VnReview
Hà Nội

Vì sao 'Ký sinh trùng' tạo nên lịch sử khi đoạt giải Oscar phim xuất sắc nhất?

'Ký sinh trùng' vừa tạo nên lịch sử cho điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung khi trở thành bộ phim;không nói tiếng Anh đầu tiên trong lịch sử đoạt giải phim truyện xuất sắc nhất tại một lễ trao giải Oscar.

'Parasite' với tựa tiếng Việt là 'Ký sinh trùng' là một bộ phim Hàn Quốc có thời lượng 132 phút của đạo diễn Joon-ho Bong, đi theo thể loại kịch tính, tâm lý, gia đình. Trước khi thắng lớn với 4 giải Oscar, bộ phim này cũng đã gặt hái được thành công khi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc thắng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019.

Nhiều người thường lầm tưởng rằng những bộ phim được đề cử hay đoạt giải Oscar mang tính hàn lâm và ít hấp dẫn người xem bình thường. Nhưng điều này sai hoàn toàn với 'Ký sinh trùng'. Bộ phim kể trên có được doanh thu 145 triệu USD trên toàn cầu (tính đến ngày 30/10/2019), 7,53 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ (tính đến 11/10/2019), ngay tại Việt Nam nó cũng đạt được 15 tỷ đồng tiền bán vé chỉ sau 3 ngày công chiếu. Những con số kể trên cho thấy 'Ký sinh trùng' là bộ phim không khó xem nhưng vẫn đảm bảo tính hàn lâm sâu sắc.

Tuy nhiên, dù đã đạt được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019 thì 'Ký sinh trùng' cũng chỉ được những người lạc quan nhất dự đoán sẽ là ứng viên nặng ký ở hạng mục phim quốc tế xuất sắc nhất tại Oscar 2020 chứ không thể cạnh tranh được giải phim truyện hay nhất. Bởi lẽ, những đối thủ của bộ phim được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất tại Oscar 2020 như 'Joker', '1917', 'Chuyện ngày xưa ở Hollywood' hay 'Người đàn ông Ireland'... cũng được đánh giá rất cao. Ấy vậy mà 'Ký sinh trùng' không chỉ thắng giải phim hay nhất mà còn thắng luôn giải kịch bản gốc xuất sắc nhất và đạo diễn xuất sắc nhất. Vậy lý do là gì?

Kịch bản phim phản ánh hiện thực sâu sắc

Kịch bản phim 'Ký sinh trùng' do chính đạo diễn Bong Joon-ho và người đồng sự Han Jin-won chấp bút. Đa phần khán giả Hàn Quốc khi xem phim đều cho rằng phần kịch bản này phản ánh sâu sắc và rất sát với xã hội nước này hiện tại.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện về sự phân hóa tầng lớp với cách biệt giàu nghèo rất sâu sắc. Một bên là những người nghèo, sống tại khu 'ổ chuột', không có việc làm ổn định, sống bằng nghề gấp vỏ hộp pizza, luôn túng thiếu và phải tìm rất nhiều cách để tồn tại. Bên còn lại là giới thượng lưu ở Hàn Quốc, ở trong ngôi biệt thự rộng rãi, tận hưởng mọi thứ trên đời, làm gì cũng có người phục vụ...

Bộ phim đi theo lối 'hài đen' với tiếng cười khá sâu cay về cuộc sống hiện đại. Ở đó, phần kịch bản đi theo trình tự gợi mở hài hước, tăng thêm phần kịch tính pha thêm kinh dị ở giữa phim và kết thúc rất buồn. Người xem phim bị lôi cuốn vào cốt truyện, cuộc sống của 2 gia đình giàu - nghèo. Trong đó, người giàu liên tục tận hưởng cuộc sống còn người nghèo thì lợi dụng lòng tốt của người giàu để lên kế hoạch 'đổi đời'.

'Ký sinh trùng' mở màn bằng những cảnh hài hước khi một cậu thanh niên nhà nghèo may mắn được làm gia sư cho một cô bé học sinh nhà giàu. Sau đó, bằng sự thông minh của mình, chàng trai tạo được việc làm cho cả nhà mình trong chính gia đình của cô bé học sinh. Những tình huống éo le, cách tận hưởng cuộc sống của những người nghèo khó Hàn Quốc khiến người xem có những màn cười rất sảng khoái. Tuy nhiên, đến giữa phim thì những tràng cười đó gần như biến mất bởi cách dẫn dắt câu chuyện và tháo nút gỡ rất tốt của 2 tác giả kịch bản.

Cái tên 'Ký sinh trùng' phần nào nói lên được ý nghĩa của bộ phim. Ở đó, hình ảnh ký sinh trùng thể hiện rõ qua những phân cảnh rúc gầm bàn hay sống trong căn hầm ẩm thấp của những người nghèo. Nhưng ở đó, tác giả cũng muốn đưa vào một thông điệp rằng phải chăng người giàu cũng phải sống dựa vào sự giúp đỡ của người nghèo trong rất nhiều công việc mới có thể tồn tại.

Kịch bản bộ phim nói lên sự phân hóa giàu - nghèo một cách sâu sắc trong xã hội hiện đại. Ở đó, mỗi cá nhân đều 'ký sinh' lên nhau để duy trì cuộc sống. 'Ký sinh trùng' đạt được 8,6/10 điểm ở IMDB và 98% điểm tươi trên Rotten Tomatoes - những con số cực kỳ cao với một tác phẩm điện ảnh.

Những thông điệp đầy ẩn dụ

Đạo diễn Bong Joon-ho lấy 2 họ Park và Kim - phổ biến nhất tại Hàn Quốc cho 2 gia đình giàu - nghèo được nhiều người cho rằng để nói lên thông điệp những gia đình như kiểu trong 'Ký sinh trùng' rất phổ biến tại 'xứ sở kim chi'.

Nhìn chung, 'Ký sinh trùng' có rất nhiều hình ảnh đáng suy ngẫm, câu thoại ẩn ý để trực tiếp đả kích sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Hình ảnh chàng trai Ki-woo lúc nào cũng giữ hòn đá phong thủy mang tính hình tượng rất cao. Ở đó, đạo diễn muốn nói lên rằng người nghèo thường tin vào vận may và muốn nhờ có nó để 'đổi đời'. Hay như chi tiết đứa con trong đình nhà giàu phát hiện ra 4 người gia đình nhà nghèo có mùi giống nhau và sau đó được giải thích là 'mùi người nghèo'. Đó là hình ảnh ẩn dụ nói lên rằng dù người nghèo có khoác lên một tấm áo như thế nào, có cố gắng thay đổi như thế nào thì vẫn không thoát khỏi thân phận của mình.

Những chi tiết, hình ảnh trong 'Ký sinh trùng' mang sự tương phản rất cao. Trong khi người nghèo sống trong một căn hộ một nửa nằm trong lòng đất, một trận mưa lớn là rơi vào cảnh màn trời chiếu đất thì người giàu lại cần một cơn mưa để gột rửa đi bầu không khí bụi bặm. Với người giàu, sau cơn mưa trời lại sáng còn với người nghèo, sau cơn mưa họ vẫn đau đầu với cuộc sống của mình.

Những thông điệp ẩn dụ đó khiến bộ phim của Hàn quốc dù mang tính hài hước nhưng lại khiến người xem phải suy nghĩ, trăn trở về những kiếp người trong xã hội về thực tại cuộc sống phũ phàng.

Diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên

'Ký sinh trùng' quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc như Song Kang-ho, Lee Sun-kyun, Cho Yeo-jeong, Choi Woo-shik... Tất cả họ từ diễn xuất cho đến tạo hình đều rất xuất sắc, 'nghèo ra nghèo và giàu cũng ra giàu'.

Cái hay trong cách diễn xuất của các diễn viên chính là khiến cho người xem đôi lúc thấy thương cảm cho họ nhưng đôi lúc lại thấy sợ hãi và có phần 'khinh bỉ. Từ đó, khán giả bị lẫn lộn trong cách phán xét nhân vật trong phim chứ không đơn giản là phân chia chính diện - phản diện như các bộ phim thông thường khác.

Tất cả các nhân vật trong 'ký sinh trùng' đều không ai chính diện hay phản diện hoàn toàn. Tạo hình nhân vật cũng như cách diễn xuất tạo cho họ cảm giác đều là nạn nhân của cuộc sống. Với những người nghèo, họ sống trong nghèo khổ khiến khán giả thương nhưng cách họ lợi dụng lòng tốt của người giàu lại khiến bị ghét. Còn với người giàu, cách họ tạo dựng công việc cho người khác khiến khán giả yêu nhưng khi họ quá dễ dãi và lệ thuộc vào những người giúp việc lại bị ghét.

Những điều đó đến từ diễn xuất quá ấn tượng của dàn diễn viên phim 'Ký sinh trùng'. Trong gia đình nhà giàu, người vợ đóng vai bà nội trợ diễn quá tốt vai hiền lành, cả tin từ gương mặt, đến hành động và cử chỉ. Trong khi đó, người chồng trong vai trụ cột gia đình, là một thương nhân giàu có diễn xuất với đôi mắt tinh quái, dáng vẻ của 'người có tiền' là 'rất đỉnh'.

Ở gia đình nhà nghèo, người con trai có gương mặt non nớt, luôn thể hiện được sự hiền lành, lương thiện lúc đầu và trở thành người có dã tâm về sau khi vào gia đình giàu có dạy học. Cô em gái của anh lại thể hiện được là một người điềm tĩnh, đôi lúc đáng yêu, non nớt nhưng lại rất thương mọi người trong nhà. Hai nhân vật làm cha mẹ cũng thể hiện được tình yêu thương con cái, là mẫu điển hình của những người nghèo khó và diễn rất đạt vai của mình.

Với một kịch bản hay, diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên cùng với các chi tiết ấn tượng... qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn tài ba Joon-ho Bong, 'ký sinh trùng' đã trở thành một bộ phim mang tính hàn lâm rất cao khi có những chi tiết tương phản ấn tượng và mang tính mô tả xã hội sâu sắc. Sự xuất sắc của bộ phim là đưa những điều đó vào các tình tiết hài hước, mang tiếng cười sâu cay, đúng tiêu chí của 'hài đen'. 'Ký sinh trùng' vừa hàn lâm, sâu sắc vừa nhẹ nhàng, hài hước và những điều đó chính là thứ giúp bộ phim đoạt được giải Oscar cho phim xuất sắc nhất - tạo nên lịch sử của điện ảnh Hàn Quốc và cả châu Á.

T.T

Chủ đề khác