VnReview
Hà Nội

Hollywood làm cảnh cháy nổ như thế nào?

Phim ảnh tất nhiên không giống đời thực. Đứng rình trước nhà bạn gái cũ lúc 2 giờ sáng là hành vi quấy rối, chẳng phải lãng mạn. Nếu bạn hát trong nhà hàng, mọi người khác sẽ chẳng hát theo, chứ chưa nói là đứng lên nhảy. Và không phải lúc nào xe hơi cũng nổ ầm ầm khi bốc cháy!

chayno

Trên thực tế, hầu hết mọi thứ đều chẳng nổ tung như phim. Và nếu chúng có phát nổ, thì vụ nổ cũng diễn ra rất khác so với những gì bạn thấy trong các bộ phim Hollywood.

Một vụ nổ thực sự trông ra sao?

Những vụ nổ thực sự không giống như những vụ nổ trong phim Hollywood. Khi một loại thuốc nổ mạnh như TNT được kích nổ, sẽ có một vài ánh chớp lóa lên và rất nhiều bụi, nhưng không có những quầng mây đỏ rực như phim đâu. Hầu hết năng lượng hủy diệt từ vụ nổ sẽ tồn tại dưới dạng sóng áp lực vô hình. Sóng này chính là thứ gây ra thiệt hại, phá sập các bức tường và khiến xe cộ nghiêng lật. Bạn có thể xem một vụ nổ thực sự trong clip bên dưới, vốn được trích ra từ show Mythbusters của Discovery. Trong clip, người ta đã kích nổ 385kg hợp chất ANFO (ammonium nitrate và dầu lửa), và khi quay nhanh, bạn có thể thấy sóng áp lực di chuyển với tốc độ còn nhanh hơn cả tốc độ âm thanh nữa.

Một đợt sóng hủy diệt gần như vô hình hiển nhiên khó có thể ghi lại dưới dạng hình ảnh, nên Hollywood phải "khuếch đại" nó lên để tạo vẻ kịch tính trên phim.

Ngoài ra, những vụ nổ thực còn rất, rất nguy hiểm. Các nhà làm phim muốn có được những vụ nổ lớn nhất, to nhất có thể mà không khiến bất kỳ ai thương vong hay bất kỳ tòa nhà nào bị phá hủy. Các vụ nổ trên phim phải trông thật "khủng", nhưng chỉ là "trông" mà thôi, chứ không thể "khủng" thật được.

Kỹ xảo thực tế

Các vụ nổ trong phim Hollywood phải phù hợp với bối cảnh đang diễn ra. Một vụ nổ lớn, với một đám mây bụi khổng lồ và hàng loạt các vật thể bị phá hủy ngay lập tức đơn giản là không cho nhân vật chính cơ hội để buông ra một câu thoại "chất". Thay vào đó, hầu hết các vụ nổ trên phim đều có diễn biến chậm hơn thực tế, với những quả cầu lửa hoành tráng trông rất nguy hiểm, dù rằng chúng không phải thế. Suy cho cùng, thứ người ta nhớ nhất khi xem phim hành động chẳng phải là những vụ nổ hoành tráng hay sao?

Để tạo ra lửa, các kỹ thuật viên pháo hoa sẽ làm điều mà ai cũng sẽ làm: sử dụng rất nhiều vật liệu dễ cháy. Phổ biến nhất là các chất lỏng dễ bắt lửa như dầu hỏa và xăng, cùng các hỗn hợp bột khô. Bộ phim có vụ nổ lớn nhất từng được quay, Spectre (thuộc loạt phim James Bond), sử dụng đến 8.418 lít nhiên liệu và chỉ khoảng 31kg chất nổ mà thôi – đủ để tạo ra một vụ nổ lớn, và quan trọng hơn là tạo ra được một quả cầu lửa khổng lồ!

Với các hiệu ứng hình ảnh khác liên quan vụ nổ, như những cánh cửa xe hơi và người bay tứ tung trong không khí, Hollywood làm điều họ giỏi nhất: làm giả. Để ném bay các vật thể, bộ phận kỹ xảo đặc biệt thường sử dụng pháo khí. Đây là công cụ sử dụng khí nén để phóng bất kỳ thứ gì, từ rác, máu, hay một… chiếc xe tải vào không khí. Bởi áp suất có thể được kiểm soát một cách chính xác, nên phương thức này an toàn hơn nhiều so với các vụ nổ.

Khi cần quay cảnh người bay trong không khí, bộ phận đóng thế sẽ bắt tay vào việc. Các diễn viên đóng thế thường sử dụng những tấm bạt lò xo nhỏ (sẽ bị loại bỏ trong khâu hậu kỳ máy tính) hoặc dây để nhảy trong không khí. Bằng cách canh chỉnh thời gian của vụ nổ trùng với thời điểm các diễn viên đóng thế bay khỏi mặt đất, cảnh quay sẽ trông như họ bị ném tung lên bởi lực phát ra từ vụ nổ vậy.

Kỹ xảo máy tính thì sao?

Hầu hết các bộ phim bom tấn vẫn sử dụng các kỹ xảo thực tế để tạo ra các vụ nổ vì một vài lý do sau:

- Trông thật hơn. Khán giả thường có thể nhận ra một thứ gì đó được dựng hoàn toàn trên máy tính (CGI), đặc biệt khi quay cận cảnh.

- Các diễn viên đóng thế phản ứng chính xác hơn với các hiệu ứng vật lý so với các tín hiệu giả. Chính các diễn viên này là yếu tố tạo nên những cảnh cháy nổ chân thực nhất.

- Khiến mọi người bàn tán về phim nhiều hơn. Khán giả vẫn thích khi biết cảnh phim có sự đầu tư và được quay thật. Đó chính là lý do vì sao mỗi lần một ngôi sao, như Tom Cruise, tự thực hiện các pha hành động, mọi người lại được một phen trầm trồ và trở thành tin nóng trên các mặt báo.

Dù vậy, các vụ nổ vật lý gần như chắc chắn sẽ được tinh chỉnh, tăng cường hiệu ứng với kỹ thuật CGI trong giai đoạn hậu kỳ. Dây nhợ, pháo khí, bạt lò xo, cùng nhiều thứ khác sẽ được máy tính xóa bỏ, và lửa, kèm theo những đám mây bụi khổng lồ sẽ được thêm vào. Trong đoạn video ở trên, bạn có thể thấy đoàn làm phim Mad Max: Fury Road đã sử dụng hầu hết các hiệu ứng vật lý và sau đó khiến chúng hoành tráng hơn sau khi hậu kỳ.

Và đó chính là bí mật của Hollywood: sự kết hợp khéo léo giữa CGI, diễn viên đóng thế, và rất, rất nhiều lửa – tất cả tạo nên những vụ nổ trông cực kỳ đặc sắc mà không thổi bay bất kỳ cánh cửa xấu số nào!

Minh.T.T (theo MindBounce)

Chủ đề khác