quy tụ nhiều diễn viên quần chúng, như trận Bình Xuyên (tập 2 Quân cờ di động); cảnh nông dân nổi dậy ở Bến Tre (tập 5 Trời xanh qua kẻ lá) hay cảnh ngày lễ Phật Đản trở thành cuộc tắm máu dưới sự đàn áp Phật giáo của Việt Nam Cộng hòa (tập 7 Cao áp và nước lũ)...

Dù bám sát các biến cố lịch sử, song đạo diễn Lê Hoàng Hoa không nệ sử mà chỉ mượn một vài chi tiết của lịch sử, sáng tạo thêm nhiều chi tiết hư cấu, tạo sức hấp dẫn cho mỗi tập phim. Ban đầu, ông chọn một diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975 để vào vai Nguyễn Thành Luân, nhưng cuối cùng lại chọn Nguyễn Chánh Tín, một diễn viên còn vô danh trước đó. Sự thay thế hoàn toàn chính xác này không những tạo nên một vai diễn "đo ni đóng giày" để đời cho Nguyễn Chánh Tín mà còn biến ông trở thành nam diễn viên nổi tiếng nhất trong thập niên 1980.

Ngay từ cảnh mở đầu được lặp lại qua mỗi tập phim, Nguyễn Thành Luân bước xuống xe, vóc dáng cao ráo, lãng tử, gương mặt thanh thoát nhưng rất đàn ông trong chiếc áo măng tô và chiếc mũ phớt bước vào rừng cao su và trước mặt là chiếc mạng nhện, nhân vật này đã lập tức "đóng đinh" vào trí nhớ khán giả. Lối diễn xuất trầm tĩnh, cách nhả thoại từ tốn và phát huy sức mạnh nội tâm trên gương mặt trong những cảnh cận hay đặc tả, Nguyễn Chánh Tín như sinh ra để vào vai Nguyễn Thành Luân hay ngược lại, vai diễn này được tạo ra để dành cho ông. Chính nhà văn, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng cũng nhận xét: "Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người". Vai diễn này đã giúp Nguyễn Chánh Tín giành giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" tại LHP Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, khi loạt phim mới chiếu hết tập thứ 4.

Bên cạnh Nguyễn Chánh Tín với vai Nguyễn Thành Luân, hai mỹ nhân của điện ảnh đương thời là Thúy An (xuất hiện trong 3 tập đầu nhưng sau đó phải dừng vì mang thai) và ca sĩ Thanh Lan (5 tập sau) cũng tạo được nhiều thiện cảm cho khán giả với vai Thùy Dung, người sát cánh bên đại tá Nguyễn Thành Luân trong cuộc chiến cân não này.

Dàn diễn viên phụ của Ván bài lật ngửa cũng vô cùng ấn tượng, nổi bật là nhân vật Lý Cai (Cai Văn Mỹ) với vóc dáng nhỏ thó nhưng ranh ma, quỷ quyệt hay Gã đầu bạc (Jan Vô Danh), một điệp viên nhị trùng nguy hiểm, vừa làm cho ông cố vấn Ngô Đình Nhu vừa làm cho CIA của Mỹ. Đây là hai nhân vật phản diện do đạo diễn Lê Hoàng Hoa sáng tạo chứ không có trong kịch bản gốc, nhưng để lại ấn tượng mạnh cho khán giả và xuất hiện gần như xuyên suốt. Các nhân vật khác, xuất hiện trong một vài tập phim như Thiếu tá Vọng (Thương Tín đóng) xuất hiện trong 2 tập 5, 6 (Trời xanh qua kẽ lá và Lời cảnh cáo cuối cùng), Bảy cầu muối (Phan Hiền Khánh); Thiếu úy Ngân (Quang Đại), Bà Trần Lệ Xuân (Thu Hồng), Thiếu tá Thuần (Lê Cung Bắc), Ymơ Eban (Trần Quang), Giám mục Ngô Đình Thục (Đỗ Văn Nghiêm), Đại sứ Rheinard (Robert Hải)... cũng để lại dấu ấn. Tài năng xây dựng tính cách nhân vật và chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Lê Hoàng Hoa khiến gần như nhân vật nào xuất hiện trong Ván bài lật ngửa cũng đáng nhớ đối với khán giả. Đây là một biệt tài mà hiếm đạo diễn có được.

Lâm Bình Chi, diễn viên nghiệp dư ấn tượng hơn cả với vai ông cố vấn Ngô Đình Nhu, xuất hiện xuyên suốt 8 tập phim và trở thành kẻ đối trọng với Nguyễn Thành Luân. Họ vừa là bạn, vừa là thù; vừa luôn nghi kỵ, thăm dò nhau nhưng cũng dành cho nhau sự tôn trọng, nể phục. Trong tập cuối (Vòng hoa trước mộ), khi cuộc đảo chính hai anh em Diệm - Nhu nổ ra và lúc biết được toàn bộ sự thật vào phút cuối cùng, Ngô Đình Nhu vẫn giữ vẻ trầm tĩnh và quay lại nói với Nguyễn Thành Luân, rằng: "Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Anh nắm nhiều chủ bài hơn tôi. Ngay phút này đây, tôi vẫn có thể xóa anh, nhưng tôi không làm việc đó. Tôi không muốn anh chịu chung số phận với chúng tôi. Anh nên ra đi trước khi quá muộn".

Nguyễn Thành Luân khi biết mình bị lộ hoàn toàn, đáp lại từ tốn: "Cám ơn anh. Cái lớn nhất với tôi là Tổ quốc, là lý tưởng mà tôi theo đuổi. Tôi hy vọng, Tổng thống và anh gặp may mắn". Ngay sau đó, Ngô Đình Nhu cho bảo vệ đưa Nguyễn Thành Luân đưa ra khỏi đường hầm an toàn. Trường đoạn này chỉ xuất hiện trong khoảng 5 phút cuối cùng của tập 8, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc về cách xây dựng tâm lý nhân vật. Bộ phim kết thúc với vòng hoa mà Nguyễn Thành Luân đặt trước mộ Ngô Đình Nhu và lời tự sự của người chiến sĩ tình báo tài năng: "Dù sao, tôi cũng đã mất đi một đối thủ tầm cỡ, chúc anh yên nghỉ!"

Ván bài lật ngửa được nhà văn, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng lấy cảm hứng từ những năm hoạt động tình báo của ông Phạm Ngọc Thảo dưới thời Mỹ - Diệm. Với tài năng dàn dựng của mình, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến loạt phim 8 tập này trở thành series phim điệp báo thiên về hư cấu và đạt được những thành công vang dội - một mốc son của điện ảnh Việt Nam trong thời gian khó mà ngay cả khi điện ảnh và đời sống phát triển như bây giờ, cũng khó có đạo diễn nào tạo được sức hấp dẫn như thế.

* Tựa đề do VnReview.vn đặt lại

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm theo ĐBND tháng 4/2018

Chủ đề khác