VnReview
Hà Nội

'Tôi là não cá vàng': phim 'nhạt', kịch bản yếu kém dù ý tưởng và diễn viên tốt

'Tôi là não cá vàng' là một bộ phim có ý tưởng tốt, có những phân cảnh cảm động nhưng phần triển khai lại không được như ý, thậm chí 1 vài chi tiết trong tác phẩm rất vô lý và gây ức chế cho người xem.

'Sắc đẹp dối trá': Kịch bản quá nhiều sạn, phi lý và thiếu logic

3 năm vắng bóng, sang Mỹ định cư, sinh con rồi lại trở về Việt Nam, Khánh Hiền - chị Vinh của 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' mới tái ngộ màn ảnh rộng bằng bộ phim 'Tôi là não cá vàng'. Ngoài ra, tác phẩm điện ảnh kể trên còn quy tụ dàn diễn viên khá nổi tiếng như La Thành, Tuấn Trần, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang...

Dĩ nhiên, với một dàn diễn viên tên tuổi, 'không phải hạng xoàng' thì người hâm mộ có quyền trông đợi vào một tác phẩm xuất sắc, trọn vẹn hoặc ít ra là xem không bị ức chế bởi những tình tiết thiếu logic. Nhưng 'Tôi là não cá vàng' lại chỉ làm tốt ở phần ý tưởng, cái kết đau lòng khiến người ta phải nhớ và diễn xuất của các diễn viên. Còn lại, phần triển khai cốt truyện, sự logic trong bộ phim là rất đáng thất vọng.

Kịch bản 'Tôi là não cá vàng' đi theo hướng hài hước, tình cảm. Ở đó, bộ phim xoay quanh câu chuyện một nhà thiết kế thời trang tên Huyền (Khánh Hiền). Cô gái trẻ rất tài năng nhưng lại bị căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer khiến bản thân luôn nhớ nhớ quên quên về mọi thứ xung quanh mình. Đang lúc chưa phát hiện ra mình bị bệnh, Huyền bị chồng tương lai (Tuấn Trần) chia tay với lý do cô hay quên. Đau khổ, suy sụp, nhà thiết kế thời trang trẻ tình cờ gặp gỡ Thoại (La Thành). Dù biết bệnh tình đối phương nhưng anh vẫn ở bên cô gái, tỏ tình và có được tình yêu của Huyền.

Câu chuyện phim từ đó xoay quanh mối tình của Thoại và Huyền với những éo le, bi kịch nhưng lại tràn ngập sự yêu thương. Bộ phim kết thúc khi nhà thiết kế thời trang trẻ dần nhớ ra được người bên mình lúc trọng bệnh nhưng anh đã mãi mãi ra đi vì tai nạn giao thông.

Ý tưởng tốt nhưng kịch bản quá tệ

Điểm được khen nhất của 'Tôi là não cá vàng' chính là ở phần ý tưởng. Dù chứng mất trí nhớ không thiếu trong các tác phẩm của điện ảnh Việt nhưng 'Tôi là não cá vàng' gần như là một trong những bộ phim đầu tiên đi sâu, chi tiết vào căn bệnh Alzheimer. Xem tác phẩm của đạo diễn Lê Hướng Nam giúp khán giả hiểu hơn về cuộc sống của những người bị mất trí nhớ. Bản thân họ chẳng thể nào nhớ được những gì xảy ra trong quá khứ. Thậm chí, đến những sự việc vừa xảy ra họ còn quên.

Qua diễn xuất tốt, tròn trịa và đôi mắt thần thái của Khánh Hiền, người xem càng có nhiều cảm xúc thương cảm hơn với người bị căn bệnh này. Không chỉ vậy, bộ phim còn xây dựng câu chuyện từ lúc Huyền mới bị bệnh cho đến khi phát hiện ra, điều trị, khỏi bệnh. Gần như mọi chi tiết về Alzheimer đều được thể hiện rõ trong 'Tôi là não cá vàng'.

Tuy nhiên, ngoài ý tưởng tốt ra thì 'Tôi là não cá vàng' còn quá nhiều 'hạt sạn'. Bộ phim được giới thiệu theo thể loại hài hước, tình cảm nhưng cả 2 yếu tố đó đều không được làm 'đến nơi đến chốn'. Tựu chung lại hơn trong 90 phút bộ phim nằm ở một chữ 'nhạt'.

Nói tác phẩm này là một bộ phim hài thì chắc chắn không đúng bởi các tình tiết trong phim dù đôi khi được làm cố tình hài lên nhưng khán giả không thể cười nổi. Sự xuất hiện của Kiều Minh Tuấn trong vai tài xế và Quách Ngọc Tuyên (vai giang hồ) cùng 2 đàn em trong bộ phim được hiểu là để gây hài. Cả 2 diễn viên này đều diễn rất có duyên nhưng mảng miếng gây hài lại quá cũ, nhiều khi là vô duyên khiến người xem khó có thể cười nổi.

Đáng nói hơn nữa, có vẻ như đạo diễn Lê Hướng Nam cố tình lái rất nhiều tình tiết theo hướng gây cười, từ cách xuất hiện của Kiều Minh Tuấn, Khánh Hiền, Thu Trang đến những tình huống đuổi bắt trong phim. Tuy nhiên, do tất cả được làm cường điệu lên, không có mảng miếng cụ thể nên nếu khán giả có cười thì cũng chỉ là do sự duyên dáng của diễn viên chứ thực sự về tình tiết thì khó mà vui nổi.

Xét về yếu tố tình cảm, kịch bản bộ phim cũng làm rất dở, mối liên hệ trong câu chuyện về 'tình tay 3' là không hề có. Người xem không thể hiểu nổi vì sao Hiền lại có tình cảm sâu đậm với người yêu cũ đến như vậy. Đồng thời, cũng không hiểu vì sao cô lại dễ chấp nhận và yêu sâu đậm một nhiếp ảnh gia mới gặp đến như vậy. Chỉ sau 1 cơn mưa, Thoại cầm ô ra nói vài lời với Huyền là sáng hôm sau Huyền có tình cảm với anh ta.

Yếu tố tình cảm trong phim được làm tốt ở những phút cuối phim với cái chết của Thoại. Sự dằn vặt, đau khổ của Huyền là điểm nhấn lớn nhất trong 'Tôi là não cá vàng'. Nhưng ngoài ra, nếu muốn thưởng thức một bộ phim tình cảm đúng nghĩa thì khán giả không thể vừa lòng với những phần còn lại trong bộ phim. Việc yêu của các nhân vật chính được làm hời hợt, chỉ chú trọng vào các cảnh quay lãng mạn. Họ chưa yêu sâu đậm, chưa quá dằn vặt, đau khổ, hạnh phúc vì người mình yêu thì bi kịch đã xảy ra.

Nói chung, 'Tôi là não cá vàng' làm tốt ở mảng ý tưởng. Nhưng từ ý tưởng tốt đến kịch bản hay, để lại cảm xúc sâu sắc cho người xem thì là quãng đường rất dài. Tiếc là bộ phim không đi được hết con đường này bởi sau khi xem tác phẩm, có lẽ khán giả chỉ nhớ về căn bệnh Alzheimer, còn tình tiết thì ít ở lại trong đầu.

Quá nhiều sự phi lý, thiếu logic

Kịch bản quá yếu khiến 'Tôi là não cá vàng' trở thành một bộ phim sở hữu quá nhiều sự phi lý, thiếu logic. Đây là điều mà tác phẩm giống với một số bộ phim Việt ra mắt từ đầu năm đến nay như 'Sắc đẹp dối trá' hay 'Cuốc xe nửa đêm'. Có vẻ như điểm yếu về logic vẫn là 'nỗi đau đáu' chưa lời giải của điện ảnh nước nhà.

Sự thiếu logic khiến tác phẩm đứt đoạn, gãy vụn ở mỗi lần chuyển cảnh. Chẳng hạn như sự xuất hiện quá dư thừa của Kiều Minh Tuấn, Quách Ngọc Tuyên trong phim. Họ đương nhiên với đẳng cấp của mình vẫn diễn xuất tốt nhưng xuất hiện trong bộ phim này là quá dư thừa, không có ý nghĩa gì lớn và hết vai cũng quá đột ngột.

Đặc biệt hơn, sự thiếu logic của bộ phim còn đến từ những tình tiết rất quan trọng. Ví dụ như màn chia tay của Tuấn Trần và Khánh Hiền diễn ra với nguyên nhân thực sự là chàng trai khiến một cô gái khác bị tai nạn và phải cưới cô ấy làm vợ. Nguyên nhân này là rất lãng xẹt bởi nếu yêu đến mức của 2 nhân vật chính trong phim thì họ không thiếu cách để giải quyết vấn đề kể trên.

Ngoài ra, dù yêu nhau nhưng khi biết Khánh Hiền hay quên, Tuấn Trần cũng không biết đường đưa bạn gái đi khám bệnh để xác định nguyên nhân. Khánh Hiền biết trí nhớ của mình là thế nào nhưng cũng không chịu tìm ra lý do và cách chữa trị. Nói chung, các nhân vật trong phim dường như rất ngây thơ trước căn bệnh của Khánh Hiền. Đây là một sự vô tư đến kỳ lạ và quá khó hiểu của bộ phim.

Một chi tiết nữa rất quan trọng nhưng lại là sự gượng ép vô lý và quá thiếu logic chính là phân đoạn Khánh Hiền bị ngã xuống nước. Khi bị rượt đuổi, đáng lẽ La Thành phải luôn ở bên người yêu mình vì cô gái đang bị bệnh mất trí nhớ. Nhưng không, anh và Khánh Hiền lại chia ra mỗi người một đường để thoát thân. Để rồi đến lúc cô gái bị dồn vào đường cùng, bị ngã xuống nước thì La Thành cũng không ở bên và sau đó mới phát hiện ra để cứu. Đây gần như là một tình tiết gượng ép để câu chuyện được đẩy lên kịch tính bởi thực tế nếu yêu say đắm như La Thành thì chắc chắn không ai bỏ rơi người yêu tự chạy trốn như vậy.

Ngoài ra, sự xuất hiện của Quách Ngọc Tuyên và 2 đệ tử của mình trong phân đoạn rượt đuổi cũng rất vô lý. Những xích mích nhỏ ngoài đời không đến mức phải thù dai đến như vậy. Và khi đã có mối thù thì những nhân vật này cũng đuổi theo La Thành, Khánh Hiền như trẻ con chơi trò đuổi bắt, rất nhắng nhít và không nên xuất hiện trên màn ảnh rộng.

Phần kịch bản của 'Tôi là não cá vàng' cố ý đưa các chi tiết hài hước vào để tăng thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, có cảm giác như càng những cảnh cố tình gây cười trong tác phẩm thì người xem lại càng không cười nổi. Cùng với đó, sự hời hợt trong cách ghép nối các phân cảnh với nhau khiến bộ phim thiếu đi tính logic nghiêm trọng. Đạo diễn bộ phim dường như chỉ muốn giải thích các vấn đề trong tác phẩm theo kiểu cho có, không sâu sắc và thiếu đi ý tưởng đột phá.

Diễn viên diễn xuất tốt nhưng lời thoại quá kịch

2 vai chính trong bộ phim được giao cho La Thành và Khánh Hiền. Nói chung, cả 2 người đều diễn xuất tốt, một phần vì vai không khó nhưng cũng không thể phủ nhận được tài năng và sự cố gắng của họ.

La Thành hóa thân vào nhân vật Thoại, tuy không đẹp trai nhưng lại ấm áp, tinh tế, biết quan tâm đến người mình yêu. Anh ghi điểm với ánh mắt đầy tình thương yêu với Khánh Hiền, những hành động và biểu cảm gương mặt rất nam tính. Đặc biệt hơn, ở các phân đoạn cần diễn nội tâm với sự đau khổ, hy sinh thì La Thành đều diễn tốt.

Đối với Khánh Hiền, để diễn tốt được nhân vật Huyền trong 'Tôi là não cá vàng' thì chắc chắn cô đã có một cố gắng rất lớn. Bộ phim yêu cầu Khánh Hiền phải có đầy đủ cảm xúc từ nhí nhảnh, đáng yêu, hài hước, đau khổ, mặc cảm, nỗi nhớ nhung da diết với người yêu... Tất cả cô đều làm ít nhất là tròn vai trở lên.

Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Quách Ngọc Tuyên, Tuấn Trần cũng diễn xuất ổn. Họ đều có kinh nghiệm trong nghề và được đặt vào đúng những vai sở trường của mình nên việc thể hiện tốt là điều không mấy ngạc nhiên.

Tuy nhiên, như đã nói, đáng lẽ với dàn diễn viên chất lượng như vậy thì 'Tôi là não cá vàng' phải là một bộ phim tốt. Tuy nhiên, nó dở ngay cả ở phần lời thoại. Tác phẩm có quá nhiều câu thoại mang tính kịch. Đặc biệt hơn, ở phần đầu khi Khánh Hiền trò chuyện với madam thì các câu nói của 2 nhân vật được làm quá lên, âm thanh phát ra không khớp với khẩu hình khiến người xem vô cùng khó chịu.

Với những người khó tính, phần lời thoại của bộ phim chẳng khác gì một MV ca nhạc thị trường từ cách đây 15 năm, rất kịch, đầy sướt mướt nhưng quá phi thực tế.

Kết

'Tôi là não cá vàng' quy tụ dàn diễn viên tài năng, nổi tiếng với chủ đề mang tính nhân văn cao về căn bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần kịch bản của bộ phim được làm quá non tay dẫn đến sự thiếu logic trầm trọng, trải dài ở nhiều phân đoạn. Điều này khiến tác phẩm trở nên rất 'nhạt' và gần như không để lại ấn tượng gì cho người xem.

Phim hiện đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.

Chủ đề khác