VnReview
Hà Nội

Nỗ lực ‘nịnh bợ’ Trung Quốc của Disney đã trở thành bom xịt

Phiên bản chuyển thể live-action đang gây phản ứng tiêu cực trên toàn cầu. Còn riêng với khán giả Trung Quốc, bộ phim bị chỉ trích vì nhiều lý do khác nhau.

Bài viết thể hiện quan điểm của hai nhà báo Amy Qin và Amy Chang Chien của tờ The New York Times về bộ phim thất bại mới nhất của Disney, VnReview xin lược dịch cho bạn đọc.

Đầu tư hẳn ngân sách hoành tráng 200 triệu USD, được thiết kế hướng tới thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, Disney từng kỳ vọng bom tấn Mulan của mình sẽ trở thành một cú nổ phòng vé. Một thắng lợi nữa nối tiếp mạch live-action đang rất thành công trong những năm trở lại đây của nhà Chuột. Thế nhưng, ngay cả khán giả Trung Quốc cũng không hài lòng với bộ phim.

Nồi lẩu thập cẩm giữa Đông và Tây

Các nhà làm phim đã rất cố gắng tìm hiểu văn hóa Trung Quốc để truyền tải lên phim, tuy nhiên, nỗ lực của họ vẫn không đủ để thể hiện những giá trị mang tính lịch sử một cách đúng đắn. Họ tạo ra Mulan phảng phất đâu đó phong cách phương Tây trong khi không thể xóa bỏ được những định kiến vốn có về văn hóa Á Đông.

Những tưởng sẽ là một bom tấn, "Mulan" mở màn thất bại tại Trung Quốc khi thu về chỉ 23 triệu USD (ảnh: Getty Images)

Tiếp theo, tuyển chọn một dàn diễn viên hùng hậu của điện ảnh Hoa ngữ như Chân Tử Đan, Củng Lợi, Lý Liên Kiệt, Lưu Diệc Phi và Trịnh Phối Phối, nhằm kéo khán giả đến gần hơn với tác phẩm qua những gương mặt quen thuộc. Nhưng lời thoại trong phim lại sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, khiến nó trở nên lạc lõng trong tổng thể bối cảnh diễn ra hoàn toàn ở Trung Quốc.

Qiu Tian, ​​30 tuổi, giáo viên tâm lý tại một trường đại học Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Thật đau đớn! Bộ phim là một sự phí phạm danh tiếng của nhân vật Hoa Mộc Lan. Đạo diễn thực sự chẳng hiểu gì về cô và đã bóp méo đầy cứng nhắc nhân vật này thành một anh hùng, một biểu tượng nữ quyền cực đoan".

Không phải trường hợp duy nhất thất vọng với bộ phim. Theo số liệu thống kê, Mulan mở màn tại Trung Quốc với 23 triệu USD trong tuần đầu. Con số tuy đủ để dẫn đầu phòng vé nhưng lại kém xa mức kỳ vọng ban đầu của lãnh đạo công ty. Một bom tấn khác cũng có ngân sách 200 triệu USD là Tenet, đạo diễn bởi Christopher Nolan, thậm chí còn thu về 29,6 triệu USD.

Bộ phim còn vướng phải những lùm xùm chính trị không đáng có (ảnh: Shutterstock)

Bị giới chính trị hai nước quay lưng

Hầu hết các rạp ở Trung Quốc chỉ hoạt động với 50% công suất để tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Nhưng đó không phải lời biện hộ cho thành tích yếu kém của bộ phim. Phần credit cuối phim có một số lời cảm ơn của Disney gửi tới các đoàn thể, tổ chức và cơ quan đã giúp đỡ họ hoàn thành Mulan. Trong đó có những cơ quan nằm tại Tân Cương, nơi đang là tâm điểm tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vì lý do chính trị này, các quan chức đã yêu cầu truyền thông địa phương hạn chế đưa tin về phim để tránh gây thêm chú ý với thế giới. Ngược lại, giới chức Mỹ tỏ ra khó chịu khi Disney thực hiện dự án tại địa điểm nhạy cảm như vậy, đẩy làn sóng tẩy chay phim dâng cao hơn. Cuối cùng, đúng vào thời khắc bộ phim cần được đánh bóng trên truyền thông nhất thì lại bị quay lưng từ cả hai phía.

Cố chiều chuộng Trung Quốc

Hãng phim đã thuê một đội ngũ tư vấn và các nhà sử học để đảm bảo bộ phim giành được trái tim khán giả Trung Quốc. Họ đã cắt một cảnh hôn giữa Mộc Lan và người yêu của cô sau khi khán giả ở đây phản đối. Disney cũng cố gắng mở rộng địa điểm quay phim để đưa lên phim nhiều bối cảnh Trung Quốc nhất có thể, lên tới hơn 20 nơi.

Chọn Lưu Diệc Phi vào vai Hoa Mộc Lan cuối cùng không đem lại kết quả gì cho Disney (ảnh: Disney)

Đồng Chủ tịch của Walt Disney là ông Alan F. Horn đã nói với The Hollywood Reporter vào năm ngoái: "Nếu Mulan mà không thành công ở Trung Quốc, chúng tôi coi như xong". Cho thấy rất rõ trong suy nghĩ của Disney, sự thành bại của dự án ngốn 200 triệu USD này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tỷ dân. Có thể chính vì điều này mà họ đã tự làm khó mình.

Hoa Mộc Lan là một hình tượng cực kỳ nổi tiếng trong văn hóa Trung Quốc. Tất cả những người đi xem phim đều đã được dạy về câu chuyện của một cô gái trốn khỏi gia đình, thay cha đi tòng quân và sau này trở thành người hùng đất nước vì chống giặc ngoại xâm. Cô là hiện thân của lòng hiếu thảo với cha mẹ, gần đây được bổ sung thêm lòng trung thành với quốc gia.

Một nhà phê bình người Trung Quốc là Lu Hang nói: "Bộ phim đã mô tả một phiên bản tưởng tượng về đất nước Trung Hoa, rất nhiều người không thể chấp nhận được điều đó". Cuối cùng, khán giả chấm phim 4,9/10 tại trang Douban, một phiên bản IMDb của Trung Quốc. Các yếu tố văn hóa Á Đông trong phim thay vì làm hài lòng người dân ở đây, lại khiến bộ phim bị ghẻ lạnh.

Phim hiện đang được chấm 4,9/10 với chỉ 3,9% đánh giá 5 sao

Một Trung Quốc tưởng tượng đầy cẩu thả

Vô số những chỉ trích nhắm vào các yếu tố lịch sử và văn hóa thể hiện trong phim. Ví dụ Hoa Mộc Lan được cho là sống ở thời Bắc Ngụy, nhưng kiến trúc thổ lâu trong phim lại tồn tại ở vùng Phúc Kiến phía nam.

Người xem cũng đặt câu hỏi xoay quanh nguồn năng lượng "Qi" (khí) được mô tả trong phim - thường chỉ xuất hiện ở các bé trai. Nhưng trong triết học Trung Hoa, "khí" vốn là lực lượng tự nhiên tồn tại trong mọi sinh vật ở vũ trụ.

Một số than thở phim thiếu hụt các tình tiết gây cười nhẹ nhàng. Trong khi nhiều ý kiến khác lại nhớ hình ảnh của Mộc Tu (Mushu), chú rồng khôn ngoan trong phiên bản hoạt hình năm 1998.

Ở phiên bản live-action, phượng hoàng thay thế Mộc Tu không đóng góp gì nhiều và thậm chí còn bị biến thành linh vật canh cửa cho nhà Mộc Lan. Điều này đi ngược lại hiểu biết thông thường về phượng hoàng, vốn là hình tượng loài chim cao quý.

Cố gắng sản xuất một bộ phim trưởng thành và nghiêm túc hơn, nhưng sản phẩm cuối lại bị chê là "mớ hổ lốn" (ảnh: Disney)

Tờ Global Times nhận xét: "Bộ phim chỉ là mớ hổ lốn thể hiện các yếu tố Á Đông trong con mắt nhìn của người phương Tây". Phản ứng mờ nhạt của khán giả là hệ quả tất yếu của phong cách làm phim "tự cho mình là đúng" của Disney.

Silvia Zhang, 35 tuổi, một nhà biên kịch ở Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại sau khi tham gia một buổi chiếu phim: "Có quá nhiều góc nhìn đưa ra trong phim hoàn toàn khác biệt với thực tế từ góc nhìn của một người Trung Quốc bình thường". Cô chỉ trích các tòa nhà thổ lâu sai lệch lịch sử, rồi kiến trúc cung đình mang dáng dấp của triều Tống với cung nữ đi lại tự do. Trong khi đó, lối trang điểm của Mộc Lan khi đi gặp bà mối lại học hỏi từ thời... nhà Đường.

Trong phim, Hoa Mộc Lan được cho là người Hán và phục vụ hoàng đế, chống lại cuộc xâm lăng của tộc Nhu Nhiên. Nhưng theo các nhà sử học, đáng lý cô phải là người Tiên Ti sống ở thời Bắc Ngụy chứ không phải dân tộc Hán. Người cai trị cô nên là một Khả Hãn thay vì hoàng đế, do Lý Liên Kiệt thủ vai.

Cuối cùng, Hoa Mộc Lan phiên bản live-action đã trở thành một quả bom xịt. Kể cả khi không có đại dịch bùng phát, với hàng tá các vấn đề xuất phát từ chính bộ phim và những lùm xùm chính trị vây quanh, rất khó để nó thành công như Disney mong đợi.

Ambitious Man

Chủ đề khác