VnReview
Hà Nội

'Sắc đẹp dối trá': Kịch bản quá nhiều sạn, phi lý và thiếu logic

Sắc đẹp dối trá là bộ phim đầu tiên Hương Giang đóng vai chính trong một tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, chất lượng bộ phim này lại khá thấp và không được như kỳ vọng.

Kịch bản là thứ đáng để chê nhất của 'Sắc đẹp dối trá' khi quá nhiều sạn, phi lý và thiếu logic. Bộ phim khiến nhiều người sẽ phải tự hỏi đi theo thể loại gì, mục đích câu chuyện từ đầu đến cuối là gì và tại sao lại có quá nhiều điểm thiếu hợp lý trong một tác phẩm được chờ đợi như vậy.

Bộ phim đầu tay của Hương Giang xoay quanh câu chuyện của Hang Dương (Hương Giang) - chàng trai xuất thân là diễn viên đóng thế và có mong muốn trở thành một cô gái nhưng không có tiền để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng rồi, do bỗng nhiên chứng kiến một vụ án mạng mà Dương bị nhóm giang hồ truy sát.

Cảm thấy bản thân bị dồn vào đường cùng, chàng diễn viên đóng thế phải dồn hết tài sản, tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để sang Thái Lan chuyển giới. Thậm chí, Dương phải ăn trộm luôn tiền tiết kiệm của người yêu mình là Kỳ (Puka). Khi chuyển giới về, biết cha bị bệnh nặng và cần 65 triệu đồng để phẫu thuật nên Dương, lúc này đã là 1 cô gái đăng ký tham dự một cuộc thi hoa hậu để kiếm tiền.

Kể từ đó, rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh Dương. Cô vừa phải lẩn tránh những người đang truy sát mình, vừa phải cố gắng để đạt kết quả cao trong cuộc thi hoa hậu. Sau đó, Dương gặp Tuấn (Tuấn Trần) - một chàng trai nhà giàu, bảnh bao và yêu luôn anh. Bộ phim kết thúc khi cô gái bị lộ thân phận chuyển giới của mình và nhóm giang hồ bị bắt.

Kịch bản quá nhiều 'sạn', phi lý và thiếu logic

'Sắc đẹp dối trá' được giới thiệu là một bộ phim hài hước, hành động tuy nhiên không có yếu tố nào được làm 'tới nơi tới chốn'. Nói tác phẩm này là một bộ phim hài có lẽ không đúng bởi những tình tiết gây cười chỉ đến từ sự dễ thương của Puka hay Phát La (vai Cutie) chứ kịch bản không hề đi theo hướng hài hước với những mảng miếng đắt giá. 'Sắc đẹp dối trá' lại càng không phải là một bộ phim hành động bởi các chi tiết gây lộn, đánh đấm rất rời rạc, không đẹp mắt và diễn ra không thường xuyên, không kịch tính. Yếu tố được chờ đợi nhất trong bộ phim đó chính là thông điệp dành cho những người chuyển giới cũng được làm rất nhạt nhòa. Có thể nói 'sắc đẹp dối trá' là một nồi lẩu thập cẩm với rất nhiều món trong đó, mỗi thứ một chút khiến người xem bị hoang mang không hiểu cuối cùng ý chính của bộ phim nằm ở đâu.

Ý tưởng của 'sắc đẹp dối trá' là khá tốt khi đưa câu chuyện về người chuyển giới vào các tình huống tréo ngoe, dở khóc dở cười. Tuy nhiên, như đã nói bộ phim làm không tới khiến phần thông điệp không rõ ràng và rất chung chung. Cùng với đó, kịch bản bộ phim này có rất nhiều điều phi lý, thiếu logic, các chi tiết tưởng chừng như đắt giá lại được làm rất rời rạc, thiếu chiều sâu khiến những người khó tính 'phát bực' khi xem.

Quá trình chuyển giới đau đớn, đầy rủi ro của nhân vật chính trong 'sắc đẹp dối trá' tưởng chừng như sẽ là điểm nhấn sâu đậm nhưng lại khiến khán giả thực sự thất vọng. Người xem không cảm nhận được góc khuất hay bí mật gì trong quá trình này bởi các cảnh quay rất đơn giản và diễn ra quá nhanh. Khán giả chờ đợi được biết quá trình chuyển giới sẽ như thế nào chắc chắn thất vọng bởi nó được thể hiện trong 'Sắc đẹp dối trá' bằng các hiệu ứng hời hợt, kỹ xảo cũ kỹ mà có lẽ là đã xuất hiện từ những bộ phim cách đây vài chục năm.

Sự thiếu logic và phi lý trong kịch bản bộ phim diễn ra quá nhiều và để nhặt 'sạn' thì không thể hết. Chẳng hạn như đoạn nói về cuộc thi sắc đẹp có giá trị tiền thưởng hàng chục tỷ đồng. Chẳng ai hiểu nổi tại sao một cuộc thi tiền thưởng lớn đến như vậy mà việc tuyển chọn top 20, top 10 lại quá dễ dàng, diễn ra 'nhanh như chớp'. Một cô gái như Dương, chẳng có chút tên tuổi nào trước đó rồi lại đến muộn và khi vừa đến đã lọt vào top 20. Sau đó, dù gây ra quá nhiều lộn xộn cô gái cũng lọt vào top 10 và có mặt trong đêm chung kết cuộc thi. Cùng với đó, cuộc thi hoa hậu này còn hời hợt đến mức không kiểm tra kỹ lai lịch của thí sinh khi Dương làm giả giấy tờ rất đơn giản cũng có thể vào được cuộc thi. Các cảnh đánh nhau giữa Dương và Diễm (Karen Nguyễn) cũng diễn ra ngay trong khách sạn nơi các thí sinh ở dù BTC đã nói trước đó là camera theo dõi 24/24. Nhiều người tự hỏi rằng một sát thủ chuyên nghiệp như Diễm tại sao lại có thể bị camera ghi hình cảnh mình cầm dao đơn giản đến vậy?

Bộ phim có lỗ hổng lớn ở kịch bản không chỉ vì các chi tiết phi lý mà còn ở sự rời rạc đến không thể tha thứ của nó. Khi Dương đi chuyển giới về thì câu chuyện của bộ phim xoay quanh quá nhiều vấn đề. Đó là mối quan hệ của Dương với người yêu cũ là Kỳ, cậu bạn thân Cutie và chàng công tử bảnh bao Tuấn. Cùng với đó, cô còn phải đối phó với sự truy sát của nhóm sát thủ và tập trung cho cuộc thi. Quá nhiều chi tiết ở phần giữa của bộ phim khiến nó quá rời rạc, không tập trung vào được điều gì và mọi thứ chỉ dừng lại ở mức bình thường. Điều này khiến phần kết của câu chuyện cũng phải giải quyết chừng đó vấn đề đã đặt ra ở phần giữa và khiến khán giả 'chưng hửng' khi rời rạp. Nhóm sát thủ ngồi trong đồn công an quá dễ dàng, thông điệp về người chuyển nhớ vô cùng hời hợt và chuyện tình cảm của Dương với Tuấn cũng không rõ ràng. Có thể nói, câu chuyện đặt ra nhiều vấn đề đến nỗi kết phim nhà sản xuất chỉ muốn giải quyết chúng cho xong, không sâu sắc và không ấn tượng.;

Các tình tiết trong bộ phim diễn ra không theo quy tắc nào, cảnh hành động không hấp dẫn, cuộc thi hoa hậu giải thưởng hàng chục tỷ nhìn không khác gì hội chợ huyện. 'Sắc đẹp dối trá' được 'nhào nặn' bởi đạo diễn Kay Nguyễn. Cô được giới thiệu là nhà sản xuất của 'Cô Ba Sài Gòn' nhưng thực chất đến 'sắc đẹp dối trá' mới là tác phẩm đầu tay ở vị trí đạo diễn. Có vẻ như do còn thiếu kinh nghiệm trong 1 vai trò quá quan trọng khiến cách xử lý câu chuyện của Kay Nguyễn rời rạc đến mức khó cứu vãn, các tình tiết được xử lý vô cùng vụng về.

Trừ Hương Giang, phần còn lại diễn xuất tốt

Nhìn chung, 'sắc đẹp dối trá' là bộ phim tệ ở kịch bản nhưng diễn xuất của các diễn viên lại khá tốt. Nhà sản xuất đã tìm được các gương mặt phù hợp để đặt họ vào các vai diễn 'đo ni đóng giày' dành cho mình.

Trong dàn diễn viên của bộ phim, NS Hữu Châu và NS Kim Xuân trong vai cha mẹ của Dương là những người ổn định và gây xúc động cho khán giả nhất. Họ diễn xuất ổn định, nhập tâm vào vai của mình, biểu cảm gương mặt rất tốt khiến người xem cảm thấy ít nhất là hài lòng. Trong vai những người làm cha mẹ nghèo, cả NS Hữu Châu và NS Kim Xuân đều thể hiện được sự vất vả, khổ sở nhưng rất thương con của mình trên từng ánh mắt, từng nét mặt.

Puka và Phát La đảm nhận những vai hài, gây cười cho khán giả. Đây là sở trường của họ nên nhìn chung 2 diễn viên này làm tốt, có những mảng miếng riêng của mình, thoại tốt khiến dù xuất hiện không quá nhiều nhưng khán giả vẫn có thiện cảm với họ. Tuấn Trần không có nhiều đất diễn trong 'sắc đẹp dối trá' nhưng vẫn thể hiện được sự bảnh bao và gương mặt 'sinh ra để làm công tử' của mình.

Trong tuyến nhân vật phản diện, Karen Nguyễn có nhiều đất diễn nhất. Nhìn chung, từ ánh mắt đến biểu cảm của cô không khác mấy với vai trong 4 MV 'Anh đang ở đâu đấy anh'. Karen Nguyễn vẫn thể hiện tốt, khiến khán giả ghét với vai của mình. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ cô là nhân vật phản diện chính, xuất hiện với một vẻ rất bí ẩn nhưng rồi lại gần như chỉ để đánh nhau và chẳng mang ý nghĩa nào khác.

Diễn viên chính, xuyên suốt trong bộ phim là Hương Giang trong vai Dương. 'Sắc đẹp dối trá' là một bộ phim về người chuyển giới nhưng đáng lý ra cô phải diễn rất tốt. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng có vẻ như diễn xuất của Hương Giang không được như mong muốn. Biểu cảm của cô chưa đủ tốt để bộc lộ được nội tâm của nhân vật chính, xuyên suốt câu chuyện. Đồng thời, nét mặt trong bộ phim của Hương Giang mang tính 'một màu' và không hề ấn tượng. Ngoài ra, hình ảnh khi làm đàn ông của cô cũng không thuyết phục. Nếu để ý kỹ có thể thấy gương mặt cô được làm khá kỹ khi đóng vai nam để lột tả lên được vẻ thô ráp, gồ ghề, cực khổ của nghề diễn viên đóng thế nhưng tay lại rất trắng, đẹp. Điểm cộng hiếm hoi của Hương Giang trong bộ phim là khi trở thành nữ giới, cô thực sự xinh đẹp và quyến rũ.

Thông điệp về người chuyển giới rất nhạt nhòa

'Sắc đẹp dối trá' chắc chắn là bộ phim được cộng đồng người LGBT Việt Nam chờ đợi bởi nội dung phim phần nào đó nói về nghị lực của người chuyển giới, diễn viên chính cũng là người chuyển giới. Đây đáng lý phải là dịp để Hương Giang mô tả được những khó khăn, vất vả mà cộng đồng LGBT đang có bởi suy cho cùng tại Việt Nam vẫn còn nhiều ánh mắt kỳ thị đối với họ.

Tuy nhiên, vấn đề là ở đây là thông điệp về người chuyển giới trong phim lại rất lộn xộn. Những người sản xuất không hiểu cố tình hay vô ý mà lại đánh đồng việc người chuyển giới đi dự một cuộc thi sắc đẹp là 'chỉ chuyển giới chứ không phạm luật'. Ở đây, rõ ràng xuyên suốt quá trình Dương đi thi sắc đẹp cô luôn lừa mọi người thân phận của mình bởi cuộc thi không dành cho người chuyển giới. Và vì không biết Dương là người chuyển giới nên chẳng có bất kỳ một hành động kỳ thị hay xúc phạm người chuyển giới nào xuất hiện. Cùng với đó, mọi thứ diễn ra với Dương có phần quá dễ dàng khi lọt vào top 10 cuộc thi, yêu được anh chàng nhà giàu, đẹp trai... Chẳng có một chi tiết nào nói lên nỗi vất vả, khó khăn của người chuyển giới.

Thế nhưng, đến khi bị lộ thân phận, Dương lại cho rằng bản thân bị kỳ thị và có một bài phát biểu dài trên sân khấu về bản thân mình. Rõ ràng là cô đã phạm luật từ đầu và việc tham gia cuộc thi là bất công với những người khác. Vậy đáng ra Dương phải là người bị lên án khi đã lừa mọi người chứ không phải là nhận được sự cảm thông. Chính vì vậy có thể nói bộ phim đã đánh đồng việc bị lên án vì sau phạm luật thi với sự kỳ thị dành cho người chuyển giới. Thông điệp 'sắc đẹp dối trá' về người chuyển giới gần như là không có. Câu chuyện về chủ đề này quá mỏng và không đủ sức thuyết phục người xem.

Kết

'Sắc đẹp dối trá' là bộ phim có dàn diễn viên tài năng, được 'đo ni đóng giày' với vai của họ, có chủ đề câu chuyện gây chú ý và đặc biệt là có sự xuất hiện của một người chuyển giới thực sự là Hương Giang trong vai một người chuyển giới. Tuy nhiên, đáng tiếc là bộ phim lại có kịch bản hời hợt và quá thiếu logic, trải dài trên nhiều mảng và gần như không để lại ấn tượng gì khi xem xong.

Phim hiện đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.

T.T

Chủ đề khác