VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc mất 100 năm mới có Oscar, Việt Nam cần bao lâu?

Bộ phim 'Parasite' (tựa Việt: Ký sinh trùng) vừa tạo nên lịch sử cho châu Á khi trở thành bộ phim đầu tiên không nói tiếng Anh trong lịch sử đoạt giải phim truyện xuất sắc nhất tại một lễ trao giải Oscar. Chiến tích kể trên có được sau khoảng 100 năm nền điện ảnh Hàn Quốc ra đời.

Hàn Quốc mất 100 năm để có giải Oscar

Ngay khi 'Ký sinh trùng' của đạo diện Bong Joon Ho tạo nên kỳ tích, người hâm mộ Hàn Quốc trong niềm vui mừng khó tả đã bồi hồi cho rằng phải mất 100 năm điện ảnh nước này mới có được một giải Oscar. Con số 100 năm là rất dài với một nền điện ảnh - tương đương với 1 thế kỷ và rất nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất...

100 năm là con số áng chừng được người Hàn quốc lấy từ mốc năm 1919 - mốc thời điểm được coi là khởi đầu của nền điện ảnh nước này. Trải qua một quãng thời gian rất dài với nhiều biến cố của lịch sử, Hàn Quốc ít có tiếng tăm trên thị trường điện ảnh thế giới cho đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20.

Tại châu Á, khi điện ảnh Hàn Quốc còn đang tìm lối đi cho mình thì Nhật Bản và Ấn Độ đã phát triển ngành làm phim từ những năm 1950, Trung Quốc, Hong Kong, Iran được chú ý từ thập niên 1980 - 1990. Chỉ đến cuối những năm 90 của thế kỷ 20 và bước sang thế kỷ 21, Hàn quốc mới thực sự bừng sáng với các bộ phim cả dài tập và điện ảnh về đủ mọi chủ đề khác nhau. Từng có thời, phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc với các tác phẩm đình đám như 'trái tim mùa thu', 'chuyện tình Havard'... phủ sóng khắp cả châu Á. Điện ảnh 'xứ sở kim chi' từ đó trỗi dậy mạnh mẽ, vượt mặt Hong Kong, Đài Loan, sánh ngang với Trung Quốc hay Nhật Bản.

Không chỉ vậy, những bộ phim trong khoảng 20 năm gần đây của Hàn Quốc còn quảng bá hình ảnh đất nước này mạnh mẽ. Rất nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, tinh thần dân tộc của con người đất nước này được phần đông khán giả trên thế giới tiếp nhận. Những yếu tố đó giúp điện ảnh Hàn Quốc đã có khoảng 20 bộ phim thu hút trên 10 triệu lượt khán giả và hơn 100 bộ phim có từ 4 triệu khán giả trở lên.

Sự phát triển của điện ảnh Hàn quốc có thể bắt nguồn từ việc chính phủ nước này đặc biệt quan tâm và có chính sách đầu tư vào ngành làm phim. Vào năm 2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khẳng định: 'Văn hóa sẽ là nguồn vốn quyết định kinh tế trong thế kỷ 21. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống mà trong đó, tất cả mọi người bất kể đang sống ở đâu và thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có thể được trải nghiệm văn hóa trong đời sống hằng ngày'.

Ekip của ''Ký sinh trùng' vui mừng nhận giải Oscar

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc thực hiện chính sách cải tổ toàn diện ngành điện ảnh và đi theo con đường của Mỹ. Họ cử rất nhiều người sang Hollywood học làm phim để thay đổi bộ mặt điện ảnh. Đến thế kỷ 21, 'xứ sở kim chi' đặt điện ảnh làm vị trí then chốt trong việc phát triển văn hóa với nguồn ngân sách khổng lồ được rót vào các bộ phim.

Những chính sách đúng đắn đó đã giúp Hàn Quốc có một nền điện ảnh phát triển bậc nhất châu Á hiện nay. Họ bắt đầu có những diễn viên nổi tiếng tại Hollywood, có một lớp đạo diễn tài năng với nhiều bộ phim giành giải cao ở các Liên hoan phim quốc tế. Đồng thời, Hàn Quốc cũng có khá nhiều lớp diễn viên tài năng, ngoại hình đẹp, ăn ảnh và diễn xuất tốt trong suốt hơn 20 năm qua. Những yếu tố đó cộng việc làm truyền thông cực tốt khiến phim Hàn Quốc thường được đón nhận nhiệt tình trên khắp châu Á, mang lại doanh thu khổng lồ cho các nhà làm phim. Và thành công của 'Ký sinh trùng' đến có lẽ là một điều tất yếu khi Hàn Quốc đang có tất cả những điều cần thiết để tạo nên một nền điện ảnh xuất sắc.

Bao giờ đến lượt điện ảnh Việt Nam tỏa sáng

Điện ảnh Việt Nam ghi được dấu ấn đậm nét từ những năm 50 của thế kỷ 20 với bộ phim 'Chung một dòng sông', lấy bối cảnh dòng sông Bến Hải và câu chuyện tình yêu của đôi trai gái bị chia cắt qua vĩ tuyến 17. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, điện ảnh Việt Nam có những bộ phim được đánh giá cao như 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm', 'Nổi gió', 'Em bé Hà Nội' cùng lớp diễn viên tài năng như Thế Anh, Trà Giang đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim châu Á.

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, điện ảnh Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực theo xu thế thời đại. Thống kê cho thấy, năm 2000 doanh thu điện ảnh tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 2 triệu USD nhưng đến năm 2018 đã tăng lên đến gần 150 triệu USD. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 40 - 50 phim Việt ra rạp và cũng có một số tác phẩm đáng chú ý đạt doanh thu phòng vé cao.

Việt Nam cũng đã có một số bộ phim nổi bật, cử đi dự giải Oscar ở hạng mục 'phim quốc tế xuất sắc nhất'. Tính đến nay, chúng ta đã có 15 bộ phim tham dự Oscar. Tuy nhiên, ngoài năm 1993 khi phim 'Mùi đu đủ xanh' lọt vào vòng đề cử cuối cùng để tranh giải thì những bộ phim sau đó gửi đi đều không được đề cử. Trong số những bộ phim này có những tên tuổi rất đình đám như 'Hai phượng' của đạo diễn Lê Văn Đạt, 'Cô ba Sài Gòn' của Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn, 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' của Victor Vũ... Điều này phần nào cho thấy phim Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ 'tầm' để có thể cạnh tranh giải Oscar.

Nhiều người cho rằng phim Việt Nam hiện nay không nên gửi đi tranh giải Oscar nữa bởi cơ hội được vào vòng đề cử chính thức như 'Mùi đu đủ xanh' đã từng làm được là gần như không có chứ chưa nói đến chuyện đoạt giải. Thậm chí, bộ phim 'Mùi đu đủ xanh' của đạo diễn Trần Anh Hùng dù mang tiếng là phim Việt nhưng lại do Pháp sản xuất.

Phim Việt Nam trong những năm gần đây dù có nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn, doanh thu phòng vé cao nhưng chủ yếu là phim hài hoặc hành động, ít có sự mới mẻ cũng như tính hàn lâm. Những bộ phim mang tính nghệ thuật, được giới chuyên môn đánh giá cao thì lại ít người xem. Các nhà sản xuất hiện nay phần nhiều chạy theo xu hướng thị trường để tìm kiếm doanh thu mà quên đi tính nghệ thuật của từng tác phẩm.

Như trong năm 2019, một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam nổi bật có thể kể đến 'Hai Phượng', 'Cua lại vợ bầu', 'Trạng Quỳnh', 'Lật mặt: nhà có khách'... Chúng có doanh thu rất khả quan, thậm chí phim 'Hai Phượng' do Ngô Thanh Vân thủ vai chính còn thu về được khoảng 200 tỷ đồng. Tuy vậy, những bộ phim này đều bị xem là chưa phải tác phẩm chỉn chu, nhiều tình tiết vô lý, tình huống khiên cưỡng. Thậm chí, một số nhà chuyên môn còn cho rằng với những tác phẩm như vậy thì đoạt giải Bông sen vàng đã khó chứ chưa nói gì đến chuyện dự và đoạt được Oscar.

Những vấn đề kể trên của điện ảnh Việt phần nhiều đến từ việc thiếu nhân lực chuyên nghiệp. Cái thiếu ở đây là thiếu chất lượng toàn diện về cả tác giả kịch bản, quay phim, hóa trang, thiết kế mỹ thuật... Cùng với đó, diễn xuất của các diễn viên Việt Nam hiện nay thực tế cũng ít được đánh giá cao khi ra quốc tế.

Để đoạt được giải Oscar cho phim truyện hay nhất như 'Ký sinh trùng' là điều rất khó. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam có thể 'mơ' về giải thưởng Oscar cho 'Phim quốc tế xuất sắc' nhất, điều mà một số nền điện ảnh châu Á đã làm được như Đài Loan hay Nhật Bản. Hàn Quốc xây dựng nền điện ảnh 100 năm và 20 năm đổi mới để có được giải Oscar của 'Ký sinh trùng'. Hy vọng rằng, điện ảnh Việt Nam trong 20 năm nữa cũng sẽ làm được điều đó.

T.T

Chủ đề khác