VnReview
Hà Nội

'Tiếng gọi nơi hoang dã' - Bộ phim phiêu lưu, hồi hộp nhưng hài hước và thoải mái khi xem

'Tiếng gọi nơi hoang dã' đi theo thể loại hồi hộp, phiêu lưu với những cảnh quay hùng vĩ, hoành tráng nhưng lại mang đến cho người xem sự thoải mái, thư thái khi xem.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, được viết năm 1903 của nhà văn Jack London. 'Tiếng gọi nơi hoang dã' đưa người xem theo chân chú chó Buck, vốn sống ở Bắc California, được coi là 'một vị vua' to lớn khi là thú cưng của một vị thẩm phán đến khi bị bắt cóc, lưu lạc tận vùng Alaska lạnh giá. Trải qua nhiều biến cố, chú chó trải qua các thăng trầm khác nhau, từ sung sướng đến khổ cực và cuối cùng là đi theo tiếng gọi từ 'nơi hoang dã' trở về với bản năng tự nhiên và có cuộc sống tự do với bầy sói hoang.

Kịch bản phim liền mạch, hài hước, hấp dẫn nhưng thiếu cao trào

Được chuyển thể từ một tác phẩm rất nổi tiếng, đã gắn bó với nhiều thế hệ khán giả, 'Tiếng gọi nơi hoang dã' có thể nói là chuyển tải trọn vẹn những ý nghĩa, thông điệp trong tiểu thuyết lên màn ảnh rộng.

Buck là một chú chó 'sống trong nhung lụa' từ nhỏ khi là thú cưng của một vị thẩm phán địa phương. Trong vùng, chẳng ai dám bắt nạt cậu và có thể làm bất kỳ điều gì, nếu thích. Thế nhưng, khi bị bắt cóc, Buck bắt đầu phải nếm trải sự khổ cực, giá rét, bị bỏ đói, đánh đập không thương tiếc.

Nhưng có vẻ như cuộc sống nơi phương Bắc khắc nghiệt, lạnh giá và hoang dã mới là đất để Buck được sống với bản năng tự nhiên của mình. Chú chó dần quen được với điều kiện sống mới, lấy ngôi đầu đàn trong bầy chó kéo, làm rất tốt công việc của mình. Ở đó, bản năng chó sói - tổ tiên của Buck đã dẫn dắt cậu hoàn thành mọi nhiệm vụ trong công việc mới này.

Tuy nhiên, mới chỉ thể hiện bản lĩnh được một thời gian ngắn thì ông chủ của cậu phải dừng công việc. Buck và bầy chó kéo xe bị bán đi nhanh chóng và sau đó rơi vào tay của một gã đi săn vàng độc ác. Dưới bàn tay của hắn, chú chó suýt mất mạng, bị kiệt sức và đòn roi không thương tiếc. Đúng lúc này John Thornton (Harrison Ford) đã xuất hiện và trở thành cứu tinh của Buck.

Đi cùng Thornton, Buck quay trở lại với chuỗi ngày vui vẻ, cùng người đàn ông này đi khám phá vùng đất mà con người chưa dặt chân tới. Từ đây, chú chó cảm thấy vui vẻ và thích thú với núi non, sông nước hùng vĩ, tha hồ được sống với bản năng đích thực của mình.

Nói chung, 'Tiếng gọi nơi hoang dã' là một bộ phim liền mạch, thông suốt với phần kịch bản chuyển tải đầy đủ nội dung và ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết gốc. Nội dung phim đưa người xem theo chân chú chó Buck và cả Thornton trên hành trình tìm lại chính mình, tìm lại những điều đã bỏ qua trong quá khứ. Từ đó, khán giả có dịp suy nghĩ về cuộc đời mình, liệu chúng ta có bỏ lại thứ gì quan trọng trong cuộc đời mình hay không?

Ở đó, người xem có thể thấy rằng đôi lúc tiền bạc không giải quyết được vấn đề. Đó là lúc đối diện với sinh tử, sống chết. Khi Thornton bị kẻ thù tấn công, ông vứt lại toàn bộ số vàng của mình bởi khi chết, có tiền cũng chẳng mang theo được. Với Buck, trải qua nhiều biến cố, chú chó đã tìm về với bản năng của mình, đi theo bản năng của loài sói - tổ tiên của cậu. Chính hành trình của Buck cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ, tự hỏi chúng ta đã thực sự sống với cuộc đời mà bản thân mong muốn hay chưa?

Bộ phim tuy đi theo thể loại kịch tính, phiêu lưu nhưng lại khá hài hước với những biểu cảm, làm nũng, cử chỉ của những chú chó được làm từ công nghệ CGI khá tự nhiên, chẳng khác nào một chú chó thật. Người xem phim sẽ có lúc cảm thấy hồi hộp, lo lắng cho số phận của Buck nhưng đôi khi lại có tiếng cười giòn tan với sự đáng yêu của chú chó này. Các tình tiết hài hước được làm rất tự nhiên, không gượng ép và vô cùng duyên dáng khiến chắc chắn người xem phim sẽ có những giây phút thoải mái, thư giãn.

Tiếng gọi nơi hoang dã cũng gây ấn tượng với những cảnh quay núi non, tuyết, sông nước... tuyệt đẹp. Người xem sẽ cảm thấy 'trầm trồ' với những thước phim này và cảm nhận được sự hùng vĩ của vùng Alaska của nước Mỹ. Chính vì vậy, nếu là người 'yêu xê dịch' thì bạn cũng nên đi xem 'Tiếng gọi nơi hoang dã'.

Điểm trừ hiếm hoi trong phần nội dung của bộ phim chính là có vẻ như nó khá thiếu cao trào. Các biến cố, sự kịch tính của bộ phim diễn ra khá nhanh chóng và được tháo gỡ rất nhanh khiến những khán giả yêu các tình tiết giật gân, hành động mạnh cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, do là bộ phim dành cho khán giả từ 9 tuổi trở lên nên 'Tiếng gọi nơi hoang dã' có lẽ phải tiết chế lại những cảnh đấu tranh sinh tồn, giành giật sự sống giữa núi rừng. Đồng thời, bộ phim lồng ghép khá nhiều ý nghĩa cả về tình bạn, tình thương yêu gia đình và hành trình đi tìm lại chính mình khiến 'đất' để các cảnh hành động kịch tính là không quá nhiều.

Tranh cãi về CGI

'Tiếng gọi nơi hoang dã' là một bộ phim chỉn chu, có đầu tư, ý nghĩa và rất chăm chút cho phần hình ảnh cũng như diễn xuất của diễn viên. Nhân vật John Thornton do Harrison Ford thủ vai dù chỉ là nhân vật thứ chính nhưng diễn khá tốt, đúng với đẳng cấp của ông. Diễn viên 77 tuổi cho thấy 'gừng càng già càng cay' khi những cảnh quay có ông đều gây ấn tượng với biểu cảm gương mặt sâu sắc, đúng chất của một người từng trải và có nỗi đau không thể nguôi ngoai trong lòng. Sự tự tin và diễn xuất tốt của Harrison Ford giúp cho bộ phim sống động hơn bởi ít ra là có biểu cảm của người thật chứ không phải hoàn toàn là từ công nghệ CGI.

Như đã được dự đoán từ trước, 'Tiếng gọi nơi hoang dã' lại mở ra cuộc tranh cãi dường như là bất tận về công nghệ CGI. Người thì cho rằng đàn chó được dựng từ máy tính với những biểu cảm đáng yêu từ hiệu ứng CGI giúp chúng có biểu cảm, thân thể linh hoạt hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ trích cho rằng con người đã quá quen với loài chó và khi chúng có những biểu cảm đến mức 'giống như con người' thì nó không còn là chó nữa.

Tuy nhiên, dù sao cũng phải nhận định rằng kỹ xảo và hiệu ứng CGI trong 'Tiếng gọi nơi hoang dã' được làm khá tốt, chỉn chu và rất thật. Từng biểu cảm trên gương mặt của Buck được thể hiện một cách sống động, tự nhiên và nếu không phải là người tinh ý chắc chắn sẽ nhầm đây là một chú chó thật. Các cảnh hành động, chạy nhảy và chiến đấu của đàn chó kéo cũng được kỹ xảo làm khéo léo, khiến người xem rất 'đã mắt' và có lẽ ít ai quan tâm đến chúng là chó thật hay giả nữa. Nếu so với 'Vua sư tử (2019)' thì hiệu ứng CGI trong 'Tiếng gọi nơi hoang dã' được làm tốt hơn hẳn. Biểu cảm của động vật cũng thật hơn rất nhiều.

Kết

Nói chung, 'Tiếng gọi nơi hoang dã' là một bộ phim khán giả nên xem để có những phút giây nhẹ nhàng, thư giãn. Bộ phim không quá nặng nề, chi tiết đặc sắc cũng không có quá nhiều nhưng có lẽ sẽ làm hài lòng khán giả. Nếu đang cần một tác phẩm điện ảnh ý nghĩa, giải tỏa mọi căng thẳng của cuộc sống và giúp bản thân có thể tìm lại định hướng cho cuộc đời thì bạn nên xem 'Tiếng gọi nơi hoang dã'.

Phim hiện đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.

TiTi

Chủ đề khác