VnReview
Hà Nội

"Bằng chứng vô hình": Phim điện ảnh Việt đáng xem nhất tại các rạp phim lúc này!

'Bằng chứng vô hình' là bộ phim điện ảnh Việt Nam hiếm hoi ở thể loại hình sự làm tốt trong việc chuyển thể một tác phẩm của nước ngoài dù vẫn còn một số điểm không quá xuất sắc.

Phim 'Sky tour movie' của Sơn Tùng MTP: Làm tốt phần nghe/nhìn, còn nội dung siêu mỏng và rời rạc

'Bằng chứng vô hình' được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh làm lại từ bộ phim 'Blind' (tựa Việt: Nhân chứng mù) của Hàn Quốc. Đây là tác phẩm điện ảnh thứ 2 của Trịnh Đình Lê Minh sau 'Thưa mẹ con đi' vào năm 2019. Trước đó, đạo diễn này khá nổi tiếng với nhiều bộ phim tài liệu và phim ngắn như 'Chung cư của tôi', 'Ngọn gió về đâu' hay 'The Scent of Fissh Sauce'.

Tác phẩm gốc của 'Bằng chứng vô hình' là 'Blind' ra mắt năm 2011 và rất nổi tiếng ở châu Á. Tính cả bản Việt Nam thì đến nay đã có 4 quốc gia làm lại tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc. 3 nước còn lại là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. 'Blind' thu về hơn 16,1 triệu USD phòng vé, đoạt giải biên kịch xuất sắc nhất tại lễ trao giải chuông vàng lần thứ 48. Diễn viên Kim Ha Neul cũng thắng giải nữ chính xuất sắc nhất tại cả lễ trao giải Chuông vàng và Rồng Xanh trong cùng năm 2011 với bộ phim kể trên.

Khi làm lại một bộ phim đã thành công vang dội, chắc chắn bất kỳ ai cũng sẽ thấy áp lực và gặp khó khăn trong việc triển khai ý tưởng để làm sao tác phẩm mới lên nhưng không làm mất những vấn đề cốt lõi. Nói chung 'Bằng chứng vô hình' tuy còn mắc phải một vài lỗi về hội thoại mang tính sân khấu ở một vài phân đoạn, xây dựng nhân vật phản diện chưa quá nổi bật... nhưng đã làm tốt ở rất nhiều điểm quan trọng. Vì thế, khán giả khi xem bộ phim này sẽ không cảm thấy khó chịu vì những lỗi sơ đẳng như nhiều bộ phim điện ảnh mang tính hình sự trước đây của Việt Nam.

Tình hình điện ảnh Việt Nam trong thời gian hậu Covid-19 rất ảm đạm, các phòng vé vô cùng vắng vẻ và cũng không có nhiều tác phẩm nổi bật. 'Bằng chứng vô hình' là một bộ phim tốt, đáng để thưởng thức và là một trong những 'con át chủ bài' của đơn đơn vị sản xuất trong năm 2020. Vì vậy, khán giả nếu có thể thì nên đến rạp để xem bộ phim này, vừa để thưởng thức một tác phẩm hình sự kịch tính, vừa ủng hộ điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ khó khăn hậu Covid-19.

Bộ phim xuất sắc ở nội dung

'Bằng chứng vô hình' là một bộ phim đi theo thể loại hình sự kịch tính (crime thriller). Để làm thành công một bộ phim kiểu này đòi hỏi cần có một kịch bản chặt chẽ, dàn diễn viên biểu cảm gương mặt xuất sắc - 2 thứ thường là điểm yếu của phim Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng mừng là 'Bằng chứng vô hình' đã thực hiện khá tốt những điều trên và biến nó trở thành bộ phim Việt đáng xem nhất thời điểm này tại các rạp phim.

Bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giữ gần như nguyên vẹn những ý chính của tác phẩm gốc. Đó là câu chuyện về một cô gái khiếm thị tên Thu (Phương Anh Đào) tình cờ trở thành nhân chứng của một vụ tai nạn. Trước đó 3 năm, cô từng là học viên xuất sắc của một trường cảnh sát nhưng sau một tai nạn, thu mất đi thị giác, phải nghỉ học và mất luôn người em trai của mình.

Những biến động kinh hoàng khiến trong 3 năm, Thu phải làm quen với cuộc sống không ánh sáng và dằn vặt với nỗi đau mất em. Trở lại với cuộc sống thực tại, cô gái trẻ sau khi là nhân chứng của một vụ tai nạn thì bất ngờ gặp nguy hiểm khi nhân vật bí ẩn luôn theo dõi và biến cô thành mục tiêu mới. Thu lúc này vừa phải tận dụng kỹ năng nghiệp vụ có được trong quá trình theo học ngành cảnh sát trước đây, vừa hợp tác với cảnh sát và vừa cùng Hải (Otis) - nhân chứng thứ 2 để tìm kẻ giết người. Trong quá trình đó, những ký ức về người em trai trước đây đan xen với các sự việc ở hiện tại khiến Thu phải sống trong sợ hãi và chỉ có chính cô mới có thể tự giải thoát cho bản thân mình.

'Bằng chứng vô hình' dù là một bộ phim remake nhưng được làm mới tương đối nhiều về cả câu thoại, bối cảnh và cả phục trang sau cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những cảnh như đám giỗ của em trai Thu, bến xe bus thay cho tàu điện ngầm của bản gốc, căn nhà ngoại ô... là điểm mới cho thấy sự cố gắng trong việc hợp lý hóa các chi tiết của đạo diễn Trình Đình Lê Minh.

Mạch phim của 'Bằng chứng vô hình' được làm có chiều sâu, rất hợp lý, bóc tách từng mảng của vấn đề. Các chi tiết trong tác phẩm diễn ra với sự hồi hộp, kịch tính rất cao với những cảnh rượt đuổi kịch tính. Cảnh rượt đuổi của tên sát nhân (Quang Tuấn) với Thu được thực hiện một cách chuẩn xác và có thể được coi là một trong những phân đoạn hành động tốt nhất của điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Thu tuy bị khiếm thị nhưng với sự trợ giúp của Hải (Otis) bằng camera điện thoại đã khiến tên sát nhân 'toát mồ hôi'. Khung cảnh ở phân đoạn này được làm kỹ, tầng hầm chung cư nơi sự việc diễn ra rất rộng rãi và có chút tối tăm khiến khán giả hồi hộp và thực sự thót tim với màn rượt đuổi kể trên.

Câu chuyện trong 'Bằng chứng vô hình' ít có những thứ như kiểu 'biến cố kinh hoàng' như nhiều bộ phim hành động phổ biến hiện nay. Nó đi theo hướng bóc tách từng mảng tâm lý của nhân vật, xây dựng mối quan hệ giữa họ và giải quyết vấn đề bằng việc nhân vật chính tự mình định đoạt thứ đã ám ảnh mình bao lâu nay. Điều này có nghĩa tác phẩm không đề cao vào các tình tiết hành động, giật gân mà tạo nên sự kịch tính theo hướng khoa học, kết hợp với âm thanh và khung cảnh để biến nỗi sợ hãi và tội ác trở nên hồi hộp nhất có thể. Cùng với đó, điều đáng khen nữa của 'Bằng chứng vô hình' là nó không có hài nhảm - thứ tràn ngập điện ảnh Việt trong những năm qua.

Thu trong vai trò là nhân vật chính, dẫn dắt câu chuyện từ đầu đến cuối được xây dựng cho hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán dù đôi lúc có những phút yếu lòng bởi ám ảnh trong quá khứ sau khi em trai qua đời. Điểm đáng khen của bộ phim là đã kết hợp cả quá trình phá án, tìm ra kẻ sát nhân vào hành trình giải thoát ám ảnh của nhân vật chính. Đến đoạn kết, 2 vấn đề nói trên được nhập làm một và Thu chính là người giải quyết nó. Đây được coi là cách làm thông minh, sáng tạo của những người làm phim bởi nó tạo cho tác phẩm một mạch truyện hấp dẫn, logic và một cái kết đủ an toàn.

Tuy nhiên, 'Bằng chứng vô hình' vẫn có một điểm yếu lớn và vô cùng đáng tiếc đó là việc xây dựng nhân vật phản diện chưa đủ tàn nhẫn và chưa đủ lý do để gây nên tội ác. Điều này có thể đến từ việc đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã quá tập trung xây dựng từng mảng tâm lý cho Thu, biến cô gái trở thành tâm điểm của mọi vấn đề và không còn đủ thời gian để tạo nên một kẻ sát nhân đủ 'máu lạnh' nữa. Thực sự khi xem phim khán giả sẽ không thể nào hiểu được lý do vì sao nhân vật do Quang Tuấn thủ vai lại có những hành vi mang tính tàn độc như vậy. Anh có vấn đề về nhận thức và hành vi nhưng không được thể hiện một cách rõ ràng, các hành động của anh cũng chưa đủ độ tàn độc của một kẻ 'máu lạnh' khiến cả thành phố phải tìm kiếm.

Nói chung, 'Bằng chứng vô hình' là một bộ phim làm lại từ tác phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc nhưng trong quá trình Việt hóa đã thực sự xuất sắc để khắc phục những điểm yếu cố hữu ở thể loại hình sự mà điện ảnh nước nhà thường mắc phải. Nội dung của bộ phim mang tính logic cao, ít 'sạn' và với những người thích thể loại hồi hộp, kịch tính thì đây là một tác phẩm đáng thưởng thức.

Dàn diễn viên đầy tiềm năng

'Bằng chứng vô hình' được đánh giá là màn trình diễn mang tính đột phá và tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp của Phương Anh Đào. Chưa biết tác phẩm này có thành công trong việc chinh phục doanh thu phòng vé hay không nhưng với 'ngọc nữ' mới của điện ảnh Việt Nam thì đây chắc chắn là điểm sáng trong sự nghiệp của cô.

Bỏ lại sau lưng những vai diễn ở thể loại tình cảm - hài hước trong 'Chàng vợ của em' hay 'Nhắm mắt thấy mùa hè'..., Phương Anh Đào có diễn xuất đột phá, đòi hỏi chiều sâu về tâm lý cao hơn rất nhiều trong 'Bằng chứng vô hình'. Khi đóng vai một cô gái khiến thị, cô đã khắc họa rõ nét tâm lý của nhân vật qua từng khung cảnh. Xem cô diễn, khán giả sẽ đi từ trạng thái thương xót cho hoàn cảnh đến khâm phục sự cố gắng của nhân vật. Trong 'Bằng chứng vô hình', Phương Anh Đào vẫn rất xinh đẹp nhưng nét mặt khi đóng phim hình sự đã cứng cáp hơn rất nhiều, giọng nói cứng cỏi và chuyển biến tâm lý cũng rất khéo léo. Theo các nguồn tin bên lề, cô đã phải dành cả tháng trời để học cách sinh hoạt của người khiếm thị nhằm nhập tâm chuẩn xác nhất vào vai diễn. Đây được coi là sự cố gắng, đầu tư rất lớn của Phương Anh Đào, cho thấy nỗ lực của cô để có được những thước phim xuất sắc và đáng xem nhất.

Quang Tuấn trong 'Bằng chứng vô hình' được đảm nhận vai kẻ sát nhân máu lạnh. Anh là một diễn viên có kinh nghiệm, từng đóng một vai gần tương tự trong 'Thất sơn tâm linh'. Không nói đến việc nhân vật của Quang Tuấn chưa được xây dựng tốt (lỗi của kịch bản) thì diễn viên sinh năm 1985 này cũng đã làm tốt về khả năng diễn xuất của mình. Anh tạo cho người xem cảm giác đáng sợ ở từng phân cảnh với đôi mắt sắc lạnh, nụ cười bí hiểm, giọng nói cợt nhả.

Anh tạo ra nỗi ám ảnh cho người xem từ đầu đến cuối phim dù được lộ mặt từ đầu (các nhân vật phản diện trong thể loại này thường được giấu mặt, đến cuối phim mới lộ). Trong các phân đoạn diễn tả sự biến thái như quan hệ với người chết, lấy mắt người chết... Quang Tuấn thể hiện nét mặt chuẩn phản diện và ánh mắt đủ khiến người xem cảm thấy sợ hãi, không dám nhìn lên màn ảnh rộng.

Trong bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh còn có sự xuất hiện của Ái Phương. Cô vào vai một nữ cảnh sát tên Hòa, đảm trách vụ án liên quan đến Thu và giữ vai trò then chốt trong việc tìm ra kẻ sát nhân. Những phân cảnh có mặt nữ ca/nhạc sĩ này không quá nhiều và cũng không quá khó. Cô diễn xuất ở mức tròn trịa, nắm bắt tâm lý nhân vật tốt và gần như không có bất kỳ một lỗi nào. Qua vai diễn này, có thể thấy Ái Phương nên suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển sang mảng điện ảnh bởi cô thực sự có khả năng và có cả ngoại hình.

Nhắc tới 'Bằng chứng vô hình' thì cũng phải nhắc tới Otis trong vai Hải - người đồng hành cùng Thu trong việc hạ gục tên sát nhân. Nhân vật này được xây dựng tính cách theo hướng ngổ ngáo, bướng bỉnh, trẻ con nhưng lại khá nam tính và bản lĩnh. Otis diễn xuất trong phim ở mức tròn vai dù còn phạm phải một vài lỗi nhỏ trong cách biểu cảm gương mặt và giọng nói chưa quá chuẩn. Tuy nhiên, do là một diễn viên trẻ nên những lỗi nhỏ này có thể bỏ qua bởi dù sao ở những phân cảnh quan trọng thì Otis cũng đã làm tốt.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng chia sẻ anh mất 2 tháng mới tìm được đầy đủ dàn diễn viên ưng ý cho 'Bằng chứng vô hình'. Đây là một sự đầu tư kỹ càng, có chọn lọc và mang lại hiệu quả rất cao cho tác phẩm. Tất cả các diễn viên trong phim đều thể hiện ở mức tròn vai trở lên. Trong đó, những người như Phương Anh Đào, Quang Tuấn thì ở mức xuất sắc. Nó khiến người xem có thể hiểu được tính cách từng nhân vật mà đạo diễn xây dựng và diễn biến bộ phim cũng không bị ngắt quãng bởi sự khó chịu khi xem ai đó thực hiện một cảnh quay tệ.

Kết

Tác giả của bài viết có đến 2 rạp chiếu phim khác nhau khá nổi tiếng ở Hà Nội trong 2 ngày liên tiếp để xem 'Bằng chứng vô hình' và nhận thấy có khá ít người mua vé xem bộ phim này. Đây thực sự là một tác phẩm điện ảnh tốt, nội dung logic, được làm tỉ mỉ, dàn diễn viên đẹp, thể hiện tốt trong từng phân cảnh. Vì vậy, nếu có điều kiện bạn nên đi xem 'Bằng chứng vô hình', vừa để thưởng thức một tác phẩm tốt, được làm rất có tâm, đầy cố gắng và vừa để ủng hộ điện ảnh Việt Nam vượt qua giai đoạn đầy khó khăn thời hậu Covid-19 này.

T.T

Chủ đề khác