VnReview
Hà Nội

Phía sau sự hào nhoáng là người trẻ Hàn Quốc tuyệt vọng qua lời kể của đạo diễn phim 'Ký sinh trùng'

Đạo diễn Bong Joon Ho của phim vừa đoạt giải Oscar - 'Ký sinh trùng' đã có một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The Guardian và nói về thực tại ở Hàn Quốc.

Sau một thời gian làm việc ở Hollywood, đạo diễn Bong Joon Ho đã quay trở về Hàn Quốc để tạo ra một kiệt tác điện ảnh có tên 'Ký sinh trùng'. Bộ phim đưa tên tuổi của đạo diễn sinh năm 1969 vươn tầm thé giới và đến nay có lẽ chưa một người nào ở 'xứ sở kim chi' làm được. Đây là một điều bất ngờ bởi trước đây Bong Joon Ho từng nói đùa rằng việc có thắng giải Oscar hay không chẳng có gì lớn lao bởi nó không phải một liên hoan phim quốc tế mà thực chất chỉ mang tính địa phương.

'Ký sinh trùng' kể về câu chuyện của 2 nhà họ Kim và Park - 2 họ phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng đây là dụng ý của đạo diễn Bong Joon Ho để nói lên rằng những gì diễn ra trong phim rất phổ biến tại 'xứ sở kim chi' và mô tả rõ sự khác biệt tầng lớp đang diễn ra hàng ngày ở thủ đô Seoul. Những người trong gia đình họ Kim sống trong ngôi nhà ở tầng bán hầm, tại một con hẻm nhỏ bé. Mọi chuyện bắt đầu kịch tính khi Kim Ki-woo (người con trai cả trong gia đình) được nhận làm gia sư cho con gái của gia đình họ Park giàu có, sống trong biệt thự xa hoa. Cảm nhận được cơ hội đã đến, Ki-woo lên kế hoạch để thay thế hết nhân viên trong nhà họ Park bằng thành viên gia đình mình.

'Ký sinh trùng' có rất nhiều chi tiết mang đặc trưng của Hàn Quốc - điều mà đạo diễn Bong Joon Ho luôn mong ước đạt được. Từ cách nói chuyện của từng thành viên trong 2 gia đình cho đến các món ăn, nhịp sống, công việc... đều mang tính bản địa rất sâu sắc. Theo nhiều nhà phê bình thì đây là bộ phim hiếm hoi mang tính bản địa nhưng lại có danh tiếng toàn cầu. Câu chuyện trong 'Ký sinh trùng' cho người xem nhiều ngạc nhiên và bắt đầu tưởng tượng ra được những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc thực tại.

Phim 'Ký sinh trùng' theo đạo diễn Bong Joon Ho phản ánh chân thực xã hội Hàn Quốc hiện tại

Đạo diễn Bong Joon Ho cho biết: 'Nhìn chung, Hàn Quốc nhìn bề ngoài có vẻ là quốc gia giàu có và quyến rũ với K-pop, công nghệ thông tin và Internet tốc độ cao. Nhưng sự thực là khoảng cách giàu nghèo ở đây ngày càng được nới rộng, thế hệ trẻ đặc biệt cảm thấy tuyệt vọng. Cũng giống như có những người sống trong lều ở gần trung tâm London thì ngay nhà ga trung tâm Seoul cũng có rất nhiều người vô gia cư ngủ gục. Họ đang ở trong điểm mù của xã hội'.

'Ký sinh trùng' không đơn giản là câu chuyện đơn giản của khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc. Đạo diễn Bong Joon Ho cho biết ông làm bộ phim này với sự trung lập và nhận ra rằng chẳng ai ngây thơ hay tội lỗi trong xã hội thực tại. Như người cha trong gia đình họ Park. Nhân vật này giàu có, làm việc chăm chỉ và thường xuyên bày tỏ niềm thương cảm với những người nghèo khổ. Tuy nhiên, đôi lúc nhân vật này cũng có sự khinh miệt nhất định với người ở các tầng lớp dưới khi phàn nàn rằng họ có mùi của cái nghèo.

Theo đạo diễn Bong Joon Ho, những người nghèo như kiểu gia đình họ Kim ở Hàn Quốc rất nhiều. Họ không phải là có khuyết điểm hay lười biếng mà đơn giản là không thể tìm được công việc phù hợp. Ông có đề cập đến vấn đề này trong một chi tiết của bộ phim khi trong đoạn hội thoại của gia đình họ Kim có nói rằng: '500 sinh viên tốt nghiệp đại học tranh nhau nộp đơn vào một vị trí làm bảo vệ còn trống'. Theo đạo diễn Bong Joon Ho thì đây không phải là sự phóng đại mà hoàn toàn dựa trên một bài báo mà ông đọc được.

Cha của đạo diễn Bong Joon Ho là một giáo viên nghệ thuật. Vị đạo diễn này đặt mình vào giữa nấc thang của xã hội Hàn Quốc khi lớn lên trong một gia đình trung lưu. Gia đình ông ở trong một ngôi nhà ở khoảng giữa của một căn biệt thự và một căn tầng hầm. Đạo diễn Bong Joon Ho cũng thân thiết với bạn bè và người thân ở mọi tầng lớp. Cảm hứng để làm phim 'Ký sinh trùng' của ông xuất phát từ kinh nghiệm thực tế khi dạy kèm một cậu bé trong một gia đình giàu có.

Việc nhiều người trẻ ở Hàn Quốc hiện tại cảm thấy tuyệt vọng đã được đề cập từ khá lâu. Nhiều người phải sống trong căn bộ chật hẹp, chỉ 6,6 mét vuông để duy trì cuộc sống. Đây là kiểu nhà dành riêng cho những người nghèo khó, không có địa vị và gần như chẳng còn hy vọng gì cho sự thăng tiến xã hội sau này. Một thanh niên Hàn Quốc từng chia sẻ: 'Kể cả tôi làm việc cật lực, liệu có cơ hội nào để mua nổi một căn nhà hay không, liệu tôi có thu hẹp được khoảng cách vốn dĩ đã rất xa vời không'.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc cho rằng họ học tập và làm việc để theo đuổi giấc mơ có cuộc sống khá giả hơn, còn những ‘cậu ấm cô chiêu' sinh ra trong gia đình có nền tảng, thì cứ thế đi lên nấc thang xã hội mới. Đằng sau họ, đã có bệ đỡ của cha mẹ lót sẵn, con đường rộng mở nhờ quan hệ và địa vị.

Vào tháng 9/2019, một khảo sát tiến hành ở Hàn Quốc với 3.289 người bởi nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng Saramin đã cho thấy một kết quả không mấy ngạc nhiên. Có đến 3/4 người tham gia kết luận rằng sự nâng đỡ của cha mẹ là yếu tố quyết định, ảnh hướng tới thành công của con cái sau này.

T.T

Chủ đề khác